| Hotline: 0983.970.780

Người trồng rừng "đón Tết”

Thứ Sáu 27/08/2010 , 10:11 (GMT+7)

Giá gỗ guyên liệu giấy đã đạt mức 750.000đ/tấn khiến người trồng rừng ở Bình Định rạng rỡ như đang vào “Tết”.

Nếu cuối năm 2008, thời điểm giá gỗ nguyên liệu giấy rớt xuống đáy, người trồng rừng SX ở Bình Định “héo hắt” bao nhiêu thì từ đầu năm đến nay giá gỗ guyên liệu giấy đã 2 lần tăng, hiện đang đứng mức 750.000đ/tấn khiến người trồng rừng ở Bình Định rạng rỡ như đang vào “Tết”.

Ông Nguyễn Văn Hay- Phó Chủ nhiệm HTXNN Canh Vinh 2, huyện Vân Canh nhớ lại: “Năm 2002, thấy ở địa phương dấy lên phong trào “nhà nhà trồng rừng”, gia đình tôi cũng tham gia trồng 16 ha. Vừa đến chu kỳ khai thác (năm 2008) thì giá gỗ keo “sập” từ 840.000đ/tấn xuống chỉ còn 560.000đ/tấn. Trong khi đó mỗi ha rừng đã “ngốn” của tôi hết gần 100 triệu đồng. Năm đầu thu hoạch, mỗi ha chỉ cho năng suất chừng 60 tấn, bán chưa đến 34 triệu đồng. Trừ công thu hoạch mất 15 triệu/ha, số còn lại không thể bù nổi chi phí phân bón và công chăm sóc trong suốt 7 năm. Sang năm 2009, giá vẫn “bình ổn thấp” như thế, người trồng rừng tiếp tục lao đao. Tưởng như số nợ vay ngân hàng sẽ bị treo dài dài. Bất ngờ giá keo tăng 630.000đ/tấn, đã thấy mừng. Bây giờ giá keo tăng đến 750.000đ/tấn thì người trồng rừng chúng tôi mừng hú”.

Người có ít rừng mừng ít, người có nhiều diện tích rừng thì mừng nhiều. Anh Nguyễn Ngọc Ân (38 tuổi) ở thôn 3, thị trấn Vân Canh, người đang có trong tay gần 200 ha rừng phấn khởi: “Non 1 nửa diện tích rừng tôi đang sở hữu là tôi mua lại của những hộ có đất mà không có khả năng đầu tư dài ngày nên không thể trồng rừng. Vào những năm 2002-2003, giá đất rừng ở đây chỉ có 3-4 triệu đồng/ha nên tôi không ngại ngùng thế chấp nhà cửa, vay tiền ngân hàng để có số vốn gần 2 tỷ đồng mua đất. Mua được diện tích nào tôi trồng ngay diện tích đó nên hiện nay năm nào tôi cũng có thu hoạch. Trời không phụ lòng người, năm nay giá tăng cao tôi có cơ hội trả nợ trả nần”.

Đi đầu trong phong trào trồng rừng SX ở Bình Định là huyện miền núi Vân canh. Ông Trần Văn Khổ- Phó phòng NN-PTNT huyện cho biết: “Huyện Vân Canh có hơn 6.500 hộ dân thì hầu như hộ nào cũng có trồng rừng, từ người kinh đến đồng bào dân tộc thiểu số. Hiện trên địa bàn huyện có gần 13.000 ha rừng nguyên liệu giấy, phân nửa trong số đó là rừng của 6 DNNN, nửa còn lại là của các hộ dân. Trong đó có rất nhiều hộ trồng số lượng nhiều từ vài trăm ha trở lên, hơn 90% là cây keo. Keo không kén đất, tốc độ sinh trưởng nhanh, công thu hoạch cây keo ít hơn so với bạch đàn vì lột vỏ dễ hơn nên người trồng keo có lãi cao”.

Theo ông Lê Hữu Lộc- Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, phong trào trồng rừng SX tại Bình Định nổi lên mạnh mẽ vào năm 2002. Đến nay diện tích rừng SX tại tỉnh này đã đạt xấp xỉ 100.000 ha với hàng chục ngàn hộ nông dân tham gia. Hầu hết diện tích rừng trên địa bàn đã đến tuổi khai thác. Tính năng suất bình quân 90 tấn/ha, mỗi năm sản lượng gỗ giấy ở Bình Định đạt khoảng 9 triệu tấn. Lại tính, từ đầu năm đến nay giá 1 tấn gỗ tăng được 120.000đ/tấn thì mới biết niềm vui của người trồng rừng nguyên kiệu giấy ở Bình Định lớn đến là dường nào.

