| Hotline: 0983.970.780

Người xứ Nghệ luôn ưu tiên cho sự học của con em mình

Thứ Năm 19/10/2017 , 13:45 (GMT+7)

Tinh thần hiếu học của người xứ Nghệ nức tiếng. Học không chỉ ước mơ thoát nghèo mà còn khát khao khẳng định mình. Tinh thần ấy không bao giờ mai một, người xứ Nghệ luôn ưu tiên hàng đầu cho sự học của con em mình.

Những mô hình khuyến học

Trên 60 tuổi đời, người vợ cũng vừa mất cách đây không lâu vì bệnh hiểm nghèo, gia tài khánh kiệt nhưng ông Hoàng Văn Thân, xã Đông Sơn (Đô Lương, Nghệ An) vẫn quyết lo cho 2 người con út theo chân 4 người chị đã tốt nghiệp các trường đại học.

Với ông Thân, nuôi 6 đứa con ăn học là nỗ lực hết mình của gia đình nhưng vai trò công tác khuyến học ở địa phương cũng rất quan trọng. “Nếu sự học không thấm vào từng thớ thịt con em vùng đất này, nếu tôi không được sự hỗ trợ của công tác khuyến học ở địa phương thì chỉ có nước bắt con bỏ học”, ông Thân nói.

09-52-32_ong_hong_vn_thn
Ông Hoàng Văn Thân đã nuôi 6 đứa con học đại học

Theo bà Nguyễn Thị Hồng Vân, Phó Chủ tịch Hội Khuyến học xã Đông Sơn, khuyến học - khuyến tài đã trở thành phong trào sâu rộng ở địa phương, thôn có quỹ khuyến học thôn, quỹ khuyến học xã, quỹ khuyến học dòng họ, các cấp, ngành đoàn thể, trường học đều có quỹ khuyến học...

“Trên 10 năm nay, ở Đông Sơn có phong trào tiếng trống học bài. Đây là sáng kiến của hội khuyến học huyện. Khi đồng hồ điểm 19 giờ cũng là lúc hệ thống loa truyền thanh thôn xóm phát đi thông điệp động viên các cháu, các gia đình tạo điều kiện tốt nhất cho con em học bài. Thời gian gần đây, công tác khuyến học được xã hội hóa, phủ sóng toàn xã, các cấp, ngành đều vào cuộc. Có nhiều mô hình khuyến học hay, hiệu quả như quỹ khuyến học dòng họ Trương Công với trên 1,2 tỷ đồng. Số tiền này được gửi vào ngân hàng, lấy lãi suất trao cho các em học giỏi, những người học thạc sỹ được trao 10 triệu đồng, tiến sỹ 15 triệu đồng; con em học khá, giỏi ở bậc ĐH, nếu hoàn cảnh khó khăn được trao học bổng 700 nghìn đồng/tháng…”, bà Vân tự hào.

Đô Lương là vùng đất học của Nghệ An. Bằng chứng là, mỗi năm, địa phương này có trên 30 em đỗ vào trường chuyên Phan Bội Châu của tỉnh; 700 - 800 cháu đỗ đại học, trong đó có khoảng 5% đỗ tốp điểm cao. Điển hình như năm học 2016 - 2017, toàn huyện có đến 20 em thi đại học đạt trên 28 điểm.

Ngoài việc “phủ sóng” công tác khuyến học ở tất cả các cấp, các ban ngành thì địa phương còn tiên phong triển khai các mô hình khuyến học. Mới đây nhất là chương trình nuôi lợn khuyến học.

“Có 80 hộ dân tại xóm Yên Quang (Yên Sơn) nuôi lợn khuyến học. Sau 1 năm, các hộ dân này sẽ mổ lợn vào dịp khai giảng. Chúng tôi sẽ trao giải nhất, nhì, ba cho 3 hộ có số tiền nuôi lợn nhiều nhất”, ông Tăng Văn Sơn, Chủ tịch Hội khuyến học huyện Đô Lương cho biết.

