| Hotline: 0983.970.780

Người vợ bị hắt hủi

Thứ Bảy 03/02/2018 , 15:05 (GMT+7)

Nghe tiếng ho húng hắng của ông Mưu trong phòng, bà Hoa bước vào, nhẹ nhàng hỏi:

- Ông dậy rồi à?

- Vơ... ơ... ơng...

Ông Mưu yếu ớt đáp lại. Cũng rất nhẹ nhàng, bà Hoa khẽ khàng luồn tay xuống dưới giường, lấy cái bô mang đi đổ. Hơn một năm nay, ông Mưu nằm liệt, mọi việc từ ăn uống, tắm rửa cho đến vệ sinh đều phải nhờ người giúp đỡ.

Đổ bô xong, bà Hoa quay trở lại giường ông với cái chậu nhựa xanh, một cái cốc nhựa, trong cốc đựng nước ấm và một cái bàn chải đánh răng đã quệt sẵn kem. Vén màn, đỡ ông ngồi dậy tựa lưng vào cái gối cao, một tay bà cầm cốc, còn tay kia lùa bàn chải vào miệng, đánh răng cho ông.

Đánh răng cho chồng xong, bà ra ngoài, lát sau quay lại với cái phích nước và cái khăn mặt trắng tinh. Đổ nước trong phích vào chậu, bà nhúng khăn, nhẹ nhàng lau mặt, lau cổ cho ông. Làm vệ sinh cho ông xong, thì đến lúc ăn sáng. Một tay bưng tô cháo thịt nóng hổi, tay kia cầm thìa, bà nhẹ nhàng xúc từng thìa cháo bón cho ông.

Những cử chỉ nhẹ nhàng nhưng rất ân cần ấy của bà khiến cổ ông nghèn nghẹn. Định đưa tay ra cầm tay vợ nhưng bất lực, ông đành ngước đôi mắt rưng rưng nhìn bà, lắp bắp:

- Bà ơi... tôi... tôi xin... Xin lỗi bà. Tôi xấu... xấu hổ lắm... ân hận... lắm.

- Thôi, chuyện đã qua rồi, ông đừng nhắc lại nữa, cũng đừng nghĩ ngợi gì nữa. Một ngày nên nghĩa.

Gần năm mươi năm trước, ông cưới bà, khi ấy ông hai mươi còn bà mười tám. Cưới nhau xong, ông đi học lớp cao đẳng y tế, còn bà ở quê làm ruộng và chăm sóc, hầu hạ bố mẹ chồng. Ba năm sau, khi ông tốt nghiệp, được phân công về bệnh viện huyện thì đứa con cả cũng chào đời. Từ bệnh viện huyện, ông được cử tuyển đi học đại học y, trở thành bác sĩ. Năm ông nhận bằng bác sĩ, cũng là năm bà sinh đứa con gái thứ hai. Từ bệnh viện huyện, ông chạy chọt lên bệnh viện đa khoa tỉnh, phấn đấu trở thành phó khoa, trưởng khoa, phó giám đốc rồi giám đốc bệnh viện. Cuộc đời cứ thế êm đềm trôi, gia đình ông sẽ tràn ngập hạnh phúc, nếu như ông không gặp Ngân.

Cô y sĩ trẻ này tốt nghiệp trường trung cấp y đã 2 năm nhưng không xin được việc, nên đành làm tạm một chân bưng bê ở quán nhậu Hoa Phượng. Bữa đó ông được mời nhậu ở quán này. Vừa nhìn thấy Ngân, ông đã bị cô hớp hồn. Hỏi chuyện, biết được hoàn cảnh của cô, ông tỏ ra thông cảm. Phần Ngân, khi biết ông là giám đốc bệnh viện, cô cũng đặc biệt quan tâm, xin số điện thoại của ông.

Chỉ hai hôm sau, Ngân đã gọi điện cho ông, lúc đầu, cô xưng là cháu, gọi ông là chú. Hai chú cháu tâm sự với nhau rất lâu. Và sau vài ba lần điện đóm qua lại, một buổi tối họ đã gặp nhau ở một khách sạn. Tại đây, một “hợp đồng” đã được thỏa thuận. Ngân chấp nhận làm tình nhân của ông, còn ông thì nhận cô vào làm việc trong bệnh viện của mình. Ngay đêm đó “con ong đã tỏ đường đi lối về”, ông đã được hưởng một đêm đầy ngọt ngào, say đắm.

