| Hotline: 0983.970.780

Nguy cơ bùng phát bệnh lợn nghệ

Thứ Sáu 06/12/2013 , 09:31 (GMT+7)

Gần 2 tháng trở lại đây, người nuôi lợn ở các xã Xuân Tình, Bằng Khánh (Lộc Bình - Lạng Sơn) phải chống chọi với bệnh nghệ làm lợn chết hàng loạt.

Gần 2 tháng trở lại đây, người chăn nuôi lợn ở các xã Xuân Tình, Bằng Khánh (Lộc Bình - Lạng Sơn) phải chống chọi với một loại bệnh xuất hiện ở lợn mà người dân nơi đây gọi là bệnh nghệ đã làm lợn chết hàng loạt.

Theo người dân, biểu hiện ban đầu của bệnh là lợn bỏ ăn, ho, tiêu chảy, vàng da và cuối cùng dẫn đến chết. Tốc độ lây lan của bệnh nhanh đến mức chóng mặt đã gây thiệt hại lớn về tài sản của người dân.

Xuân Tình là xã có đàn lợn bị mắc bệnh lợn nghệ nhiều nhất với cả 6/6 thôn ở xã, trên 50% số hộ chăn nuôi đã có lợn mắc bệnh và chết. Toàn xã có 1.845 con lợn, trong đó số lợn chết và đang mắc bệnh nghệ chiếm đến gần 50% tổng đàn. Hộ ít thì 1 con chết và 3, 4 con đang mắc bệnh, hộ nhiều có đến 22 con chết.


Những con lợn đang trong tình trạng bệnh ở thôn Nà Tu, xã Xuân Tình

Ông Lý Văn Thành, người dân ở thôn Nà Tu cho biết: “Khi mới phát hiện bệnh, gia đình tôi và người dân trong thôn vẫn chủ quan vì trước đây vài năm cũng có một vài con lợn bị mắc bệnh nghệ chết, tuy nhiên số lượng rất ít. Lần này, kể từ khi phát hiện con lợn đầu tiên bị mắc bệnh đến khi lan ra diện rộng chỉ trong một khoảng thời gian rất ngắn khiến người dân không kịp trở tay.

Gia đình tôi cũng có 13 con (mỗi con trên 50kg) đã bị chết. Ngay sau khi đàn lợn thịt chết do bệnh nghệ, gia đình tôi đã khử trùng chuồng trại và nuôi đàn mới, tuy nhiên, đàn lợn tiếp theo đó cũng đã xuất hiện lại các triệu chứng bệnh nghệ giống đàn cũ khiến gia đình vô cùng lo lắng”.

Tại xã Bằng Khánh, bệnh lợn nghệ cũng đã xuất hiện khiến nhiều đàn lợn bị mắc bệnh và chết. Khi hỏi về tình trạng bệnh trên đàn lợn của gia đình, ông Hoàng Văn Bé, thôn Bản Tẳng buồn rầu chia sẻ: “Gom góp được ít vốn, gia đình tôi đầu tư vào chăn nuôi 5 con lợn thịt, vừa lúc mỗi con được khoảng hơn 50kg thì bắt đầu mắc bệnh vàng nghệ, thế rồi nhanh chóng, từng con một chết, cứ con nọ cách con kia mấy ngày”.

Theo các nhà khoa học, bệnh lợn nghệ còn gọi là bệnh xoắn trùng (Leptosplrosis) với triệu chứng đặc trưng: sốt cao, vàng da, nước tiểu vàng. Bệnh lây lan qua đường ăn uống, tiếp xúc trực tiếp hay qua đường sinh dục. Chuột và các loại côn trùng là trung gian truyền bệnh, làm bệnh lây lan.

Khi mắc bệnh, lợn bỏ ăn, kém vận động, nằm một chỗ, sốt nhẹ và có lúc sốt tới 40-40,5oC, và sốt lên xuống ngắt quãng từ 3-5 ngày. Lợn bị ỉa chảy, sau đó xuất hiện những triệu chứng điển hình như da vàng, đái ra máu, nước tiểu vàng, sánh.

Lợn xuất hiện triệu chứng thần kinh quỵ nửa thân sau, đi lại khó khăn run rẩy, phù đầu, phù mặt, kêu không ra tiếng, tỷ lệ chết khá cao. Nếu là lợn đực, bao dương vật sưng to, lợn gầy rộc, nếu là lợn cái chửa sẽ bị sẩy thai hoặc thai chết lưu.

Ngay khi phát hiện những đàn lợn bị chết, chính quyền các xã Xuân Tình, Bằng Khánh và Trạm Thú y huyện Lộc Bình nhận thấy diễn biến bất thường và hậu quả nghiêm trọng của bệnh nên đã tiến hành kiểm tra, rà soát và báo cáo lên cấp trên về tình hình của bệnh. Ngay sau đó, công tác tiêu độc khử trùng, vệ sinh chuồng trại được đẩy mạnh ở 2 xã trên, đồng thời tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn người dân cách phòng, chữa bệnh.

Tuy nhiên, việc khống chế bệnh nghệ ở lợn của 2 xã Xuân Tình và Bằng Khánh vẫn đang gặp khó khăn, số lượng lợn mắc bệnh tăng qua từng ngày, thậm chí là tăng qua từng giờ. Chính quyền địa phương cho biết, khó khăn trong việc ngăn chặn bệnh hiện nay là do chưa tìm được thuốc trị bệnh hiệu quả. Người dân vẫn tự mua thuốc kháng sinh về tiêm cho lợn.

Bên cạnh đó, ý thức của một bộ phận người chăn nuôi kém. Những trường hợp lợn mắc bệnh nghệ chết hoặc không có khả năng cứu chữa đáng lẽ cần được tiêu hủy đúng theo hướng dẫn của cán bộ thú y thì một số hộ lại ném luôn ra đồi, suối. Điều này không chỉ ảnh hưởng trực tiếp tới môi trường mà còn tạo mầm bệnh và nguy cơ lây lan cho những hộ chăn nuôi khác.

Chưa có biện pháp hữu hiệu nào để ngăn chặn bệnh, người chăn nuôi ở 2 xã Xuân Tình và Bằng Khánh chỉ biết ngồi “chờ” cho bệnh lợn nghệ mau qua.

Xem thêm
Việt Nam là 'điểm nóng' về dịch bệnh lây truyền từ động vật sang người

Việt Nam là một trong những 'điểm nóng' về dịch bệnh truyền nhiễm, trong đó có dịch bệnh lây truyền từ động vật sang người như A/H5N1, SARS, dại, than, dịch hạch, ký sinh trùng…

'Bệnh kép' hại ớt

HẢI DƯƠNG Gọi là 'bệnh kép' bởi hơn tháng nay, một số ruộng ớt của nông dân huyện Nam Sách cùng lúc bị 2 loại bệnh gây hại với triệu chứng rất đặc trưng.

'Cải lão hoàn đồng' cho cây bưởi ra quả ngon, sai lúc lỉu

HƯNG YÊN Bằng kỹ thuật cắt tỉa và ghép đoạn cành, ông Tuấn đã 'cải lão hoàn đồng' thành công hàng trăm cây bưởi già cỗi thành những cây quả sai lúc lỉu, chất lượng thơm ngon.

Bình luận mới nhất