| Hotline: 0983.970.780

Người tật nguyền trồng rừng trên đỉnh Thuận Hoan

Thứ Ba 28/09/2010 , 09:23 (GMT+7)

Trên đỉnh núi Thuận Hoan, phóng tầm nhìn ra xa thấy được cả thị trấn Đồng Lê. Gió thổi mát, ông Trần Xuân Tiết (60 tuổi) cười nhẹ: "Mát ghê chưa. Hồi đó, tui vừa trèo vừa bò lên tới được đây là mệt muốn chết, không có một ngọn bóng râm, toàn bụi lúp xúp. Bây chừ mới thành được rừng".

Trên đỉnh núi Thuận Hoan, phóng tầm nhìn ra xa thấy được cả thị trấn Đồng Lê (huyện Tuyên Hóa, Quảng Bình). Gió thổi mát, ông Trần Xuân Tiết (60 tuổi, ở thôn Thuận Hoan, xã Đồng Hoá, huyện Tuyên Hoá) cười nhẹ: "Mát ghê chưa. Hồi đó, tui vừa trèo vừa bò lên tới được đây là mệt muốn chết, không có một ngọn bóng râm, toàn bụi lúp xúp. Bây chừ mới thành được rừng".

Bại liệt và cái thòng lọng ở cổ

Chúng tôi ngồi dưới mái lợp trước sân ngôi nhà xây 3 gian vững chãi sát chân núi Thuận Hoan để ăn lạc rang và uống nước chè xanh do chính tay ông Tiết pha. Rồi ông rủ rỉ kể về những tháng ngày vất vả trôi qua.  Sinh ra trong một gia đình bần nông, 18 tuổi ông Tiết vào lực lượng thanh niên xung phong, phục vụ chiến đấu ở mặt trận Đường 9 - Nam Lào.

Năm 1976, ông về quê và xây dựng gia đình với cô thôn nữ Đinh Thị Vân ở huyện miền núi Minh Hoá. Nhà hai bên nội ngoại đều nghèo nên cưới xong là hai vợ chồng dắt díu nhau dựng túp lều nhỏ sát chân núi Thuận Hoan để ở. Hồi đó, miếng ăn quanh năm là củ mài, lâu lâu mới có bữa cơm độn nhiều sắn lát. Hai vợ chồng cứ quần quật làm cũng không đủ cho con ăn. Giữa năm 1978, trong một lần làm đồng về, ông cảm thấy đầu nhức như búa bổ, mắt mũi tối sầm, tay chân tê cứng. Họ hàng làng xóm chạy chữa khắp nơi mới giật được mạng sống của ông về với vợ con nhưng chân và tay trái của ông bị liệt hoàn toàn. Thương chồng bà Vân khóc khô nước mắt, còn ông nằm liệt giường... 

Phút thảnh thơi của ông Tiết bên gốc cây rừng

Ông nằm trên giường bán thân bất toại, mọi thứ xem như đã hết, duy chỉ cái đầu là mông lung liên hồi, không lẽ bó tay cam chịu số phận? Bản thân khổ đã đành, vợ khổ đã đành, nhưng mấy đứa con dại, rồi đây răng sống được giữa cuộc đời đầy giông bão nếu không có người cha trụ cột? Nghĩ thế, ông quyết chí phải luyện tập, phải tập ngồi, tập đứng, tập đi. Khi ngồi được, đứng được, ông tập đi men theo thành giường. Một ngày, hai ngày, rồi một tháng, hai tháng và hai năm sau ông đã đi được, tuy khập khiễng, tuy loi choi từng bước trên mặt đất nhưng ông nghĩ chỉ còn một cánh tay thôi thì cũng phải dựng lại được cuộc đời.

Khi những bước chân như muốn dẹo vì di chứng bám được chặt vào đất, ông Tiết đã bắt đầu tập cầm lại cái cuốc, cái rựa, cái cày để bắt đầu lên nương. Ngày đầu tiên ông ra đồng, con trâu đi trước, ông tha cái cày đi sau. Người làng phát hoảng lên khi thấy ở cổ ông có thêm sợi dây thòng lọng. Hay tin hàng xóm nói chồng mình chắc lên núi tự tử cho khỏi cảnh sống mòn, bà Vân chạy té tát lên trước chặn đường rồi ôm lấy ông mà van nài đừng nghĩ đến chuyện dại chuyện dột, ở lại no đói có nhau, cho con có cha, cháu có chú...

