| Hotline: 0983.970.780

Người vợ thi nhân Đoàn Văn Cừ

Chủ Nhật 31/08/2014 , 15:26 (GMT+7)

Tôi hỏi sao cụ Miều sao không lên Hà Nội hay sang sống cùng vợ chồng người con gái ở gần bên để nhờ cậy lúc tuổi già? Nghe ra, cụ tủm tỉm trả lời: "Các vị thấy đấy, tôi còn khỏe, hàng ngày vẫn tự mình nấu ăn. Tôi phải ở nhà này để còn tiếp khách văn cho ông nhà tôi chứ".

Làng quê cụ ở thênh thang

Tôi đã toan quay trở ra để về Hà Nội, một phần vì trời đã sập tối lâu rồi, phần khác là vòng lên vòng xuống mấy lượt tôi vẫn chưa tìm được chính xác đâu là địa chỉ cụ thể của gia đình thi nhân Đoàn Văn Cừ. Hỏi thăm dân làng, người thì bảo ông Cừ ở dưới làng Đô Quan, người khác lại bảo nhà thơ Đoàn Văn Cừ thì phải ở trên làng Đô Đò.

Hết cả thập niên đầu thế kỉ 21 tìm nhà ông còn khó như vậy, chả trách Hoài Thanh và Hoài Chân tác giả quyển "Thi nhân Việt Nam" đã phải mấy lần rao tin tìm kiếm.

Lần đầu: “Cho đến hôm nay, viết mấy lời giới thiệu thơ Đoàn Văn Cừ, tôi vẫn chưa biết gì thêm về con người ấy”. Lần thứ hai: “Khi quyển sách này đưa in, chúng tôi vẫn chưa biết gì thêm về ông Đoàn Văn Cừ tuy đã hỏi rất nhiều người. Vậy xin mạn phép ông trích mấy bài thơ. Ông ở đâu, làm ơn cho chúng tôi biết”.

Và lần thứ ba, khi tái bản, quyển sách lại ghi chú: “Vẫn chưa biết ông Đoàn Văn Cừ ở đâu”!

Mấy phen đảo lên đảo xuống cuối cùng thì tôi đã tìm được vào tận nhà của tác giả “Chợ Tết” giữa lúc mưa đổ nhịp thẫm ướt đường thôn. Thì ra tên làng đầy đủ là Đô Quan Đò, người dân quen gọi tắt là làng Đô Đò.

11-01-48_b-don-vn-cu-1
Cụ Nguyễn Thị Miều

Thi nhân Đoàn Văn Cừ mất từ năm 2004, còn người vợ thi nhân, cụ tên thật là Nguyễn Thị Miều, sinh năm 1916, tuổi Bính Thìn, tính theo lịch ta thì năm nay đã 99 tuổi.

Gần trăm năm tuổi đời, tai có nặng chút nhưng mà lưng vẫn chưa còng, khi kể chuyện tiếng nói của cụ Miều hãy còn rổn rảng và hóm hỉnh lắm. Đặc biệt đôi mắt cụ còn rất sáng – nói như các nhà nhân tướng học thì cảm giác thần khí, tinh anh đều tập trung vào đôi mắt ấy.

- Ông nhà tôi hồi bé vất vả, mẹ mất năm 4 tuổi, đến năm 14 tuổi thì bố mất – cụ Miều bắt đầu câu chuyện khi biết mong muốn của tôi được tìm hiểu về thi nhân Đoàn Văn Cừ – Đang đi học trường Tây thì bị đuổi học, bà nội thương cháu đón về nuôi. Từ đấy ông tự học, rồi trở thành thầy giáo. Hồi đó nhà tôi ở xóm trên, ông ấy dạy học ở ngay gần nhà tôi.

Ngày ngày cậu giáo Đoàn Văn Cừ vừa dạy học lại vừa đọc sách, ngâm thơ. Rồi thầy đồ chốn thôn quê có thơ đăng trên báo "Ngày nay" của nhóm Tự lực Văn đoàn ở tận Hà thành. Vậy là tiếng tăm dậy đất thành Nam, thơ Đoàn Văn Cừ được nhiều người yêu thích và thuộc nằm lòng.

