| Hotline: 0983.970.780

Nguy cơ trâu bò chết rét có thể tái diễn?

Thứ Tư 22/12/2010 , 10:27 (GMT+7)

Hai năm qua là mùa đông ấm, trâu bò chết rét đã giảm nhiều. Sự chủ quan đã xuất hiện, liệu mùa đông năm nay có tái diễn hàng loạt trâu bò chết rét không?

Mùa đông 2008, với hơn một tháng nhiệt độ xuống thấp, nhiệt độ trung bình ở vùng núi cao từ 10-18oC, có nơi xuống tới 0oC, băng giá bao phủ khắp các đỉnh núi. Đó là năm trâu bò chết như ngả rạ, hàng trăm ngàn con trâu bò bị chết đói và chết rét. Hai năm qua là mùa đông ấm, trâu bò chết rét đã giảm, nhất là khi người dân đã có ý thức phòng chốt rét cho trâu bò. Sự chủ quan đã xuất hiện, liệu mùa đông năm nay có tái diễn hàng loạt trâu bò chết rét không?

Với sự biến đổi của thời tiết, nắng mưa bất thường, giá rét, sương muối… không còn tuân theo qui luật, đó là điều không thể lường trước. Mới bước vào mùa đông năm nay, khu vực miền núi phía Bắc đã hứng chịu hai đợt mưa rét vào đầu và cuối tháng 12, lác đác vài nơi có trâu bò chết rét và chết bệnh, tuy không nhiều nhưng không thể chủ quan.

Theo thông báo của Cục Thú y, hiện nay cả nước còn 14 tỉnh có dịch LMLM chưa qua 21 ngày, khu vực miền núi phía Bắc có các tỉnh: Sơn La, Yên Bái, Quảng Ninh, Lạng Sơn, Bắc Kạn, Lai Châu và Cao Bằng, với số lượng trâu bò bị nhiễm dịch cả ngàn con. Đây chính là đối tượng dễ bị chết rét nếu bệnh tái phát trong những ngày giá rét, những con trâu bò bị bệnh sẽ không ăn uống, đi lại được.

Thông tin từ Chi cục Thú y Lai Châu, dịch LMLM đã xuất hiện ở 5 huyện: Tân Uyên, Tam Đường, Mường Tè, Phong Thổ và TX. Lai Châu với hơn 300 con trâu, bò bị nhiễm bệnh. Những nơi xuất hiện dịch đều ở những nơi xa xôi hẻo lánh, trình độ dân trí thấp, tập quán thả rông gia súc sau vụ gặt càng khiến dịch bệnh bùng phát mạnh, rất khó kiểm soát. Thú y Lai Châu đã gửi mẫu bệnh phẩm về Trung tâm chẩn đoán Thú y TW, nhưng đều âm tính, mặc dù cán bộ thú y khuyến cáo người dân không nên chủ quan, cần có những biện pháp cách ly, nhưng tâm lý chủ quan của người dân ở khu vực bệnh mới phát sinh vẫn diễn ra, điều đó càng tăng nguy cơ bệnh bùng phát. Những con gia súc bị nhiễm bệnh, sức khỏe sa sút khi nhiệt độ xuống thấp, rét kéo dài sẽ là những con đầu tiên bị chết.

Dịch LMLM đang hoành hành ở huyện vùng cao Mù Cang Chải (Yên Bái), đến ngày 21/12/2010 đã có 486 con gia súc bị nhiễm dịch ở 5 xã: Púng Luông, Dế Xu Phình, La Pán Tẩn, Cao Phạ và Chế Cu Nha với 194 hộ ở 14 thôn bản có gia súc bị nhiễm dịch, số trâu bò đã chết gần 30 con. Đây là nơi tiếp giáp với các tỉnh Sơn La và Lai Châu, nguy cơ dịch bệnh lây lan sang các xã Mồ Dề, Kim Nọi rất cao. Khi cán bộ thú y khuyến cáo người dân nuôi nhốt gia súc thì bị phản ứng gay gắt, có người đã trả lời: Huyện bảo chúng tao nhốt trâu bò thì huyện mang cỏ đến cho nó ăn nhé…