Ông Tiết lõm bõm nghe lời nấc của vợ cũng thủng câu chuyện muốn nổi cà lăm: “Ai nói chi bậy bạ, ai làm chi mà chuyện dại. Tui tập đi cày bà biết không? Nếu biết rồi thì tránh ra cho tui đi nhờ mà về nhà coi ổ gà mới nở kẻo chết gà con...”. Tránh thì tránh, nhưng nhất thiết bà Vân không chịu về mà cứ theo sau để xem ông cày ra sao và... canh chừng sợ ông đổi ý. 

“Bụi mây trong ni là sang năm thu hoạch được rồi...”

Ra tận ruộng, ông đặt ách lên cổ trâu, mọi việc chậm chạp hơn người bình thường, con trâu hiền nhà ông thương chủ mà đứng yên cho ông mang ách vào. Đám thanh niên thấy tội lao vào giúp, ông quát một trận liền ra xa đứng nhìn. Xong xuôi mọi thứ ông cầm cày thúc trâu tiến tới. Đường cày đầu tiên ông ngã chúi nhụi xuống đất, cày xong cả thửa ruộng mất cả một ngày. Mỗi lần ngã, chiếc dây mũi trâu buộc vào cánh tay liệt xiết mạnh làm tóe máu. Lúc chân bước thành thục trên đất cày, ông đã sắp đất thành luống, sắp công sức mồ hôi thành ruộng lúa.

Rừng cây đời người

Những chiều muộn, ông ra sau nhà nhìn lên vạt rừng nghèo kiệt xác xơ và bị người ta đốt cháy nham nhở mà ao ước có sức khỏe để trồng rừng. Ở núi thì trồng rừng, rừng nhiều thì gỗ nhiều sẽ cho bán để xây đắp cuộc sống gia đình đề huề... Một buổi sáng, ông nói vợ nấu ăn no rồi vác rựa đi ra phía núi. Thấy chồng có ý tưởng trèo núi trồng rừng, bà Vân lại van nài: "Thôi ông đừng làm cho cả nhà lo nữa. Người ta chân cẳng đầy đủ mà có ai trồng nổi cây săng mô, ông như rứa thì làm sao được". Ông Tiết cười động viên: "Thì hôm ni tui trồng một bụi, mai trồng một bụi; một trăm hôm thì có một trăm bụi chớ có chi là khó khăn hè".

Phát cây...

Nói rồi, tay lành cầm rựa nhúc nhắc một chân lành, một chân liệt lên vạt núi sau nhà. Từng ngày một, đơn độc trên núi trọc, trong lúc người làng vỡ hoang trồng sắn, bắp thì ông lại trồng rừng trên những khu rừng đã mất. Lúc đầu ông đầu tư công sức phục hồi nhiều loại cây gỗ như dẻ, chẹo, bài lài, sồi... Sau đó lại tiếp tục đào hố trồng tre, trồng mây tắt để nhắm đến mục tiêu lấy ngắn nuôi dài.

Tiếp đó ông bắt đầu khai hoang, quy hoạch lập trang trại để trồng rừng tự nhiên và cây ăn quả. Kế hoạch có vẻ dễ nhưng với một người chỉ còn nửa thân hình như ông Tiết làm được việc đó quả là kỳ công. Ông bảo: "Người ta cố gắng một thì tui phải cố gắng mười. Còn một tay thì mần răng cầm được cuốc, mần răng cuốc được đất. Loay hoay mãi tui khám phá chiêu dùng dây buộc vào cán cuốc lồng vào cổ rồi dùng sức mạnh của nửa thân còn lại nhấc cuốc bổ đất thành cuốc trồng cây". Những ngày đầu chưa quen, dây cứa vào cổ chảy máu thấm vai. Nhiều khi ông nghĩ bỏ cuộc nhưng  vẫn quyết chí vì để phấn đấu đưa vợ con ra khỏi danh sách đói nghèo của xã.