Đoàn Văn Cừ (1913-2004) đã từng làm công nhân nhà máy dệt Nam Định tham gia phong trào đấu tranh chống bọn chủ đánh đập công nhân, đòi tăng lương và thực hiện chế độ làm việc 8 giờ một ngày (1936-1937).

Đại biểu HĐND tỉnh Nam Định khóa đầu tiên (1946-1948), cán bộ biên tập của Nhà xuất bản Phổ thông (Bộ Văn hóa), ủy viên Ủy ban MTTQ huyện Nam Ninh, Ủy viên BCH Hội văn nghệ tỉnh Hà Nam Ninh (nay là tỉnh Nam Định).

Ngoài làm thơ, Đoàn Văn Cừ có cả một tập phóng sự "Quân dân Nam Định anh hùng chiến đấu" (1953).

Trong số những người mê thơ cậu giáo có cả cô thôn nữ Nguyễn Thị Miều. Trước cô gái đẹp người, đẹp nết thi nhân đã viết tặng cô bài thơ như một lời cầu hôn:

“Tôi yêu cô gái xứ quê/ Ngày ngày cô đội nón mê ra đồng/ Chăn trâu ăn cỏ vừa xong/ Về nhà cô lại ra sông vớt bèo/ Làm ăn chăm chỉ sớm chiều/ Thái khoai nấu cám mọi điều đảm đang/ Đồng quê cô ở thênh thang/ Ngựa xe cô chẳng mơ màng đến ô/ Hỡi cô có biết người thơ/ Bấy lâu vẫn ước cùng cô bạn lòng”.

Chỉ người thơ vẫn là người hôm qua

Theo lời cụ Miều kể, trong số bạn bè của thi nhân Đoàn Văn Cừ, có ông Nguyễn Vịnh, về sau là Trung tướng Nguyễn Văn Vịnh.

Hai ông vừa là bạn thơ vừa là đồng chí hoạt động cách mạng. Về sau ông Vịnh đi tù Côn Đảo, có làm thơ dặn lại ông Cừ: “Tôi đi anh ở lại làng/ Liệu mà tô thắm, nhuộm vàng cho quê”. Cụ Miều đọc theo âm sắc của tiếng cũ, không phải “nhuộm” mà là “duộm”, “duộm vàng”.

Thi nhân Đoàn Văn Cừ có thơ đáp lại rằng: “Cánh chim phiêu bạt đến đâu rồi?/ Quán chợ đêm nay người đã hết/ Đò chiều còn một chuyến này thôi/ Câu thơ chúc Tết tôi chờ bác/ Chén rượu mừng Xuân bác với ai?/ Thơ này tôi gửi trong sương gió/ Mong tới tay người lúc ngược xuôi”.

- Chả biết bài thơ có đến được với ông Nguyễn Vịnh ở ngoài Côn Đảo hay không, chứ nhà tôi thì vẫn nhớ rõ lắm.

Bên ngoài trời nổi gió, gió lùa vào phòng. Trong ngôi nhà nay đã vắng bóng thi nhân, cụ bà Nguyễn Thị Miều sống ấm áp bên tình làng nghĩa xóm. Vợ chồng bà Minh là hàng xóm sát vách, tối đến vẫn sang trông nom cụ như đang làm chức phận con cháu trong nhà.

Tôi hỏi sao cụ Miều không lên Hà Nội hay sang sống cùng vợ chồng người con gái ở gần bên để nhờ cậy lúc tuổi già? Nghe ra, cụ tủm tỉm trả lời:

- Các vị thấy đấy, tôi còn khỏe, hàng ngày vẫn tự mình nấu ăn. Tôi phải ở nhà này để còn tiếp khách văn cho ông nhà tôi chứ. Thỉnh thoảng lại có khách tới thăm, tôi đi ở nơi khác sao đành, lại còn hương khói cho tổ tiên và ông nhà tôi nữa.

Vợ chồng thi nhân Đoàn Văn Cừ sinh hạ 5 người con, 2 gái, 3 trai, tất cả đều thành đạt. Trong đó, con trai cả Đoàn Văn Dòng là Đại tá Quân y. Con trai thứ là Họa sĩ Đoàn Văn Nguyên, giảng viên Trường Đại học Mỹ thuật Hà Nội, Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật năm 2010.

