| Hotline: 0983.970.780

Người Vân Kiều, Pa Cô biết bón phân cho sắn

Thứ Ba 28/06/2011 , 14:56 (GMT+7)

Lần đầu tiên hơn 3.000 hộ gia đình người Vân Kiều, Pa Cô biết bón phân vi sinh cho cây sắn thực sự đã tạo ra một “cuộc cách mạng” trong nhận thức, làm thay đổi tập quán “sợ bón phân” của bà con.

Câu chuyện lần đầu tiên hơn 3.000 hộ gia đình người Vân Kiều, Pa Cô sống ở 7 xã vùng Lìa của huyện Hướng Hoá, tỉnh Quảng Trị, biết bón phân vi sinh cho cây sắn nhằm tăng năng suất cây trồng, cải tạo, chống thoái hoá đất... thực sự đã tạo ra một “cuộc cách mạng” trong nhận thức, làm thay đổi tập quán “sợ bón phân” của bà con.

Vượt qua tập tục lạc hậu

Già làng Chuôi Muôm ở bản 9, xã Thanh, kể rằng từ xưa nay người dân tộc vùng cao Quảng Trị không biết bón phân cho cây trồng. Họ sợ bón phân sẽ bị Giàng phạt đến ốm đau, nên sản xuất nông nghiệp bà con chỉ nhờ trời. Vì vậy năng suất cây trồng liên tục đi xuống, đất đai thoái hoá, bạc màu. Cuộc sống của bà con luôn đối mặt với đói nghèo, thiếu thốn.

 Cách nay hơn một năm, cán bộ của NM Tinh bột sắn Hướng Hoá đi đến từng nhà dân trong vùng nói cho bà con hiểu giá trị của phân bón đối với cây trồng, nhất là cây sắn, một loại cây chủ lực. Cán bộ của NM khẳng định không có Trời, Giàng nào bắt bà con, muốn mùa màng bội thu hơn phải mạnh dạn bón phân cho cây trồng. Mỗi ngày, NM cử hai cán bộ về từng bản dạy cho bà con cách bón phân cho cây sắn. Rồi NM lập ra 40 tổ sản xuất tại 7 xã nhằm tuyên truyền, vận động bà con phải thay đổi suy nghĩ, thay đổi tập tục lạc hậu, đưa phân bón vào cây sắn để tăng cao năng suất...

Nhớ lại ngày ấy, ông Hồ Hiếu - TGĐ Cty TNHH MTV Thương mại Quảng Trị - kiêm GĐ NM Tinh một sắn Hướng Hoá, cho biết: Phân bón hiệu Sêpôn của NM sản xuất đã được Cục Trồng trọt của Bộ NN-PTNT cấp phép lưu hành sử dụng. Đây là phân vi sinh được sản xuất từ phế thải trong quá trình chế biến tinh bột sắn của NM, gồm: 60% vỏ lụa của củ sắn, 20% phân bò, 10% than bùn và kết hợp tỷ lệ đạm, lân, kali. Để thuyết phục bà con tin tưởng phân bón sẽ mang lại hiệu quả cao, NM đã làm 40 mô hình đối chứng trồng sắn trên 7 xã.

Kết quả mô hình trồng sắn có bón phân vi sinh cho năng suất cao hơn không bón phân 5 tấn/ha. Ngoài ra, với đất trồng sắn thì sau ba năm khai thác, đất đã hết màu mỡ, nên rất cần bón phân để tăng dinh dưỡng đất thì sắn mới cho năng suất cao hơn. Khi bà con dân tộc chứng kiến tận mắt giá trị thuyết phục của việc bón phân cho cây sắn rồi họ mới tin tưởng đưa phân vào sử dụng như hiện tại.

Những ngày này, trên các bản làng của người Vân Kiều, Pa Cô nhà nào cũng lên rẫy làm cỏ cho sắn, họ không quên mang theo phân bón vi sinh giúp sắn phát triển tốt hơn. Anh Hồ Văn Leng, trưởng bản Cu Ty, xã Hướng Lộc cho biết vụ sản xuất này nhà anh trồng 1,5 ha sắn. Hiện tại rẫy sắn của nhà Leng đang vào kỳ làm cỏ đợt đầu. Leng nói không chỉ có anh mà dân bản Cu Ty ai cũng muốn dùng phân bón cho cây sắn vì bà con thấy hiệu quả mang lại rất thiết thực.

