| Hotline: 0983.970.780

Nguyễn Sĩ Dũng, quan chức hiếm hoi viết báo

Thứ Năm 20/06/2013 , 09:13 (GMT+7)

TS Nguyễn Sĩ Dũng, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, là quan chức cấp cao hiếm hoi viết báo hiện nay. Không những thế, ông còn viết rất hay. Nhiều bài báo “động chạm” của ông khiến nhiều người giật mình, bảo ông dại.

TS Nguyễn Sĩ Dũng (ảnh), Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, là quan chức cấp cao hiếm hoi viết báo hiện nay. Không những thế, ông còn viết rất hay. Nhiều bài báo “động chạm” của ông khiến nhiều người giật mình, bảo ông dại. Dại, khôn thế nào chẳng rõ nhưng rõ ràng ông đã nói được phần nào tâm tư của một trí thức trước thời cuộc. Và, cái được hơn hết là ông có một lượng độc giả đông đảo. 

PHIỀN TOÁI LÃNH ĐỦ 

Ông có thể nói chút xíu về cơ duyên của mình với báo chí được không? 

Chút xíu thì được. Chuyện này đại loại giống như chuyện lấy vợ: trước hết mình phải yêu thích người ta, sau nữa cũng phải được người ta đáp lại. Bài báo đầu tiên tôi viết hồi đi du học ở Liên Xô. Việc này cũng hơi liều, nhưng bài viết được chấp nhận và được một tờ báo địa phương đăng. Phần thưởng là sự hài lòng và một khoản nhuận bút. Cũng như tiền nhuận bút, sự hài lòng tan biến đi rất nhanh. Nhưng duyên nợ với báo chí thì ở lại. 

Thế nhưng, độc giả nhớ nhiều đến cây bút Nguyễn Sĩ Dũng khi ông giữ trọng trách Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội. Điều gì thôi thúc một quan chức cấp cao viết báo vậy?

Nếu thế thì chiếc ghế quan trọng hơn là tôi tưởng. Còn điều gì thôi thúc một quan chức cao cấp viết báo, thì trước hết vẫn là sự yêu thích. Một quan chức thì cũng như một sinh viên, người ta viết báo vì người ta thích làm điều đó. Đối với tôi thì ngoài nguyên nhân trên còn có cả sự nể nang. Nhiều khi tôi viết báo chỉ vì người ta cứ đề nghị mãi. Sự nể nang có khi dẫn đến những cam kết tốn rất nhiều công sức và thời gian.

Cuối cùng, sự yêu thích không khéo đã bị thay thế bằng chế độ trách nhiệm. Ví dụ, hiện nay tôi cam kết viết cho chuyên mục Sự kiện và Bình luận thứ 2 hằng tuần trên báo Lao động. Trước đây, tôi làm cộng tác viên và phụ trách chuyên mục Vấn đề và suy ngẫm của báo Pháp luật TP Hồ Chí Minh hay làm cộng tác viên cho báo Tuổi trẻ.  

Mỗi bài báo của mình được đăng tải, ông thường kỳ vọng gì? 

Tôi chỉ kỳ vọng gửi đi được một thông điệp nào đó. Có thể đó là một sự cảnh báo, một sự chia sẻ, một góc nhìn… 

Viết báo, rõ ràng đôi lúc phải chấp nhận “va chạm”. Hẳn nhiên, kèm theo những niềm vui sau những bài báo của ông là cả những phiền toái? 

Ở đời cái gì mà chẳng có hai mặt. Đã viết báo, thì có thể được khen, nhưng cũng có thể bị chê. Những niềm vui và những phiền toái vì viết báo tôi đều lãnh đủ.   

Nhiều người cho rằng, nếu không viết báo, tôi đã có một “hoạn lộ” hanh thông hơn. Cũng có thể như vậy, mà cũng có thể không. 

Chỉ có điều, khả năng viết lách là cái tôi đang có, chức tước cao hơn là cái tôi chưa có. Hy sinh cái mình đang có cho cái mà mình chưa có thì không biết có phải là việc nên làm? 

