| Hotline: 0983.970.780

Người Tà Mun - Những riêng, chung: Đục tường nhà cho người chết ra

Thứ Năm 12/03/2015 , 06:15 (GMT+7)

Kể từ khi chấm dứt cuộc sống du canh du cư và sống hòa nhập với cộng đồng người Kinh, người Tà Mun không chỉ biết làm kinh tế, từng bước thoát nghèo, mà còn bỏ được nhiều hủ tục./ Cội nguồn xưa còn một chút này

Giữ tài sản cho người chết

Theo quan niệm của người Tà Mun, nếu người chết không được chia đầy đủ gia tài, thì khi chôn xong, người chết sẽ trở về nhà đòi và phá phách, đến khi nào được chia đủ mới thôi.

Vì sợ con ma trở về phá phách không cho làm ăn nên bà con Tà Mun từ trước đến nay không bao giờ dám từ chối yêu cầu của người chết.

Đây là tục lệ được truyền từ đời này sang đời khác. Với quan niệm người chết được chia đầy đủ của cải vật chất, sẽ yên ổn làm ăn ở thế giới bên kia mà không quay về phá phách.

Ông Lâm Xô, năm nay đã 80 tuổi, một người khá bảo thủ trong việc thay đổi, xóa bỏ những hủ tục của tộc người Tà Mun, kể: “Hồi vợ tôi mất, chia đồ cho bả không đủ nên bả về đòi. Tôi nói đã chia cho bà đủ rồi, bà lên nhà ông Kiểu mà đòi. Mấy lần như vậy bả mới thôi không về đòi tôi nữa”.

Trong chuyến đi tìm hiểu về người Tà Mun, tôi may mắn gặp vợ chồng đại tá Võ Tấn Phương và bà Nguyễn Thị Thương, hai ông bà đã nghỉ hưu và về sống ngay tại ấp Sóc 5, xã Tân Hiệp (huyện Hớn Quản, Bình Phước) từ ngót chục năm nay. Họ là những người có công lớn giúp bà con Tà Mun trong ấp xóa bỏ nhiều hủ tục và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho họ.

Ông Phương bảo: “Người Tà Mun có nhiều hủ tục lắm, ví dụ như tục chia của cho người chết. Họ quan niệm, khi chết đi là bắt đầu bước sang một thế giới mới. Chính vì thế, người chết cũng cần của cải, tiền bạc, đồ dùng vật dụng hằng ngày như người sống. Mọi thứ, từ vật dụng trong nhà đến đồ cúng tế, đều phải chia đôi. Nhiều gia đình nghèo đi vì tục này.

Nhưng buồn cười là của cải chia cho người chết xong không chôn theo mộ như một số dân tộc thiểu số khác mà được một người sống giữ. Ở đây người giữ của cho người chết là ông Kiểu”.

Tôi hỏi: “Nếu ai chết cũng chia tài sản và giao cho một người giữ thì chỗ đâu mà chứa?”, bà Thương đáp: “Ổng có cả một căn nhà làm kho chứa đồ cho người chết. Cái gì dùng được thì mang ra dùng, còn không thì cứ chất trong kho.

Lâu dần, cái gì hư thì bỏ. Trong khi đạc chất đống trong kho của người giữ của thì nhiều gia đình rất nghèo, ăn không đủ mà khi có người chết, cái gì cũng phải chia đôi.

Có gia đình 1 năm 2 người chết, coi như trong nhà chẳng còn gì. Cho nên, từ khi về đây sống, chúng tôi kịch liệt lên án hủ tục này. Chính vì thế, cách đây ít lâu, ổng Kiểu chết, con ổng không dám nhận giữ của cho người chết nữa nên hủ tục này gần như đã bị xóa bỏ”.

Ba Thương kể, buồn cười nhất là trong buổi cúng cho người chết ở miễu Sơn Thần, nơi duy nhất thực hiện các nghi lễ tâm linh của người Tà Mun. Tại đây, sau khi cúng xong, mọi thứ đều bị chia đôi cho người chết. Dĩ nhiên, người giữ của là ông Kiểu sẽ mang về nhà.

“Một con gà bị xẻ làm đôi, 2 chai nước ngọt ổng lấy 1, đĩa xôi chia làm 2, trái cây cũng chia đôi… Tôi hỏi ổng lấy làm gì thì ổng bảo lấy về cúng người chết. Tôi thấy rất vô lý nên sau này tôi đề nghị không chia đôi kiểu đó nữa, để tại chỗ cho mọi người ăn. Nhiều người đồng tình với ý kiến của tôi nên sau này ông Kiểu không dám lấy nữa”, bà Thương nói.

Không mang người chết ra cửa chính

Nói về những hủ tục của người Tà Mun, già làng Lâm Tăng (ấp Sóc 5) bảo: “Người Tà Mun khi chết, chôn xuống rồi là hết, họ giao trách nhiệm cho già làng, mồ mả không được chăm sóc, cúng tế, tảo mộ hằng năm, không làm đám giỗ. Cho nên, nhiều người không nhớ mộ người thân của mình ở đâu. Nhưng từ khi sống chung với người Kinh, chúng tôi thay đổi nhiều, giờ cũng làm đám giỗ, ma chay cho người chết chu đáo hơn”.

