| Hotline: 0983.970.780

Ngưỡng mộ làng nghề chạm khắc đá Ninh Vân làm nên 500 pho tượng Phật khác nhau

Chủ Nhật 19/11/2017 , 13:15 (GMT+7)

Theo dòng lịch sử, nghề làm chạm khắc đá ở Ninh Vân, Hoa Lư, Ninh Bình, được hình thành hàng trăm năm trước, tạo nên dòng văn hóa mỹ nghệ đá sớm nhất ở phía Bắc. Về đây, ai cũng phải ngạc nhiên vì đâu đâu cũng tràn ngập hàng, đang chờ chuyển lên xe.

Nào tượng Phật, bia rùa, nghê đá, cổng chùa cùng những cuốn thư dày đặc những hàng chữ Nôm. Cả làng như một đại công trường, hối hả tiếng máy xẻ, máy mài...
 

Những bài thơ trên vách núi

Nói đến làng đá Ninh Vân là nói đến cây thị cổ ngàn năm, bên ngôi đình bằng đá, ở làng Xuân Vũ. Thân cây thị cả chục người ôm, tán rộng và dày như cái nơm khổng lồ, xanh mướt tỏa bóng mát quanh năm. Người làm đá nơi đây đều truyền lại cho con cháu, cây thị linh thiêng đem sự bình an cho dân làng hàng trăm năm nay. Mọi người yên tâm làm ăn bên hai con sông của làng chảy qua. Sông Vân và sông Trà Tu đã nuôi dưỡng hồn làng quanh bên cây thị, ấm áp tình thôn, nghĩa xóm. Dãy núi đá vôi phía Đông của làng cũng ăn con nước sông Vân và để lại những âm thanh và hương hoa bí ẩn, trong từng thớ đá.

08-13-04_trng_18

Chính vì lẽ đó chăng mà các làng đá nơi đây thường được khách đến đặt làm tượng Phật, khánh đá, lư hương và bia khắc đầu rồng...Câu chuyện cô Tấm ẩn trong quả thị thơm, thường hiện ra làm việc thiện cho người, đem lộc cho đời đã nuôi dưỡng tâm hồn cho từng bàn tay thợ nơi đây. Họ đã làm hàng ngàn pho tượng Phật, hoặc những tượng đài chiến sĩ, liệt sĩ trên khắp đất nước.

Từ xa xưa đã lưu dấu bàn tay người thợ Ninh Vân, qua những câu thơ khắc trên núi đá chùa Non Nước, bên sông Vân ngày nào. Mỗi bài thơ trên núi Thúy là một câu chuyện đọng lại hồn thiêng sông núi nước non ta. Tâm hồn thi nhân của mỗi thời lại có những suy tư về thế sự và nhân tình thế thái của mỗi thời cuộc. Đó là những thi phẩm của các nhà thơ như Lê Thánh Tông, Trương Hán Siêu, Lê Hiển Tông, Tự Đức, Thiệu Trị, Phạm Sư Mạnh, Nguyễn Trãi, Tản Đà...

Và khi đó, bàn tay thợ chạm khắc Ninh Vân cũng bồi hồi với những nhịp thở thời đại. Những nét chữ tài hoa sinh động luôn có sự đồng cảm với tâm hồn thi nhân. Ngay tại làng còn giữ được cặp rồng đá tại đền thờ Đức Ông thần Hoàng làng Xuân Vũ có niên đại cách đây 700 năm. Những công trình xa hơn, như Lăng Khải Định (Huế) cũng do bàn tay thợ Ninh Vân tạo nên, với vẻ đẹp thâm sâu của đá trong từng nét chạm khắc tinh tế. Bên cạnh đó còn những công trình đá cổ của người Ninh Vân như nhà thờ đá Phát Diệm (Ninh Bình), lăng bà Chúa Liễu (Nam Định)...

Chính ngay trên đất quê hương mình, Hoa Lư, những người thợ làng đá từng để lại những mồ hôi và nước mắt trên những thành quách, thời Đinh (968-980) và Tiền Lê cách đây cả ngàn năm. Hiện còn lại di tích cổ nhất trong Khu di tích lịch sử văn hóa Hoa Lư là cây cột kinh Phật (cao 4,16m) nằm trong Chùa Một Cột (Ninh Bình). Ngôi chùa nằm phía Đông thành Hoa Lư và là nơi tu hành, họp bàn việc nước của các nhà sư như Pháp Thuận, Khuông Việt và Vạn Hạnh (TK10). Những người thợ chạm khắc đá Ninh Vân đã tham gia việc chế tác cột kinh Phật bằng đá (Nhất trụ), đặt tên là cột kinh Lăng Nghiêm, vào năm 995.

