| Hotline: 0983.970.780

Nguyên GĐ Cty cao su Phú Riềng bị ép tội (?)

Thứ Sáu 05/02/2010 , 09:12 (GMT+7)

Trong lúc đang được đề nghị là chiến sỹ thi đua của ngành và toàn quốc thì ngày 16/8/2002 ông Cát bị khởi tố về tội tham ô tới 27 tỷ và bị “liệt” vào dạng “án điểm về tham nhũng của tỉnh Bình Phước”.

Tháng 7/1995, ông Hà Nguyên Cát tiếp nhận cương vị GĐ Cty Cao su Phú Riềng (Bình Phước) giúp Cty này có lãi hàng trăm tỷ mỗi năm. Trong lúc đang được đề nghị là chiến sỹ thi đua của ngành và toàn quốc thì ngày 16/8/2002 ông bị khởi tố về tội tham ô tới 27 tỷ và bị “liệt” vào dạng “án điểm về tham nhũng của tỉnh Bình Phước”. Nhưng sau 16 tháng tạm giam do không chưa đủ chứng cứ nên ông được tại ngoại. 

Ông Hà Nguyên Cát một mực khẳng định với NNVN “mình bị ép tội”(!?)

Viện KSND Tối cao: Đề nghị hủy án

Bi kịch bắt đầu ập xuống đầu ông Hà Nguyên Cát khi ông cùng một số đồng nghiệp bị khởi tố về hành vi tham ô qua việc quyết toán khống nguyên vật liệu, chiếm đoạt tiền khai thác mủ cao su tại Nông trường 6 (NT6 thuộc Cty CSPR), tham ô qua việc trồng, chăm sóc 50ha cao su tại NT6. Cáo trạng của VKSND Bình Phước ngày 20/4/2005 cho rằng ông Hà Nguyên Cát đã lợi dụng chức vụ quyền hạn làm trái quy định Nhà nước để chiếm đoạt 88,5 triệu tiền hoàn tạm ứng quyết toán khống vật tư nhiên liệu năm 1996; 29,256 triệu tiền khai thác mủ cao su của 4ha tại NT6; 188 triệu tiền Cty CSPR quyết toán năm 1996 trồng 50ha cao su cho bản thân.

Từ cơ sở trên tại phiên tòa sơ thẩm ngày 2/8/2006 TAND tỉnh Bình Phước đã tuyên ông Hà Nguyên Cát tội “tham ô tài sản” và tuyên án 11 năm tù giam tính từ ngày bị tạm giam (16/8/2002- 9/12/2003). Bán án sơ thẩm còn tuyên giao 4 ha cao su của NT6 cho Cty CSPR, ông Cát cũng phải nộp 29,2 triệu đồng tiền đầu tư chăm sóc khai thác mủ cho Cty CSPR đồng thời kiến nghị cơ quan thẩm quyền xem xét thu hồi 50 ha cao su của ông Cát (trước đó đã chỉ đạo NT6 khai thác, trồng mới cao su).

Tuy nhiên ngay sau đó ngày 7/8/2006 ông Cát đã có đơn kêu oan. Luật sư Nguyễn Minh Tâm (Đoàn LS TPHCM) và Phạm Hữu Tình (Đoàn LS Bình Dương) bào chữa cho ông Hà Nguyên Cát cũng khẳng định ông Cát không hề phạm tội “tham ô tài sản” và đề nghị tòa án tối cao hủy án sơ thẩm và đình chỉ vụ án. Không những thế, đại diện VKSND Tối cao cũng đề nghị hủy án sơ thẩm để điều tra truy tố và xét xử lại vì kết luận giám định chưa đạt yêu cầu.

