| Hotline: 0983.970.780

Người sót lại ở “con phố mùa đông”

Thứ Hai 23/01/2012 , 08:31 (GMT+7)

Phố Đinh Liệt xưa được gọi là “con phố mùa đông” thì nay ồn ã, ô tạp. Ấy thế mà nơi đây vẫn sót lại một người đàn bà hoài cổ...

Chẳng còn những căn nhà xưa cũ rêu phong. Chẳng còn cảnh im lìm tĩnh lặng. Phố Đinh Liệt xưa được gọi là “con phố mùa đông” thì nay ồn ã, ô tạp. Ấy thế mà nơi đây vẫn sót lại một người đàn bà hoài cổ. Và cũng làm một nghề hoài cổ: nghề đan len. 

1. Con phố Đinh Liệt sầm uất nằm ngay bên hồ Hoàn Kiếm (Hà Nội) lúc nào cũng ồn ã xe qua người lại. Chẳng ai để ý đến ai, và cũng chẳng ai còn nhớ đến mới chỉ cách đây chừng chục năm, con phố này được gọi với cái tên lãng mạn và buồn: “Con phố mùa đông”.

Nhường chỗ cho những lĩnh vực kinh doanh khác hái ra tiền hơn, nhưng “con phố mùa đông” giờ vẫn giữ riêng cho mình những đặc trưng của nó. Ấy là dăm ba cửa hàng bán đồ len, các sản phẩm may mặc từ len. Nhưng theo chị Minh, một trong những chủ cửa hàng chuyên doanh sản phẩm này, thì giờ có “bói cũng không ra” người đan len bằng tay. “Nghề ... hai que này bây giờ chỉ có ở Trung Quốc. Mấy năm gần đây, hàng dệt may từ Trung Quốc nhập về nhiều, giá rẻ đã khiến “nghề hai que” chìm dần vào quên lãng”, chị Minh nói.

Nhưng vẫn còn một người “sống chết với nghề hai que”, đó là bà Bùi Thị Dung. Chị Minh chỉ cho tôi con ngõ vào đến nhà bà Dung. Con ngõ thẳm sâu, hun hút và im ắng đến lạ thường, bỏ lại đằng sau nó những bon chen, bộn bề của cuộc sống thường nhật. Nhưng khi tìm đến, bà Dung đã chuyển chỗ ở từ lâu. Chủ mới của ngôi nhà, cụ Mai, cũng là người trước đây làm nghề đan len thủ công, nhưng cụ cũng đã “giải nghệ”. Trăn trở với nghề này, cụ Mai kể cho tôi nghe về quá khứ và xuất xứ của cái tên “con phố mùa đông”. 

Bà Dung và những sản phẩm len thêu tay

… Cho đến đầu những năm 1990, hàng len đan thủ công ở phố Đinh Liệt vẫn còn rất “vượng”. Ngày đó, khách đặt hàng đông đến mức phải xếp hàng. Trong tay “nghệ nhân hai que” Nguyễn Như Mai luôn có hàng chục tay thợ lão luyện. Cụ Mai kể rằng, người làm nghề đan len ngày đó rất có giá, nhất là những người có tay nghề cao. Các chủ kinh doanh len luôn phải tranh nhau ký hợp đồng, nghĩa là lúc nào chủ cũng phải tìm thợ. Con phố Đinh Liệt cũng vì thế mà trở thành trung tâm của đồ len, thành “con phố mùa đông”.

Từ ngày hàng len Trung Quốc đổ bộ ồ ạt vào nước ta, con phố "chết" dần. Bây giờ khách đặt hàng chỉ là các du học sinh, Việt kiều, còn người tiêu dùng trong nước đa số chọn đồ dệt sẵn. Là một chủ lớn từng có hàng chục thợ đan len trong tay nhưng khi chúng tôi nhờ chị Minh chỉ giúp một số người ở Hà Nội vẫn “sống” được với nghề len chị Minh chỉ còn biết vò đầu, bứt tai: “Lâu lắm không hợp tác với họ nên không biết chắc ai còn làm nghề nữa”.

 Địa chỉ đáng tin cậy nhất là phường Đại Kim, quận Hoàng Mai. Đây vốn phường có nghề đan len phát triển rất mạnh. Tuy nhiên, xuống Đại Kim bây giờ chỉ thấy sự giàu có sầm uất, tìm mãi mới được vài gia đình còn làm nghề nhưng họ cũng chỉ làm thời vụ, đang là mùa đông nhưng mấy gia đình này cũng chẳng đan thêu gì. Làng 8, phường Giáp Bát cũng từng nhiều nhà có nghề này nhưng bây giờ thì "người đi, nghề mất, cảnh đơn côi".

 Áo len, mũ len, chăn len, khăn len... một thời túng nghèo ai chả nhớ. Tôi nhớ lắm cứ mỗi dịp Tết về mẹ lại hì hục ngày đêm để đan cho tôi những chiếc áo len mới. Diện chiếc áo vẫn phảng phất hơi ấm của bàn tay mẹ, chúng tôi khoe nhau, rồi cãi nhau hơn thua chí choé. Tôi còn nhớ nhà thằng Hùng có bố đi lao động xuất khẩu ở Liên Xô, gửi về cho chiếc chăn len. Chăn dùng cũ, mẹ nó tháo ra và đan cho nó chiếc áo len, vì là len Liên Xô nên đứa nào cũng nhìn với ánh mắt thèm thuồng, “hàng ngoại mà”.

