| Hotline: 0983.970.780

Người “trộm sự nhàn”

Thứ Ba 03/03/2015 , 09:12 (GMT+7)

Ý của nhà thư pháp Tiếu Chi - Nguyễn Hữu Sử được rút ra từ câu thơ của Nguyễn Phi Khanh: “Trăm năm phù thế người đều mộng/ Nửa buổi trộm nhàn tớ cũng tiên”.

"Gần với thiên nhiên, được hít thở một bầu không khí khác, đứng trước thiên nhiên tự thấy mình nhỏ bé hơn, nhưng cũng thấy mình được lớn hơn, tới những nơi danh lam cổ tích, thấy mình cũng gần gũi với cổ nhân hơn".

Đó là chia sẻ của nhà thư pháp Tiếu Chi (tên thật là Nguyễn Hữu Sử), sinh năm 1987, hiện công tác tại Viện Nghiên cứu Tôn giáo (Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam) với PV Báo NNVN.

Đến Văn Miếu khấn... Nam mô A Di Đà Phật

Từ góc độ của nhà thư pháp, anh có thể chia sẻ đôi chút cảm nhận về các ông đồ cho chữ ở Văn Miếu (Hà Nội) năm nay khác với mọi năm ra sao?

Theo tôi điều quan trọng nhất là việc có lựa chọn những người cho chữ chứ không đánh đồng như năm ngoái, không còn chuyện “viết chữ sai nhưng ăn tiền thật”.

Các ông đồ nào chưa đủ tiêu chuẩn thì loại ngay từ đầu. Đây có thể coi là một hình thức thanh lọc lại “chợ chữ” mà lâu nay không có một hình thức nào để thẩm định trình độ của những người mang chữ ra đó.

Hình như, người Việt Nam dễ để những vẻ hình thức bên ngoài đánh lừa trực giác của mình. Và tự bản thân họ cũng muốn lừa dối mình khi cầu xin những thứ ở nơi không phải nơi cũng chẳng phải chốn. Tôi ví dụ ngay chính Văn Miếu, hàng nghìn người đến để... cầu lộc, cầu tài, thậm chí cả... cầu danh!

Văn Miếu vốn dĩ là nơi thờ Khổng Tử và là một trường học của hoàng gia, và về sau là nơi đánh dấu những người ghi tên mình vào bảng vàng của lịch sử.

“Tiếu Chi - Nguyễn Hữu Sử, người trong Viện Tôn giáo, am tường Phật điển, rất giỏi Thảo thư. Tôi lần nào không hiểu kinh nghĩa, thường đem tham vấn, không có điều gì không trả lời được. Vừa rồi, tiên sinh gìn lòng chép một bộ kinh Kim Cương, dài hơn năm trượng, bút pháp cổ kính, đột ngột khôn lường...”. (nhà nghiên cứu Trần Quang Đức, tác giả “Nghìn năm áo mũ”).

Người Việt Nam có tâm lý chung là bất cứ ở nơi nào là cơ sở thờ tự hay chỗ nào được “đồn” là linh thiêng thì có thể cầu, cầu bất cứ điều gì cũng được, từ lộc hay tài đến công danh…

Có thể thấy rất nhiều người đến Văn Miếu nhưng câu đầu tiên khi khấn vẫn là “Nam mô A Di Đà Phật” - đương nhiên ở đằng sau đó là còn rất nhiều nguyên nhân khác, nhưng có thể thấy đó là một tâm lý “có thờ là có thiêng” và đã thiêng thì… cầu gì cũng được!

Người “trộm sự nhàn”

Ngoài thư pháp, anh còn là một người nghiên cứu về Phật giáo. Thế hệ 8x mà đi vào nghiên cứu sâu sắc về kinh Phật như anh không nhiều. Nhân duyên nào đã đưa anh đến với Phật?

Nghiên cứu Phật học mênh mông, mỗi người tự lựa chọn cho mình một phần nào đó mà mình thích thú nhất, chứ không mấy ai tự vỗ ngực xưng rằng sâu sắc. Tôi cũng chỉ cố gắng nghiên cứu Phật học như là một phần công việc, phần trau dồi ngay chính cuộc sống của bản thân mình từ những điều sở học ở đó.

14-28-59_vieu00ccu201u00cct-chuu00ccu203u00ccu0192
Nhà thư pháp Tiếu Chi đang viết chữ

Tôi có duyên với Phật giáo từ rất sớm. Lúc nhỏ đã từng làm “Sa di đuổi quạ” (ý chỉ đi tu rồi) trong chùa, sau do tâm còn động, thế là “xuống núi”, đi vào con đường thế tục, nhưng rồi những gì được học, được giáo dục lúc thủa còn thơ luôn là những thứ theo bản thân dài lâu, đặc biệt là đối với những nghiên cứu mà tôi đang làm hiện tại và cả những định hướng cho tương lai.

