| Hotline: 0983.970.780

Người thầy của những xạ thủ

Thứ Năm 29/05/2014 , 08:15 (GMT+7)

Anh phát 5 mũi tên cho học trò rồi chỉ cái bia ở tít đằng xa, bảo nhắm bắn. Chỉ nghe “tạch” một cái khô khốc, nhìn đường đi của mũi tên anh phán: “Bốn tên vòng mười, một tên vòng chín”. Ngỡ tưởng nói chỉ để cho vui mồm, vui miệng nhưng khi tôi ra xem, trên bia quả đúng thế thật./ Lớp học của những ông giáo lạ

Từ săn thú...

Từ hồi còn chưa cao bằng cái cánh nỏ, Hà Văn Phong đã được cha dạy cho cách ngắm bắn, bật lẫy, nẩy tên. Lớn lên anh có thể bắn trúng cái cuống lá từ khoảng cách hàng chục mét, bắn xuyên thẳng vào tim như chọc tiết con hoẵng đang ngẩng cao đầu để lộ hầu. Phong thành một thợ săn có hạng tại Tân Phú (Tân Sơn, Phú Thọ) lúc nào chẳng ai hay.

Săn thú lớn, người ta thường đi theo phường. Nghe trống giục thúc báo từng hồi thợ săn dù đang đuổi trâu cày trên đồi, đang quăng chài bắt cá dưới suối cũng vứt đấy mà nhập đoàn.

Trước khi bắt đầu cuộc rượt đuổi, chủ phường phát cho thợ săn mỗi người vài mũi tên tẩm một loại thuốc kịch độc. Độc đến độ để ba năm vẫn nhạy. Độc đến mức sơ sẩy xước vào da là cầm chắc báo người nhà lo hậu sự. Hết cuộc săn, tên độc lại được thu về.

Tên độc là sở hữu riêng của chủ phường, thợ săn nào cả gan đánh tráo, phát hiện ra sẽ bị làng phạt vạ một con lợn cái trọng lượng hai người khiêng. Thú săn được bao giờ chủ phường cũng lấy một sỏ, một đùi còn bao nhiêu chia đều cho cả thợ săn lẫn chó đi săn (người ta mang thịt đến cho chủ của con chó - PV).

Phong mê nỏ quá mà nghèo, nghèo đến xuất sắc. Người Mường có câu: “Lấy chồng lốt rác (phát nương) hay lấy chồng vác nỏ?”. Hàm ý chê anh vác nỏ chẳng được tích sự gì cho gia đình, vợ con. Điều đó vận đúng vào anh. Lắm lúc anh bắn được hai con lợn rừng cả làng đến xin phần. Ngoài sân tưng bừng ăn uống nhưng trong nhà khạp gạo cạn lúc nào cũng chẳng ai hay. Nào có nề hà gì, thợ săn thường khoản đãi chứ có bao giờ bán thịt?

Phong nghiện săn bắn đến mức trời mưa to thì tiếc còn mưa nhỏ vẫn vác nỏ, luồn rừng. Ao cá của nhà ba năm chưa tát, kệ. Rừng cây của nhà đến chu kỳ khai thác có người đến đòi mua cũng kệ. Bán xong, cầm tiền thì thích thật nhưng lấy ai ra mà trồng lại rừng bây giờ? Tóm lại mất thời gian lắm!

Nỏ thường được làm trong lúc nông nhàn, hợp nhất là vào mùa rét vì khi ấy vật liệu đã chịu đủ nhiệt, đã hút hết ẩm, bắn cả năm cũng không đổi độ chính xác. Đã làm nghề ai cũng mong đông khách nhưng anh thì ngược lại bởi: “Nỏ đang làm, đang bắn thử cần thật tĩnh tâm, cần không có người qua lại. Làm nỏ cũng giống như anh đang thiến gà, hễ có người lạ đến nhà mà gà thiến không chết, không thành tật mới là lạ!”.

Để toàn tâm, toàn ý dốc sức cho việc chế nỏ, Phong thường đặt một cái cành cây còn nguyên lá trước cổng nhà. Cái cành cây theo phong tục của người miền ngược là chỉ dấu báo hiệu cho nhà đang có việc, miễn tiếp khách.

11-13-43_dsc_6376
Anh Phong đang chế nỏ

Nỏ bắn trăm phát, trăm trúng

Ngoài săn bắn, Phong còn được cha truyền cho những bí quyết để chế tác ra một cây nỏ bắn trăm phát, trăm trúng. Thân nỏ được đẽo bằng gỗ đinh, gỗ dổi để không cong vênh còn cánh nỏ nhất định phải làm từ loại luồng đá đặc biệt.
Luồng ấy được chặt từ rằm tháng mười đến hết tháng mười hai, các tháng khác cầm dao đi lấy là chỉ có nước bị mọt. Lấy được gỗ, luồng rồi phải để gác bếp cả năm trời rồi mới đẽo. Dây nỏ được tết bằng sợi gai trên rừng, rất bền chắc.

Lên tay, lên bụng hay đạp gáy liên quan đến độ căng của dây nỏ nhưng kiểu gì khi lên cũng phải thành hình bán nguyệt đều mới chuẩn. Trước khi hoàn tất, nỏ được thử nghiệm ở hiện trường. Mang vào rừng, “tạch” một phát, sóc trên ngọn cây cao cũng rơi xuống là tốt, còn “tạch” một phát con vật mang cả mũi tên chạy mất hút thì phải cân chỉnh lại.

