| Hotline: 0983.970.780

Người tạo những "tia sáng mặt trời"

Thứ Hai 30/03/2015 , 08:56 (GMT+7)

Ở TP Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam, ai cũng biết đến thầy giáo mù Đặng Ngọc Duy (SN 1976) ở mái ấm tình thương mang tên Ánh Dương.

Duy bị tai nạn bom mìn khiến đôi mắt bị mù từ nhỏ. Vậy nhưng anh đã vượt lên nghịch cảnh để tự nuôi sống bản thân. Không những thế, anh còn là người đã mở ra một mái ấm tình thương và dang tay đón nhận những đứa trẻ mồ côi, cơ nhỡ, khuyết tật để dạy dỗ các em thành người có ích.

Phá bỏ tiền lệ

"Tôi mù hai mắt nhưng tâm vẫn sáng và thắp đầy nghị lực". Đó là quan niệm sống của thầy giáo Đặng Ngọc Duy. Nghe anh kể về quãng đời trong quá khứ, không ai là không cảm phục.

Vốn sinh ra là một cậu bé thông minh, hiếu động nhưng Duy gặp phải nghịch cảnh đau lòng. Năm học lớp 8, anh nhặt được một quả lựu đạn làm đồ chơi. Quả lựu đạn phát nổ, Duy đau đớn ngất đi. Khi tỉnh lại trong bệnh viện, đôi mắt anh vĩnh viễn không còn nhìn thấy ánh sáng.

Gia đình đưa anh chạy chữa khắp từ Nam chí Bắc nhưng vẫn không thể đem lại cho anh đôi mắt sáng rõ như ngày nào. Từ đó, cậu bé Duy phải chấp nhận sống quãng đời còn lại trong bóng tối.

Duy phải nghỉ học nhưng giấc mơ con chữ luôn đeo bám anh. Không chấp nhận đầu hàng số phận, anh tự mày mò bằng cách tìm các trường chuyên biệt dành riêng cho trẻ em khiếm thị. Vận may đến với anh khi người thân tìm được trường chuyên biệt Nguyễn Đình Chiểu (TP. Đà Nẵng) có dạy chữ cho người khiếm thị.

Duy một mình khăn gói vượt 100 cây số vào TP. Đà Nẵng để tiếp tục giấc mơ con chữ. Anh phải học làm quen với chữ Braille dành cho người mù.

Chàng học trò khiếm thị bằng sự thông minh, siêng năng, cần cù đã lần lượt vượt qua các cấp học phổ thông. Tốt nghiệp cấp 3, anh đăng ký thi vào đại học nhưng chẳng trường nào dám nhận.

Duy kể, vào thời điểm ấy chưa có tiền lệ nào chấp nhận tuyển người khuyết tật. Anh liền nhờ cha đưa ra tận Hà Nội để gặp lãnh đạo Bộ GD-ĐT. Tại đây, anh may mắn gặp được Thứ trưởng Bộ GD-ĐT khi đó là ông Bành Tiến Long để bày tỏ nguyện vọng của mình.

Bằng những lý lẽ thuyết phục, Duy đã được ông Long đồng ý cho thi vào ngành sư phạm trường Cao đẳng Sư phạm Quảng Nam. “Lúc đó, bác thứ trưởng muốn cho tôi được đặc cách thẳng vào trường sư phạm nhưng tôi muốn thi bằng chính sức của mình”, anh Duy cho biết.

Trở thành sinh viên, Duy luôn khiến bạn bè phải nể phục bởi sự thông minh và cần cù. “Chỉ có cần cù mới giúp tôi có thể học hành bằng những bạn không khuyết tật. Tôi không có đôi mắt thì phải nỗ lực gấp đôi để không thua kém bạn bè”, anh Duy chia sẻ.

Tốt nghiệp xong hệ cao đẳng, Duy tiếp tục học liên thông lên đại học. Khi còn là sinh viên, ngoài việc học, chàng trai khiếm thị còn bỏ thời gian để làm thơ. Mỗi bài thơ anh làm đều chứa đựng sự khát khao vươn đến một tương lai tươi sáng. Tài sản của anh ngày tốt nghiệp đại học là tập thơ riêng được xuất bản. Bạn bè, thầy cô đã hết lòng ủng hộ Duy và mua hết số tập thơ mà anh in ra.

Duy càng khiến tất cả mọi người ngạc nhiên hơn khi dùng hết số tiền có được từ việc bán tập thơ để mở một mái ấm tình thương. Duy chia sẻ: “Những đứa trẻ khuyết tật như mình phần lớn có hoàn cảnh rất đáng thương. Mình đã trải qua những khó khăn, vất vả nên muốn giúp đỡ các được học chữ, học nghề để vươn lên trong cuộc sống”.

Nhất định phải có một nghề

Đó là tên gọi mà anh Duy quyết định đặt cho mái ấm tình thương của mình.

“Ánh Dương nghĩa là tia sáng mặt trời. Tôi muốn tất cả các trẻ em ở đây dù gặp phải hoàn cảnh như thế nào cũng đều phải mang nghị lực và khát khao hướng tới những điều tốt đẹp nhất”, anh Duy nói.

14-59-55_2-2
Thời gian rảnh rỗi, anh Duy thả mình theo những vần thơ tự sáng tác

Để lập nên mái ấm, anh đã dùng số tiền có được từ việc in tập thơ để thuê lại một ngôi nhà nhỏ trên đường Tiểu La, TP. Tam Kỳ (Quảng Nam).

