| Hotline: 0983.970.780

Người trồng thanh long kêu cứu

Thứ Ba 09/07/2013 , 09:54 (GMT+7)

Nhiều nhà vườn ở Nam bộ phải đối phó nhiều loại sâu bệnh lạ tấn công dữ dội trên cây trồng, phổ biến nhất là cây thanh long...

Nhiều nhà vườn ở Nam bộ phải đối phó nhiều loại sâu bệnh lạ tấn công dữ dội trên cây trồng, phổ biến nhất là cây thanh long...

“BỆNH MA”

Có mặt tại vùng chuyên canh thanh long huyện Châu Thành (Long An) những ngày này, chúng tôi chứng kiến cảnh nhiều gốc bị đốn trụi, cành nhánh nhiễm bệnh vứt đầy xuống rãnh nước. Nhiều nhà vườn ngao ngán cắt tỉa hết những cành nhiễm bệnh vì sợ lây lan ra cả vườn.

Ghé vào vườn thanh long của gia đình anh Lưu Văn Lợi (Chín Lợi), ấp Long An, xã Long Trì khi anh đang bơm nước từ trong vườn thoát ra mương. Tôi để ý khắp trong vườn, vô số nhánh thanh long bệnh vừa cắt tỉa nằm ngổn ngang dưới rãnh.

Anh Lợi buồn rầu: “Đấy, mới chỉ có mấy ngày cắt tỉa cành bệnh không kịp đã lây lan ra khắp vườn. Nay còn bị nước mưa úng thế này khiến vườn càng "ngập" bệnh, trở tay chẳng kịp”. Cả khu vườn 1,4 ha thanh long của anh (khoảng 1.800 trụ) đang trong đợt thu hoạch chính vụ. Song khoảng 1 tuần nay bị bệnh lạ tấn công ào ạt làm thất thu nặng.

Từ đầu vụ đến nay anh mới chỉ thu hoạch được khoảng vài tấn trái, nhưng do trái bị nhiễm bệnh phải bán giá bèo, chỉ 1.000 đ/kg (giá thị trường hiện nay khoảng 10.000 -15.000 đ/kg). Năm ngoái gia đình còn thu được khoảng 10 tấn trái chính vụ, còn mùa chạy đèn cũng cho thu tới 60 tấn/ha. Riêng vụ này năm nay đã thiệt hại khoảng 40 - 50 triệu đồng.


Nông dân đang cắt tỉa những cành nhánh thanh long bị nhiễm bệnh

Ngoài 1 ha thanh long của anh Lợi bị bệnh đốm trắng, 4 công mới trồng cũng bắt đầu bị nhiễm bệnh này. Lúc đầu mới chỉ là những đốm trắng nhỏ li ti trên nhánh bẹ, nhưng chỉ một vài ngày sau lây lan ra rất nhanh khiến bẹ bị thối chỉ còn "xương".

Anh Lợi lôi ra cả đống vỏ thuốc BVTV rồi than vãn: “Từ khi phát hiện vườn nhiễm bệnh lạ, tui phải chạy đi hỏi và mua rất nhiều loại thuốc để về phun xịt cả trên cành và trái nhưng cũng chẳng ăn thua, vài bữa lại thấy xuất hiện trên những cây mới.

Loại bệnh này còn lây lan phát tán nhanh hơn cả bệnh thán thư, coi như bị thất trắng, có thể đến tháng 8 nếu vườn vẫn không hết bệnh thì anh cũng chẳng dám mạo hiểm cho xông đèn trái vụ.

Tương tự, 6 công thanh long (khoảng 900 trụ) của bà Võ Thị Kim Phượng, ấp Bình Cách, xã Tân Bình Thạnh, xã Long Trì cũng nhiễm bệnh nặng. Đứng tại vườn nhà mình, bà Phượng rầu rĩ: “Chẳng hiểu là bệnh gì mà nó phát tán nhanh quá, chỉ nghe có người gọi là đốm trắng hay đốm vàng. Còn tui thấy trên cành nhánh đầy vết sần sùi như “bệnh ma”. Đã sử dụng nhiều cách để cứu vườn cây nhưng càng phun xịt cây càng bệnh nặng, đành bó tay!”.

