| Hotline: 0983.970.780

Nhà chồng "cá biệt"

Thứ Tư 09/11/2011 , 12:17 (GMT+7)

Bố mẹ anh là những người mà đi hết đất nước này con nghĩ sẽ không có ai như vậy. Ông bà ghét tất cả hàng xóm, cứ mở miệng là nói tục, nói điêu, chửi chó chửi mèo. Con thấy mà sợ.

Con rất buồn vì không có tiếng nói trong gia đình (Ảnh minh họa)

Cô Dạ Hương kính quý!

Con lấy chồng đã 4 năm, đã có một bé trai dễ thương và giờ con lại sắp làm mẹ đứa con thứ 2 nữa. Chồng con là một người thương vợ thương con nhưng cục tính và gia trưởng. Nhìn bề ngoài ai cũng nghĩ là con sung sướng (được chồng yêu và chiều) nhưng họ đâu biết những buồn chán con giấu kín bên trong. Gia đình nhỏ của con vẫn sống với bố mẹ chồng dù có đủ điều kiện ra riêng. Anh không muốn, anh sợ bố mẹ già khi đau yếu trở trời không biết kêu ai.

Bố mẹ anh là những người mà đi hết đất nước này con nghĩ sẽ không có ai như vậy. Ông bà ghét tất cả hàng xóm, cho rằng họ là xấu hết nên 4 năm con làm dâu mà chỉ thấy có một người đến chơi thôi. Ông bà cứ mở miệng là nói tục, nói điêu, chửi chó chửi mèo. Con thấy mà sợ.

Con trai con ba tuổi ở trong môi trường đó nên suốt ngày nói bậy làm con thấy thật không biết làm sao. Mẹ chồng con bảo cháu tao là số một, đi học đứa nào đánh con, con xông vào đánh chết nó cho bà. Hai vợ chồng con sợ quá đưa cháu về nhà ngoại gửi. Lúc đầu bà nói mát, sau bà nói thẳng, đưa nó về bà dạy vì nó là đích tôn của bà. Chồng của con biết tất cả nhưng không dám cãi lời mẹ, càng không dám góp ý vì sợ mẹ phật lòng thì chuyện càng phức tạp.

Con là con dâu nếu mở miệng chỉ có vâng dạ chứ có góp ý là mang tiếng coi thường mẹ chồng và lúc đó chỉ có tan cửa nát nhà mà thôi. Con nhịn hết, con thấy buồn vô hạn, không ăn không ngủ được, lúc nào cũng canh cánh nỗi lòng. Chồng con hiểu hết nhưng anh nói rằng “vợ có người này người khác nhưng bố mẹ chỉ một mà thôi” nên em chịu được thì chịu không thì để con đó cho anh mà về, bố mẹ anh sai anh không được nói nửa lời, nếu không anh trả về ngoại!

Hôm nay con gần sinh rồi, con muốn đi khám để biết thai thế nào, vậy mà mẹ anh bảo cứ như là con muốn làm gì thì làm. May mà em gái con có chân trong ngành y nên uống gì đã có nó lo chứ đợi chồng chắc con chết cô ạ. Những tháng mang bầu con phải giấu anh uống sắt, anh bảo mẹ nói sinh đẻ tự nhiên, không ăn uống bổ dưỡng gì hết.

Cô ơi, khi nào con mới có tiếng nói của mình trong gia đình chồng? Sinh con cái ra mà không được dạy dỗ nó, thời đại nào mà còn quan niệm như vậy hở cô? Con không muốn bỏ chồng từ những việc trên nhưng nghĩ những năm tháng còn lại thấy ngột ngạt quá.

Yêu chồng, thương con, có trách nhiệm với gia đình nhà chồng, đó là những gì bố mẹ con vẫn dạy bảo con. Nhưng bố mẹ con không biết con đang sống trong môi trường nào, niềm vui của con thể hiện vẫn là giả tạo mà thôi. Ước gì chồng con hiểu những gì con tâm sự với cô.

Con xin cô giấu tên và địa chỉ.

Cháu thương mến!

Thời nay mà sống cảnh làm dâu thì không mắc chuyện này cũng sẽ vướng nhau chuyện khác. Vì sao? Ai cũng biết rõ vì sao nhưng không muốn gỡ ra đó thôi. Vì ý thức nữ quyền trong phụ nữ trẻ khá mạnh nhưng chồng của chúng ta là con trai một. Ở riêng ư, quá tiện, nhưng con trai là phải chăm cha chăm mẹ, biết làm sao bây giờ!

Đàn ông Việt nói chung gia trưởng, đàn ông miền Bắc miền Trung nệ cổ nên biểu diễn sự gia trưởng nhiều hơn. Chồng cháu biết rằng “dạy vợ dạy lúc ban sơ mới về” nên một mặt yêu chiều vợ, mặt khác vẫn cố tình nhấn mạnh tính gia trưởng để cân bằng gia đình. Cô thương người đàn ông trong cảnh một bên là mẹ một bên là vợ. Khi còn khiến cho vợ sợ là người đàn ông ấy còn thấy mình cầm trịch gia đình. Buông tay là loạn, mẹ giận, bố hờn, vợ ngún nguẩy, chịu sao thấu!

Cháu có bầu đứa thứ hai, sao còn kêu ca chuyện mẹ chồng bắt thế này thế kia? Là vì bà mẹ ấy cháu biết rõ mà vẫn để mình đẻ thêm cháu cho bà, cháu buông xuôi hay thực sự cháu có thấy hạnh phúc với chồng, hay đây là đứa con ngoài ý muốn?

Đừng nghĩ bố mẹ cậu ấy là người dị biệt nhất nước, không đâu, cô từng thấy những gia đình choảng nhau trước mặt dâu rể, đề đóm, ăn cắp vặt, đủ cả. Đừng thấy cái gì cũng chướng, cũng không thể vượt qua. Cháu là của bà nhưng con trai vẫn là của cháu, đành rằng dạy dỗ nó như thế giống như “trống đánh xuôi kèn thổi ngược”, nhưng cháu hãy tâm sự nhẹ nhàng với chồng và khiến chồng nắm lấy quyền dạy con, kéo con về phía mình, thu phục, thuần thục nó.

Cô từng thấy những nàng dâu khiến gia đình chồng nể phục. Họ đem ánh sáng văn hóa đến bằng nỗ lực, tấm lòng, xả thân, hiếu đạo. Các cháu cùng bàn nhau những giải pháp cải hóa đi, khiến gia đình râm ran tiếng cười, từ cười ít đến cười nhiều và rồi sẽ mềm mại ra, hòa đồng, dễ chịu.

Hàng xóm ư, thì cháu cứ giao du hàng xóm, để thay đổi bộ mặt của nhà chồng trong mắt người ta. Gái có công chồng chẳng phụ, cháu lăn xả vào làm dâu đi rồi chồng sẽ ghi ân, cảm động và sẽ yêu thương vợ nhiều nhiều. Cô tin bố mẹ chồng cháu cũng trái tim khối óc, họ sẽ nhận ra và yêu quý cháu vô vàn.

Xem thêm
Phụ nữ Hàn Quốc 'giả bệnh' trước kì nghỉ lễ Trung thu

Áp lực khi phải chuẩn bị cỗ bàn, chiều lòng các thành viên trong gia đình chồng, nhiều phụ nữ Hàn Quốc giả bệnh trước kì nghỉ lễ Trung thu.

Cưới người đã ba đời chồng

Nhung đã trải qua ba đám cưới. Cũng còn may cuối cùng cô đã có chốn dừng chân. Và có được đấng phu quân mới lấy vợ lần đầu.