09-52-32_ong_tng_vn_tm_chu_tich_hoikhuyen_hoc_huyen_do_luong
Ông Tăng Văn Sơn, Chủ tịch Hội khuyến học huyện Đô Lương

Không chỉ ở Đô Lương, phong trào xã hội hóa khuyến học còn được các địa phương khác triển khai sâu rộng. Điển hình như ở huyện Thanh Chương. Ông Phan Văn Phương, Thư ký Hội Khuyến học xã Thanh Lương cho biết, công tác khuyến học ở địa phương đã xuất hiện từ hàng chục năm trước. Có những mô hình hay như dòng họ khuyến học Nguyễn Sỹ.

“Công tác khuyến học tại dòng họ Nguyễn Sỹ đã bắt đầu nhen nhóm từ những năm trước Cách mạng Tháng 8. Tại thời điểm đó, dòng họ này đã có những tổ dạy học, miễn phí cho người dân trong xã. Đến sau kháng chiến chống Mỹ, họ Nguyễn Sỹ thành lập quỹ khuyến học và duy trì cho đến nay. Hay như từ hơn 10 năm trước, xóm 3 đã có sáng kiến góp mỗi hộ một ít, gửi vào ngân hàng hàng chục triệu đồng để làm quỹ khuyến học…”.

09-52-32_hoi_dong_gi_toc_ho_nguyen_sy_trodoi_cong_tc_khuyen_hoc
Hội đồng gia tộc họ Nguyễn Sỹ trao đổi công tác khuyến học - khuyến tài


45 tỷ đồng khuyến học mỗi năm

Ông Trần Xuân Bí, Chủ tịch Hội Khuyến học Nghệ An cho biết, mỗi năm địa phương vận động được trên 45 tỷ đồng tiền khuyến học. Riêng 6 tháng đầu năm 2017, số tiền khuyến học - khuyến tài đã vận động được trên 36 tỷ đồng. Số tiền này đều được chi hết cho công tác khuyến học. Một số cấp hội còn lập quỹ gửi vào ngân hàng, lấy lãi suất để động viên con em học tập.

09-52-32_ong_trn_xun_bi
Ông Trần Xuân Bí, Chủ tịch Hội Khuyến học Nghệ An: Mỗi năm, Nghệ An vận động được trên 45 tỷ đồng tiền khuyến học
Ông Trần Xuân Bí, Chủ tịch Hội Khuyến học Nghệ An: “Năm học 2016 - 2017, Nghệ An có 85 học sinh đạt giải nhất, nhì, ba HS giỏi quốc gia được Hội khuyến học tỉnh trao quà khuyến học, tổng số tiền khen thưởng gần 80 triệu đồng. 4 HS đạt huy chương quốc tế các loại được UBND tỉnh khen thưởng. Những giáo viên có công bồi dưỡng HS đạt giải quốc tế được Tỉnh hội khen thưởng 20 triệu đồng/người. Ngoài ra, các cấp hội cơ sở, dòng họ… cũng trao tiền khuyến học”.

Công tác vận động quỹ khuyến học - khyến tài được thực hiện ở mọi cấp hội khuyến học. Thường các địa phương vận động theo đầu nhân khẩu. Cán bộ, công chức thì vận động theo ngày lương, có nơi một ngày lương, có nơi nửa ngày lương. Nhìn chung, việc vận động quỹ khuyến học được thực hiện ngày càng đa dạng và người dân đồng thuận hưởng ứng.

Bà Nguyễn Thị Hồng Vân, Phó Chủ tịch Hội khuyến học xã Đông Sơn cho biết thêm: “Các đối tượng hưu trí trên địa bàn xã đồng tình ủng hộ nửa ngày lương vào quỹ khuyến học - khuyến tài; cán bộ công chức cấp xã, cán bộ giáo viên thì 1 ngày lương. Ngoài ra, quỹ khuyến học - khuyến tài còn được các doanh nghiệp trên địa bàn, con em xa quê đóng góp. Nhiều đảng viên khi nhận huy hiệu 50 - 60 năm tuổi Đảng cũng có nghĩa cử ủng hộ quỹ khuyến học - khuyến tài… Điều đáng ghi nhận là công tác khuyến học tại địa phương đang ngày càng được người dân hưởng ứng. Những năm gần đây, trên địa bàn xã đã có nhiều cháu đạt các giải cao của tỉnh, quốc gia và Olympic quốc tế”.

