| Hotline: 0983.970.780

Nhà lý luận Nguyễn Hòa: Ai đó đừng biến giải thưởng thành “chiếc bánh” để chia chác

Thứ Ba 19/07/2011 , 13:48 (GMT+7)

Được mệnh danh là “cây búa” trong việc “dọn dẹp vệ sinh môi trường nghệ thuật”, nhà báo – nhà lý luận Nguyễn Hòa nói gì về “bản danh sách 28”?

Nhà báo – nhà lý luận Nguyễn Hòa
Được mệnh danh là “cây búa” trong việc “dọn dẹp vệ sinh môi trường nghệ thuật”, nhà báo – nhà lý luận Nguyễn Hòa nói gì về “bản danh sách 28” và chuyện lùm xùm trong giới nhạc sĩ?

>> Bản ''danh sách 28''& chuyện lùm xùm giới nhạc sĩ

Ông Hòa khẳng định: “Thường khi có sự lùm xùm gì đó xảy ra xung quanh chuyện giải thưởng, như khiếu nại chẳng hạn, một số người lại cố suy luận và đi tìm động cơ của người khiếu nại. Để xem đó là đố kỵ, hay là vì không được đề cử, không được trao giải nên tức tối? Tôi coi đó là lối suy nghĩ bất bình thường, nếu không nói là thấp kém. Trước hết, xin hãy nhìn vào chính công việc của anh, nhìn vào cái việc làm đã bị phê phán, để tìm hiểu tại sao, mình đã làm gì để đến mức bị phê phán, đấy mới là suy nghĩ, cách làm chính trực. Ấy vậy mà lại xuất hiện một vài ý kiến hơi bị buồn cười, như có người nói: “Chính vì việc mất đoàn kết này mà mỗi khi có giải thưởng này, giải thưởng kia thì y như rằng gây ra hiện tượng kiện cáo”?

Hóa ra, vì mất đoàn kết nên mới có kiện cáo, còn có đoàn kết thì không kiện cáo hay sao? Cái logic ấy sinh ra từ đâu vậy? Tôi nghĩ, những người có trách nhiệm nên nhìn thẳng vào việc làm của họ. Về khiếu nại của các nhạc sĩ Đoàn Bổng, Thế Song, Lê Việt Hoà, Ngọc Khuê và Đinh Quang Hợp. Theo tôi, thứ nhất, đó là quyền của họ; thứ hai, là họ có trách nhiệm với giải thưởng. Họ ở trong nghề, họ có thể hiểu và nhận xét sản phẩm của đồng nghiệp chính xác hơn. Chúng ta nên coi việc làm của họ là bảo vệ uy tín, bảo vệ sự trong sáng của giải thưởng. Lần đầu tiên có chuyện kiến nghị kèm theo là một danh sách những người không xứng đáng đấy chứ!

Vậy có nghĩa là ông cũng đánh giá “bản danh sách 28” có vấn đề?

Tôi không phải là chuyên gia về âm nhạc để có thể đưa ra các ý kiến có tính nghề nghiệp, tôi chỉ là một người yêu nhạc và cũng võ vẽ đôi chút về lĩnh vực này. Theo tôi, nếu Hội đồng cấp cơ sở của Hội Nhạc sĩ Việt Nam làm việc một cách nghiêm túc, chắc chắn Lê Lan không có tên trong danh sách 28 người được đề cử. Vì năm 1969, Lê Lan đã ăn cắp một bài hát ca ngợi sư trưởng Sapaep (Liên Xô cũ), bỏ phần lời, lấy phần nhạc, rồi làm lời của mình ghép vào để làm ra một bài hát ca ngợi Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Một dạo, cả nước hát bài này, đến bây giờ tôi vẫn còn nhớ. Sau khi bị phát hiện ăn cắp nhạc, Lê Lan bị kỷ luật và vô tăm tích trong đời sống âm nhạc, vậy mà sau hơn 40 năm lại được đề cử Giải thưởng Nhà nước về văn học, nghệ thuật. Làm như thế thì còn coi ai ra gì nữa. Ăn cắp nhạc đã là điều đáng trách, ăn cắp nhạc để ca ngợi lãnh tụ thì đó là việc làm hết sức đáng phê phán, là sự xúc phạm lãnh tụ, xúc phạm công chúng. Tôi mà là Lê Lan, tôi sẽ bỏ nghề nhạc rồi. Đỗ Hồng Quân cũng được đề cử. Ông ta là tác giả khí nhạc, nhưng chắc chắn là công chúng nói chung chẳng biết cái món khí nhạc của ông này là gì.