Nói chuyện về thơ của cụ ông, dường như khiến cụ bà khỏe ra. Cụ hào hứng đọc cho tôi nghe những vần thơ riêng của thi nhân tặng người bạn tao khang đã từng hẹn nhau sống đến lúc bạc đầu.

Nhưng thật kỳ lạ, cho đến ngày ra đi vĩnh viễn ở tuổi đại thọ 92, mái tóc thi nhân Đoàn Văn Cừ vẫn chưa bạc. Vậy nên cụ Miều đọc thơ xong lại tự nhủ: “Cụ chẳng bạc đầu gì mà cụ đã chết rồi à? Mà lạ thật đấy, đến ngày cụ đi là chín mươi mấy tuổi, tôi chả thấy tóc cụ có sợi bạc. Bây giờ các ông Đoàn Văn Ròng, ông Đoàn Văn Nguyên cũng thế, ngoài bảy mươi tuổi cả rồi mà chả thấy tóc bạc”.

- Thưa cụ, cụ ông có đỡ đần công việc gia đình cho cụ được nhiều không ạ?

Nghe tôi hỏi, mấy người hàng xóm ngồi chơi cùng đều phá lên cười. Cụ Miều giải thích:

- Cụ ông nhà tôi chỉ làm thơ thôi chứ có biết làm gì đâu! Ruộng đồng không biết cấy cày, cơm cũng không biết thổi. Cụ ông bảo tôi: Công việc, gia đình, con cái kệ bà; tôi chỉ biết làm thơ thôi. Bây giờ mỗi khi có bạn cũ đến chơi, hay có khách từ xa về thăm như các vị, họ đều bảo tôi đọc thơ của cụ ông cho nghe. Giá mà các vị đến đây được từ sớm thì tôi mở cửa để các vị vào chép thơ của ông ấy. Căn phòng đấy tôi vẫn để nguyên như ngày ông nhà tôi còn. 

Khi vắng tôi, cụ ông buồn, nên cụ làm thơ: “Bạn về nhắc khách thuyền quyên/ Trăm năm còn nhớ lời nguyền đôi ta/ Còn dư một tập thi ca/ (...) Người yêu có hỏi thăm qua/ Chỉ người thơ vẫn là người hôm qua”.

Cuộc đời thơ của Đoàn Văn Cừ được Hoài Thanh tổng kết như sau: “Những hình ảnh cuộc đời Việt Nam xưa còn lưu lại trong thời nay chẳng bao lâu sẽ mất hết. Nếu ta không gấp gấp ghi chép lấy thì rồi chẳng còn biết tìm kiếm vào đâu.

Gần đây đã có một ít nhà viết tiểu thuyết ưa thuật chuyện đồng quê, nơi nương náu cuối cùng của dĩ vãng. Nhưng đời sống ở đồng quê có một nhịp nhàng riêng, thể văn tiểu thuyết không diễn ra được. Phải có thơ. Trong các nhà thơ đồng quê, không ai có ngòi bút dồi dào mà rực rỡ như Đoàn Văn Cừ”.

Xem thêm
Lãnh đạo Đảng, Nhà nước dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng

Sáng 18/4 (tức 10/3 năm Giáp Thìn - ngày Giỗ Tổ Hùng Vương), Thủ tướng Phạm Minh Chính dự lễ dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng tại Điện Kính Thiên trên đỉnh núi Nghĩa Lĩnh thuộc Khu Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Đền Hùng ở TP. Việt Trì, tỉnh Phú Thọ.

Giá cam sành giảm mạnh, nông dân thất thu

ĐBSCL Hiện tại, cam sành loại 1 chỉ còn 5.000 đồng/kg, giảm 4.000đồng/kg so với dịp Tết Nguyên đán. Với giá bán hiện tại người trồng cam thua lỗ từ 2.000 - 3.000 đồng/kg.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Khơi thông 'huyết mạch' những cánh đồng đất Cảng: Kênh mương 'cấp xã' chắp vá

HẢI PHÒNG Hệ thống công trình thủy lợi do các xã quản lý ở Hải Phòng được đầu tư từ lâu, đã xuống cấp do thiếu kinh phí tu sửa, ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp.