| Hotline: 0983.970.780

'Người rừng' ATK sở hữu diện tích rừng lớn nhất khu vực

Thứ Năm 22/06/2017 , 07:30 (GMT+7)

"Vua rừng", "người rừng" hay Đoàn "rừng" đều là những biệt danh được người dân địa phương đặt cho ông Hoàng Đình Đoàn (xóm Đồng Vang, xã Tân Thịnh, huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên).

13-59-10_dh
Quyết tâm giữ rừng, sống nhờ rừng của ông Đoàn là mô hình kiểu mẫu về giải pháp quản lý bảo vệ và phát triển kinh tế rừng hiệu quả

Đồng bào cũng không lạ câu chuyện về những nỗ lực không mệt mỏi của ông Đoàn, quyết tâm phá bỏ nghèo đói vỗn dĩ đã bám riết lấy gia đình ông từ lâu.
 

Vua nghèo

Lúc mới lập nghiệp, ông Đoàn còn có biệt danh khác là “vua nghèo”. Cả làng, cả tổng ai cũng cười ái ngại cho cặp chồng Tày, vợ Sán Chí là Hoàng Đình Đoàn và Ninh Thị Liên.

Ông Đoàn kể, đận ấy nghèo đói vĩ đại vô cùng, cưới được vợ về, không có chỗ ở riêng vì gia đình đông con, ông là con thứ hai trong gia đình có tới 10 người con. Vợ chồng ông mang mấy cái xoong, nồi, bát đĩa cũ, xin thêm bố mẹ cái chậu, cái phích là quà cưới của đoàn thanh niên ra ở riêng. Dân làng xúm lại dựng cho một cái lán để sống tạm. Ai cũng bảo, đã nghèo lại còn Rắn phủ Mèo thì sao mà chẳng khổ (ông Đoàn tuổi Quý Mão, SN 1963, vợ ông tuổi Ất Tỵ, SN 1965).

Túp lều tranh của vợ chồng ông Đoàn nằm trên trục đường liên xã của huyện Định Hóa. Lúc ấy, người dân sống quần tụ trong làng, bản, vậy nên cả con đường cái lớn qua xã chỉ có 2 hộ dân làm nhà sinh sống. Ông Đoàn mượn đất để dựng lều thì được đồng ý ngay vì 2 hộ dân đang rất muốn có nhiều hàng xóm về ở cùng cho bớt quạnh vắng.

Ông Đoàn biết sửa xe đạp. Ngày ngày, vợ ông lo chăm sóc 2 sào lúa là phần diện tích được bố mẹ chia cho khi ra ở riêng. Ông Đoàn cọc cạch sửa xe. Thấy có khách, ông buôn bán thêm ít hàng tạp hóa. Bán được hàng, ông kinh doanh cả vật tư nông nghiệp, đồ cơ khí gia dụng...

Mười năm sau, do chịu khó mày mò học hỏi mà ông Đoàn còn biết sửa cả xe máy. Chút ít lưng vốn tích lũy được đã giúp ông mua chính diện tích đất mình đang ở nhờ để dựng nhà, tiếp tục buôn bán, kinh doanh. Đận đói nghèo, cực khổ trong 10 năm lập nghiệp đối với gia đình ông Đoàn coi như đã qua.
 

Vua rừng

Năm 1995, khi Nhà nước có chủ trương giao đất, giao rừng cho người dân nhận khoán, khoanh nuôi, bảo vệ, nhiều người địa phương không dám nhận những diện tích nói trên. Hoặc có nhận nhưng lại không ngó ngàng gì đến phát triển vốn rừng, không trông coi, bảo vệ nên rừng càng ngày càng nghèo kiệt, thoái hóa. Ông Đoàn mang cả đống tiền tích lũy được đi mua mấy chục ha rừng. Vợ ông la ó, rằng tiền đã không có lại còn mang ném vào rừng lau guột, vứt vào bãi cỏ Nhật. Người ta có tiền mang ra phố Chợ Chu mong mua đất mặt tiền làm ăn thì mình lại quay đầu vào núi. Thật ngán ngẩm, ngớ ngẩn hết chỗ nói.

13-59-10_dh1
Ảnh: Đồng Văn Thưởng

Ông Đoàn chua xót thanh minh, vì thiếu tư liệu sản xuất nên vợ chồng ông mới cơ hàn, mới nghèo đói cực cùng như vậy. Nay có cơ hội tích lũy tư liệu mà không biết nắm lấy thì bao giờ mới ngóc đầu lên được. Ra phố làm ăn thì phải năng động, lanh lẹ lắm, mình quanh năm gắn bó với rừng, sống nhờ rừng, nay lại được làm chủ rừng thì đó chính là cơ hội đổi đời chứ phải đi đâu xa.

Ngày ngày ông lại chăm chỉ buôn bán, sửa xe, có ít tiền nào ông lại đổ vào mua tiếp rừng. Liên tiếp như vậy trong mười năm, ông Hoàng Đình Đoàn đã trở thành người sở hữu diện tích rừng lớn nhất chiến khu ATK Định Hóa với số lượng 300ha, tương đương với diện tích tự nhiên của cả xã Kim Sơn, huyện Định Hóa. Rừng ông Đoàn được phân thành 2 khu vực là rừng Nà Chúa (200ha) và rừng Khuổi Bo (100ha).