Tòa Bình Phước: Vi phạm nghiêm trọng

Cụ thể, về việc quyết toán khống nguyên vật liệu mà cơ quan điều tra quy kết ông Hà Nguyên Cát tham ô là không có cơ sở. Bởi lẽ bản án sơ thẩm số 85/2006/HSST ngày 2/8/2006 cho rằng ông Cát đã lập chứng từ quyết toán khống vật tư và nhiên liệu với số tiền hơn 1,778 tỷ đồng (thông qua 5 phiếu nhập vật tư). Tuy nhiên, nếu tính cả 5 khoản nhập nói trên thì số tiền phải là 1.808.387.550 đồng nên sau khi chuyển 1.646.387.550đ cho tài khoản 341 (tài khoản dự phòng) để trả nợ Ngân hàng Thế giới thì số tiền còn lại phải là 162 triệu đồng, nhưng theo kết luận giám định 8 ngày 10/11/2003 thì số tiền này lại là 132,378 triệu.

Trong khi đó, bản án sơ thẩm tòa Bình Phước xác định số tiền này là 132,5 triệu đồng. Điều này cho thấy kết luận giám định là không chính xác nên không thể làm căn cứ để kết tội ông Hà Nguyên Cát. Chính vì thề cần phải trưng cầu một Hội đồng giám định tài chính để giám định lại các khoản cho là “quyết toán khống vật tư, nhiên liệu”.

Tiếp đó, kết luận điều tra bổ sung lần 2 số 291/KLĐTBS ngày 4/3/2004 của CQĐT CA Bình Phước nêu: bị cáo Hà Nguyên Cát tham ô toàn bộ tiền chi phí cho trồng và chăm sóc 109 ha cao su là 1,041 tỷ đồng. Tuy nhiên, đối chiếu với cáo trạng số 15/KSĐT ngày 20/4/2005 của VKSND Bình Phước thì chỉ quyết định truy tố ông Cát có 188, 058 triệu. Trong khi đó bản án sơ thẩm tỉnh Bình Phước lại kết tội ông Cát tham ô 326,404 triệu đồng đồng nghĩa với việc TAND Bình Phước đã xét xử cả hành vi mà VKSND tỉnh không truy tố- đó là hành vi chiếm đoạt 138,345 triệu. Điều này theo thẩm phán Nguyễn Quốc Trung – TANDTC tại TPHCM là vi phạm nghiêm trọng về mặt tố tụng.

Thân bại, danh liệt vì giám định sai

 Cơ sở để cơ quan điều tra bắt giam ông Hà Nguyên Cát – nguyên GĐ Cty CSPR là dựa vào kết luận giám định của Sở Tài chính - Vật giá Bình Phước. Thế nhưng theo điều tra của NNVN, cơ quan điều tra đã nhiều lần trưng cầu giám định tài chính kế toán và cuối cùng đã có tới…6 bản kết luận khác nhau. Trong đó có 2 bản kết luận giám định về tài chính kế toán do ông Huỳnh Quang Vĩnh – Phó Trưởng phòng TCDN (Sở Tài chính- Vật giá Bình Phước). Tiếp đó là 3 bản kết luận giám định tài chính và 1 biên bản kết luận giám định do ông Trần Hữu Phước – Phó Chánh thanh tra Sở Tài chính- Vật giá ký.

Điều đáng nói, trong các kết luận giám định, nhân viên giám định chỉ dựa vào số liệu do CQĐT cung cấp. Trong khi đó, về chuyên môn, nghiệp vụ và quy trình thì cơ quan giám định rõ ràng nắm chắc và chuyên sâu hơn CQĐT. Chính vì làm theo “quy trình ngược”, cơ quan giám định không đi thu thập thông tin, tài liệu về hoạt động tài chính kế toán của Cty CSPR liên quan đến các vấn đề cần chứng minh trong vụ án đã khiến kết quả giám định “có vấn đề”. Mặt khác, có những yêu cầu của CQĐT nêu trong các quyết định trưng cầu đã bị giám định viên từ chối do không đủ hồ sơ.