Theo quan niệm của người Mường, nỏ nào đi săn ngay buổi đầu đã bắn trúng thủ cấp của con vật là điềm xấu, là báo hiệu không sớm thì muộn cũng hỏng hay gãy. Làm ra một cái nỏ tốn công sức là thế nên dù có khách trả bao nhiêu tiền cũng không nhận được cái gật đầu của anh Phong.

... đến luyện săn huy chương

Từ khi Nhà nước có chủ trương cấm săn bắn thú rừng, những cái nỏ lừng lẫy một thời được anh cất trên gác bếp, tưởng mãi chỉ làm vật kỷ niệm. Tình cờ, năm 1994 huyện nhà tổ chức thi nỏ, người ta động viên anh tham gia. Mới đầu, Phong được nhất cụm, nhất huyện, nhất tỉnh rồi nhất toàn quốc.

Đi thi mãi, được huy chương, phần thưởng mãi nhưng bụng anh chẳng vui mấy mà chỉ tiếc rằng tre đã sắp già, măng lại chưa thấy mọc. Người làm nỏ thưa dần, người biết bắn nỏ cho có nghề ngày lại càng hiếm. Học trò đầu tiên anh dạy chính là đứa con gái của mình, cháu Hà Thị Ngọc Thúy. Năm 2004, Thúy đi thi Hội khỏe Phù Đổng giành ngay được Huy chương Vàng. Đến năm sau đứa con trai Hà Nghi Thượng cũng không chịu kém cạnh giành thêm một Huy chương Vàng nữa.

Kỷ lục hơn, vợ anh Phong năm 54 tuổi vẫn đường hoàng loại hết đám thanh niên trai tráng khi giành giải nhất tỉnh Phú Thọ về khoản bắn nỏ. Bộ sưu tập huy chương của gia đình anh dần dần đầy lên với sự góp mặt của gần 70 chiếc đủ các màu sắc, đủ các cấp độ.

Bản sắc không làm ra kinh tế nên rất dễ mất đi. Đuống giã gạo đã bị máy xay xát làm cho tuyệt chủng, lễ hội của người Mường giờ chẳng mấy nơi còn tổ chức đâm đuống vui vầy. Nếu không kịp bảo tồn, tục bắn nỏ chẳng mấy chốc cũng mất theo.

Nghĩ thế nên Hà Văn Phong dựng bia, phát nỏ, mở trường dạy bắn miễn phí ngay trong ngôi nhà lá vách lúc nào cũng đen vì ám khói. Anh cất công sang tận tỉnh Tuyên Quang sưu tầm giống mai chuyên để vót tên rồi đi lùng giống luồng đá bản địa về trồng ngay trong vườn để tiện cho làm cánh nỏ.

Lúc đầu học trò sẽ được học lý thuyết, tập cách lên dây, ngắm bắn rồi mới ra thực địa bắn bia 5m, 10m, 15m, 20m. Bao giờ anh cũng nhắc chúng: “Nhắm mắt, kéo dây bằng hai tay lực phải đều nhau, tâm phải tĩnh, nín thở rồi mới nhả cò…”.

Luyện tập ngày ngày, sáng dạ học trò cũng phải mất chừng một năm mới thành thạo còn không cứ phải hai đến ba năm. Nhà anh Phong trở thành một cái nôi đào tạo bắn nỏ cho cả xã, cả huyện rồi cả tỉnh. Học trò của anh là Hà Thị Mai Ngà đoạt Huy chương Vàng Hội khỏe Phù Đổng toàn quốc, Hà Công Ninh đoạt 5 Huy chương Vàng Hội khỏe Phù Đổng tỉnh. Hàng trăm, hàng trăm huy chương các loại, các cấp được đám học trò sưu tầm về cho anh.

11-13-43_dsc_6378
Anh Phong dạy học trò bắn nỏ

Đó là tài sản tinh thần quý giá của người thầy còn tài sản vật chất, bây giờ anh có gì? Tôi hỏi. Anh cười: “Vẫn nhà lá, vẫn nền đất, thứ quý giá nhất trong nhà tôi bây giờ là giàn nỏ trên gác bếp”. Tôi nhìn lên cái gác bếp đầy bồ hóng. Trên đó những cái nỏ được chăm chút, được gắn tên của từng đứa học trò. Nỏ vốn bện hơi, quen tay người bắn, cầm vào nỏ lạ chẳng khác gì chân xỏ nhầm giầy, anh biết thế và làm theo như thế.

Xem thêm
Đảng ủy Bộ NN-PTNT bế giảng lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng năm 2024

Ngày 27/3, tại Trường Cán bộ quản lý NN-PTNT, Đảng ủy Bộ NN-PTNT đã tổ chức Bế giảng lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng năm 2024.

Nhãn, vải ra hoa ít, ong nuôi ‘đói’ mật, nông dân thất thu

Vụ mật ong xuân năm nay chỉ có 40% số hộ nuôi ong mật nội rừng ở Kinh Môn (Hải Dương) thu được mật, sản lượng giảm so với vụ xuân trước.

Kia ưu đãi giá mới, giảm đến 75 triệu đồng trong tháng 9

Từ 11/9/2023, Kia áp dụng giá mới với mức điều chỉnh tương đương 50% lệ phí trước bạ. Chương trình được áp dụng tùy theo dòng xe và phiên bản.

Giông lốc gây thiệt hại tài sản, hoa màu của người dân Si Ma Cai

Lào Cai Giông lốc, mưa lớn gây ảnh hưởng đến mùa màng của người dân trên địa bàn huyện Si Ma Cai và huyện Mường Khương.

Bình luận mới nhất