Thực tế, vườn thanh long của bà Phượng mới chỉ trồng được khoảng 7 tháng, tiền đầu tư hết cả vài trăm triệu, chưa được thu hoạch đợt trái nào thì dính bệnh và có nguy cơ thiệt hại nặng.

BỎ MẶC

Nhà vườn không biết chính xác thanh long bị bệnh gì mà chỉ thấy trên nhánh, cành xuất hiện những đốm trắng, vàng rồi lây lan rất nhanh, nhiễm cả vào trái bị sần sùi nên thương lái không mua. Hộ ông Nguyễn Bá Lộc, ấp Vĩnh Xuân, xã Dương Xuân Hội có 2.000 m2 thanh long nhưng chỉ thu được hơn 1 tạ trái, tính ra chỉ bằng ¼ sản lượng so với vụ trước.

Theo ông Lộc, nguyên nhân có thể do nguồn phân gà và bón đạm nhiều; thời tiết lại mưa liên tục; độ ẩm cao khiến bệnh càng phát tán mạnh. Hơn nữa, việc chạy đèn liên tục khiến cây không kịp hồi sức nên kháng bệnh kém. Có vườn trống huơ trống hoác vì dây đã bị bệnh ăn trụi, nông dân chán nản bỏ mặc.

Nông dân ở vùng trồng chuyên canh thanh long huyện Chợ Gạo (Tiền Giang) cũng đang đau đầu vì bệnh đốm trắng gây hại phổ biến trên cả cây và trái. Mấy ngày qua, gia đình anh Trần Văn Hiếu, ấp Hưng Ngãi, xã Đăng Hương Phước, huyện Chợ Gạo phải cắt bỏ cành bệnh, bón vôi, phun các loại thuốc nhưng vẫn chưa chặn được. Anh Hiếu cho viết, nếu trị bệnh không dứt chắc phải đốn sạch để trồng lại hoặc có thể chuyển sang cây trồng khác.

+ Ông Lê Quốc Cường, PGĐ Trung tâm BVTV phía Nam:

Ngoài ảnh hưởng của thời tiết thì việc quá lạm dụng thuốc hóa học của nhà vườn là nguyên nhân chính khiến dịch hại tăng mạnh. Nếu cây không bị “ăn” quá nhiều phân, thuốc thì khả năng kháng bệnh tốt hơn. Hiện, các biện pháp canh tác sinh học vẫn được ưu tiên áp dụng. Cục BVTV đưa ra quy trình tạm thời hướng dẫn phòng trừ sâu bệnh trên thanh long.

+ Theo Chi cục BVTV Long An, đây là bệnh đốm trắng; hiện đã gây hại tới gần 1.000 ha thanh long của tỉnh. Chi cục BVTV Bình Thuận cũng xác nhận có hơn 820 ha thanh long ở tỉnh này “dính” bệnh tương tự. Vùng thanh long huyện Chợ Gạo (Tiền Giang) cũng bắt đầu hứng chịu đợt dịch bệnh này khi đã có hơn 10 ha bị bệnh.

Xem thêm
Chuẩn hóa quy trình nuôi chồn hương

Dù chồn hương là vật nuôi có giá trị kinh tế cao, nhưng thành phố Hà Tĩnh không vội vàng mở rộng mà tập trung chuẩn hóa quy trình nuôi.

Cục Thú y ban hành hướng dẫn phòng, chống bệnh cúm gia cầm

Cục Thú y khuyến cáo, khi phát hiện gia cầm chết hàng loạt không được giấu dịch, cần thông báo ngay cho chính quyền địa phương hoặc cơ quan thú y.

'Cải lão hoàn đồng' cho cây bưởi ra quả ngon, sai lúc lỉu

HƯNG YÊN Bằng kỹ thuật cắt tỉa và ghép đoạn cành, ông Tuấn đã 'cải lão hoàn đồng' thành công hàng trăm cây bưởi già cỗi thành những cây quả sai lúc lỉu, chất lượng thơm ngon.

Bình luận mới nhất