| Hotline: 0983.970.780

Nguồn nhân lực quản lý, khai thác công trình thủy lợi

Thứ Năm 06/11/2014 , 08:09 (GMT+7)

Để thực hiện tốt nhiệm vụ quản lý, khai thác CTTL thì nguồn nhân lực có vai trò và ý nghĩa hết sức quan trọng. 

Tuy vậy, số lượng và chất lượng nguồn nhân lực quản lý, khai thác CTTL hiện còn rất nhiều bất cập, số lượng lớn nhưng chất lượng còn thấp, mất cân đối nghiêm trọng về cơ cấu trình độ, ngành nghề, kinh nghiệm…

Chúng tôi xin trình bày thực trạng về năng lực của tổ chức, cá nhân tham gia quản lý, khai thác CTTL.

Đặt vấn đề

Theo số liệu thống kê đến cuối năm 2012 cả nước đã xây dựng được hàng ngàn hệ thống CTTL với các quy mô lớn, vừa và nhỏ bao gồm 6.648 hồ chứa các loại với tổng dung tích trữ nước trên 35,34 tỷ m3; trên 10.000 trạm bơm điện lớn và khoảng 6.000 trạm bơm nhỏ; gần 5.000 cống tưới tiêu lớn; trên 126.000 km kênh mương (trong đó có trên 1.000 km kênh trục lớn); khoảng 3.700 km đê sông, trên 2.000 km đê biển và trên 23.000 km bờ bao ở vùng đồng bằng sông Cửu Long.

Hiện có 102 đơn vị quản lý, khai thác CTTL gồm 92 doanh nghiệp (DN), 2 ban quản lý, 4 trung tâm và 4 chi cục thủy lợi kiêm nhiệm với 24.458 người và 16.238 tổ chức hợp tác dùng nước với hơn 81.800 người.

Tuy số lượng nhân lực khá đông, nhưng chất lượng nguồn nhân lực phần lớn còn thấp, nhất là ở cấp huyện, cấp xã, các DN và tổ chức hợp tác dùng nước. Chất lượng nguồn nhân lực thấp, phân bố lại không đồng đều giữa các vùng miền, địa phương.

Vai trò nguồn nhân lực

Nguồn nhân lực là yếu tố quan trọng quyết định hiệu quả quản lý, khai thác CTTL. Nói đến nguồn nhân lực là nói đến trình độ, cơ cấu và sự đáp ứng của nguồn nhân lực với yêu cầu của thị trường lao động.

Chất lượng nguồn nhân lực là sự phản ánh về trình độ kiến thức, kỹ năng và thái độ của người lao động trong một tổ chức SX. Nguồn nhân lực thường được phân chia thành các loại lao động tri thức, lao động quản lý, lao động cung cấp dịch vụ và lao động SX hàng hoá…

Chất lượng nguồn nhân lực ở các DN, tổ chức được hiểu như là khả năng của đội ngũ nhân viên trong DN, tổ chức tham gia quá trình SX cung ứng hàng hóa dịch vụ với năng suất lao động cao, chất lượng và dịch vụ tốt, có khả năng đổi mới, có kỹ năng tiếp cận công nghệ kỹ thuật mới, đáp ứng kịp thời thị hiếu luôn thay đổi của khách hàng.

Đây là những yếu tố then chốt mang lại sự thành công của của các DN, tổ chức nói chung cũng như các đơn vị quản lý, khai thác CTTL nói riêng.

Kinh nghiệm thành công trong phát triển kinh tế - xã hội của các quốc gia như Singapore, Hàn Quốc, Nhật Bản, Mỹ… là những bài học có giá trị và vẫn mang tính thời sự cho VN nói chung và ngành thủy lợi nói riêng trong đào tạo phát triển nguồn nhân lực trong những thập kỷ tới.

Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới (WB), chất lượng nguồn nhân lực của VN đang thấp hơn nhiều so với các nước khác trong khu vực. Trong số 12 nước ở châu Á tham gia xếp hạng, VN xếp thứ 11/12 (đạt 3,79/10); tiếp đến là Thái Lan (4,94/10 điểm); Malaysia (5,59/10 điểm; Ấn Độ (5,76/10 điểm); Hàn Quốc (6,91/10 điểm).