Cụ thể, tại kết luận giám định ngày 1/7/2003 trong số 11 vấn đề được yêu cầu giám định thì giám định viên trả lời có 8 vấn đề không giám định được. Tương tự, tại kết luận giám định về tài chính ngày 10/3/2004 có 3 vấn đề được yêu cầu giám định để xác định có làm thất thoát tài sản nhà nước hay không, nếu có thì số tiền là bao nhiêu thì cả 3 vấn đề đều bị từ chối giám định. Đáng nói, các giám định viên còn bỏ qua việc thực hiện giám định tính pháp lý của các tài liệu mà CQĐT đưa ra. Chính vì thế, trong các kết luận giám định luôn có mâu thuẫn, sai sót.

Toà dùng giám định sai

Trong nhiều bản giám định, cơ quan tiến hành tố tụng Bình Phước đã sử dụng bản giám định sai của ông Trần Hữu Phước để buộc ông Hà Nguyên Cát tham ô 88,5 triệu mà không hề xem xét “Kết luận thanh tra” của Đoàn thanh tra do UBND tỉnh Bình Phước thành lập. Theo kết luận thanh tra, số tiền 88,5 triệu đồng được ông Hà Nguyên Cát tạm ứng để đi công tác ở Belarus thành lập XN liên doanh SX-XK cao su giữa Cty CSPR và XN liên hiệp Săm lốp Bạch Nga Belshina.

Đến cuối năm 1996 phòng tài vụ đã có tờ trình xin chuyển số tiền này từ tài khoản 141 (nợ cá nhân) sang tài khoản 331 (nợ tập thể) chờ xử lý. Đến nay số tiền còn thể hiện trên tài khoản chứ không phải đã được thanh toán (tức chưa hề xóa nợ cho ông Cát). Như vậy, theo kết luận thanh tra thì số tiền này tính đến thời điểm ngày 2/4/2002 vẫn còn treo nợ cho ông Cát chưa được rút ra. Trong khi đó bản giám định lại cho rằng ông này…đã tham ô đẩy ông Hà Nguyên Cát vào tình cảnh "thân bại danh liệt".

Tài liệu của NNVN còn cho thấy, việc giám định sai một lần nữa được công nhận tại phiên tòa phúc thẩm (TANDTC) ngày 27/12/2006. Theo bản án số 2099/2006/HSPT nêu rõ “bản giám định mà cấp sơ thẩm tòa Bình Phước dùng làm căn cứ là không chính xác, các bị cáo đều yêu cầu giám định lại là có cơ sở”. Bên cạnh đó cũng kiến nghị CA tỉnh Bình Phước cần trưng cầu Hội đồng giám định tài chính để tiến hành giám định lại đồng thời khẳng định tòa cấp sơ thẩm Bình Phước đã vi phạm nghiêm trọng tố tụng. Chính vì thế TANDTC tại TPHCM đã tuyên hủy toàn bộ bản án sơ thẩm số 85/2006 ngày 2/8/2006 của TAND tỉnh Bình Phước. TAND cũng chuyển lại hồ sơ cho tòa Bình Phước giao lại VKS và CQĐTCông an Bình Phước tiến hành điều tra lại theo thủ tục hình sự sơ thẩm.

Có thể thấy, từ một người đang có những đóng góp to lớn cho Cty CSPR thì bất ngờ ông Hà Nguyên Cát bị khởi tố một cách…không bình thường.

Xem thêm
Đã bắt lại hơn 100 người trốn khỏi cơ sở cai nghiện ở Sóc Trăng

Sóc Trăng Hơn 100/191 học viên trốn khỏi cơ sở cai nghiện ma túy ở Sóc Trăng đã bị bắt giữ. Ngành chức năng khẩn trương vận động học viên còn lại quay lại cơ sở.

Nâng giá thực phẩm hỗ trợ công nhân, cựu Chủ tịch LĐLĐ Hải Dương lĩnh án

Nâng giá, chiếm đoạt tiền từ mua bánh chưng, giò hỗ trợ công nhân, Mai Xuân Anh (cựu Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Hải Dương) bị tuyên phạt 5 năm 6 tháng tù.

Bình luận mới nhất