| Hotline: 0983.970.780

Nhà mình giàu hay nghèo?

Thứ Bảy 07/04/2018 , 08:30 (GMT+7)

Ít nhất trong đời, con bạn sẽ có một vài lần hỏi bố mẹ “nhà mình giàu hay nghèo?”, "Nhà mình có bao nhiêu tiền?", “Bạn A có ô tô rõ đẹp, sao con mình không có?”, “Bạn A sướng thật được mua bộ lego rõ to còn con chẳng được mua”…

Đây là những câu trả lời “khá hóc búa” của trẻ con khiến không ít các bậc phụ huynh đau đầu. Trước tình huống này, bố mẹ phải trả lời con như thế nào?

o-kid-money-fcebook074338538
Ảnh có tính chất minh họa

Chuyên gia giáo dục, TS Nguyễn Thu Hương giải thích, thực ra với những câu hỏi về tiền bạc cho thấy một đứa trẻ đang nghĩ "liệu mình có được tất cả những thứ mình muốn không?". Chúng không quan tâm đến thế giới bên ngoài như thế nào mà cơ bản chỉ tập trung vào mục đích: mẹ có tiền để đáp ứng những nhu cầu của chúng hay không? Vì thế nghĩa của câu hỏi thực sự rất khác nhau, phụ thuộc vào thứ trẻ muốn hay cần lúc đó.

Theo quan điểm của mình, TS Hương cho rằng: “Việc nhà giàu, nhà nghèo có lẽ không nên nói dối cũng không nên đề cập rõ rệt với trẻ vì rất khó đánh giá mức độ. Tuy nhiên, giàu nghèo không phải và cũng không thể là cớ để cha mẹ đưa ra để trốn mua sắm hoặc chiều theo đòi hỏi của trẻ”.

Bởi có rất nhiều ông bố, bà mẹ mỗi khi con đòi mua gì đó thì câu cửa miệng luôn là “mẹ không có tiền”, “nhà mình nghèo lắm lấy đâu ra tiền mua thứ ấy”… Do đó, trong trường hợp con hỏi, cha mẹ có thể lựa lời theo hiện trạng gia đình để trả lời như:

- Nhà mình cũng đủ ăn và thoải mái!

- Nhà mình khá hơn xung quanh chút xíu!

- Nhà mình vẫn còn khó khăn lắm!

Khi cha mẹ nói những câu này, trẻ sẽ thấy cha mẹ không nói dối nhưng không nói quá với hiện trạng kinh tế gia đình.

Bên cạnh đó, các bậc phụ huynh cũng cần giải thích cho con trẻ rằng “có những thứ chúng ta có thể mua và có những thứ chúng ta không thể mua được”. Khi bạn liệt kê ra những thứ không thể mua được đối với gia đình mình cũng là cách để chỉ cho con bạn biết - tình hình tài chính gia đình đến đâu.

Tuy nhiên, các chuyên gia tâm lý cũng nhấn mạnh, đôi khi trẻ hỏi “nhà mình giàu hay nghèo” chỉ đơn giản muốn mua một thứ đồ chơi mà trẻ… rất rất thích mặc dù giá trị không lớn. Do đó, trước mỗi câu hỏi như vậy, thay vì trả lời thằng vấn đề các bậc phụ huynh có thể hỏi ngược lại trẻ xem chúng muốn điều gì? Nếu đó là nguyện vọng hợp lý, thì bố mẹ cũng không nên từ chối con và kèm theo những lời giải thích phù hợp.

Tuyệt đối không nên nói với con về tiền bạc một cách chung chung kiểu “nhà mình có nhiều tiền thế" có thể làm nảy sinh sự lo lắng về sự đảm bảo của gia đình. Việc nói về số tiền cụ thể cũng chẳng có nghĩa lý gì lắm. Nếu bạn đang ở trong một cửa hàng đồ chơi và cô con gái nhỏ muốn thứ gì đó đắt tiền, hãy cho bé lựa chọn là mua thứ gì khác hay giải thích rằng đồ chơi đặc biệt này nằm trong nhóm những thứ chỉ có thể mua được vào dịp đặc biệt.

Ngoài ra, TS Hương cũng nhấn mạnh, khi cha mẹ có sự so bì giữa giàu và nghèo, dè bỉu người nghèo, đề cao người giàu, trẻ sẽ có những ám ảnh tiền bạc. Đặc biệt, nếu gia cảnh quá khó khăn ảnh hưởng trầm trọng đến cuộc sống của trẻ, trẻ cũng sẽ nảy sinh nhu cầu bắt buộc phải giàu có, phải nhiều tiền.

“Còn trong gia đình quá sung túc, trẻ được bao bọc, dạy dỗ theo kiểu vua chúa, trẻ sẽ có thái độ coi thường tiền bạc, coi thường sức lao động của cha mẹ. Vì thế, cha mẹ tuyệt đối không được có thái độ cậy tiền, cậy giàu có mà coi rẻ người nghèo. Cha mẹ rất không nên bao bọc và cung phụng con cái quá đà. Điều này sẽ nảy sinh những tính xấu cho trẻ đặc biệt là thái độ không đúng đắn với người có gia cảnh khác mình”, TS Hương kết luận.

(Kiến thức gia đình số 14)

Xem thêm
Phụ nữ Hàn Quốc 'giả bệnh' trước kì nghỉ lễ Trung thu

Áp lực khi phải chuẩn bị cỗ bàn, chiều lòng các thành viên trong gia đình chồng, nhiều phụ nữ Hàn Quốc giả bệnh trước kì nghỉ lễ Trung thu.

Chúng ta ở quãng nào?

Nhiều người vẫn chép miệng tiếc nuối 'Sao thời xưa nghèo mà yên thế?'. Có thể họ muốn nói đến thời bao cấp chăng?