Đây cũng là cách vận động đang được thực hiện tại toàn huyện Đô Lương và các địa phương trên địa bàn tỉnh Nghệ An. Theo thống kê, công tác vận động quỹ khuyến học - khuyến tài tại Đô Lương được thực hiện trên 20 vạn nhân khẩu của 33/33 xã, thị, 366 chi hội khối xóm, 97 trường học, 45 ban khuyến học ở cơ quan, xí nghiệp, 1.010/1.024 dòng họ... với tổng số tiền trên dưới 5 tỷ đồng/năm.

Công tác phát triển hội viên, xây dựng các hội khuyến học trên địa bàn tỉnh Nghệ An được các cấp ngành và người dân hết sức quan tâm. Tính đến cuối năm 2016, toàn tỉnh có 21/21 huyện, thị có hội khuyến học; 480/480 hội khuyến học cấp xã, phường, thị trấn, trong đó có 90% số hội đạt khá trở lên; trên 9.450 chi hội khuyến học cộng đồng (thôn, bản), cơ quan, đơn vị, trường học, trong đó trên 78% chi hội khá trở lên; 6.650 ban khuyến học dòng họ, hội đồng hương, trong đó có trên 89% chi hội đạt khá trở lên. Số lượng và chất lượng hội viên được nâng cao với 562.144 hội viên, đạt 18,7% dân số.

Chỉ tính riêng trong 6 tháng đầu năm 2017, toàn tỉnh đã phát triển thêm 10.359 hội viên; 82 tổ chức cơ sở khuyến học. Số gia đình học tập là 410.000 gia đình, dòng họ học tập là 5.277 dòng họ; cộng đồng học tập là 4.628 cộng đồng.

09-52-32_hoi_khuyen_hoc_huyen_do_luong_troqu_khuyen_hoc_cho_hoc_sinh_dt_diem_co_trong_ky_thi_thpt_quoc_gi
Hội Khuyến học huyện Đô Lương trao quà cho học sinh đạt điểm cao trong kỳ thi THPT QG
09-52-32_tro_qu_khuyen_hoc_cho_hs_co_honcnh_kho_khn
Trao quà cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn
Trong những năm qua, Nghệ An luôn là địa phương nằm trong tốp dẫn đầu số lượng học sinh thi đỗ vào các trường ĐH-CĐ. Theo thống kê của Sở GD-ĐT Nghệ An, mỗi năm toàn tỉnh có khoảng trên dưới 20 nghìn cháu vào học ở các trường ĐH, CĐ. Vài năm lại đây, khi Bộ GD-ĐT tổ chức thi THPT Quốc gia, mỗi năm Nghệ An có hàng trăm em đạt từ 27 điểm trở lên. Riêng năm học 2016 - 2017, tỉnh có 624 em được trên 27 điểm. Trong đó có 140 em được UBND tỉnh tuyên dương. Hầu như năm nào Nghệ An cũng có học sinh đạt giải tại các kỳ thi quốc tế. Năm học 2016 - 2017, Nghệ An có 1 HCV toán, 1 HCV vật lý, 1 HCB hóa, 1 HCB môn vật lý và 1 giải nhất viết luận tiếng Nga quốc tế.

 

Xem thêm
Hà Lan sẵn sàng giúp Việt Nam đạt mục tiêu về xuất khẩu nông sản

Trưa 19/3, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan họp song phương với đoàn công tác Hà Lan do Bộ trưởng Chính sách Tự nhiên và Nitơ Christianne van der Wal dẫn đầu.

Đồng Tháp đặt mục tiêu thành tỉnh kiểu mẫu nông nghiệp sinh thái

Mục tiêu là biến Đồng Tháp trở thành địa phương dẫn đầu cả nước trong lĩnh vực nông nghiệp và trở thành trung tâm nông nghiệp, du lịch sinh thái của vùng ĐBSCL.

Kia ưu đãi giá mới, giảm đến 75 triệu đồng trong tháng 9

Từ 11/9/2023, Kia áp dụng giá mới với mức điều chỉnh tương đương 50% lệ phí trước bạ. Chương trình được áp dụng tùy theo dòng xe và phiên bản.

Rủ nhau đi hái lộc rừng

Quảng Bình Cứ vào tháng Ba hàng năm, nhiều người dân sống ở các xã Quảng Kim, Quảng Châu, Quảng Hợp (Quảng Trạch, Quảng Bình) rủ nhau lên rừng hái dâu và có nguồn thu đáng kể.