Khu rừng Nà Chúa, Khuổi Bo của ông Đoàn nằm biệt lập. Hàng ngày, ông phân công nhiệm vụ bảo vệ rừng cho hai người con trai và cho chính mình. Theo đó, cả gia đình ông sẽ luân phiên tuần tra, trực gác ở 2 đầu cửa rừng.

Ông quan niệm, bảo vệ rừng không chỉ là tuần tra, canh gác mà quan trọng nhất là tạo được mối quan hệ thân tín với đồng bào địa phương. Rừng rộng không thể kiểm soát hết nên bà con địa phương hàng ngày lên rừng chăn trâu, kiếm củi chính là những người giúp gia đình ông giữ rừng tốt nhất.

Những lần tuần rừng ông đều tranh thủ vào động viên, thăm hỏi những hộ dân người Dao ở bản Khuổi Muồi là nơi tiếp giáp và gần với rừng của ông nhất. Người Khuổi Muồi xuống núi mua nhu yếu phẩm, thiếu ông cho nợ tiền, không có ông cho vay, xe đạp, xe máy của đồng bào bị hư hỏng nhiều lần ông chữa mà không lấy công.

Ông cũng hướng dẫn đồng bào địa phương, khi vào rừng của mình lấy măng, lấy củi thì khai thác những lâm sản sản phụ, tỉa thưa không thì cây giang, cây nứa sẽ bị khuy. Khuy tức là bụi tre, nứa do khai thác quá mức mà không thể phục hồi, sẽ ra hoa và chết rũ. Rừng ông Đoàn vì đó được tái sinh, phục hồi rất nhanh. Cả vùng lam sơn kỳ bí trước đây vốn lặng lẽ hoang vu, chẳng ai màng tới thì nay lại tràn đầy sự sống bởi nỗ lực bảo vệ, gìn giữ của ông Hoàng Đình Đoàn.

Ông đầu tư mua một máy xúc để đào các lằn ranh bảo vệ rừng, những đường hào bảo vệ ngoài hạn chế các phương tiện cơ giới vào rừng còn giúp phòng chữa cháy rừng khi cần thiết.

Năm 2005, ông Đoàn đầu tư xây dựng xưởng chế biến lâm sản. Xưởng sản xuất có trạm biến áp riêng để đảm bảo cho hệ thống máy bóc, máy băm lâm sản hoạt động. Cửa trạm có bàn cân điện tử hàng chục tấn. Ông mua máy bốc gỗ, mua 3 chiếc xe tải 4 chân để vận chuyển lâm sản.

Ông Trần Minh Hà, Trưởng Ban Quản lý rừng ATK Định Hóa cho biết, với diện tích rừng hiện có, ông Hoàng Đình Đoàn hiện là người sở hữu diện tích rừng lớn nhất của Định Hóa. Tính theo giá chuyển đổi mỗi ha rừng ở đây vào khoảng 40 - 50 triệu đồng/ha thì ông Đoàn đang sở hữu giá trị rừng lên tới hàng chục tỷ đồng. Hàng năm, nguồn thu từ lâm sản phụ cũng mang lại giá trị không nhỏ cho gia đình.

Cơ quan chức năng đã hỗ trợ việc trồng rừng bằng các loài cây bản địa và hướng dẫn việc khai thác tỉa thưa theo quy định. Có thể nói, quyết tâm giữ rừng, sống nhờ rừng của ông Đoàn chính là mô hình kiểu mẫu về giải pháp quản lý bảo vệ và phát triển kinh tế rừng hiệu quả nhất của người dân.

 

Xem thêm
Hà Lan sẵn sàng giúp Việt Nam đạt mục tiêu về xuất khẩu nông sản

Trưa 19/3, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan họp song phương với đoàn công tác Hà Lan do Bộ trưởng Chính sách Tự nhiên và Nitơ Christianne van der Wal dẫn đầu.

Đồng Tháp đặt mục tiêu thành tỉnh kiểu mẫu nông nghiệp sinh thái

Mục tiêu là biến Đồng Tháp trở thành địa phương dẫn đầu cả nước trong lĩnh vực nông nghiệp và trở thành trung tâm nông nghiệp, du lịch sinh thái của vùng ĐBSCL.

Kia ưu đãi giá mới, giảm đến 75 triệu đồng trong tháng 9

Từ 11/9/2023, Kia áp dụng giá mới với mức điều chỉnh tương đương 50% lệ phí trước bạ. Chương trình được áp dụng tùy theo dòng xe và phiên bản.

Rủ nhau đi hái lộc rừng

Quảng Bình Cứ vào tháng Ba hàng năm, nhiều người dân sống ở các xã Quảng Kim, Quảng Châu, Quảng Hợp (Quảng Trạch, Quảng Bình) rủ nhau lên rừng hái dâu và có nguồn thu đáng kể.