Chép một bộ kinh Phật, anh đã mất thời gian bao lâu? Công việc này có được người thân và bạn hữu ủng hộ hay không?

Thực ra tôi không đặt ra định mức cho mình phải bao lâu chép xong một bộ. Cũng tùy từng bộ kinh, có dài, có ngắn, những kinh ngắn như kinh Di Đà, kinh Kim Cương, kinh Dược Sư thì mất chừng nửa tháng, dài hơn thì nửa năm hoặc hơn.

Tôi làm công việc này như là một thú vui, một hình thức khác trong việc “thành tâm” nghiên cứu kinh điển của Phật giáo. Vì xét cho cùng căn bản của Phật giáo chính là ở những điều trong các kinh nói tới, tất cả những lời giảng giải về sau đa phần chỉ là sự “diễn dịch” lại những ý được nhắc đến trong kinh mà thôi.

Nhà nghiên cứu Hoàng Tuấn Công (Sở NN-PTNT Thanh Hóa) chia sẻ: “Số là có đôi câu đối cổng [cổ] (mỗi vế 12 chữ, tổng 24 chữ), mình tắc tị mất 3 chữ (tra Tự điển thư pháp mà cũng chẳng thấy chữ nào giống như thế), thế nên chỉ mang máng nội dung ca ngợi cái cổng ra vào mà chịu không biết dịch ra sao. Nghĩ tới Tiếu Chi, chỉ trong vòng chừng hai phút, cao thủ đã mở được cả 3 khóa!”.

Bạn bè tôi đa phần không biết đến những việc này, tuy nhiên có một số người khá thân, thường xuyên “đàm đạo” với nhau thì cũng rất ủng hộ việc này.

Anh có e ngại trong tương lai sẽ phải độc hành trên con đường này hay không?

Với bất cứ một người nào đã định đi vào con đường nghiên cứu thì chắc chắn họ đều phải xác định tinh thần cho việc trở thành một người độc hành trên con đường mà mình chọn. Tôi chắc cũng không ngại vì điều đó lắm vì nghiên cứu nhiều khi cũng là cái “nghiệp” mà mình mang theo!

Tôi được biết anh rất hay du ngoạn cùng các bạn hữu đồng đạo. Mùa xuân, tiêu dao với thiên nhiên, hòa với đất trời là cái thú. Nhưng ngày nay con người ta ít có được thú nhàn tâm như vậy? Vì sao?

Tôi và một số bạn bè thi thoảng lại lên đường, nhưng lại khá đơn giản là chỉ cần bước chân đi là được, núi nào sông nào cũng được, miễn là “tâm và thân phải có một trong hai được lên đường”.

Gần với thiên nhiên, được hít thở một bầu không khí khác, đứng trước thiên nhiên tự thấy mình nhỏ bé hơn, nhưng cũng thấy mình được lớn hơn, tới những nơi danh lam cổ tích, thấy mình cũng gần gũi với cổ nhân hơn.

Người ta thường lấy lý do rằng bản thân rất bận rộn, nhưng tôi thì nghĩ, thời đại nào cũng thế, ai cũng bận rộn cả, tuy nhiên mỗi người có một thú vui riêng, dành cho mình một chút mộng mơ, thấy những chân trời khác, đặc biệt là có thể tâm sự cùng với những người bạn của mình là một điều không gì hạnh phúc bằng… Chẳng phải người ta làm việc cả đời cũng chỉ để đạt được những điều đó sao?

Nguyễn Phi Khanh có nói rằng “Trăm năm phù thế người đều mộng/ Nửa buổi trộm nhàn tớ cũng tiên”, chúng tôi chỉ gọi là những người “trộm sự nhàn” mà thôi!

Xin trân trọng cám ơn anh.

Xem thêm
Quy Nhơn đăng cai giải đua mô tô nước thế giới

Từ ngày 22-24/3, tại thành phố Quy Nhơn (Bình Định) sẽ diễn ra Giải đua mô tô nước thế giới UIM-ABP Aquabike World Championship với sự tham gia của hơn 60 vận động viên…

Tuyển Thái Lan gây địa chấn với trận hoà tuyển Hàn Quốc

Tuyển Thái Lan gây địa chấn với trận hoà tuyển Hàn Quốc với tỷ số 1-1 ở lượt trận thứ 3 vòng bảng tại vòng loại World Cup 2026.

HLV Philippe Troussier rời đội tuyển Việt Nam

Ông Philippe Troussier rời đội tuyển Việt Nam và chính thức không còn nắm giữ vị trí HLV trưởng của đội bóng sau trận thua muối mặt trước tuyển Indonesia.

Cây phong lá đỏ 115 tuổi hút du khách ở Sa Pa

LÀO CAI Cây phong lá đỏ ở Sa Pa thu hút nườm nượp du khách đến chiêm ngưỡng, chụp ảnh.

Bình luận mới nhất