Trong lĩnh vực thủy lợi, nguồn nhân lực chưa đáp ứng được yêu cầu theo quy định, phân bố không đồng đều giữa các vùng miền, nhất là ở các tỉnh, huyện thuộc vùng ĐBSCL, vùng núi, vùng sâu vùng xa.

Vì vậy đào tạo phát triển, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong các đơn vị, tổ chức làm nhiệm vụ quản lý, khai thác CTTL là nhiệm vụ hết sức quan trọng để quản lý tốt CTTL hiện có, nâng cao năng lực tưới tiêu phục vụ SX dân sinh, kinh tế - xã hội đáp ứng yêu cầu về tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững.

Thực trạng nguồn nhân lực

Tính đến cuối năm 2013, trong 63 tỉnh, thành phố cả nước có 62 chi cục và 1 phòng làm nhiệm vụ quản lý nhà nước về thủy lợi ở cấp tỉnh với tổng số 1.005 cán bộ công chức, viên chức nhà nước.

 Tuy nhiên chất lượng nguồn nhân lực của đội ngũ cán bộ quản lý nhà nước đang là khó khăn thách thức. Trong số 1.005 người, số người có trình độ đại học và trên đại học chiếm 60,47%, cao đẳng 1,84%, trung cấp 7,66% và sơ cấp chiếm 30,3%.

 So với 5 năm trước đây, chất lượng nguồn nhân lực có xu hướng giảm sút, số lượng cán bộ có trình độ sơ cấp chiếm tỷ trọng cao hơn (tăng 12,4 % so với năm 2008).

Ở cấp huyện, cả nước có 548 huyện, thị có SX nông nghiệp hiện chỉ có 627 cán bộ có chuyên môn về thủy lợi đang làm việc ở Phòng NN-PTNT (hoặc Phòng Kinh tế), vẫn còn 155 huyện (28,3%) không có cán bộ có chuyên môn thủy lợi.

Trong số 627 cán bộ, chỉ có 495 có trình độ đại học (78,9%). Tỷ lệ này là thấp trong khi phân bố không đồng đều, chủ yếu tập trung ở các huyện, thị vùng đồng bằng ở phía bắc, còn các huyện ở vùng Tây Nguyên, Đông Nam bộ và đồng bằng sông Cửu Long còn thiếu hụt rất lớn.

Ở cấp xã, trong số 9.071 xã (ở nông thôn) chưa có cán bộ xã nào chuyên môn nghiệp vụ về thủy lợi từ trung cấp trở lên, thông thường một phó chủ tịch xã phụ trách giao thông thủy lợi.

Chất lượng nguồn nhân lực đang làm nhiệm vụ quản lý nhà nước về thủy lợi ở địa phương còn nhiều bất cập. Số lượng cán bộ ít, năng lực chuyên môn thấp, ảnh hưởng đến công tác quản lý, chỉ đạo điều hành và hiệu lực quản lý nhà nước về thủy lợi.

Tính đến cuối năm 2012 cả nước có 92 DN quản lý, khai thác CTTL (trong đó có 3 DN trực thuộc Bộ NN-PTNT và 89 DN thuộc các tỉnh), 2 ban quản lý (Tuyên Quang và Kon Tum), 4 trung tâm (Long An, Bạc Liêu, Vũng Tàu và Lâm Đồng), 4 chi cục kiêm nhiệm (Cần Thơ, Hậu Giang, Kiên Giang và Cà Mau).

Trong số 92 DN, loại hình Cty TNHH MTV Khai thác CTTL là chủ yếu 89/92 (chiếm 96,7%). Tổng số cán bộ, công nhân đang làm nhiệm vụ quản lý, khai thác CTTL ở các đơn vị này là 24.458 người, trong đó trình độ đại học và trên đại học chiếm 16,8%, cao đẳng 2,13%; trung học, dạy nghề là 50,7%; sơ cấp 27,9%, chưa đào tạo là 2,23%.

