| Hotline: 0983.970.780

Nhà canh tân Nguyễn Trường Tộ

Thứ Ba 14/09/2010 , 10:41 (GMT+7)

Điều đặc sắc nhất trong tư duy của Nguyễn Trường Tộ chính là ở chỗ ngay từ ngày ấy, ông đã đề xướng một nhà nước pháp quyền...

Nguyễn Trường Tộ sinh năm 1828 trong một gia đình công giáo ở làng Bùi Chu, huyện Hưng Nguyên (Nghệ An). Thuở nhỏ cho đến tuổi thanh niên, ông miệt mài học kinh sử của Nho gia và đã trở thành một người có trình độ Hán học uyên thâm, nhưng không dự thi một khoa nào.

>> Khát vọng canh tân và bi kịch

27 tuổi, Nguyễn Trường Tộ được giám mục GauThier (tên Việt Nam là Ngô Gia Hậu) mời vào chủng viện Tân ấp xã Xứ Đoài để dạy chữ Hán cho mình. Trong thời gian dạy chữ Hán cho vị giám mục ngoại quốc, Nguyễn Trường Tộ được ông này dạy lại tiếng Pháp và nhiều môn khoa học khác của châu Âu. Năm 1858, Nguyễn Trường Tộ đúng 30 tuổi, cũng là năm thực dân Pháp nổ súng vào bán đảo Sơn Trà (Đà Nẵng), mở đầu cuộc xâm lược Việt Nam, giám mục Ngô Gia Hậu đã đưa Nguyễn Trường Tộ qua Hương Cảng, Singapore, Thụy Sỹ. Trên đường đi, ông đã ghé qua Roma, được yết kiến Giáo hoàng, và cuối cùng thì dừng ở Paris để học tập.

Trong thời gian ở Paris (Pháp), nơi được gọi là “kinh đô ánh sáng” của thế giới thời bấy giờ, Nguyễn Trường Tộ đã miệt mài học tập, tiếp thu khoa học hiện đại, tìm hiểu thực tế xã hội phương Tây, với khát vọng sẽ mang những hiểu biết ấy về giúp ích cho nước nhà. Nguyễn Trường Tộ về nước giữa lúc thực dân Pháp đang lần lượt xâm chiếm lục tỉnh Nam Kỳ. Làm phiên dịch cho người Pháp được đúng 1 năm, ông bỏ về quê và miệt mài viết những bản điều trần gửi lên triều đình. Nhận xét về Nguyễn Trường Tộ, nhà nghiên cứu lịch sử Bùi Thiết cho rằng:

- Cải cách chỉ là sự vá víu lại những chỗ rách, chỗ hỏng của một cơ chế mà thôi. Cải cách khác với canh tân (thay đổi toàn bộ, làm lại từ đầu). Phải gọi Nguyễn Trường Tộ là nhà canh tân mới đúng, hơn thế nữa, ông là một nhà canh tân vĩ đại…

Đọc những điều trần của Nguyễn Trường Tộ để lại, chúng tôi thấy nhận xét của ông Bùi Thiết hoàn toàn đúng. Hai khát vọng lớn nhất của Nguyễn Trường Tộ, thể hiện qua những bản điều trần đó chính là: Tìm cách lấy lại phần lãnh thổ đã mất cho đất nước và duy tân để đưa đất nước lên cõi văn minh, phú cường, không chỉ đủ sức bảo vệ đất nước trước họa xâm lăng của những đế quốc phương Tây mà còn cùng với phương Tây đua tranh trên trường quốc tế.

Về việc tìm cách lấy lại phần lãnh thổ đã mất của đất nước, ngay từ năm 1864, Nguyễn Trường Tộ đã nhận định “nước Pháp, vài năm sau sẽ có nội loạn”. Và điều dự đoán đó của ông đã trở thành hiện thực khi năm 1871, công xã Paris nổ ra với thắng lợi của giai cấp công nhân và nông dân Pháp. Đội quân xâm lược Pháp ở Việt Nam lúc này vô cùng hoảng loạn. Đây là một thời cơ vô cùng thuận lợi để chúng ta lấy lại lục tỉnh Nam Kỳ. Tin tưởng vào dự đoán của mình, Nguyễn Trường Tộ đã vạch “Kế hoạch thu hồi lục tỉnh” trước khi công xã Paris nổ ra 2 tháng, và đề ra 10 biện pháp hành động.

