| Hotline: 0983.970.780

Người "sấm không sợ chết"

Thứ Năm 25/09/2014 , 08:25 (GMT+7)

29 tuổi, anh Hải vỡ nợ, dời quê vào thầu 6 ha đất sỏi ruồi ngoài đồi Lại Thượng (Thạch Thất, Hà Nội) làm trang trại. Dân làng được dịp kháo nhau: “Đúng là cái thằng sấm không sợ chết".

Dù có anh cán bộ khuyến nông huyện đi cùng nhưng khi vừa giới thiệu về tôi, anh đã xua xua tay: “Nói thật cứ nghĩ đến đài báo là tôi hãi lắm! Ở mình cái gì cứ tuyên truyền rầm rộ là lại đua nhau làm, là giá sản phẩm lại rẻ mạt ngay! Tôi thì cứ cái gì người ta thua thì mình làm, cái gì người ta thắng thì mình tránh, cái gì khó tôi vào, cái gì dễ tôi lại ra”.

Những lời nói trên khiến tôi không khỏi tò mò muốn tìm hiểu về anh, người sấm không sợ chết.

29 tuổi, anh vỡ nợ, dời quê vào thầu 6 ha đất sỏi ruồi ngoài đồi Lại Thượng (Thạch Thất, Hà Nội) làm trang trại. Dân làng được dịp kháo nhau: “Đúng là cái thằng sấm không sợ chết nên mới thầu đất 3 năm ký hợp đồng một lần như thế để làm ăn lâu dài”.

Mặc người ta nói ra, nói vào, vợ chồng anh cứ quần quật lăn ra mà làm. Hết trồng cây rồi lại chăn nuôi đủ thứ. Nào gột ngàn con vịt đẻ, vịt thịt, trăm con lợn thương phẩm lại thả đến vài ha cá. Những đồng tiền lãi từ mồ hôi, nước mắt cặp vợ chồng trẻ không dùng để tậu xe đẹp, xây nhà to mà lại ném tất vào trang trại. Trên mảnh đất 3 năm ký hợp đồng một lần này cho đến nay anh chị đã đầu tư không dưới vài tỷ.

Hồi nghiên cứu rồi “say” cây thanh long ruột đỏ, anh đã thuê xe ủi cả đồi bạch đàn. Được hỗ trợ giống và một phần vật tư từ Trung tâm Khuyến nông Hà Nội, anh phủ kín 2.200 cọc thanh long trên diện tích 2 ha. Mọi thứ được quy hoạch thẳng thớm như kẻ chỉ, hệt như một nông trang ở tận trời tây.

Kể từ khi trồng, suốt ngày người ta thấy bóng của hai vợ chồng trên đồi chăm chút tỉa cành, uốn cành hay buộc dây. Khi ngọn thanh long vươn cao vượt trụ thì phải uốn cành.

Huyện Thạch Thất đang có 9,2 ha thanh long ruột đỏ trong mô hình khuyến nông và khoảng trên 10 ha bên ngoài. Để nâng cao hơn nữa hiệu quả kinh tế cho đối tượng cây trồng này sắp tới địa phương sẽ bàn cách xây dựng thương hiệu kèm theo chỉ dẫn địa lý.

Thời điểm uốn tốt nhất là vào buổi trưa, càng nắng to càng tốt bởi khi ấy cành rất dẻo, không bị gãy như lúc uốn vào buổi sáng hay buổi trời mưa. Mặt cành nhẵn thì gập vào trụ, mặt cành sần để ra ngoài. Ngoài uốn cây còn cần phải tỉa cành để hạn chế quả ra nhiều, nhỏ, không đạt chuẩn. Một năm thanh long 9 lần ra hoa, 6 lần thu hoạch. Loại cây này cho năng suất tốt nhất từ năm thứ hai, thứ ba trở đi đến lúc tàn, tuổi đời được khoảng 20 năm.

Dưới một gang đất nơi đây là đã chạm đến tầng đá ong. Đất cằn bất lợi với các đối tượng cây trồng khác nhưng lại rất hợp với loài xương rồng cho quả này.

Thanh long trong trang trại được trồng theo phương pháp sạch, từ lúc trổ hoa là không dùng bất cứ loại thuốc BVTV nào. Đến ngay cả phân hóa học cũng bị hạn chế tối đa, thay thế bằng nước ngâm cá. Tất cả những loại cá tạp nhạp đánh từ ao lên anh chị đều không bán mà đem đổ vào một cái bể lớn, ngâm cho thành nước.

Thanh long bao tháng là bấy nhiêu lần tưới phân. Cây vừa tốt quả vừa ngọt, ngon lạ thường! Bởi thế chỉ bán ngay tại vườn thôi mà cũng không đủ hàng để xuất. Bởi thế nhiều khách ở xa mấy chục cây số nhưng đã trót một lần ăn thanh long ruột đỏ là “nghiện”, là ăn bất cứ thứ thanh long nào khác cũng đều thấy nhạt mồm. Bởi thế, nhiều nơi thanh long phải đổ đi vì ế ẩm nhưng bao giờ anh chị cũng bán được từ 20.000 - 30.000 đ/kg.

Giải thích cho việc này anh chỉ cười bảo có thể do hợp đất, có thể do chỉ thu hái khi quả đã chín chứ không bao giờ chịu hái non như người ta. Đợt rằm tháng tám vừa rồi thanh long tím rất có giá vì đem bày mâm cỗ trung thu rất đẹp. Nhiều thương lái biết tiếng, tìm đến vườn nhà chồng tiền đặt mua nhưng chỉ nhận được cái lắc đầu của gia chủ.

Hỏi tại sao, anh bảo: “Bán giá cao, được tiền ai cũng thích nhưng thế là bán non, thanh long ăn sẽ bị nhớt, bị nhạt. Tôi không bán rẻ thương hiệu của mình như vậy!”. Anh là Vương Văn Hải ở xã Lại Thượng.

Xem thêm
Chăn nuôi hướng đến hiệu quả bền vững tại Sóc Trăng

Gói giải pháp chăn nuôi toàn diện từ con giống, thức ăn, thuốc thú y và hỗ trợ kỹ thuật của nhà phân phối Bích Phúc giúp nhiều nông hộ đạt lợi nhuận tốt.

Điều trị, làm đẹp cho thú cưng: Đã học rồi còn phải học thêm

Thú cưng đưa vào các phòng khám thú y điều trị được siêu âm, X quang để chẩn đoán bệnh như người nên nhân viên phòng khám phải được đào tạo bài bản.

Doanh nghiệp đầu tiên công bố sản xuất cà phê tuân thủ EUDR

ĐẮK LẮK Simexco DakLak đã được cấp chứng nhận tuân thủ EUDR cho 4.957 nông dân với diện tích 5.375ha trong vùng liên kết.

Đồng Nai hướng tới cơ giới hóa đồng bộ trong trồng trọt

Cơ giới hóa trong trồng trọt ở Đồng Nai đã có nhiều thành tựu nhưng chưa đồng bộ. Tỉnh này đang hướng tới việc cơ giới hóa đồng bộ trong thời gian tới.

Bình luận mới nhất