Nhưng sau khi vào làm việc trong bệnh viện rồi, thì Ngân không chịu phận tình nhân nữa, cô nhất định đòi ông Mưu phải cho mình một danh phận. Mê man trước sắc đẹp và những lời nỉ non bên gối của Ngân trong căn phòng quen thuộc ở khách sạn, ông Mưu quyết tâm bỏ vợ để cưới cô.

Thế là sóng gió nổi lên. Từ một cái lỗi rất nhỏ nhặt của bà Hoa là tra muối hơi quá tay, khiến nồi canh hơi mặn, ông nổi xung hắt cả bát canh đi, làm lớn chuyện, nằng nặc đòi ly hôn. Mặc bố mẹ, anh em phản đối, hai con khóc lóc, van xin, bà Hoa tìm mọi cách níu kéo, ông vẫn không động lòng. Ly hôn xong, thì ông đúng 50 tuổi, còn Ngân bằng một nửa tuổi ông.

Làm vợ của giám đốc bệnh viện, cô y sĩ Trần Thị Kim Ngân lên như diều gặp gió. Cũng như chồng, cô được bệnh viện cử tuyển đi học đại học y. Và vừa trở thành bác sĩ được 1 năm, cô đã được đề bạt làm phó khoa tim mạch, rồi 2 năm sau nữa, trở thành trưởng khoa. Vợ chồng ông mua đất, xây nhà ở thị xã.

Sống với vợ mới được 10 năm, nhưng không có người con nào. Khi ông Mưu nhận quyết định về hưu, thì quan hệ vợ chồng bắt đầu rạn nứt. Ngân đi sớm về khuya, lúc đầu còn lén lút rồi sau công khai cặp bồ với vị phó giám đốc cũ của ông, vừa được đề bạt làm giám đốc sau khi ông nghỉ. Cố nín nhịn để níu kéo tình cảm nhưng không thành, ông đành ký vào lá đơn ly hôn do Ngân thảo sẵn.

Rời tòa án, ông về quê. Con gái đã lấy chồng. Bố mẹ đã mất. Bà Hoa đã bán nhà, lên Hà Nội ở với con trai. Không còn nơi nương náu, ông đành tá túc ở nhà đứa cháu gọi ông bằng bác ruột.

Rồi một cơn đột quỵ đã quật ngã ông. Ông được đưa vào cái bệnh viện mà chính ông đã làm giám đốc một thời. Suốt mấy tháng nằm viện, Ngân không một lần đến thăm ông. Qua các bác sỹ điều trị cho mình, ông biết cô đã trở thành phó giám đốc bệnh viện. Rời bệnh viện về nhà, ông nằm liệt.

Và nhân một lần về thăm quê, biết tình cảnh của ông, bà Hoa tìm đến, thấy ông lăn lóc trong căn phòng tối tăm trong ngôi nhà người cháu, mùi nước giải lưu cữu khai nồng nặc, quần áo bẩn thỉu, hôi hám. Bà vội nấu một nồi nước lá bưởi, tắm rửa, thay quần áo cho ông rồi nấu bát cháo, mang đến bón cho ông. Lâu lắm, ông mới được ăn một bát cháo vừa nóng vừa ngon như vậy. Sáng hôm sau, bà thuê một chuyến xe, đưa ông lên Hà Nội.

(Kiến thức gia đình số 5)

Xem thêm
Phụ nữ Hàn Quốc 'giả bệnh' trước kì nghỉ lễ Trung thu

Áp lực khi phải chuẩn bị cỗ bàn, chiều lòng các thành viên trong gia đình chồng, nhiều phụ nữ Hàn Quốc giả bệnh trước kì nghỉ lễ Trung thu.

Chúng ta ở quãng nào?

Nhiều người vẫn chép miệng tiếc nuối 'Sao thời xưa nghèo mà yên thế?'. Có thể họ muốn nói đến thời bao cấp chăng?

Bình luận mới nhất