Tôi nói thế vì trong Quy định chi tiết về tiêu chuẩn, quy trình, thủ tục, hồ sơ xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về văn học, nghệ thuật của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, phần về Giải thưởng Nhà nước có nêu tiêu chuẩn rất rõ ràng, đó là tác phẩm: “có tác dụng tốt trong việc giáo dục, xây dựng con người mới, nâng cao trình độ thẩm mỹ của nhân dân”. Còn ca khúc ư, tôi có “vinh dự” được nghe bài hát của Đỗ Hồng Quân, đó là mấy bài hát phổ nhạc cho cái gọi là “thơ” của một số vị lãnh đạo, rồi mấy ca khúc đạt giải nhất trong mấy cuộc thi, như Về Tuyên, Công đoàn ca mà nay đã mất hút trong đời sống âm nhạc. Xin lỗi, nếu có cảm hứng, thì không chờ phải có “thơ” của lãnh đạo, dù là một thằng nhạc làm nghiệp dư nhưng tôi cũng có thể viết hay hơn.

Tóm lại, đọc “bản danh sách 28” tôi thấy buồn cười. Vì công việc, tôi phải nắm bắt và theo dõi đời sống nghệ thuật trên cả nước nói chung, nhưng quả thật tìm hiểu mãi tôi cũng không biết Thập Nhất, Vũ Thành là ai, chẳng biết họ có cống hiến gì cho âm nhạc mà được đề cử giải thưởng Nhà nước.

Thưa ông, trong điều lệ giải thưởng quy định các tác phẩm phải có sự ảnh hưởng đến công chúng? Những tác giả và tác phẩm trong bản “danh sách 28” có đạt được tiêu chí này?

Trong quy định tôi đã nhắc tới ở trên, đưa ra tiêu chuẩn rất cụ thể. Với Giải thưởng Hồ Chí Minh là: “có ảnh hưởng rộng lớn và lâu dài trong đời sống nhân dân”, với Giải thưởng Nhà nước là: “có tác dụng tốt trong việc giáo dục, xây dựng con người mới, nâng cao trình độ thẩm mỹ của nhân dân”. Như vậy, vấn đề ảnh hưởng, tác dụng đối với nhân dân như thế nào, thì không chỉ mấy ông Hội đồng cấp cơ sở ngồi bàn với nhau mà ra được.

Anh có thể tán tụng nhau rất hay, nhưng công chúng không quan tâm, không biết anh từng sáng tác cái gì thì làm sao có thể nói là có ảnh hưởng, có tác dụng, nâng cao trình độ thẩm mỹ của nhân dân! Là người làm nghề văn nghệ như tôi mà còn chẳng biết, liệu công chúng có biết họ là ai? Chúng ta đang ở thời đại mà mọi thứ đều cần và đều có thể rạch ròi. Muốn biết ý kiến công chúng, hãy làm điều tra xã hội học nghệ thuật. Không có chuyện mấy ông ngồi một chỗ bàn soạn với nhau rồi khẳng định công chúng thích lắm, có tác dụng vô cùng, có ảnh hưởng rộng rãi,... là xong.

 Nói thế thì trách nhiệm trong việc đề cử “bản danh sách 28” đã bị xem nhẹ?

Theo tôi, càng nghiêm khắc với giải thưởng bao nhiêu thì uy tín của giải thưởng càng cao bấy nhiêu. Ai đó đừng biến giải thưởng thành “chiếc bánh” để chia chác, càng không phải là nơi để ban phát ân huệ. Tiền trao cho giải thưởng là của Nhà nước, nhưng đó cũng là tiền của nhân dân. Chắc chắn là nhân dân sẽ không tiếc nếu giải được trao cho các tác giả xứng đáng, được nhân dân trân trọng, được trao các tác phẩm đã góp phần hun đúc tinh thần dân tộc, làm phong phú tâm hồn con người, góp phần thỏa mãn nhu cầu thẩm mỹ lành mạnh của nhân dân. Tôi cũng tin chắc rằng, dù chỉ là một hào thì nhân dân vẫn xót xa khi giải trao cho các tác giả, tác phẩm mà họ không biết là ai và tác phẩm ấy vuông tròn ra sao.

