| Hotline: 0983.970.780

Nguy cơ mất tiền tỷ vì cá sặc bổi rớt giá

Thứ Tư 17/12/2014 , 09:08 (GMT+7)

Trong lúc các cơ quan chức năng đang đau đầu với thị trường cá tra, ba sa vì giá cả bấp bênh, khiến nông dân phải bỏ nghề, thì vài năm trở lại đây, điệp khúc này lại xảy ra với… cá sặc bổi.

Ông Nguyễn Văn Chum, ở thị trấn Tịnh Biên, huyện Tịnh Biên, An Giang đang nuôi 4 ao cá sặc bổi, hiện tại như ngồi trên đống lửa, vì nhiều ngày qua cá đã đến lứa mà không ai mua.

16 năm trước, ông Chum đến với nghề nuôi cá tra thương phẩm và cá tra giống có tiếng ở xã Đa Phước, huyện An Phú, An Giang. Sau nhiều vụ nuôi thua lỗ vài tỷ đồng, ông đã treo ao và cho thuê nhưng không ai để ý tới. Gia đình ông đành nuôi cá sặc bổi bán cho thương lái làm khô cá XK. Thế nhưng, khi nuôi cá sặc bổi năm đầu tiên bán thấy lợi nhuận rất cao, đến năm sau lại bị thua lỗ nặng.


Giá cá giảm nên mỗi ngày cho ăn là lại thêm lỗ vốn

Năm 2013, ông nuôi một hầm cá sặc bổi, sau 8 tháng nuôi ông thu hoạch được 9 tấn, với giá 53.000đ/kg (từ 7- 8con/kg). Sau khi trừ chi phí ông thu về lợi nhuận gần 200 triệu đồng. Đầu năm 2014, ông quyết định mở rộng thêm 3 hầm nữa và kết quả là năm nay giá cá sặc bổi rớt thê thảm. Cách đây một tháng rưỡi ông bán cá (loại 6 – 7 con/kg) với giá 43.000đ/kg và chịu lỗ trên 50 triệu đồng.

Hiện giờ 3 hầm cá còn lại của ông đã đến lúc bán mà kêu thương lái không ai mua hoặc có thì họ cũng chỉ mua với giá thấp 35.000đ/kg cho loại 1 (từ 5 – 6 con/kg). Ông Chum cho biết, tổng chi phí các loại cho 3 hầm cá này là một tỷ đồng, giờ coi như hết hy vọng. “Tôi tưởng bỏ con cá tra chuyển sang loại cá này sẽ ổn định, ai ngờ nó rớt giá quá, chắc phải bán đất nữa rồi” – ông Chum nói.

Theo ông Chum, do cá sặc bổi là loại khô đặc sản của người dân vùng ĐBSCL nên vài năm trở lại đây nhiều tỉnh, thành phố trong khu vực cũng mở rộng quy mô nuôi và không ngừng nâng cao sản lượng. Do vậy, tình trạng “cung” vượt “cầu” cá sặc bổi hiện giờ không khác gì cá tra mà ông đã từng nuôi suốt thời gian dài. “Không riêng gì cá nhân tôi, các anh em nuôi cá sặc bổi đều lỗ nặng. Bạn tôi ở Đồng Tháp cũng lỗ gần 2 tỷ đồng sau khi bán cá sặc bổi” – ông Chum khẳng định.

Trao đổi với chúng tôi, ông Phạm Thành Tâm, phó Phòng NN-PTNT huyện An Phú, nơi được xem là nuôi cá sặc bổi đầu tiên ở An Giang và có diện tích nuôi lớn nhất, hơn 20ha mặt nước, cho biết: Năm nay bà con ồ ạt nuôi loại cá này nên dội chợ, giá cá sặc bổi đã rớt gần 40% so với mọi năm. Huyện An Phú hiện có 4 xã nuôi và chế biến khô nhiều nhất là: Khánh An, Phú Hội, Phước Hưng và xã Vĩnh Hội Đông.

Không riêng gì dân An Giang thua lỗ mà các tỉnh Đồng Tháp, Long An và Cà Mau cũng diễn ra tương tự. “Bà con nuôi nhiều thì phải chấp nhận rớt giá. Vấn đề này chúng tôi đã cảnh báo nhưng tâm lý họ ai làm được thì họ làm theo. Địa phương cũng muốn can thiệp nhưng đây là mưu sinh nên rất khó” – ông Tâm nói.

Điều nghịch lý là giá cá nguyên liệu chỉ từ 35.000đ đến 50.000đ/kg nhưng giá khô cá sặc bổi trên thị trường vẫn không giảm, luôn luôn dao động từ 240.000đ đến 300.000đ/kg...


Ông Chum luôn thắc mắc tại sao sặc bổi bán tươi giá thấp mà khô cá lại cao ngất ngưỡng ?!

Xem thêm
Sản phẩm từ mật hoa dừa xuất khẩu chính ngạch sang thị trường thứ 5

Các sản phẩm từ mật hoa dừa do Công ty Sokfarm chế biến đã xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Nhật Bản, Hà Lan, Đức, Mỹ và mới đây là Australia.

350 lao động Đồng Tháp sang Hàn Quốc làm nông nghiệp thời vụ

Đã có 350 người lao động Đồng Tháp trúng tuyển để xuất cảnh đi làm việc thời vụ tại Hàn Quốc trong tháng 3 và tháng 4/2024.

Bảo hiểm Agribank Phú Thọ chi trả 352 triệu đồng quyền lợi cho khách hàng

Bảo hiểm Agribank Phú Thọ phối hợp với Agribank - Chi nhánh Tuyên Quang chi trả quyền lợi Bảo an tín dụng cho khách hàng tham gia vay vốn không may gặp rủi ro.