| Hotline: 0983.970.780

Nguy cơ xóa sổ cây ca cao!

Thứ Hai 16/09/2013 , 10:50 (GMT+7)

Cây ca cao hiện đang đứng trước một thử thách khi phải chịu sức ép cạnh tranh bởi những cây trồng khác, đặc biệt là cây có múi.

Cây ca cao hiện đang đứng trước một thử thách khi phải chịu sức ép cạnh tranh bởi những cây trồng khác, đặc biệt là cây có múi. Thực trạng diện tích ca cao ở một số địa phương đang giảm rất nhanh, nếu không có giải pháp kịp thời thì nguy cơ loại cây trồng này sẽ bị xóa sổ…

NHÀ VƯỜN DAO ĐỘNG

Các vườn ca cao xã Hưng Lộc, huyện Thống Nhất (Đồng Nai) thời điểm này cây đang cho đợt trái non mới. Năm nay nắng nóng kéo dài vào thời gian ca cao ra hoa khiến hoa trái bị rụng nhiều, năng suất giảm mạnh.

Theo Ban Chủ nhiệm CLB ca cao xã Hưng Lộc, ca cao thu hoạch hai năm vừa qua năng suất chỉ đạt 13 tấn trái tươi/ha, giảm hơn 4 tấn so với năm 2011. Hiện giá ca cao bán từ 3.000-3.200 đồng/kg (giảm 300 đồng/kg).

Anh Nguyễn Thanh Phước, Phó Chủ nhiệm CLB ca cao xã Hưng Lộc cho biết: Năm 2010 diện tích ca cao của CLB đạt khoảng trên 80 ha (với 87 hộ trồng), nhưng đến nay bị giảm hơn phân nửa, chỉ còn 32 ha (33 hộ).

Nếu giá ca cao vẫn tiếp tục thấp và năng suất không cải thiện được thì diện tích cây ca cao sẽ còn bị thu hẹp nhiều hơn nữa. Tình trạng này đã kéo dài trong 3 năm qua, đặc biệt từ năm ngoái đến nay nhiều hộ dân tự đốn bỏ vườn ca cao mà cũng chẳng báo về CLB.

Tìm hiểu thực tế, năm 2008, CLB ký hợp đồng với công ty thu mua bao tiêu theo giá thị trường và giá bảo hiểm là 1.000 đ/kg trái tươi. Tuy nhiên, trong vòng hai năm nay năng suất ca cao chỉ đạt bình quân 13 tấn trái tươi/ha (khoảng trên 1 tấn hạt khô).


Nhà vườn đang dao động bởi cây ca cao đang đứng trước thách thức lớn

Nguyên nhân chủ yếu khiến năng suất ca cao đạt thấp là do trồng phải giống kém chất lượng. Trong khi tập đoàn giống ca cao hiện nay có rất nhiều loại khác nhau, các nhà khoa học cũng khuyến cáo nên trồng nhiều loại trong vườn sẽ giúp cây tăng cường khả năng thụ phấn chéo và giảm được sâu bệnh.

Những loại giống ca cao tốt theo thứ tự ưu tiên gồm: TD6, TD7, TD9, TD10, TD5, TD3… Tuy nhiên, thực tế trong vườn của bà con quá ít giống tốt, những giống chất lượng kém thì lại nhiều.

Anh Phước phân trần: “Để vườn ca cao đạt năng suất tốt nhất, các nhà khoa học đã khuyến cáo tỉ lệ giống TD6 phải chiếm từ 60-70%, nhưng hiện giống này trong các vườn đạt chưa tới 3%. Thực tế, vườn của gia đình tôi trồng khoảng 3.000 cây ca cao nhưng giờ cũng chỉ tìm được vài cây TD6. Trong khi giống TD5 lại chiếm tới trên 70%, vì vậy đây là nhược điểm lớn nhất khiến cây ca cao cho năng suất thấp”.

Theo anh Phước, giống TD5 tán rất rộng nên không phù hợp với mật độ trồng 3x3 mét như hiện nay. Đặc biệt, giống này lại dễ nhiễm bệnh và tỉ lệ thối trái rất cao chứ không phải như các nhà khoa học “tư vấn” cây ca cao rất dễ trồng, ít tốn nước và cho năng suất cao, tiềm năng sẽ đạt trên 3 tấn hạt khô/ha (tức khoảng từ 35-40 tấn trái tươi/ha).

Sau 5 năm trồng ca cao, mặc dù các thành viên của CLB ca cao Hưng Lộc đều được tham gia các khóa tập huấn kỹ thuật trồng và chăm sóc vườn cây rất đầy đủ, 100% đều đạt chứng nhận tiêu chuẩn UTZ, vậy nhưng đến nay ca cao vẫn đạt dưới 20 tấn trái tươi/ha, chưa được bằng phân nửa so với năng suất mà một số nhà khoa học khẳng định.

GỒNG MÌNH GIỮ VƯỜN CA CAO

Huyện Giồng Trôm (Bến Tre) là một trong những địa bàn có diện tích ca cao trồng xen dừa lớn nhất tỉnh. Tuy nhiên, muốn tìm một vườn ca cao ở đây còn nguyên vẹn không phải dễ vì nhiều vườn ca cao đã bị người dân đốn sạch, chuyển trồng cam, bưởi.

Chúng tôi ghé thăm khu vườn rộng 6.000 m2 của gia đình ông Nguyễn Văn Lem (xã Châu Bình, huyện Giồng Trôm) trước đây từng là mô hình ca cao mẫu của huyện, nhưng bây giờ chẳng còn bóng cây ca cao nào. Mặc dù khi phát hiện ông Lem bắt đầu đốn bỏ cây ca cao, chính quyền địa phương đề nghị hỗ trợ phân bón để giữ vườn mẫu nhưng ông không chịu mà đốn hết để trồng bưởi và chanh.