Chín ngày sau khi dâng điều trần “Kế hoạch thu hồi lục tỉnh”, Nguyễn Trường Tộ dâng tiếp kế hoạch “Đánh úp thành Gia Định”. Chỉ qua 2 bản điều trần nêu trên, chân dung Nguyễn Trường Tộ, một trí thức yêu nước, thiết tha với nền độc lập, sự toàn vẹn lãnh thổ của đất nước, đã hiện lên rất rõ. Nhưng không chỉ có vậy, khát vọng của Nguyễn Trường Tộ còn là ở chỗ làm sao cho đất nước được phú cường, dân tộc được văn minh, đủ sức giữ nước trước họa xâm lăng. Muốn vậy, con đường duy nhất chỉ có thể là phảI nhanh chóng canh tân…

Nội dung canh tân đất nước được Nguyễn Trường Tộ thể hiện tập trung nhất trong 2 văn bản, đó là “Bản kế hoạch làm cho dân giầu nước mạnh” và “Tám việc cần làm gấp”. Trong “Kế hoạch làm cho dân giầu nước mạnh”, Nguyễn Trường Tộ đã tổng kết lịch sử Đông Tây, phương Đông văn minh trước, phương Tây văn minh sau, nhưng vì sao phương Tây lại vượt lên trên phương Đông? Vấn đề này được ông lý giải là vì phương Tây khôn ngoan, biết vận động theo quy luật vừa cạnh tranh, vừa học tập, lợi dụng nhau trong cuộc sống. Cái học của họ là cái học thực tế, phát triển khoa học kỹ thuật để mang lại lợi ích thiết thực cho con người, cho xã hội. Còn ta thì đang chìm đắm trong lối học từ chương, nệ cổ “cứ viện xưa chống nay, nói quấy nói quá làm rối loạn chính trị, đàm luận xì xào để chia bè lập đảng bài báng triều đình, có biết đâu thời thế đã đổi thay, có những cái của đời xưa không thể áp dụng cho đời nay được nữa”.

Từ những phân tích đó, Nguyễn Trường Tộ đề xướng những điều cấp thiết, bắt đầu bằng việc thay đổi tư duy, canh tân giáo dục, đó là bỏ hẳn lối học từ chương, nhai văn nhá chữ... Có thể nói tư duy của ông hoàn toàn là tư duy hiện đại mà ngày nay chúng ta vẫn đang làm. Đặc biệt, Nguyễn Trường Tộ chống lại kịch liệt việc “bòn rút của dân để làm giầu”. Làm giầu, theo ông là phải “nhân nguồn lợi tự nhiên của trời đất để làm sinh ra của cải, do đó nước giầu mà dân cũng giầu”.

Để làm cho dân giầu, nước mạnh, Nguyễn Trường Tộ kiến nghị triều đình tập trung vào 4 lĩnh vực: Một là khai thác nguồn lợi về biển; hai là khai thác nguồn lợi về rừng; ba là khai thác nguồn lợi về đất đai và bốn là khai thác nguồn lợi về mỏ. Trong mỗi lĩnh vực, ông đều có cách lý giải đến nơi đến chốn dựa trên những kiến thức chuyên môn mà ông đã học tập, nghiên cứu trong thời gian ở nước ngoài, kết hợp với tình hình thế giới mà ông nắm bắt được. Trong “Tám việc cần làm ngay” để canh tân đất nước, ông kiến nghị: Điều thứ nhất là gấp rút sửa đổi về võ bị; điều thứ hai, hợp tỉnh để giảm bớt số quan lại và khóa sinh; điều thứ ba, gây tài chính bằng cách đánh thuế xa xỉ; điều thứ tư, sửa đổi học thuật, chú trọng thực dụng; điều thứ năm, điều chỉnh thuế ruộng đất; điều thứ sáu, sửa đổi lại cương giới; điều thứ bẩy là nắm vững dân số và điều thứ tám là lập viện dục anh và trại tế bần.

Điều đặc sắc nhất trong tư duy của Nguyễn Trường Tộ chính là ở chỗ ngay từ ngày ấy, ông đã đề xướng một nhà nước pháp quyền, tuy vẫn là nhà nước phong kiến, nhưng trong nhà nước phong kiến- pháp quyền ấy, vua không phải là người có quyền lực tối thượng mà tất cả phải theo luật. Có thể nói, với tư tưởng xây dựng một nhà nước pháp quyền nói trên, Nguyễn Trường Tộ đã đi trước thời đại hàng thế kỷ, bởi cho đến tận bây giờ, dù thể chế đã thay đổi, nhưng mọi nỗ lực của Đảng và Nhà nước ta chẳng phải cũng vẫn là xây dựng một nhà nước pháp quyền để “lãnh đạo thì dùng luật để điều hành xã hội, còn công dân thì dùng luật để giữ gìn” đó sao? (còn nữa)

Xem thêm
ASEAN cần tiếp tục ưu tiên duy trì đoàn kết, độc lập, tự cường

Ngày 23/4, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã tiếp Tổng Thư ký ASEAN Kao Kim Hourn nhân chuyến thăm làm việc và tham dự Diễn đàn Tương lai ASEAN.

Công đoàn NN-PTNT Việt Nam phát động Tháng Công nhân và an toàn lao động

Sáng 24/4, tại Công đoàn NN-PTNT Việt Nam tổ chức phát động 'Tháng hành động về an toàn vệ sinh lao động và Tháng Công nhân năm 2024'.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Chìm tàu kéo sà lan, 3 người chết, 2 người mất tích

Quảng Ngãi Tàu kéo theo sà lan bất ngờ bị chìm trên vùng biển gần đảo Lý Sơn. Lực lượng chức năng đã vớt được 3 thi thể, 2 thuyền viên còn lại đang mất tích.