Thưa ông, ngày xưa có nhiều lãnh đạo cấp cao viết báo nhưng nay ít thấy hơn… 

Ngày xưa khác với ngày nay. Lãnh đạo xưa có thể cũng khác với lãnh đạo nay. Tôi thấy, xã hội càng hiện đại thì sự chuyên môn hóa ngày càng cao. Đây cũng là điều chúng ta có thể nói về ngành truyền thông. Truyền thông hiện đại giúp lãnh đạo chuyển đi thông điệp hiệu quả hơn rất nhiều. Vậy thì hợp lý là dựa vào truyền thông chứ không phải tự mình làm lấy. Suy cho cùng thì viết là một chuyện, còn được đọc hay không lại là chuyện khác.  

Viết báo, tiêu chí đầu tiên là nói lên sự thực. Ông vừa phải nói lên sự thực nhưng vừa bị ràng buộc bởi đạo đức công vụ, vậy ông giải quyết vấn đề này như thế nào? 

Đạo đức công vụ với sự thực không xung đột với nhau. Tuy nhiên, đạo đức công vụ đòi hỏi công chức thì phải tuân thủ các quyết định của chính khách. Tôi cho rằng Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội thì cũng chỉ là một công chức (cho dù là công chức cao cấp), mà như vậy thì phản biện các chính sách là khó khăn. Một nhà nghiên cứu, một vị dân biểu có thể làm điều này dễ dàng hơn. 

CHỈ CÓ ĐỨA TRẺ MỚI DÁM NÓI VUA Ở TRUỒNG 

Ngạn ngữ Tây Tạng khuyên: “Mày chỉ được phép nói ra sự thật, nếu mày làm vua”. Xem chừng, việc bộc bạch, nói lên sự thực không phải dễ dàng? 

Đúng vậy, không chỉ không dễ, mà còn không khôn. Rõ ràng, nhiều khi chỉ có đứa trẻ mới dám nói: “Ơ kìa, đức vua ở truồng!”. Trong lúc đó tất cả người lớn khôn ngoan thì đều hết lời ca ngợi bộ trang phục mà họ không nhìn thấy trên người đức vua. Thế nhưng, cuối cùng, phải có ai đó nói lên sự thực mới giải thoát được đức vua khỏi tình cảnh bi hài của mình chứ. 

Các nhà báo phải nói lên sự thật không phải vì ngây thơ như đứa trẻ, mà vì dũng cảm như những người nắm trong tay “quyền lực thứ tư” của xã hội. 

Nói sự thực dễ bị trả giá? Sự thực trong báo chí thì sao? Ông có thể chia sẻ gì với những người làm báo hiện nay? 

Tôi nghĩ không phải trong tất cả mọi trường hợp nói sự thực đều phải trả giá. Có vẻ như cậu bé nói lên sự thật động trời về việc đức vua ở truồng trong truyện của Andersen đã không phải trả giá. Lý do là vì sự thật cậu ấy nêu ra được rất nhiều người chứng kiến.  

Những người làm báo muốn nói lên sự thực thì phải có thật nhiều người chứng kiến cho mình. Ngoài ra, còn cần phải thu thập chứng cứ thật đầy đủ, thật khách quan. Nói theo lời đồn là rất rủi ro. 

Ngoài ra, ngay cả “của cho (còn) không quan trọng bằng cách cho”, thì sự thật và cách nói ra sự thật cũng vậy. Quan trọng là phải nói với thiện chí và tinh thần xây dựng. Tất nhiên, ngay cả trong trường hợp này thì nhà báo cũng phải dấn thân. Tôi rất trân trọng những nhà báo dám dấn thân. Tôi coi đó như một tố chất cần thiết của nhà báo. 

Dấn thân thì dễ bị trả giá? 

Đúng vậy. Dấn thân cũng có thể là 5 ăn 5 thua. Có thể bị trả giá đắt và cũng có thể trở thành một nhà báo danh tiếng làm cho nhiều người nể trọng. Trong mọi trường hợp, tôi mong muốn các phóng viên, các cơ quan báo chí phải đoàn kết, hỗ trợ nhau. Bởi thực tế, một khi mà báo chí đã đoàn kết lại thì khó mà làm được điều gì phương hại đến báo chí. 