So với năm 2008, số lượng nhân lực tăng lên khá lớn (10%) nhất là sau khi thực hiện chính sách miễn giảm thủy lợi phí. Số lượng nhân lực tăng lên nhưng chất lượng tăng không đáng kể, chưa đáp ứng được yêu cầu công tác quản lý vận hành.

Riêng vùng đồng bằng sông Cửu Long, số lượng và chất lượng nguồn nhân lực có xu hướng giảm dần và đang ở mức thấp nhất so với cả nước trong khi diện tích tưới tiêu tăng lên khá lớn, chiếm trên 50% diện tích của cả nước.

Ngược lại ở vùng đồng bằng sông Hồng và duyên hải miền Trung, số lượng nhân lực tăng lên khá lớn. Tính riêng vùng đồng bằng sông Hồng tăng 1.321 người (tăng 11,2%), vùng duyên hải miền Trung tăng 981 người (tăng 7%). Số lượng nhân lực tăng, nhưng chất lượng nguồn nhân lực vẫn chưa đáp ứng yêu thực tiễn.

Ở các tổ chức hợp tác dùng nước, số cán bộ thủy nông làm nhiệm vụ quản lý, khai thác CTTL hầu hết chưa qua đào tạo tập huấn.

Theo số liệu thống kê của Tổng cục Thủy lợi, tính đến 30/11/2012 cả nước có 16.238 tổ chức hợp tác dùng nước với hơn 81.800 người trong đó có tới 83% chưa được đào tạo. Một số xã không có tổ chức hợp tác dùng nước, không có cán bộ am hiểu về thủy lợi nên công trình hư hỏng xuống cấp nhanh chóng.

Từ các phân tích trên có thể rút ra một số nhận xét về thực trạng nguồn nhân lực trong quản lý, khai thác CTTL hiện nay ở nước ta như sau:

- Nhân lực quản lý, khai thác CTTL là khá lớn nhưng chất lượng vẫn còn thấp, đông nhưng không mạnh, nhất là ở các cấp huyện và các tổ chức hợp tác dùng nước;

- Công tác đào tạo và phát triển nguồn nhân lực chưa được sự quan tâm đúng mức. Mất cân đối giữa số lượng và chất, giữa các ngành nghề đào tạo, trình độ chuyên môn nghiệp vụ;

- Sự kết hợp, bổ sung, hỗ trợ lẫn nhau giữa các tổ chức quản lý nhà nước - DN - tổ chức hợp tác dùng nước chưa tốt. Đặc biệt là sự phối hợp hỗ trợ, hướng dẫn tổ chức thủy nông cơ sở. Rất khó thực hiện xã hội hóa công tác quản lý thủy lợi, chuyển giao công tác quản lý cho cộng đồng khi mà các thủy nông viên cấp xã không có chuyên môn nghiệp vụ.

- Chính sách phát triển nguồn nhân lực thủy lợi còn nhiều bất cập, như chính sách tiền lương, đào tạo phát triển, thu hút nhân tài, đãi ngộ…

Xu hướng chung cán bộ trẻ có đào tạo không muốn về công tác ở các tổ chức quản lý, khai thác CTTL; nhất là các địa phương ở vùng núi, vùng sâu, vùng xa.

 

(Viện trưởng Viện Kinh tế & quản lý thủy lợi, Viện Khoa học Thủy lợi VN)

Xem thêm
Nghề đón 'lộc trời': [Bài 2] Đưa yến sào thành mặt hàng xuất khẩu chủ lực

Yến sào được kỳ vọng là sản phẩm xuất khẩu mang lại nguồn thu lớn cho Bình Phước, sau hạt điều, cao su và sầu riêng.

Kiểm tra đột xuất cơ sở giết mổ, chợ đầu mối, trường học

TP. HCM Công tác kiểm tra sẽ được TP. HCM triển khai đồng bộ tại các cơ sở kinh doanh, giết mổ, chế biến, nhà hàng khách sạn, bếp ăn tập thể, chợ đầu mối.

Giảm hơn 70% lượng nước nhờ tưới phun tận gốc

Tại các tỉnh Tây Nguyên, rất nhiều diện tích cà phê áp dụng công nghệ tưới phun mưa tận gốc giúp giảm được hơn 70% lượng nước tưới và chi phí nhân công.