Khi chúng tôi muốn đi lên rừng, ông vui vẻ nhận lời rồi đi trước, vẫn tay lành cầm cây cuốc đã vẹt mòn lưỡi. Con đường đi lên vạt rừng xiên chéo, khá dốc, đi một hồi đã thấy mồ hôi mướt mát. Chốc chốc ông lại đứng như đợi chúng tôi rồi dựa cây cuốc vào thân cây rừng chỉ vào một cây có tán xanh um kể: "Đó, cây nớ là sồi, thuộc loại có hoa năm ngoái, có trái năm ni đó. Hồi hắn ra hoa mà không thấy trái, tui nói chắc là không tới đâu rồi chớ. Không ngờ năm sau mới thấy quả. Có mấy người đến mua làm chi không rõ, nghe nói làm thuốc, mỗi cân được ba mươi bảy ngàn. Mỗi cây cũng được chục cân mà có đến mấy chục cây. Cũng kiếm được tiền chớ hè”.

... để đi thăm rừng

"Một người liệt bán thân như ông Tiết mà trồng được rừng, giữ được rừng là một kỳ công. Ngoài khu rừng nhiều loại cây gỗ, ông còn phát triển chăn nuôi trâu bò, heo gà để tăng thu nhập. UBND huyện đã tặng nhiều giấy khen về thành tích trong lao động sản xuất của ông Tiết và Trung ương Hội làm vườn Việt Nam đã tặng ông Bằng khen vì thành tích làm vườn giỏi...", ông Hoàng Minh Đề, Phó Chủ tịch UBND huyện Tuyên Hóa.

Băng qua một khoảng rừng dày, đến vạt rừng thấy chằng chịt dây mây leo cao tuốt luốt. Ông lấy tay kéo thử một cây mây rồi phấn khởi: "Khoảng hai ngàn rưỡi gốc mây do dự án cấp giống trồng được 4 năm nay rồi. Trung bình cây dài trên bốn mét cả đó. Sang năm là tui cho thu hoạch lứa cây mẹ rồi bồi sức tiếp cho nhánh con mọc lên...”.

Bây giờ ông sở hữu mấy hecta rừng, chúng tôi đã tẩn mẩn hỏi nhiều người về khu rừng của ông, nhiều người bảo to, rộng, lớn, cán bộ xã bảo chưa đo đạc kỹ, chắc cũng phải vài chục héc ta, lúc khởi điểm chỉ là 3 héc ta, nay lại gấp mấy lần rồi. Anh Trần Văn Tư, một nông dân hàng xóm sang góp chuyện thấy chúng tôi cứ băn khoăn về diện tích thực khu rừng của ông Tiết thì nói: Không quan trọng việc mấy ha rừng mô mấy anh. Cái trên cả là một người bị liệt nửa thân như thế mà dám trồng cả rừng, giữ được cả rừng thì thành tài rồi. Tui hỏi anh, có được mấy người như rứa trên đất nước ni...

Ừ, tôi cũng đồng tình với kiểu tranh luận rất thực tế đó của anh Tư mà rồi cứ nắm chặt bàn tay lành lặn của ông Tiết khi chia tay, mặc cho ông cứ nhắc tới nhắc lui: Cho tui gửi lời thăm bà con nội, ngoại...

Xem thêm
Đảng ủy Bộ NN-PTNT bế giảng lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng năm 2024

Ngày 27/3, tại Trường Cán bộ quản lý NN-PTNT, Đảng ủy Bộ NN-PTNT đã tổ chức Bế giảng lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng năm 2024.

Nhãn, vải ra hoa ít, ong nuôi ‘đói’ mật, nông dân thất thu

Vụ mật ong xuân năm nay chỉ có 40% số hộ nuôi ong mật nội rừng ở Kinh Môn (Hải Dương) thu được mật, sản lượng giảm so với vụ xuân trước.

Kia ưu đãi giá mới, giảm đến 75 triệu đồng trong tháng 9

Từ 11/9/2023, Kia áp dụng giá mới với mức điều chỉnh tương đương 50% lệ phí trước bạ. Chương trình được áp dụng tùy theo dòng xe và phiên bản.

Giông lốc gây thiệt hại tài sản, hoa màu của người dân Si Ma Cai

Lào Cai Giông lốc, mưa lớn gây ảnh hưởng đến mùa màng của người dân trên địa bàn huyện Si Ma Cai và huyện Mường Khương.

Bình luận mới nhất