 Lớn lên, mỗi đứa một phương nhưng lần nào gặp lại, câu chuyện về chiếc “áo len ngoại” của Hùng cũng khiến cả lũ được trận cười tưng bừng. Hùng còn bảo, sau khi Hùng mặc cũ, mẹ lại tháo ra, lại đan áo mới cho em, vẫn là… áo Liên Xô chính hãng nên em Hùng vẫn được dịp “vênh” với lũ bạn.

2. Phải mất rất nhiều thời gian hỏi thăm, tôi mới tìm được nhà bà Bùi Thị Dung, giờ đã chuyển về phố Hàng Trống. Bà Dung hiện là người hiếm hoi còn trụ lại với nghề đan len bằng tay. Tiếp chúng tôi, bà Dung nói về nghề của mình với tất cả niềm tự hào. Bà bảo, thời của bà chị em con gái nào cũng biết đan len.

Bà Dung biết đan len từ bé. Bà bảo không hiểu sao bà lại mê cái nghề đòi hỏi sự tỷ mẩn này đến thế. Ngày xưa, khi mua len còn khó, hễ ai cho chiếc áo len cũ, chăn cũ là mừng rơn. Về nhà tháo ra, giặt sạch, phơi khô và chẳng mấy chốc một sản phẩm bằng len xinh xắn ra đời dưới bàn tay khéo léo của bà. Lớn lên bà vẫn gắn bó với nghề khi vào công tác tại HTX thảm len Tân Phong.  

Nhiều du học sinh đặt bà Dung thêu áo để làm quà kỷ niệm

Khi đã về nghỉ hưu, bà cùng một số người yêu thích nghề đan len lại tập hợp nhau lại tiếp tục làm cho các cửa hàng kinh doanh. Thế nhưng, đến thời điểm này thì chỉ duy nhất còn mỗi bà là vẫn bám trụ. Theo bà Dung, nếu gọi đây là nghề thì chẳng có nghề nào rẻ mạt như nghề đan len. Nhiều người họ buộc phải làm vì không có sức khoẻ làm việc khác. Thu nhập từ nghề này rất bèo.

“Tôi dám tự tin nói rằng ở Việt Nam bây giờ không có nhiều người đan được những sản phẩm cách điệu và thời trang như tôi. Có người mang vào Sài Gòn, lên Đà Lạt rồi lại tìm về với tôi. Làm thế mà công còn bọt bèo thì việc người đan len phải bỏ nghề là đương nhiên", bà Dung giãi bày.

Một mai người làm nghề đan len bền bỉ nhất đất Hà thành sẽ giải nghệ, chắc sẽ chẳng còn ai theo được cái nghề này nữa!

Để trụ được với nghề, ngoài sự đam mê, khéo léo và kiên trì ngồi đan len như ngồi thiền, bà Dung đã trang bị cho mình một lượng kiến thức rất tốt về thời trang. Bà phải đi học may để theo kịp với thời trang “thời thượng“ bây giờ. Những tài liệu chuyên về đan len thủ công, các tạp chí thời trang trong nước và quốc tế bà luôn có đủ. Từ những sản phẩm cao cấp trong tạp chí, sách báo, bà mày mò học làm theo. Theo bà Dung, cái khó của người đan len thủ công là tạo được kiểu dáng đẹp.

Bà Dung vẫn sống được với nghề bởi theo bà rất nhiều người sinh sống ở nước ngoài vẫn chuộng sản phẩm len đan bằng tay. Len đan bằng tay luôn dày dặn, họ có thể yêu cầu người đan làm theo ý mình từ việc pha màu, tạo các họa tiết trên áo mà không máy móc nào làm được. Những kiểu đan cuộn thừng, hạt gạo, đan dua... chỉ có thể tạo nên từ bàn tay khéo léo và công phu của con người. Có người lại thích một kiểu dáng nào đó mà ở nước ngoài họ không đủ điều kiện mua nên khi về nước tìm đến nhờ bà Dung đan giúp.

Cho dù giá đan một chiếc áo mà bà Dung đưa ra mới nghe qua ai cũng choáng. Rẻ nhất cũng 500 nghìn, trung bình vẫn dao động từ 1 đến 1,5 triệu đồng. Giá cao vậy nhưng tính ra công cũng chẳng được bao nhiêu. Bởi là sản phẩm đặt hàng theo mẫu nên đan rất cầu kỳ, không được sai sót. Nếu sai lại phải tháo ra đan lại rất mất công. Mất từ 10 đến 15 ngày mới đan xong một chiếc áo. Nghĩa là công chỉ được 100 nghìn đồng/ngày.

Xem thêm
Đưa tư duy thị trường vào phát triển khoa học - công nghệ trong nông nghiệp

Chiều 19/4, Bộ NN-PTNT phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức Hội nghị trao đổi về nội dung phối hợp hoạt động khoa học - công nghệ (KHCN) giữa hai bộ.

Giá cam sành giảm mạnh, nông dân thất thu

ĐBSCL Hiện tại, cam sành loại 1 chỉ còn 5.000 đồng/kg, giảm 4.000đồng/kg so với dịp Tết Nguyên đán. Với giá bán hiện tại người trồng cam thua lỗ từ 2.000 - 3.000 đồng/kg.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Giá đất bồi thường thấp hơn giá thị trường ảnh hưởng đến giải phóng mặt bằng

THỪA THIÊN - HUẾ Giá bồi thường đất ở, đất trồng rừng sản xuất thấp hơn nhiều so với giá thị trường dẫn đến công tác giải phóng mặt gặp rất nhiều khó khăn.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm