| Hotline: 0983.970.780

Người thương binh tâm huyết với rừng

Chủ Nhật 27/07/2014 , 14:01 (GMT+7)

Đó là thương binh hạng 4/4 Phạm Ngọc Sự, hiện ông đang là Giám đốc Ban Quản lý rừng phòng hộ Đà Nẵng và Ban Quản lý rừng đặc dụng Bà Nà - Núi Chúa.

Sinh ra trong gia đình giàu truyền thống cách mạng, tại xã Điện Nam, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam, cuối năm 1971, khi mới hơn 15 tuổi, Phạm Ngọc Sự đã tham gia cách mạng, làm giao liên cho biệt động thành Đà Nẵng. Đầu năm 1974, anh bị địch bắt và được giải thoát đúng ngày Đà Nẵng giải phóng 29-3-1975. Do bị kẻ địch hành hạ tra tấn, khi được giải thoát, anh bị thương tật ở chân.

Năm 1983, sau khi tốt nghiệp Đại học lâm nghiệp, kỹ sư, thương binh hạng 4/4,  Phạm Ngọc Sự về nhận công tác tại Ty Lâm nghiệp tỉnh QN- ĐN. Từ đó đến nay, trải qua nhiều cương vị công tác, người thương binh này liên tục gắn bó với nhiệm vụ quản lý, bảo vệ và phát triển rừng.

Từ 1994 đến 2003 là giám đốc Lâm trường Sông Côn, tỉnh QN. Từ năm 2005 đến nay là Giám đốc Ban Quản lý rừng phòng hộ Đà Nẵng và Ban Quản lý rừng đặc dụng Bà Nà - Núi Chúa. Với những cống hiến tích cực cho công tác quản lý bảo vệ và phát triển rừng, năm 2003, ông được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen; năm 2006, Bộ NN&PTNT tặng Kỷ niệm chương vì sự nghiệp Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. 

Là thương binh, bước đi khập khà khập khiễng, giám đốc đơn vị có chức năng quản lý bảo vệ gần 30 nghìn ha rừng nguyên sinh, khu vực giàu tài nguyên lâm sản nhất của thành phố Đà Nẵng, nhiều năm nay, ông Phạm Ngọc Sự luôn trăn trở với việc bảo vệ an toàn rừng đặc dụng, không để lâm tặc xâm hại.

Ông đã cùng Ban giám đốc đề ra và triển khai quyết liệt nhiều giải pháp khả thi trong công tác quản lý bảo vệ rừng, trong đó đặc biệt chú trọng đến việc bám rừng của các trạm với tinh thần kiên quyết truy đuổi lâm tặc đến cùng.  

Không ít lần, ông cùng lực lượng bảo vệ rừng ngược núi, len lỏi vào sâu trong những cánh rừng nguyên sinh để nắm bắt thực trạng bảo vệ rừng của đơn vị. Những lúc phát hiện thấy gỗ bị chặt hạ trái phép, ông không nguôi nỗi trăn trở dằn vặt, nhận trách nhiệm về mình.

Thời gian gần đây, lâm tặc gia tăng tình trạng phá rừng ở các tiểu khu giáp ranh với tỉnh Quảng Nam và Thừa Thiên – Huế. Bất chấp khó khăn vất vả, ông đã cùng ăn, cùng ở với anh em các trạm ở khu vực xa xôi, cách trở như như Trạm Quản lý bảo vệ rừng Cà Nhông, Trạm Sông bắc… cùng mọi người tìm và triển khai giải pháp bảo vệ rừng hiệu quả nhất.

Ông là người rất cảm thông chia sẻ sự gian nan vất vả của lực lượng bảo vệ rừng, song cũng rất nghiêm khắc khi họ không hoàn thành nhiệm vụ, để rừng bị xâm hại. Mới đây nhất, sau khi cân nhắc kỹ càng, với cương vị giám đốc, ông mạnh dạn thay toàn bộ lực lượng của Trạm Quản lý bảo vệ rừng Sông Nam, đứng chân tại thôn Tà lang, xã Hòa Bắc, khi diện tích rừng do trạm này quản lý bị xâm hại đáng báo động.

Sau đợt “thay máu” (theo cách gọi của ông), tình trạng phá rừng ở cánh Tây Bắc rừng đặc dụng Bà Nà - Núi Chúa giảm hẳn. Liên tục mấy tuần nay, gần như tất cả lực lượng bảo vệ rừng của các trạm chia thành nhiều tổ tuần tra, truy quét lâm tặc tại các cánh rừng nguyên sinh.

Nói về nhiệm vụ vô cùng gian nan, vất vả và không kém phần nguy hiểm này, thương binh Phạm Ngọc Sự cho biết: Hơn 30 năm gắn bó với rừng, hễ thấy gỗ bị chặt hạ cứ như cơ thể mình bị thương tích vậy. Đau xót lắm. Nay tuổi đã cao, bước đi càng ngày càng khó khăn, song vì sự bình yên của rừng phải nỗ lực hết khả năng.

Trong thời gian này, lâm tặc gia tăng phá rừng bằng việc chặt hạ cây ươi lấy quả, đào đãi vàng và khai thác lâm sản trái phép, cả Ban giám đốc đều bám rừng. Hi vọng, trước sự ra quân quyết liệt của đơn vị và kiểm lâm, tình trạng phá rừng sẽ được ngăn chặn.

Tìm hiểu thêm, chúng tôi được biết, hiện gia đình ông cư ngụ tại tổ 27 phường Thạc Gián, quận Thanh Khê. Ngoài ông là thương binh, trong gia đình ông có 2 liệt sỹ và 2 thương binh nữa. Mẹ đẻ ông là Mẹ Việt nam Anh hùng. Ông đã được Nhà nước tặng thưởng Huy chương Kháng chiến chống Mỹ hạng Nhất. Hơn 30 năm công tác trong ngành lâm nghiệp, ông được các cấp tặng danh hiệu CSTĐ và nhiều Bằng, giấy khen.

Xem thêm
ASEAN cần tiếp tục ưu tiên duy trì đoàn kết, độc lập, tự cường

Ngày 23/4, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã tiếp Tổng Thư ký ASEAN Kao Kim Hourn nhân chuyến thăm làm việc và tham dự Diễn đàn Tương lai ASEAN.

Đưa cán bộ khuyến nông sang Nhật Bản học tập và làm việc

HÀ NỘI Ngày 22/4, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam tiếp và làm việc với đoàn đại biểu quận Nikicho (tỉnh Hokkaido, Nhật Bản).

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Chuyện làm du lịch ở miền núi Phú Thọ: [Bài 1] Đồi chè Long Cốc, nàng tiên không ban cho dân được mấy tiền

'Không mấy ai nhìn ra giá trị của rừng Xuân Sơn, Tân Sơn nên bỏ lỡ cơ hội phát triển du lịch', TS. Ngô Kiều Oanh tiếc rẻ.