Cho nên, nếu nói về trách nhiệm thì trước hết thuộc về Hội cấp cơ sở của giải thưởng. Mà xin lỗi, chỉ trong hai ba ngày mà ngồi xem, nghe mấy trăm tác phẩm âm nhạc rồi đánh giá thì có là tài thánh cũng không làm được!

Thế còn việc “vớt” 5 nhạc sĩ khiếu nại thành bản “danh sách 28 + 5” thì sao, thưa ông?

Đấy là một việc làm bi hài. Nếu tỉnh táo, người ta sẽ không làm như thế. Lần này có 5 người phản đối thì vội đưa luôn vào; rồi đây có thêm 10 người nữa phản đối thì cũng đưa vào hay sao, nếu thế thì việc xét trao giải sẽ thành cái gì? Làm như thế là hạ thấp uy tín, ý nghĩa của việc xét trao giải. Nhưng tôi cũng tin, các nhạc sĩ được bổ sung sẽ có đủ tự trọng, đủ bản lĩnh để đứng ra ngoài danh sách này. Nếu các anh ấy đấu tranh để cuối cùng được đưa vào danh sách xét giải thì hơi bị tầm thường.

Ông có thể lý giải nguyên nhân chuyện “lùm xùm”?

Trong tài sản văn học nghệ thuật của đất nước này, những tác giả nổi tiếng, những tác phẩm có giá trị tư tưởng - nghệ thuật cao và được công chúng trân trọng, hầu như đã được trao giải thưởng gần hết rồi. Giờ chỉ còn lại chủ yếu là tác giả có tài năng vừa phải, và tác phẩm làng nhàng thì nhiều, tác phẩm đỉnh cao thì ít, nếu không nói là không có. Cùng dàn hàng ngang thì khó có tác giả nào nhỉnh hơn. Đã đến lúc “hết nạc thì vạc đến xương” rồi.

 Và đề nghị của cá nhân với tư cách công chúng?

Tôi chỉ có một đề nghị là các tổ chức xét trao giải thưởng phải nghiêm khắc. Giải thưởng là sự ghi nhận và tôn vinh của Nhà nước đối với các thành tựu văn học, nghệ thuật của đất nước. Đó là việc làm chính đáng, cho thấy Nhà nước có thái độ rất nghiêm túc. Vì thế, đã định ra tiêu chuẩn rõ ràng, cụ thể thì cứ theo đó mà làm. Giải thưởng ít, thậm chí không có giải thưởng cũng chẳng sao. Vấn đề là chất lượng và sự xứng đáng. Cũng cần chú ý tới hiện tượng lâu nay trong dư luận xuất hiện các khái niệm “săn giải”, “chạy giải”, “mua giải”, “kiếm giải”. Theo tôi, không ngẫu nhiên lại xuất hiện các khái niệm này đâu. Làm thế nào thì cũng đừng để người làm nghệ thuật và công chúng xem thường giải thưởng, làm mất uy tín của Nhà nước. Còn nếu ai đó muốn lấy số lượng giải thưởng để đánh giá chất lượng của một nền văn học, nghệ thuật thì xin lỗi, tôi không mất thời gian để bàn bạc và đưa ra ý kiến.

Xin cảm ơn ông!

Xem thêm
Quy Nhơn đăng cai giải đua mô tô nước thế giới

Từ ngày 22-24/3, tại thành phố Quy Nhơn (Bình Định) sẽ diễn ra Giải đua mô tô nước thế giới UIM-ABP Aquabike World Championship với sự tham gia của hơn 60 vận động viên…

Tuyển Thái Lan gây địa chấn với trận hoà tuyển Hàn Quốc

Tuyển Thái Lan gây địa chấn với trận hoà tuyển Hàn Quốc với tỷ số 1-1 ở lượt trận thứ 3 vòng bảng tại vòng loại World Cup 2026.

HLV Philippe Troussier rời đội tuyển Việt Nam

Ông Philippe Troussier rời đội tuyển Việt Nam và chính thức không còn nắm giữ vị trí HLV trưởng của đội bóng sau trận thua muối mặt trước tuyển Indonesia.

Cây phong lá đỏ 115 tuổi hút du khách ở Sa Pa

LÀO CAI Cây phong lá đỏ ở Sa Pa thu hút nườm nượp du khách đến chiêm ngưỡng, chụp ảnh.

Bình luận mới nhất