Có thể nói cột kinh Lăng Nghiêm là tác phẩm bằng đá hội tụ sự tài hoa của những người thợ khắc đá đầu tiên của làng Ninh Vân. Cột đá tạo hình bát giác. Mỗi mặt là những bài kinh Phật, được khắc chữ Hán cổ, đẹp và rõ ràng. Cho dù đã trải qua hơn 1.000 năm, hàng ngàn chữ đều là văn tự sâu sắc về Phật giáo. Thông qua bản khắc cho biết, cột kinh Lăng Nghiêm được chính vua Lê Hoàn quyết định xây dựng. Và cái tên Chùa Một Cột (Hà Nội) cũng được bắt nguồn từ đây, khi triều đình nhà Lý rời Hoa Lư chuyển về Kinh đô Thăng Long, năm 1010.
 

Kỷ lục khó quên

Gần nửa thế kỷ qua, nghề làm chạm khắc đá Ninh Vân ngày càng phát triển. Hiện có tới 1.600 hộ chế tác đá, với hơn 4.000 thợ các thế hệ, trong 3 làng và các tỉnh khác đổ về cùng làm ăn. Chính vì thế người ta gọi Ninh Vân là một “vương quốc đá” quả không ngoa. Ngoài những công trình đá cổ xưa, những người thợ trẻ tài hoa Ninh Vân ngày nay đã để lại nhiều dấu ấn mới lạ, hoành tráng với những kỷ lục độc đáo.

08-13-04_trng_19

Đầu tiên là kỷ lục cổng làng bằng đá. Với độ cao và rộng hàng chục mét, cổng làng Ninh Vân đã đứng đầu hàng danh sách các cổng làng được xây bằng đá, to và đẹp nhất nước. Điều khác biệt ở đây là các cột được xây từ những tảng đá nguyên khối chồng lên. Các cột dựng đều có những hoa văn rồng uốn lượn, tạo nên sự bay bổng hài hòa, làm giảm đi cảm giác nặng nề.

Đường nét kẻ vẽ trên đá, nhìn thanh thoát nhưng không kém phần kỳ vĩ và thu hút người qua lại. Điều thú vị hơn nữa là những công trình điêu khắc lớn của những người thợ Ninh Vân ở nhiều địa phương cũng mang dấu ấn kỷ lục, tồn tại trong hàng chục năm qua. Có thể kể đến cụm tượng đài Bà mẹ Tổ quốc, ở TP. Hồ Chí Minh; cụm tượng đài Thanh niên xung phong, chống Mỹ cứu nước, ở Quảng Trị; hay tượng Mẹ Suốt, tại Quảng Bình; tượng Trần Hưng Đạo, thuộc Chí Linh (Hải Dương); đặc biệt là cụm tượng đài ở Nghĩa trang Trường Sơn và tượng đài Bác Hồ ở Nghệ An đều đạt độ lớn và đều bằng đá lớn ghép liền mạch.

Thêm nữa, kỷ niệm không kém phần xúc động, đó là vào năm 1988, hợp tác xã của làng đã thực hiện hợp đồng lớn, thi công tượng đài Liên minh đoàn kết Việt Nam - Campuchia đặt tại Hoàng cung Campuchia. Những tác phẩm do bàn tay thợ Ninh Vân thực hiện luôn luôn thể hiện được cái hồn của nhân vật, làm rung động lòng người, cho dù bố cục lớn và hoành tráng đến đâu.

Nhưng có lẽ kỷ lục làm nên 500 pho tượng Phật khác nhau, mỗi bức đều là đá nguyên khối nặng từ 5-6 tấn, bày tại chùa Bái Đính là ấn tượng nhất từ xưa đến nay. Những người thợ đá Ninh Vân đã gây ngạc nhiên cho hàng triệu du khách trong nước và quốc tế. Hành lang kéo dài hàng cây số bày các pho tượng Phật, thuộc các tông phái qua lịch sử Phật giáo, vẫn còn chấn động cho bất kỳ ai đến đây. Nhiều chuyên gia và du khách Trung Quốc đến Bái Đính đều sửng sốt, không những vì độ lớn của các pho tượng đều cao 2,3m, mà còn ở linh hồn tác phẩm. 500 dáng vẻ khác nhau và 500 ánh mắt cũng như tâm trạng khác nhau của cuộc sống được hiện lên từng khuôn mặt Phật.

Người xem đều gặp lại được sự thư thái, lắng đọng trong tâm hồn và như gặp lại được chính mình trong mỗi ánh mắt hay khóe môi an nhiên tự tại. Ai nấy đều thán phục bàn tay thợ tài hoa Ninh Vân. Đó chính là những nghệ sĩ biết gọi hồn đá ngân lên trong thế giới tâm linh diệu kỳ. Người ta còn nói đến một kỷ lục mới khác, bên 500 pho tượng Phật, là một bia khắc khổng lồ, nặng hơn 10 tấn, được làm bằng đá xanh nguyên khối.