KHUÔN MẪU THÌ AN TOÀN NHƯNG KHÓ HAY 

Hiện nay, các phương tiện truyền thông rất đa dạng, ông có thường xuyên cập nhật thông tin trên mạng internet, xem các diễn đàn không?  

Ở cương vị phụ trách báo chí, công nghệ thông tin của Văn phòng Quốc hội nên tất nhiên tôi cũng có đọc những thông tin trên mạng internet. Đó là những thông tin đa chiều. Thực tế cho thấy đang có sự tranh chấp quyết liệt trên mặt trận thông tin. Và, rõ ràng không phải lúc nào báo chính thống cũng ở thế thắng. Trong khi kênh thông tin trên mạng xã hội có những vấn đề được nghiên cứu tìm hiểu rất kỹ nên được trình rất sâu, rất có chứng cứ. 

Có lẽ, xuất bản trên mạng xã hội dễ dàng hơn rất nhiều, trong khi xuất bản ở báo chính thống thì còn phải tuân thủ rất nhiều quy trình, quy chuẩn. Rồi nữa, trong nội tại bản thân, các tác giả của báo chính thống khi viết cũng đã tự kiểm duyệt mình rồi. Tự biết phải viết như thế nào để đăng được và được đăng. Trong khi đó những bài viết trên mạng là những ý kiến cá nhân, không bị hạn chế bởi sự kiểm duyệt nên họ viết được sâu. Có điều, việc ăn nói bỗ bã trên một số trang mạng chắc chắn sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến thông tin trên mạng nói chung.  

Thực chất, trong lĩnh vực sáng tạo, thì mạng bảo đảm hơn cho tự do của cá nhân. Khuôn khổ tự do của anh rộng, thì anh sáng tạo được nhiều. Còn theo khuôn mẫu thì nó an toàn nhưng khó hay. 

Trân trọng cám ơn ông đã trả lời phỏng vấn!

Quan chức cấp cao như ông hẳn nhiên là bận rộn, vậy ông thường viết báo khi nào? Có mất nhiều thời gian cho mỗi bài viết không? 

Chiều thứ 7 hoặc sáng Chủ nhật hằng tuần là thời điểm tôi lựa chọn để ngồi viết báo. Khi ngồi viết thì không mất nhiều thời gian, chừng 45 phút đến 1 tiếng, nhưng trước đó thì đã suy nghĩ về ý tứ rồi. Vấn đề là khi bắt tay vào viết thì cần lựa chọn cách thể hiện cho phù hợp với chủ đề. Có thể là hài hước, hóm hỉnh, mà cũng có thể giản dị, chân thành.

Xem thêm
Châu Đăng Khoa livestream vào buổi đêm bức xúc về Sofia

Châu Đăng Khoa cho biết thông tin Sofia đưa ra về công ty anh thời gian qua là không chính xác. Nhạc sĩ phủ nhận việc chèn ép đàn em.

Nhận định Borussia Dortmund vs Atletico Madrid: Khách lấn chủ

Trận tứ kết Champions League 2023/2024 giữa Borussia Dortmund vs Atletico Madrid sẽ diễn ra vào lúc 2h00 ngày 17/4/2024 trên sân vận động Signal Iduna Park.

ĐT U23 Việt Nam chính thức chốt danh sách tham dự VCK U23 Châu Á

HLV Hoàng Anh Tuấn đã chính thức đưa ra quyết định cuối cùng về danh sách 23 cầu thủ đội tuyển U23 Việt Nam tham dự VCK U23 châu Á 2024.

Cây phong lá đỏ 115 tuổi hút du khách ở Sa Pa

LÀO CAI Cây phong lá đỏ ở Sa Pa thu hút nườm nượp du khách đến chiêm ngưỡng, chụp ảnh.

Bình luận mới nhất