Leng khoe: “Rẫy sắn có bón phân của nhà em cây lên rất mạnh mẽ, tuy mới bốn tháng nhưng củ sắn đã lớn bằng ngón chân cái. Đã thật, trước đến giờ làm gì có chuyện sắn sớm cho củ lớn như vậy đâu”.

Tác động giảm nghèo, đa dạng sinh kế

Tại bản 9 ở xã Thanh - Hồ Pả Tuân, trưởng bản đang cùng bà con tham gia lớp tập huấn cách bón phân cho sắn. Nhiều hộ bà con dân tộc ai cũng phấn khởi, tin tưởng dùng phân bón vi sinh cho sắn sẽ có mùa màng bội thu. Hồ Pả Tuân nói ngày xưa bà con mình không biết, sợ rằng bón phân sẽ bị thần linh phạt, nhưng nay nhờ cán bộ của NM dạy cho kiến thức khoa học, dân bản nghe theo cán bộ để có nhiều kinh nghiệm trong sản xuất nông nghiệp.

Theo ông Hồ Xuân Hiếu, từ khi bà con dân tộc biết bón phân cho sắn không những nâng cao năng suất cây trồng, người dân có thu nhập nhiều hơn, từng bước cải thiện đời sống... mà hy vọng cách làm này được mở rộng cho những địa phương khác và cho những sản phẩm khác để góp phần tạo ra sự đa dạng trong nguồn sinh kế cho người dân.

Nhằm tạo điều kiện giúp bà con bón phân, áp dụng khoa học kỹ thuật vào trồng sắn hàng hoá, NM Tinh bột sắn Hướng Hoá đã bán phân vi sinh với giá rẻ 1.500 đồng/kg cho các gia đình tham gia trồng sắn. Mức giá này rất thấp so với giá các loại phân vi sinh khác ngoài thị trường hiện tại ở mức 7.000 đồng/kg. Ngoài ra, mỗi gia đình trồng sắn sẽ được dự án dạy nông dân trồng sắn hỗ trợ thêm cho 12 bao phân vi sinh Sêpôn nên bà con dân tộc rất phấn khởi.

Ông Võ Thanh - Phó Chủ tịch UBND huyện Hướng Hoá rất ủng hộ việc NM Tinh bột sắn Hướng Hoá dạy cho bà con dân tộc bón phân cho cây sắn. Theo ông Thanh, cuộc vận động đã làm thay đổi suy nghĩ sản xuất theo kiểu “truyền thống nhờ trời” mà lâu nay bà con thường dùng để chuyển sang áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp. Đề nghị NM tiếp tục giúp bà con trong việc giữ giá bán phân thấp như hiện tại để tất cả bà con trồng sắn đều có cơ hội được sử dụng phân bón vi sinh.

Mới đây, khi cùng đoàn đại biểu tham dự Hội nghị giữa kỳ Các nhà tài trợ cho Việt Nam tới thăm xưởng sản xuất phân bón vi sinh giá rẻ cho cây sắn của NM Tinh bột sắn Hướng Hóa, ông Ayumi Konishi - Giám đốc Ngân hàng Phát triển Châu Á tại Việt Nam, đánh giá rất cao cách làm này của NM. Ông Ayumi Konishi, nói: “Xưởng sản xuất phân bón vi sinh giá rẻ cho cây sắn tại Hướng Hoá đã minh chứng cho óc sáng tạo của các doanh nghiệp tại Việt Nam. Tác động giảm nghèo cho người dân địa phương và tác động về môi trường của dự án này là rất lớn”.

Xem thêm
Nắng nóng kéo dài cộng mùa vụ liên tục, cây lúa đối mặt nhiều bất lợi

Plastimula 1SL là giải pháp hỗ trợ cây lúa vượt qua ảnh hưởng của nắng nóng kéo dài trong giai đoạn đầu vụ hè thu.

Bộ đôi Advance và Advance Pro: Định nghĩa mới về độ đạm chuẩn cho tôm

Advance và Advance Pro là bộ đôi thức ăn hàng ngày từ Grobest Việt Nam, giúp người nuôi đối phó với tình hình giá tôm giảm mạnh và chi phí nuôi tăng cao hiện nay.

Aquavina đồng hành cùng người nuôi tôm ĐBSCL

Aquavina đặt nền móng cho sự thành công của người nuôi tôm tại ĐBSCL bằng việc cung cấp các sản phẩm thuốc thú y thủy sản chất lượng cao.

Bình luận mới nhất