| Hotline: 0983.970.780

Nhà khoa học và nông dân: Sao lại cách xa nhau vậy?

Thứ Sáu 20/03/2015 , 09:14 (GMT+7)

Nhân có một đăng bài về cây mắc ca với nhiều số liệu vênh nhau nên rất nhiều người gọi điện cho tôi. Không hiểu sao, mọi người lại coi tôi như “trọng tài” trong vấn đề này!?

Nguyễn Lân Hùng

(Có lẽ, do cố Phó Thủ tướng Nguyễn Công Tạn đã mất nên họ không biết hỏi ai). Họ đề nghị tôi phát biểu và cho biết quan điểm… Do đó, xin các vị cho tôi nêu ra một vài nhận xét.

Việc nhiều người cùng quan tâm và đóng góp ý kiến cho việc trồng mắc ca là một biểu hiện đáng mừng. Nó tránh được các nhận định phiến diện.

Tuy có nhiều ý kiến khác nhau về việc đánh giá kết quả nhưng tất cả mọi người lại nhất trí là nên trồng mắc ca. Đấy là một kết luận quan trọng. Do đó, chủ trương phát triển mắc ca của Chính phủ là một chủ trương đúng đắn.

Về vấn đề này, tôi đã có một bài dài (hơn 1 trang) trên Báo NNVN số ra ngày 13/3/2015. Trong đó, tôi đã trình bày cặn kẽ mọi suy nghĩ của mình về việc trồng mắc ca tại Việt Nam. Nhưng trên tờ báo mà tôi đề cập, tôi thấy số liệu của các nhà khoa học với số liệu của các cơ sở sản xuất lại khác nhau quá lớn.

Điều này dễ dẫn đến hoang mang và có thể làm sai lệch chủ trương phát triển mắc ca của Chính phủ. Xin cho phép tôi nêu ra một vài ví dụ về những thông tin trái ngược nhau trên số báo đó.

TS Nguyễn Đức Kiên cho biết, phải 6 năm (1994 – 2000) cây mắc ca mới ra quả. GS.TS Lê Đình Khả thì cũng cho biết “phải 5 – 6 năm sau mới có quả”…

Trong lúc đó, ông Nguyễn Đình Hưởng (ở thôn 4, xã Đăk Búp So, Tuy Đức, Đắc Nông) thì cho biết “… Năm thứ 3 thì mắc ca đã ra hoa và năm thứ 4 thì kết trái”. T

rên tờ báo còn đưa ra bức ảnh ông Y-then ở huyện Mađrăc, Đăk Lăk chụp chung với tôi (nhưng báo lại giới thiệu nhầm là chuyên gia Nguyễn Lân Dũng!) trong vườn mắc ca 3,5 tuổi với hình ảnh hoa ra kín cây và quả bắt đầu đậu chi chít.

Kỹ sư Trần Văn Tiến ở Phòng NN-PTNT huyện Tuy Đức thì cho biết “… hầu hết các diện tích mắc ca 4 tuổi trở lên đều đã ra hoa và cho quả bói…”. Sai lệch giữa các đơn vị khoa học với bà con nông dân về việc ra hoa của mắc ca là 2 năm. Như vậy là quá lớn!

GS.TS Lê Đình Khả thì quả quyết “Dù mắc ca có giá trị kinh tế lớn nhưng lại không phải là cây trồng “dễ tính”…”.

Trong lúc đó, ông Điều Đắt (ở thôn Bon Pu Răng 1, Quảng Trực, Tuy Đức) lại cho rằng “… loại cây này dễ trồng và rất phù hợp…”. Kỹ sư Trần Văn Tiến thì phát biểu: “…

Bà con đang tham gia trồng mắc ca đều có nhận định chung là loại cây này dễ chăm sóc, ít tốn kém…”. Bí thư Huyện ủy Tuy Đức Trần Đình Mạnh thì kết luận “loại cây này được đánh giá là trồng xen trong vườn tiêu, điều, cà phê rất hiệu quả…”.

mc-c153552922
Mắc ca trồng ở đất Tây Nguyên

GS Khả đưa ra số liệu: Mắc ca trồng 7 năm chỉ thu được 2,5 triệu/ha và trồng 15 năm sẽ thu được 78,2 triệu/ha (theo tính toán từ số liệu của Úc). Trong lúc Bí thư Mạnh thì khẳng định: Nếu mỗi cây cho 10 kg hạt thì 1 ha sẽ thu được trên 200 triệu đồng!

Thực tế, đã có hàng chục đơn vị của Bộ NN-PTNT tiến hành khảo nghiệm và hàng trăm gia đình nông dân đã trồng. Hàng loạt kết quả đã được đăng tải trên báo chí, trên đài Truyền hình Việt Nam và các đài địa phương từ nhiều năm nay…

Trên cùng một trang báo mà các kết quả từ hai phía lại “đá” nhau như vậy thì rất dễ làm cho bạn đọc hoang mang. Họ không biết ai đúng, ai sai?

Theo tôi, Bộ NN-PTNT nên tổ chức một đoàn đi khảo sát thực địa thật kỹ và lắng nghe ý kiến của đông đảo những người đã trồng mắc ca (cả của Nhà nước và của nông dân). Sau đó, nêu ra những thông báo chính xác.

Nếu không làm kỹ như vậy, chắc chắn Bộ trưởng của chúng ta sẽ lại bị một phiên chất vấn nẩy lửa ở Quốc hội về những sai lệch đáng trách này.

Xem thêm
Bổ sung 1 cặp hươu sao lên đảo Bạch Long Vỹ

HẢI PHÒNG Hơn 10 ngày sau khi phát hiện cá thể hươu sao trên đảo, huyện Bạch Long Vỹ được bổ sung thêm 1 cặp hươu khác, có cả đực và cái để phát triển đàn.

Điều trị, làm đẹp cho thú cưng: Đã học rồi còn phải học thêm

Thú cưng đưa vào các phòng khám thú y điều trị được siêu âm, X quang để chẩn đoán bệnh như người nên nhân viên phòng khám phải được đào tạo bài bản.

Đồng Nai hướng tới cơ giới hóa đồng bộ trong trồng trọt

Cơ giới hóa trong trồng trọt ở Đồng Nai đã có nhiều thành tựu nhưng chưa đồng bộ. Tỉnh này đang hướng tới việc cơ giới hóa đồng bộ trong thời gian tới.