17-23-30_nh-1
Chuồng nhím của già làng Lâm Tăng

“Dù chưa được công nhận là dân tộc riêng, nhưng chúng tôi vẫn tổ chức các ngày lễ tết, cộng đồng người Tà Mun vẫn gìn giữ được bản sắc văn hóa riêng của dân tộc mình. Nhiều năm nay bà con Tà Mun đã học hỏi làm kinh tế khá tốt. Đặc biệt họ đã hòa nhập vào với cộng đồng người Kinh để thay đổi tư duy, cách làm kinh tế, bỏ được nhiều hủ tục. Bên cạnh đó, họ cũng nhận được nhiều sự quan tâm của chính quyền các cấp, đến nay bà con Tà Mun không còn hộ nghèo”, già làng Lâm Tăng nói.

Một trong những hủ tục hiện vẫn tồn tại, dù không còn phổ biến trong cộng đồng người Tà Mun là không được mang người chết ra cửa chính mà phải ra bằng cửa hông.

Mới đây, một gia đình trong ấp tên Lâm Phụng có người chết, anh ta đục đầu hồi nhà để mang quan tài ra. Còn nhiều gia đình khác thì đục bỏ cửa sổ. Theo già làng Lâm Tăng, đó là tôn trọng người chết.

“Ngày xưa nhà vách đất thì đục vách ra, rồi làm lại đơn giản, ít tốn kém. Còn bây giờ, toàn nhà xây mà họ cũng đục tường ra thì hết biết. Chúng tôi đã tuyên truyền, vận động nhiều rồi, cũng có tác dụng, nhiều người đã bỏ tục này, nhưng nhiều người vẫn không bỏ”, bà Thương nói.

Già làng Lâm Tăng kể, ngày xưa, trong ấp có nhiều người bảo thủ lắm, họ không chấp nhận sống hòa nhập với người Kinh, ngay cả nghĩa địa của người Tà Mun cũng nằm riêng, không cho người Kinh chết chôn chung. Sau này, chúng tôi đi vận động, tuyên truyền nhiều, rồi lớp người xưa ít dần đi nên mọi thứ cũng thay đổi.

Điều đáng mừng nhất là khi chung sống với cộng đồng người Kinh, bà con Tà Mun đã biết làm kinh tế, từng bước cải thiện cuộc sống cả vật chất lẫn tinh thần. Đi một vòng quanh ấp, tôi không thấy những căn chòi lụp xụp, thay vào đó là nhà kiên cố hoặc bán kiên cố với mái tôn, tường xây.

Đến thăm gia đình anh Lâm Nhạ, 35 tuổi, đúng lúc anh vừa đi bắt săn ong mật về, tôi thấy bên trong căn nhà xây nhỏ của vợ chồng anh có đủ đồ dùng thiết yếu như bếp gas, bàn, tủ, giường, tivi.

“Vợ chồng tôi có 3 sào ruộng, trồng lúa đủ gạo cho cả nhà 6 người ăn. Vườn cũng rộng, trồng rau, trái cây. Lúc rỗi tôi đi kiếm mấy tổ ong mật về bán kiếm thêm. Nhất là thấy mấy đứa nhỏ ham học nên tôi mừng lắm”, anh Lâm Nhạ nói.

Còn tại nhà già làng Lâm Tăng, tôi thấy khu vườn phía sau nhà có một chuồng bò 2 con, một chuồng nhím và chuồng nuôi thỏ.

“Bình quân mỗi tháng tôi thu ngót 2 chục triệu đồng từ các nguồn trong vườn nhà. Tất cả những thứ tôi có hiện nay đều nhờ biết học hỏi bà con người Kinh chứ ngày xưa có biết nuôi nhím, nuôi thỏ là gì đâu. Vợ chồng tôi có 5 đứa con, 4 đứa đã lập gia đình, thằng út chuẩn bị đi nghĩa vụ quân sự. Được cái tụi nhỏ nhà tui chịu khó nên cuộc sống đều ổn”, ông Lâm Tăng nói.

Xem thêm
Lãnh đạo Đảng, Nhà nước dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng

Sáng 18/4 (tức 10/3 năm Giáp Thìn - ngày Giỗ Tổ Hùng Vương), Thủ tướng Phạm Minh Chính dự lễ dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng tại Điện Kính Thiên trên đỉnh núi Nghĩa Lĩnh thuộc Khu Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Đền Hùng ở TP. Việt Trì, tỉnh Phú Thọ.

Giá cam sành giảm mạnh, nông dân thất thu

ĐBSCL Hiện tại, cam sành loại 1 chỉ còn 5.000 đồng/kg, giảm 4.000đồng/kg so với dịp Tết Nguyên đán. Với giá bán hiện tại người trồng cam thua lỗ từ 2.000 - 3.000 đồng/kg.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Dông lốc ở Lào Cai gây thiệt hại gần 3 tỷ đồng

Các hiện tượng thời tiết cực đoan xuất hiện ngày càng gây thiệt hại lớn tài sản người dân trên địa bàn tỉnh Lào Cai.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm