| Hotline: 0983.970.780

Người Tân Ninh "làm" nước sạch

Thứ Sáu 05/11/2010 , 11:47 (GMT+7)

Mãi đến năm 2005, người dân thôn Quảng Xá bắt đầu làm một cuộc cách mạng về nước sạch...

Từ bao đời nay, người dân ở xã Tân Ninh, huyện Quảng Ninh (Quảng Bình) luôn sống trong sự lo lắng về sức khỏe vì thường xuyên phải sử dụng nguồn nước bị nhiễm phèn để sinh hoạt. Mãi đến năm 2005, người dân thôn Quảng Xá bắt đầu làm một cuộc cách mạng về nước sạch khi chung tay cùng với Nhà nước đầu tư một hệ thống cấp nước phục vụ sinh hoạt cho gần 400 hộ dân.

 Sau mô hình thử nghiệm này, đến nay đã có 4/5 thôn của xã Tân Ninh có đường ống dẫn nước sạch về đến các hộ dân. Tân Ninh là vùng quê chiêm trũng của huyện Quảng Ninh nên từ trước đến nay, người dân phải sống chung với nguồn nước sinh hoạt bị nhiễm phèn có màu đỏ và đục như nước vo gạo. Để có nước phục vụ nhu cầu đời sống, ngoài giếng nước được đào rất sâu, người dân Tân Ninh phải xây dựng thêm một hệ thống lọc nước rất công phu nhưng không ai dám chắc nguồn nước sinh hoạt này đã bảo đảm vệ sinh và loại trừ những tác nhân gây hại đối với người sử dụng.

Trước tình trạng này, từ năm 1998 chương trình UNICEF đã đầu tư cho Tân Ninh một bể nước công cộng, nhưng sau hai năm công trình phải ngừng hoạt động vì không được quản lý và bảo vệ, trong khi nhu cầu sử dụng nước sạch của người dân ngày càng bức thiết. Đến năm 2005, ngoài đầu tư của Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn, người dân thôn Quảng Xá đã góp thêm 40% vốn trong tổng trị giá 1,2 tỷ đồng để xây dựng hệ thống đường ống, trạm bơm và đài nước phục vụ cho gần 400 hộ trong toàn thôn.

Nguồn nước dùng để cung cấp cho người dân Quảng Xá được khai thác trên miền cát Gia Ninh nên nước rất đảm bảo vệ sinh và quan trọng là không bao giờ bị thiếu hụt cho dù trong những thời điểm khô hạn nhất. Ông Lê Đình Nhuận, Chủ tịch UBND xã Tân Ninh, cho biết: “Sau thành công của mô hình cấp nước ở thôn Quảng Xá, được sự hỗ trợ của Nhà nước, xã Tân Ninh tiếp tục xây dựng thêm hệ thống đường ống để cấp nước sinh hoạt cho người dân ở các thôn Hòa Bình, Thế Lộc và Nguyệt Áng với tổng nguồn vốn đầu tư là 3,3 tỷ đồng. Đến nay, toàn xã đã có 4/5 thôn có hệ thống cấp nước nước sạch".

Để nâng cao hiệu quả sử dụng của công trình, UBND xã đã thành lập tổ quản lý gồm 8 thành viên nhằm vận hành đảm bảo cung cấp nước cho người dân. Trao đổi với chúng tôi, bà Dương Thị Lành ở thôn Quảng Xá cho biết: “Trước đây gia đình tôi phải thường xuyên sử dụng nguồn nước không bảo đảm vệ sinh vì bị nhiễm phèn rất nặng nên ảnh hưởng đến sức khỏe, đặc biệt là các cháu nhỏ dù không muốn nhưng đành phải dùng để ăn uống, tắm giặt. Từ khi có công trình cấp nước sạch về đến từng hộ trong thôn với nguồn nước đầy đủ, chất lượng tốt nên gia đình tôi mua thêm bể chứa để phục vụ các nhu cầu sinh hoạt".

Đưa chúng tôi đi tham quan công trình nước, ông Nguyễn Tiến Dũng, cán bộ tổ quản lý  nước xã Tân Ninh cho hay: Hiện tại, công suất của công trình cấp nước là 20m3/giờ, trong khi hệ  thống đường ống chính sử dụng loại ống phi 90 nên cấp nước rất kịp thời cho người dân. Ngoài ra, các thành viên trong tổ vận hành thường xuyên kiểm tra, bảo dưỡng và quản lý công trình nên đã kịp thời khắc phục khi sự cố xảy ra, đồng thời cập nhật KHKT để phục vụ tốt hơn cho người dân. Do vậy, tỷ lệ tổn thất nước luôn được giữ ở mức thấp nên nước sinh hoạt luôn ổn định với giá 3.500 đồng, phù hợp với thu nhập của người dân trên địa bàn.

Tuy nhiên, do Tân Ninh cách xa nguồn nước khoảng 4km lại phải vượt qua sông, nguồn điện phục vụ bơm dẫn nước lại phụ thuộc vào trạm điện ở Gia Ninh nên rất khó khăn về vận hành. Về lâu dài, khi đời sống người dân ngày càng nâng cao, nhu cầu sử dụng nước sạch rất lớn, vậy nên thành lập mô hình HTX để đáp ứng được công tác quản lý, kinh doanh và vận hành. Mô hình quản lý công trình cấp nước sau đầu tư ở xã Tân Ninh đã phát huy được hiệu quả sử dụng, người dân trực tiếp hưởng lợi có nguồn nước đảm bảo vệ sinh để phục vụ sinh hoạt, từng bước cải thiện điều kiện sống của người dân nông thôn ở vùng chiêm trũng này.  

Xem thêm
Thái Nguyên chấp thuận nhà đầu tư 2 dự án dân cư nông thôn

Thái Nguyên chấp thuận nhà đầu tư Dự án Khu dân cư nông thôn số 1 xã Ký Phú và Dự án Điểm dân cư nông thôn số 1 xã Bình Thuận (huyện Đại Từ).

Hưng Yên: Nhiều giải pháp đảm bảo vệ sinh môi trường nông thôn

Những giải pháp dưới đây vừa giúp giảm căn bản ô nhiễm môi trường, vừa tạo ra lượng lớn phân hữu cơ chất lượng tốt chăm bón cho cây trồng.

Trưng bày các sản phẩm OCOP tại Hội Báo toàn quốc

Quảng Bình mở một gian trưng bày, giới thiệu và bán các sản phẩm OCOP tại Hội Báo toàn quốc 2024.

Bình luận mới nhất