Ông Võ Văn Cường- GĐ Cty TNHH MTV Lâm nghiệp Sông Kôn (Bình Định):

“Hiện giá XK dăm nguyên liệu giấy đã tăng đến 100 USD/BDMT (tấn dăm khô), cao hơn nhiều so với những năm trước và nhu cầu xuất khẩu mặt hàng này rất cao. Cả nước hiện có 24 NMSX dăm với tổng công suất hơn 1,4 triệu BDMT/năm, cần đến gần 3 triệu tấn gỗ nguyên liệu/năm nên sau bị 2 cơn bão số 9 và số 11 “tàn sát” nhiều cánh rừng trồng tại các tỉnh miền Trung, bây giờ giá gỗ nguyên liệu giấy tăng cao là không có gì đáng ngạc nhiên. Gỗ nguyên liệu giấy chỉ cần “chạm” được cái giá 700.000đ/tấn là người trồng rừng đã có lãi khá, giá đạt cao hơn “ngưỡng” này thì lãi càng to”.

Nguyên nhân giá gỗ giấy liên tục tăng cũng dễ hiểu thôi. Năm ngoái, 2 cơn bão số 9 và số 11 đã “khai tử” hàng chục ngàn ha rừng trồng trên địa bàn các tỉnh miền Trung. Riêng tỉnh Quảng Ngãi, nơi có hơn 46.000 ha rừng trồng thì đã bị bão quật ngã đến hơn 25.000 ha. Nhiều hộ trồng diện tích lớn đã từ “tỷ phú rừng” bỗng chốc trở nên trắng tay. Diện tích rừng nguyên liệu giấy trên địa bàn miền Trung giảm mạnh, trong khi đó nhu cầu về nguyên liệu của những NM nguyên liệu giấy trong khu vực thì ngày càng tăng. Ngay cả khi “trời yên gió lặng”, chuyện tranh mua nguyên liệu giữa các NM cũng đã nóng bỏng.

Đơn cử những năm qua, Cty Nguyên liệu giấy Quy Nhơn phải “mướt mồ hôi” cạnh tranh gỗ nguyên liệu với Cty liên doanh SXNL giấy Việt Nhật (Vijachip) ở Đà Nẵng. Tiếp đến, khi NM ván sợ ép có sông suất 54.000m3/ năm ra đời tại An Khê (Gia Lai) thì sự cạnh tranh giữa các NM giấy miền Trung càng thêm “khốc liệt”. Đến khi Cty Chế biến dăm gỗ Cát Phú ra đời với công suất 50.000 tấn/năm “dọn sạch” vùng nguyên liệu các tỉnh Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận thì việc tranh mua nguyên liệu đã biến thành cuộc chiến. Có thời điểm đẩy giá gỗ nguyên liệu tăng đến 30% so với giá mặt bằng của thị trường. Thêm nữa, trong những năm qua, Trung Quốc đã phát triển mạnh việc SX bột giấy với nhu cầu nguyên liệu dăm lên đến khoảng 4 triệu tấn/năm nên đầu ra của sản phẩm dăm nguyên liệu giấy của nước ta là...vô biên.

Xem thêm
Hơn 370ha tôm nuôi bị thiệt hại do nắng nóng

TRÀ VINH Theo Sở NN-PTNT tỉnh Trà Vinh, hiện toàn tỉnh đã có hơn 122ha nuôi tôm sú cùng hơn 249ha nuôi tôm thẻ chân trắng bị thiệt hại do ảnh hưởng nắng nóng gay gắt.

Điều động 1 kíp tàu tuần tra, phòng chống khai thác IUU

Từ ngày 22/4, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu điều động 1 kíp tàu tuần tra, kiểm soát kết hợp tuyên truyền phòng, chống khai thác IUU trên vùng biển do đơn vị quản lý.

Xuất khẩu thủy sản 2 tháng đầu năm tăng 22,3%

Theo ước tính của Tổng cục Thống kê, trong 2 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đạt 1,3 tỷ USD, tăng 22,3% so với cùng kỳ năm 2023.

Có máy tời kéo thuyền, ngư dân khỏe re

QUẢNG TRỊ Chiếc máy tời nhỏ gọn nổ xình xịch, kéo theo thuyền đánh cá lên bờ một cách nhẹ nhàng. Ngư dân vì thế giảm được sức người trong khai thác hải sản.