08-13-04_trng_20

Đây là bia đá cao hơn 6m lớn nhất trong hàng ngàn bia đá trên đất nước ta. Nó đứng bên 54 bia đá khác, tượng trưng cho 54 dân tộc anh em, hiện được đặt tại chùa Bái Đính. Nghệ nhân Nguyễn Hữu Việt cùng bạn thợ của mình ở Ninh Vân đã thực hiện thi công và tạo dựng bia đá “khủng” này. Thân bia được chạm khắc 200 con rồng nổi, phản ánh đúng hồn cốt văn hóa thời Lý, biểu trưng cho sức mạnh của chế độ phong kiến xưa. Nghệ nhân Nguyễn Hữu Việt nói, thật kỳ công với từng nét chạm khắc, cùng mười người thợ, anh phải làm trong 2 năm trời mới hoàn thành tấm bia kỷ lục này.
 

Trầm tĩnh vô thường

Địa chỉ cuối cùng chúng tôi đến thăm ngôi nhà đá cổ của gia đình bà Đinh Thị Long ở thôn Xuân Phúc. Bà Long nhớ, tuổi thọ ngôi nhà được tính bằng số năm của nhà thờ Phát Diệm, chừng 115 năm. Những họa tiết trên đá, như hoa sen, cùng những hình linh vật được khắc nét mềm mại, như những đường vờn bay bổng. Khung ngôi nhà bằng đá được gá mộng khéo léo không có chút gia cố sắt thép nào nhưng vẫn vững bền hơn trăm năm qua. Những cột đá mỗi ngày một bóng mịn theo thời gian, hiện rõ những vân đá tự nhiên hài hòa. Giờ đây, ngôi nhà đá của bà Long được coi là một địa chỉ tham quan, sau những di tích lịch sử văn hóa đá khác như đình, đền của Ninh Vân.

Bất ngờ tiếng nhạc vang lên, cùng với tiếng trống và lời ca tiếng hát rộn ràng, mỗi lúc một sôi nổi. Chúng tôi thêm một lần ngạc nhiên trước cảnh núi rừng và con nước sông Vân êm đềm trôi qua làng. Thì ra ban nhạc trẻ của Ninh Vân đang tập luyện, để chuẩn bị cho hội làng nghề, tưởng nhớ đến Tổ nghề Hoàng Sùng.

08-13-04_trng_21

Bài hát về đá nghe sao mạnh mẽ và rộn ràng trong giai điệu rock, thôi thúc lòng người. Tôi bỗng nhớ có lần nhà điêu khắc nổi tiếng Nguyễn Phú Cường, khi về đây đã chia sẻ với những người thợ Ninh Vân bằng những vần thơ, mang âm hưởng của đá: “Đục và búa. Chát chúa. Đập nát chính mình. Tạc tâm linh. Hình hài nghệ sĩ. Lao động như nô lệ. Sáng tạo như thượng đế. Biết bao thế hệ nối nhau. Niềm vui dâng hiến. Nỗi đau riêng mình”. Tôi bồi hồi dạo bước bên những người thợ Ninh Vân đang cặm cụi chạm khắc hình tượng rồng cuộn sóng. Đường làng giờ đã thành phố hàng. Tôi nghe tiếng chuông, tiếng khánh vọng về từ trong tâm tưởng. Những bức tượng Phật mỉm cười thiền định và trầm tĩnh bên đường gieo vào lòng tôi sự thanh thản đến vô thường.

(Kiến thức gia đình số 45)

Xem thêm
Lãnh đạo Đảng, Nhà nước dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng

Sáng 18/4 (tức 10/3 năm Giáp Thìn - ngày Giỗ Tổ Hùng Vương), Thủ tướng Phạm Minh Chính dự lễ dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng tại Điện Kính Thiên trên đỉnh núi Nghĩa Lĩnh thuộc Khu Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Đền Hùng ở TP. Việt Trì, tỉnh Phú Thọ.

Giá cam sành giảm mạnh, nông dân thất thu

ĐBSCL Hiện tại, cam sành loại 1 chỉ còn 5.000 đồng/kg, giảm 4.000đồng/kg so với dịp Tết Nguyên đán. Với giá bán hiện tại người trồng cam thua lỗ từ 2.000 - 3.000 đồng/kg.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Hà Nội hỗ trợ học sinh ôn thi tốt nghiệp THPT

Từ 19/4, học sinh Hà Nội có thể ôn thi tốt nghiệp THPT 2024 trên kênh H2 của Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội, ứng dụng HANOI ON trên thiết bị thông minh.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm