| Hotline: 0983.970.780

Nguyễn Thái Sơn như người lính vừa đi vừa lớn

Chủ Nhật 23/04/2017 , 09:05 (GMT+7)

Đã bước vào tuổi cổ lai hy, Nguyễn Thái Sơn vẫn bước trên con đường thơ một cách lặng lẽ...

Có thể do tính tình rụt rè, Nguyễn Thái Sơn luôn đứng ngoài những ganh đua chen lấn danh lợi. Thế nhưng, dù Nguyễn Thái Sơn cố giấu mình đi thì bản lĩnh sống và viết của ông vẫn hiện ra trong thi ca rất rõ ràng, rất thuyết phục!

09-36-13_trng-5
Nhà thơ Nguyễn Thái Sơn

Nhà thơ Nguyễn Thái Sơn ngoài đời cao ráo và hiền lành. Thậm chí, ai khen ông một câu thì ông… mắc cỡ đỏ cả mặt. Ít người biết, Nguyễn Thái Sơn tài hoa, đàn rất hay và vẽ rất đẹp. Và càng ít người biết, Nguyễn Thái Sơn có một thời trai trẻ rất đáng tự hào. Nguyễn Thái Sơn bắt đầu làm thơ khi còn là cậu học trò ở Bình Lục – Hà Nam.

Năm 17 tuổi, Nguyễn Thái Sơn đã được giải Ba cuộc thi thơ báo Văn Nghệ năm 1965 với bài thơ “Bố và con”. Thời đó, giải thưởng văn chương còn lẫy lừng lắm, Nguyễn Thái Sơn mang cái vinh dự không nhỏ kia vào khoa Văn – Đại học Tổng hợp Hà Nội trong sự ngưỡng mộ của bạn bè đồng trang lứa.

Tuy nhiên, ngồi ghế giảng đường chưa ấm chỗ, Nguyễn Thái Sơn đã đăng ký nhập ngũ, vác ba lô vào chiến trường miền Nam. Khoảnh khắc ấy được Nguyễn Thái Sơn ghi lại trong thơ: “Một thời chiến tranh mấy thời thiếu đói/ sau bữa ăn trẻ con vẫn thèm cơm/ mười bảy tuổi hành quân dọc Trường Sơn/ dép rộng rút quai/ quần dài xén ống/ những người lính vừa đi vừa lớn…”.

Sau mấy năm xông pha bom đạn, Nguyễn Thái Sơn quay lại với bút mực, tốt nghiệp Học viện Chính trị Quân đội và tốt nghiệp chuyên ngành âm nhạc Đại học Văn Hóa. Từng làm công tác tuyên huấn rồi làm công tác xuất bản, Nguyễn Thái Sơn vẫn đau đáu với thơ.

Dĩ nhiên, thuở thanh xuân thì thi sĩ nào chả lãng đãng những lời tình, mà thơ Nguyễn Thái Sơn thường nghẹn ngào nỗi chia ly khó lòng tiên liệu “dằng dặc ngàn dặm em giờ đã xa/ Lạc Trung cầu nghiêng, Thanh Nhàn chợ vắng/ liễu hồ Tây lá rụng trái mùa, cành héo quất roi vào nắng/ Kim Ngưu lặng sóng thương nhớ trâu vàng/ bày vạc ướt sũng mưa, lẩy bẩy mò tép, đục bến Linh Đàm” và cũng thường tìm cách an ủi trái tim bơ vơ “ngang chiều thoảng một cơn mưa/ giọt mau hoa cúc, giọt thưa hoa nhài/ heo may rét lộc rét đài/ áo mình mình vá, cậy ai bây giờ”.

Trong muôn sự bẽ bàng ở đời, chuyện người yêu đi lấy chồng luôn để lại dư vị cay đắng. Nguyễn Thái Sơn không nỡ trách kẻ quay lưng, mà chỉ trách mình mệnh bạc qua bài thơ “Ao nông cá vượt” đầy buồn thương: “Xe hoa nửa trắng nửa hồng/ Tàn thu, ngọn gió lúc đông lúc nồm/ Mẹ ơi xin mẹ đừng buồn/ Lỗi tại con, chỉ vì con vụng về/ Người ta trả lễ rồi đi/ Ngẩn ngơ khắp huyện, riêng gì nhà ai/ Đau lòng cả đám con trai/ Ao nông cá vượt ra ngoài sông sâu/ Nhạt vôi, héo cả cau trầu/ Từ khi người ấy làm dâu đất người/ Sân rêu lớp lớp lá rơi/ Buồn chia khắp xứ, ngậm ngùi cả quê…”.

Đầu thập niên 80 của thế kỷ trước, Nguyễn Thái Sơn chuyển vào định cư tại Sài Gòn. Ngoài những cơn bái vọng cố hương cồn cào: “Người người náo nức về quê/ Miến măng giỏ trước, cau chè bị sau/ Rưng rưng, hút mắt con tầu/ Mình còn cha mẹ nữa đâu mà về”, thơ Nguyễn Thái Sơn còn bị bủa vây bởi gánh nặng áo cơm đô thị “bút khất nợ giấy, giấy trốn nợ người/ ta đáo nợ quỵt nợ chính mình/ thuyền độc mộc quẩn trong vũng hẹp”.

