| Hotline: 0983.970.780

Nguy cơ bất ổn trạm thu phí BOT trên Quốc lộ 3

Thứ Năm 16/03/2017 , 08:45 (GMT+7)

Trong những ngày qua, dư luận tại Thái Nguyên xôn xao về những bất cập trong việc đặt trạm thu phí BOT trên Quốc lộ 3. 

UBND tỉnh Thái Nguyên khẳng định sẽ sớm đề xuất cơ chế, chính sách đảm bảo quyền lợi cho người dân sống quanh khu vực trạm thu phí BOT tuyến Thái Nguyên - Chợ Mới được đặt trên QL3 cũ.
 

Đặt trạm thu phí ở đó là “không ổn”

Được biết, tuyến đường BOT Thái Nguyên - Chợ Mới được Bộ GTVT đề xuất đầu tư xây dựng. Quy mô dự án gồm xây dựng tuyến mới Thái Nguyên - Chợ Mới và nâng cấp, mở rộng 25km trên QL3 cũ. Bộ Tài chính đã có ý kiến thống nhất về mức thu và việc thu phí ở cả tuyến cũ và tuyến mới.

18-14-15_1
Trạm thu phí tại Quốc lộ 3 cũ dù đang được xây dựng nhưng đã gây dư luận không đồng tình tại Thái Nguyên
 

Theo đó, nhà đầu tư được đặt trạm thu phí trên cả tuyến đầu tư cũ và mới với mức thu như nhau.

Chưa hết, vị trí đặt trạm thu phí sau nhiều lần thương thảo đã được dịch về khu vực km76 trên QL3 cũ, cách ngã 3 Bờ Đậu rẽ QL37 đi Sơn Dương, Tuyên Quang khoảng 2km. Điều này khiến các phương tiện đi huyện Đại Từ (Thái Nguyên), Sơn Dương (Tuyên Quang) chỉ đi qua vài ba km đoạn đường nhưng phải trả phí toàn tuyến cho nhà đầu tư.

Ông Phạm Tích Huy, người dân huyện Phú Lương, Thái Nguyên, cho biết: “Mỗi xe ô tô chúng tôi đã đóng phí bảo trì đường bộ mấy triệu đồng mỗi năm rồi. Bây giờ lại mọc thêm trạm thu phí nữa thì phí chồng phí”.  

Còn bà Đặng Thị Loan (huyện Phú Lương, tỉnh Thái Nguyên) bức xúc, nhà tôi ngay trên con đường này mỗi ngày đi lại vài ba lần thì mất bao nhiêu phí? Chúng tôi lấy tiền đâu để đi lại?

Vị trí đặt trạm thu phí trên QL3 cũ ngay ở khu vực đông dân cư, đây cũng là làng nghề bánh chưng truyền thống Bờ Đậu của Thái Nguyên. Những hộ kinh doanh trên đoạn đường này phản ánh thu nhập đã giảm sút ngay cả khi trạm thu phí chưa đi vào hoạt động.

Ông Lê Sỹ Tiến (Giám đốc Xí nghiệp vận tải - Cty CP Vận tải Thái Nguyên) cho rằng, mức phí lưu thông mà Cty TNHH BOT Thái Nguyên - Chợ Mới công bố khi chuẩn bị đưa Trạm thu phí BOT trên tuyến Quốc lộ 3 cũ vào hoạt động là quá cao, bất hợp lý vì mức giá này cũng bằng với mức giá của tuyến Quốc lộ 3 mới Thái Nguyên - Chợ Mới mà doanh nghiệp này vừa đầu tư.

Việc trạm thu phí án ngữ ngay trước ngã 3 Bờ Đậu rẽ đi QL37 cũng sẽ ảnh hưởng lớn đến hoạt động của các doanh nghiệp thường xuyên đi qua tuyến đường này.

Ông Nguyễn Mạnh Hà (Giám đốc Cty TMDL Dịch vụ Hà Lan, Phó Chủ tịch Hiệp hội vận tải Ô tô Thái Nguyên) cho rằng, việc đặt trạm BOT ở vị trí hiện nay không ổn. “Chúng tôi đã chịu rất nhiều loại chi phí. Bây giờ lại thêm phí thì chúng tôi buộc phải nâng giá thành, ảnh hưởng đến người dân. Trên trạm thu phí khoảng 2km, có ngay ngã rẽ đi Sơn Dương, Tuyên Quang có nhiều khu công nghiệp, cụm công nghiệp mật độ phương tiện đi lại rất nhiều. Vị trí đặt trạm như vậy không ổn tý nào”, ông Hà nói.