Thực tế hiện nay ở các địa phương vùng cao số gia đình có chuồng trại nuôi trâu bò rất ít. Bởi từ lâu, tập quán thả rông gia súc phổ biến và tồn tại từ đời ông đời cha họ, thay đổi tập quán đó là điều không dễ. Do thả rông trâu bò trên rừng, nên vụ rét năm 2008 có nhiều gia đình chết cả đàn trâu gần chục con. Ví như gia đình ông Triệu Trọng Kinh ở thôn Nậm Chậu (Văn Chấn, Yên Bái) gia đình có 7 con trâu thì 6 con chết rét, gia đình ông Bàn Phúc Minh chết 7 con chỉ còn 1 con, ông Bàn Phúc Sương ở Sài Lương chết cả đàn 6 con… Bệnh LMLM xuất hiện ở Mù Cang Chải từ ngày 18/10/2010, nhưng số trâu bò chết tập trung cuối tháng 11 và đầu tháng 12 khi rét xuất hiện, trâu bò bị bệnh không ăn được cỏ, bệnh tật và rét hạ gục.

Trâu bò chết rét chủ yếu vào tháng 2 sau Tết Nguyên đán, khi đó sương muối làm chết cỏ, mưa rét kéo dài, thức ăn khan hiếm… bệnh tật bùng phát đã hạ gục lần lượt từng con trâu bò, bắt đầu từ những con bê, nghé, trâu bò già yếu, bệnh tật, tiếp đến là những con khác khi không được chăm sóc cẩn thận. Mùa đông năm 2009 gia đình ông Châu A Phò, xã Trung Chải - H.Sa Pa (Lào Cai) che chắn chuồng trại cẩn thận cho đàn trâu, bởi năm 2008 nhà ông chết mấy con trâu. Mùa đông ấm năm 2009 đàn trâu nhà ông không bị chết con nào, nên mùa đông năm nay gia đình ông có vẻ chủ quan, ông cho hay: Khi nào trời rét thì mới mua bạt che, còn bây giờ trời ấm thì mua bạt che làm gì cho tốn tiền…

Tỉnh Yên Bái đã chi hơn trăm triệu đồng để xây dựng mô hình làm cây rơm, thức ăn dự trữ cho trâu bò mùa đông, ủ chua, che bạt chuồng trại… Nhưng trải qua hai mùa đông ấm, số trâu bò chết rét giảm nên tâm lý chủ quan của người dân đã xuất hiện, nhiều hộ không còn đánh cây rơm làm thức ăn dự trữ thức ăn cho trâu bò, chính quyền cơ sở nhiều địa phương chỉ quan tâm dịch bệnh nên lơ là việc chống rét cho gia súc. Điều đó báo hiệu nguy cơ trâu bò chết rét hàng loạt sẽ tái diễn nếu thời tiết có những diễn biến bất thường vào mùa đông năm nay là điều khó tránh khỏi.

Xem thêm
Bổ sung 1 cặp hươu sao lên đảo Bạch Long Vỹ

HẢI PHÒNG Hơn 10 ngày sau khi phát hiện cá thể hươu sao trên đảo, huyện Bạch Long Vỹ được bổ sung thêm 1 cặp hươu khác, có cả đực và cái để phát triển đàn.

Điều trị, làm đẹp cho thú cưng: Đã học rồi còn phải học thêm

Thú cưng đưa vào các phòng khám thú y điều trị được siêu âm, X quang để chẩn đoán bệnh như người nên nhân viên phòng khám phải được đào tạo bài bản.

Đồng Nai hướng tới cơ giới hóa đồng bộ trong trồng trọt

Cơ giới hóa trong trồng trọt ở Đồng Nai đã có nhiều thành tựu nhưng chưa đồng bộ. Tỉnh này đang hướng tới việc cơ giới hóa đồng bộ trong thời gian tới.