Đôi lần chính Nguyễn Thái Sơn cũng loay hoay trong khao khát định vị thơ mình: “In giấy đen e tội nghiệp thơ/ In giấy trắng sợ oan uổng giấy/ Thơ mình thế nào thì in thế ấy/ Nhưng thơ mình thế nào dễ gì đã nhận ra!”. Thế nhưng, vào những năm tháng chênh chao, Nguyễn Thái Sơn đã có những câu thơ “Thăm mộ chiều cuối năm” rung động sâu xa: “Vạt đồi yên nghỉ bao đồng đội/ Nhang trầm một thẻ – biết làm sao/ Thắp lên, đành cắm nơi đầu gió/ Hương khói đừng quên nấm mộ nào”. Chỉ bốn câu với 28 chữ mà mở ra một thế giới ân nghĩa dài rộng. Từ hiện vật nhỏ bé “nham trầm một thẻ” đến hành động cụ thể “cắm nơi đầu gió” đã kéo theo xúc cảm tâm linh “hương khói đừng quên”, khiến bài thơ ám ảnh và day dứt.

Không thể nói khác hơn, bài thơ “Thăm mộ chiều cuối năm” là một bước ngoặc trong sự nghiệp thơ Nguyễn Thái Sơn. Như một “người lính vừa đi vừa lớn”, Nguyễn Thái Sơn phát huy được thế mạnh cá nhân khi viết về những thân phận trong chiến tranh và sau chiến tranh, mà mình đã từng dự phần với bao nhiêu phấp phổng, với bao nhiêu đắng đót, với bao nhiêu âu lo. Những ngày đã sống, những chuyện đã nghe, những người đã gặp nơi vang tiếng súng và nơi im tiếng súng lần lượt xuất hiện trong thơ Nguyễn Thái Sơn.

Và đôi khi, qua một hình ảnh riêng tư bỗng thấy vui buồn của một xứ sở, bỗng thấy được mất của một dân tộc: “người hoạ sĩ già lang bạt khắp xóm quê/ dựng ảnh thờ liệt sĩ/ rượu cạn đáy chai/ nhập thần vung bút vẽ/ những liệt sĩ từ vô định bước ra/ khuôn mặt khắc khổ như cha/ đôi mắt lo toan giống mẹ/ vầng trán dô của chị/ cái miệng vẽ theo miệng em trai/ các anh hiện dần vóc dáng hình hài/ trở về từ chân mây góc biến/ người hoạ sĩ thả rơi bút vẽ/ bức ảnh thờ hoàn thành/ lúc bố ôm ngực thở dốc khô khan/ mẹ nức nở gọi tên con lạc giọng…”.

Những bài thơ lẻ in rải rác trong những tập thơ lẻ dường như không đủ để trút bớt những đầy vơi suy tư của người lính luôn đeo bám Nguyễn Thái Sơn.

Năm 2009, Nguyễn Thái Sơn tung ra trường ca “Chiến tranh – Chín khúc tưởng niệm” dày gần 200 trang. Những hồi ức thảng thốt, những hồi ức giông bão, những hồi ức mê đắm cứ tuôn tràn qua hàng ngàn câu thơ dồn dập được Nguyễn Thái Sơn đóng cửa viết ròng rã suốt một năm. “Chiến tranh – Chín khúc tưởng niệm” khẳng định ý thức bảo vệ non sông “hổ thẹn với tiền nhân/ mang tội với muôn đời sau/ nếu để giặc chiếm/ dù chỉ vũng trâu đầm, gốc cây, bờ ruộng…”.

Và những người lính trẻ măng đã bước vào khói lửa vừa nhẹ nhàng vừa bồn chồn: “Để lại những bài học suốt tuần không ngó tới/ mớ quần áo trai làng trai phố chật căng sứt chỉ mẻ khuy/ dăm vần thơ ngớ ngẩn mấy câu hát vu vơ/ ghi nguệch ngoạc trên cột nhà cánh cửa/ nhưng lại không hay biết/ nỗi buồn lo nghẹn tim thắt dạ Mẹ Cha: đứa con hứng hoa nâng trứng sắp rời xa/ ăn bữa cơm cuối cùng trên mâm gỗ nhà mình/ chỉ còn đêm nay ngồi trước ngọn đèn dưới mái nhà mình/ đủ anh chị em/ còn Cha có Mẹ/ chốc lát nữa lên xe ra trận/ giật mình/ chợt nhận ra những điều ngỡ xa lạ lắm/ lưng Cha còng bao giờ sao mình không biết/ cánh tay Mẹ nổi gân xanh, mỗi ngày xới cơm độn khoai cho con/ ta cũng chẳng hay/ đàn em nhỏ dại lép gầy/ trái bếp gió lùa vênh nắng mủn mưa/ đòn tay cột cái mối xông mọt nghiến”.