Tương tự, vườn ca cao 5.000 m2 trồng xen dừa của gia đình bà Lê Thị Trang (ấp 5, xã Mỹ Thạnh) cũng đã chặt dần, đến nay chỉ còn vài chục gốc ca cao trong vườn. “Cây ca cao ăn phân dữ hơn các cây khác, với giá cả chỉ còn vài ngàn đồng/kg không bõ bèn công hái nên nhiều khi cứ để chín rụng đầy gốc vậy đó!”.

Có lẽ ở huyện Giồng Trôm này chỉ có duy nhất vườn ca cao của lão nông Trần Văn Biết (Tư Biết), ngụ ấp 5, xã Mỹ Thạnh là còn nguyên vẹn. Năm 2010, ông là người đầu tiên đã có 13.000 m2 cây ca cao trồng xen trong vườn dừa. Với hơn 1.000 gốc ca cao, mỗi năm ông thu khoảng 900 kg hạt khô lên men, bán giá 46.000 đ/kg, thu 40 triệu đồng. Sau khi trừ hết mọi chi phí, tính ra ông chỉ thu được gần 3 triệu đồng/công vườn.

Trong khi đó, vườn ca cao của ông luôn được đầu tư chăm sóc bài bản và là mô hình mẫu để nông dân học tập, nhân rộng. Tuy nhiên, năm nay vì giá phân đắt nên kém khâu chăm bón khiến năng suất vườn ca cao của gia đình ông giảm mạnh.

Ông Tư Biết tâm sự: “Nghe xung quanh nhiều bà con phải đốn bỏ vườn ca cao mình cũng thấy buồn, nhưng gia đình tôi đã trồng và nuôi dưỡng cây ca cao đến ngày hái quả rồi nên ráng “gồng mình” giữ vườn để chờ thị trường giá cả có biến chuyển gì không. Tôi vẫn tin tưởng vào tương lai của cây này vì thấy nhiều loại bánh kẹo đều cần đến hạt ca cao chế biến!”.

Theo ông Tư Biết, trồng cây ca cao rất tốn phân, nếu ngừng bón phân là cây sẽ cho quả kém ngay, thậm chí không có quả. Do vậy, ông kiến nghị Nhà nước cần nghiên cứu chính sách trợ giá phân cho nhà vườn, giúp bà con có điều kiện đầu tư chăm sóc tốt hơn cho vườn ca cao. Khi năng suất ca cao tăng, giá cả thị trường hợp lý, ổn định thì bà con nhà vườn sẽ chẳng ngại gắn bó lâu dài với cây ca cao.

Trao đổi với NNVN, ông Hồ Văn Chí, Phó Chủ tịch UBND xã Mỹ Thạnh cho biết: “Trước tình trạng cây ca cao bị đốn nhiều như thời gian gần đây, chúng tôi đang tiến hành khảo sát lại toàn bộ diện tích ca cao trên địa bàn; đồng thời vận động bà con giữ ổn định diện tích ca cao. Đối với những vùng đất gò không trồng được cây có múi thì tăng cường trồng cây ca cao và thâm canh chăm sóc tốt sẽ cho hiệu quả”.

Theo ông Chí, tính đến năm 2012 diện tích ca cao của toàn xã đạt trên 60 ha, nhưng hiện chỉ còn chừng phân nửa vì người dân đốn bỏ. Xu hướng của người dân là đốn ca cao hoặc tỉa thưa để trồng cây có múi. Một số hộ nông dân nhẩm tính, với giá cả như hiện nay, 1.000 m2 đất trồng ca cao cho thu nhập chỉ bằng một cây bưởi da xanh trưởng thành.

+ Anh Nguyễn Thanh Phước, Phó Chủ nhiệm CLB ca cao xã Hưng Lộc: Giải pháp trước mắt CLB đã lên kế hoạch thuê chuyên gia về tập huấn cho nhà vườn tự ghép cải tạo lại toàn bộ các vườn ca cao, bằng cách cấy giống TD6 vào gốc ca cao cũ để nâng cao năng suất. Đồng thời, tiến hành tỉa cành tạo tán và tăng cường các chế độ chăm sóc, phân bón cho vườn ca cao.

+ Ông Nguyễn Minh Tuấn, Phó phòng NN-PTNT huyện Giồng Trôm: Diện tích trồng ca cao của huyện trước đây là 2.500 ha, nhưng đến nay đã bị giảm phân nửa vì dân đốn bỏ. Chúng tôi không thể áp dụng biện pháp hành chính đối với người tham gia dự án trồng ca cao. Dù đã hỗ trợ khá nhiều nhưng khi họ đốn bỏ thì đành bó tay.

Xem thêm
Sản phẩm từ mật hoa dừa xuất khẩu chính ngạch sang thị trường thứ 5

Các sản phẩm từ mật hoa dừa do Công ty Sokfarm chế biến đã xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Nhật Bản, Hà Lan, Đức, Mỹ và mới đây là Australia.

350 lao động Đồng Tháp sang Hàn Quốc làm nông nghiệp thời vụ

Đã có 350 người lao động Đồng Tháp trúng tuyển để xuất cảnh đi làm việc thời vụ tại Hàn Quốc trong tháng 3 và tháng 4/2024.

Bảo hiểm Agribank Phú Thọ chi trả 352 triệu đồng quyền lợi cho khách hàng

Bảo hiểm Agribank Phú Thọ phối hợp với Agribank - Chi nhánh Tuyên Quang chi trả quyền lợi Bảo an tín dụng cho khách hàng tham gia vay vốn không may gặp rủi ro.