Ban đầu, anh tự  tìm đến gia đình các em khuyết tật có hoàn cảnh khó khăn đề nghị được giúp đỡ. Ở mái ấm Ánh Dương, các em được ăn ở miễn phí, được các thầy cô dạy chữ và chăm sóc chu đáo.

Dần dần, tiếng tăm của thầy Duy cùng mái ấm Ánh Dương vươn xa khắp tỉnh Quảng Nam. Nhiều gia đình nghèo khó ở các huyện miền núi như Nam Trà My, Nam Giang, Tây Giang… cùng tìm đến nhờ Duy giúp đỡ.

Sau hơn 4 năm, mái ấm Ánh Dương đã tiếp nhận và nuôi dạy 21 trẻ khuyết tật như câm điếc, thiểu năng trí tuệ, tự kỷ, khiếm thị hoặc mồ côi cha mẹ. Các em đều được nuôi dưỡng và dạy dỗ ngay tại mái ấm. 

“Với những em không học chữ được thì tôi sẽ hướng các em sang học nghề. Nhất định bằng mọi cách, các em phải có một nghề để tự mưu sinh, không phụ thuộc vào người khác mới có thể rời mái ấm Ánh Dương”, Duy thổ lộ.

Toàn bộ kinh phí hoạt động của mái ấm đều do một tay Duy đứng ra lo liệu. Anh liên tục kết nối với các nhà hảo tâm, vận động các tổ chức xã hội hỗ trợ. Ngoài ra, có 4 bạn trẻ là sinh viên các trường đại học ở TP. Tam Kỳ cũng tự nguyện cùng anh chăm sóc các em.

Với sự nỗ lực của thầy Duy, 21 đứa trẻ sống trong mái ấm ấy luôn có những ngày vui vẻ để vượt qua bất hạnh vươn tới tương lai. Đối với các em, thầy giáo Duy luôn là tấm gương sáng để các em noi theo.

Em Hồ Thị Na (SN 2000) cho hay, thầy Duy là ân nhân lớn nhất của mình. Em được thầy giáo Duy đưa về mái ấm khi vừa lên 11 tuổi. Na cũng bị mù hai mắt và mồ côi cả cha lẫn mẹ. Em luôn tỏ ra nhút nhát mỗi khi nghe tiếng người lạ. Sau 4 năm ở mái ấm Ánh Dương, Na đã học được chữ, tự tin giao tiếp và luôn có ý thức giúp đỡ các em khác cùng cảnh ngộ.

“Mỗi đứa trẻ mỗi hoàn cảnh khác nhau nhưng hầu hết các em ở đây đều rất ngoan ngoãn và siêng năng. Kinh phí không có nhiều nên đôi lúc các em phải tự chăm sóc lẫn nhau. Trẻ lớn dìu dắt trẻ nhỏ như anh chị em trong một nhà”, anh Duy tâm sự.

Mỗi ngày sau những giờ học chữ, anh Duy đều bỏ thời gian để trò chuyện và tìm hiểu tâm lý của các em. Chính vì thế, 21 trẻ sống ở mái ấm Ánh Dương này đều yêu thương nhau và ngoan ngoãn.

“Trong năm học này, cơ sở có 1 em học ở trường THCS Nguyễn Du, 2 em học ở trường THPT Hà Huy Tập.  Cơ sở sẽ tiếp tục duy trì việc dạy văn hóa xen kẽ dạy năng khiếu, như dạy âm nhạc cho các em khiếm thị, dạy mỹ thuật cho các em câm điếc”, thầy giáo Đặng Ngọc Duy cho biết thêm.

Thế nhưng, ước mơ của người thầy giáo khiếm thị không chỉ dừng lại ở đó. Anh còn có một nguyện vọng sẽ mở rộng mái ấm Ánh Dương thành một ngôi trường chuyên biệt. Anh chia sẻ dự định sẽ kêu gọi các nhà hảo tâm đóng góp nhằm xây dựng mái ấm Ánh Dương thành trường chuyên biệt để dạy dỗ và cưu mang miễn phí những trẻ em khuyết tật có hoàn cảnh khó khăn.

“Tôi hy vọng sẽ sớm thực hiện được dự định này để trẻ em khuyết tật không còn chịu bất hạnh và có cơ hội hòa nhập, vươn lên trong cuộc sống. Đó là mơ ước lớn nhất cuộc đời tôi”, anh Duy trải lòng.

Xem thêm
ASEAN cần tiếp tục ưu tiên duy trì đoàn kết, độc lập, tự cường

Ngày 23/4, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã tiếp Tổng Thư ký ASEAN Kao Kim Hourn nhân chuyến thăm làm việc và tham dự Diễn đàn Tương lai ASEAN.

Đưa cán bộ khuyến nông sang Nhật Bản học tập và làm việc

HÀ NỘI Ngày 22/4, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam tiếp và làm việc với đoàn đại biểu quận Nikicho (tỉnh Hokkaido, Nhật Bản).

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Mộc Châu chính thức được công nhận là Khu du lịch quốc gia

Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL) vừa ký Quyết định công nhận Khu du lịch Mộc Châu, tỉnh Sơn La là Khu du lịch quốc gia.