Trong thi ca Việt Nam, có khá nhiều trường ca viết về công cuộc giải phóng đất nước. Thế nhưng, “Chiến tranh – Chín khúc tưởng niệm” có hai điểm độc đáo, mà các trường ca trước đó chưa đề cập hoặc đề cập tương đối nhạt nhòa, đó là khao khát giới tính của những người lính ngoài trận địa và sự dằn vặt của những người phụ nữ ở hậu phương.

Nguyễn Thái Sơn đã viết riêng một khúc “Đàn ông và đàn bà” để chia sẻ: “Thập kỉ Sáu mươi/ đã có mấy người biết khái niệm đồng tính đồng giới/ lính trẻ chưa được ai dạy cách làm sướng mình/ chưa phải kiểm thảo không bị cản ngăn/ cứ ngỡ đã phát kiến ra điều kì diệu… / những người lính mình trần như nhộng/ nằm ôm nhau ngủ chung võng suốt đêm/ võng một hóa võng đôi/ trĩu nặng dềnh lên dập xuống như thuyền/ dây võng níu căng nghiêng cây tróc vỏ/ sên vắt thức giấc tìm mồi rào rạo lá khô/ dưới những tấm võng có từng vũng kiến nâu kiến gió…”.

Phía ngược lại, Nguyễn Thái Sơn bày tỏ sự cảm thông cho những thiếu thốn và bất hạnh của những người phụ nữ chỉ có được những phút giây chồng vợ ngắn ngủi: “Có chồng hai đêm/ chị chỉ là đàn bà tập sự/ thi cấy ở xã thi cày trong thôn/ nửa đêm vùng dậy tát nước gàu sòng/ uống nước mưa mặt cũng đỏ nhừ như say rượu/ tứ thời kìm nén/ quanh năm khát thèm/ vụ chiêm lại vụ mùa/ năm Mùi đến năm Thân/ thực tập làm đàn bà hai đêm/ đàn bà chính thức - gần mười năm thất nghiệp/ khép hờ cửa buồng/ lách vạt ngô già / nấp bụi mía non/ thịt da ngút lửa tự đốt tự thiêu/ trưa ôm bao thóc/ chiều ghì cột nhà/ đêm quặp chăn ép gối…”.

Đọc trường ca “Chiến tranh – Chín khúc tưởng niệm” của Nguyễn Thái Sơn, độc giả càng thấu đáo hơn sự khốc liệt của đạn bom gây ra cách ngăn, gây ra lỡ làng, gây ra thống khổ: “Sau chiến tranh đàn ông càng khan càng đắt/ đàn ông được quyền chọn lựa/ đàn ông, phần thưởng của thiếu nữ, giải thưởng của đàn bà/ nhiều người phụ nữ chùng chình đi sớm về khuya/ tha thẩn đường thưa bãi vắng/ ra đồng tát nước nhổ cỏ giữa đêm/ khép cửa hờ khi ngủ…/ những người đàn bà không như Thị Nở/ vẫn ao ước gặp Chí Phèo/ một nửa đàn bà ở đất nước này goá chồng/ nhiều hơn thế, không được làm cô dâu/ ít hơn thế, bạc tóc vẫn còn là Trinh Nữ/ đắng lưỡi xót lòng/ che mưa dập lửa/ mắt lá răm đa tình/ mấy thời đẫm lệ/ một đời chưa khô…”.

Hơn ai hết, bằng thái độ của một người lính năm xưa, nhà thơ Nguyễn Thái Sơn nồng nhiệt cổ vũ hòa bình: “Có những người ngậm ngùi/ trước cảnh bình lặng của Hàm Rồng/ nuối tiếc một thời hào hùng không còn nữa/ những chiến tích đã lui vào quá khứ/ bọn trẻ hôm nay, bọn trẻ ngày mai/ cố tạo thêm những đất dầu, đất lúa, đất hoa/ chúng không cần thêm những đất lửa”.

(Kiến thức gia đình số 15)

Xem thêm
Nhịp sống giới trẻ phản ánh trong bộ phim ‘Bóng của thị thành’

Nhịp sống giới trẻ thời công nghệ số có những màu sắc bất ngờ, thể hiện qua bộ phim ‘Bóng của thị thành’ phát sóng trên HTV7, Đài truyền hình TP.HCM.

Rượt đuổi mãn nhãn, Man United đả bại Liverpool tại Cúp FA

Trận Tứ kết Cúp FA giữa Man United vs Liverpool đã diễn ra với kịch bản không ngờ khi hai đội rượt đuổi nghẹt thở trong suốt 120 phút của trận đấu. 

120 vận động viên tham gia giải dù lượn trên cao nguyên đại ngàn

Giải dù lượn tại huyện Sa Thầy (tỉnh Kon Tum) sẽ quy tụ 120 vận động viên, trong đó có 41 vận động viên người nước ngoài tham gia tranh tài.

Cây phong lá đỏ 115 tuổi hút du khách ở Sa Pa

LÀO CAI Cây phong lá đỏ ở Sa Pa thu hút nườm nượp du khách đến chiêm ngưỡng, chụp ảnh.