Để "né" trạm thu phí, không ít doanh nghiệp, chủ phương tiện vận tải đã tính đến việc đi theo các đường dân sinh qua khu vực Mỏ than Khánh Hòa, đường liên xã An Khánh - Cù Vân (Đại Từ), đường Thái Nguyên - Hồ Núi Cốc - Đại Từ để đi Tuyên Quang, Yên Bái, Lào Cai... tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ về tai nạn giao thông, gây ách tắc giao thông, hư hại các tuyến đường nhỏ, đường dân sinh.

Ông Vũ Mạnh Hà, Giám đốc Doanh nghiệp Mạnh Hà, đơn vị đang khai thác tuyến xe buýt số 2 Gang Thép (thành phố Thái Nguyên) - Yên Lãng (huyện Đại Từ) cho biết: Với 22 đầu xe buýt, hiện mỗi ngày doanh nghiệp chạy hơn 120 lượt xe, vận tải hàng nghìn lượt khách, chủ yếu là học sinh, sinh viên và người lao động thu nhập thấp.

Tuyến xe buýt của doanh nghiệp lưu thông trên tuyến Quốc lộ 37, không thuộc tuyến đường Quốc lộ 3 cũ mà doanh nghiệp thu phí (Cty TNHH BOT Thái Nguyên - Chợ Mới thuộc Liên danh Cienco 4 - Tuấn Lộc - Trường Lộc) đầu tư nâng cấp, sửa chữa.

Rõ ràng đặt trạm thu phí tại vị trí này là một sự bất hợp lý, ảnh hưởng trực tiếp đến các doanh nghiệp vận tải thường xuyên lưu thông trên tuyến Quốc lộ 37 qua địa bàn huyện Đại Từ và đi các tỉnh Tuyên Quang, Hà Giang, Lào Cai...

Nhiều doanh nghiệp vận tải đã liên kết bàn bạc về việc dừng hoạt động, từ chối phục vụ vận chuyển. Trong khi đó, vào tối 13/3, một số hộ dân tại vị trí đang xây dựng trạm thu phí đã ra ngăn cản hoạt động xây dựng tại đây.

Ngoài số xe buýt vận tải hành khách công cộng, Doanh nghiệp Mạnh Hà còn có 14 đầu xe khách vận chuyển hành khách tuyến cố định phải đi qua trạm thu phí BOT hàng ngày. Trong bối cảnh kinh doanh vận tải hành khách đang gặp rất nhiều khó khăn hiện nay, việc tốn thêm chi phí qua Trạm thu phí trên tuyến Quốc lộ 3 cũ càng đẩy doanh nghiệp vào tình thế khó khăn hơn.
 

Bức xúc chính đáng

Theo thông tin NNVN tìm hiểu, vị trí đặt trạm BOT trên QL3 cũ đã được nhiều cơ quan chức năng bàn bạc. Nhưng cuối cùng, chốt lại phương án như hiện nay nhằm “đảm bảo tài chính cho nhà đầu tư”.

Theo Sở GTVT Thái Nguyên, tháng 5/2014, UBND tỉnh Thái Nguyên đã có văn bản gửi Bộ GTVT thống nhất về quy mô, hướng tuyến, phân kỳ đầu tư và chủ trương đặt trạm thu phí hoàn vốn cho dự án trên cả QL3 mới và QL3 cũ trong đoạn Km82 - Km90 (phía trên ngã 3 Bờ Đậu về phía Bắc Kạn). Trong đó, QL3 được nâng cấp, mở rộng từ Km75 - Km100. 

18-14-15_2
Ảnh: Việt Bắc
 

Tuy nhiên, Bộ GTVT cho rằng sau khi tính toán thì phương án đặt trạm thu phí trên đoạn Km82 - Km90 QL3 cũ không khả thi về phương án tài chính (thiếu khoảng 1.400 tỉ đồng). Bộ GTVT có công văn đề nghị và UBND tỉnh Thái Nguyên đã thống nhất bố trí trạm thu phí trên tuyến QL3 trong đoạn Km75 - Km82 (từ đường tròn Tân Long đến ngã 3 Bờ Đậu). Nếu không, sẽ không thể đầu tư được dự án. 

Tiếp đó, chủ đầu tư là Cty TNHH BOT Thái Nguyên - Chợ Mới muốn đặt vị trí trạm BOT tại khu vực Km76+080 QL3 (ngay ngã ba đường tròn Tân Long). Nhưng nhiều người dân đã phản đối vì mật độ dân cư ở khu vực đó quá đông. Cuối cùng, vị trí lựa chọn được đặt tại khu vực Km77+875 – Km77+970 QL3, hiện nay đang thi công.

Trước những bức xúc của người dân, ông Trương Văn Phụng - Giám đốc Sở GTVT Thái Nguyên cho biết, để đảm bảo quyền lợi chung cho các chủ phương tiện phương tiện trên QL37 và QL3 cũ, Sở đề nghị UBND tỉnh tiếp tục có ý kiến với Bộ GTVT chỉ đạo nhà đầu tư đề xuất giảm mức thu phí trên trạm tại QL3 cũ. 

Đồng thời, có chính sách miễn giảm cho người dân đang làm việc và sinh sống gần khu vực trạm BOT có phương tiện thường xuyên qua lại. Tỉnh Thái Nguyên cũng sẽ đề nghị Bộ GTVT báo cáo Bộ Tài chính và Chính phủ điều chỉnh cơ chế thu phí phù hợp thực tế, tránh phát sinh các mâu thuẫn không đáng có.

Kiến nghị từ thực tiễn

Theo tìm hiểu của NNVN, xung quanh việc xây trạm thu phí trên quốc lộ 3 cũ gây bức xúc cho người dân, nhà đầu tư và các cơ quan quản lý nhà nước cần làm rõ và giải quyết thỏa đáng 2 vấn đề:

Thứ nhất, việc áp đặt bắt các chủ phương tiện lưu thông trên tuyến đường 25 km quốc lộ 3 cũ Thái Nguyên - Bắc Kạn phải mua vé phí đường để bù đắp cho nhà đầu tư xây tuyến quốc lộ 3 mới là cực kỳ vô lý.

Bởi tuyến quốc lộ 3 cũ được xây dựng từ tiền thuế của dân từ rất lâu đời, nhà đầu tư chỉ bỏ ra 87 tỷ đồng (dành cho việc nâng cấp, cải tạo 7km trên 25km đường QL3 và thay mới biển cảnh báo số km còn lại) mà đưa ra mức phí cao như đoạn đường 40 km QL3 mới đầu tư hết 2.600 tỷ là không thể chấp nhận. Nhiều chủ phương tiện chỉ có nhu cầu đi lại trên tuyến QL3 cũ trên địa bàn Phú Lương mà bắt họ phải mua phí bù đắp cho đường QL3 mới là rất khó thuyết phục.

Thứ hai, hàng trăm chủ phương tiện tư nhân và doanh nghiệp hàng ngày chỉ hoạt động trên quốc lộ 37 từ Thái Nguyên đi Đại Từ và tỉnh Tuyên Quang, không hề lưu thông đi lại trên tuyến quốc lộ 3 Thái Nguyên - Chợ Mới (cả mới và cũ) mà nay bắt phải mua vé phí bù đắp cho nhà đầu tư BOT này thì thậm vô lý. 

Ai cũng biết mọi thành phần kinh tế đều bình đẳng trước pháp luật. Việc cho phép DN xây trạm thu phí BOT trên QL3 cũ phải chăng là thiên vị, mang lại lợi ích cho DN này, đồng thời o bế bắt ép rất nhiều DN khác khi họ không có lựa chọn nào khác.

Cư dân các huyện Đại Từ, Phú Lương, Định Hóa, tỉnh Tuyên Quang là đồng bào miền núi, dân tộc, hầu như còn nghèo, nhiều người phải thế chấp nhà cửa, ruộng vườn để cầm cố, vay mượn mua ô tô chở vật tư, phân bón cho vùng chè đặc sản và chở chè thành phẩm, các nông lâm sản, hàng hóa khác về TP Thái Nguyên, các tỉnh khác mưu sinh gian khổ. Nay phải chịu thêm mức phí bất hợp lý này, rất có thể là giọt nước tràn ly.

 

Xem thêm
Hà Lan sẵn sàng giúp Việt Nam đạt mục tiêu về xuất khẩu nông sản

Trưa 19/3, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan họp song phương với đoàn công tác Hà Lan do Bộ trưởng Chính sách Tự nhiên và Nitơ Christianne van der Wal dẫn đầu.

Đồng Tháp đặt mục tiêu thành tỉnh kiểu mẫu nông nghiệp sinh thái

Mục tiêu là biến Đồng Tháp trở thành địa phương dẫn đầu cả nước trong lĩnh vực nông nghiệp và trở thành trung tâm nông nghiệp, du lịch sinh thái của vùng ĐBSCL.

Kia ưu đãi giá mới, giảm đến 75 triệu đồng trong tháng 9

Từ 11/9/2023, Kia áp dụng giá mới với mức điều chỉnh tương đương 50% lệ phí trước bạ. Chương trình được áp dụng tùy theo dòng xe và phiên bản.

Rủ nhau đi hái lộc rừng

Quảng Bình Cứ vào tháng Ba hàng năm, nhiều người dân sống ở các xã Quảng Kim, Quảng Châu, Quảng Hợp (Quảng Trạch, Quảng Bình) rủ nhau lên rừng hái dâu và có nguồn thu đáng kể.