| Hotline: 0983.970.780

Nhà nghèo nuôi ba con tật nguyền

Thứ Sáu 10/01/2014 , 11:06 (GMT+7)

Đã hơn 30 năm nay, ngày nào cũng vậy, hai vợ chồng ông Thư - bà Nga hết mực chăm lo tắm rửa, vệ sinh cho 3 đứa con dị tật, chân tay teo tóp, quanh năm chỉ biết ú ớ, la hét.

Đã hơn 30 năm nay, ngày nào cũng vậy, hai vợ chồng hết mực chăm lo tắm rửa, vệ sinh cho 3 đứa con dị tật, chân tay teo tóp, quanh năm chỉ biết ú ớ, la hét.

Đó là hoàn cảnh thương tâm của gia đình ông Nguyễn Đình Thư, ở thôn Đức Thụ, xã Lê Thanh, huyện Mỹ Đức, thành phố Hà Nội.

Trong tiết trời giá rét mùa đông, chúng tôi tìm về thôn Đức Thụ, xã Lê Thanh để gặp gia đình ông Nguyễn Đình Thư. Đó là căn nhà cấp 4 ẩm thấp, rộng khoảng 20 m2 nằm trong một con ngõ hẻm. Ông Thư sinh ra trong một gia đình thuần nông, hoàn cảnh gia đình gặp rất nhiều khó khăn. Nhà ông thuộc diện nghèo nhất trong thôn, lại đông anh em nên chẳng có ai được đi học.


Bà Nga bên đứa con tật nguyền

Đến năm 1981, khi ông vừa tròn 21 tuổi thì cha mẹ ông đã sắp đặt cho ông một mối nhân duyên với bà Phạm Thị Nga, người cùng thôn trong sự chúc phúc của bạn bè lối xóm và anh em họ hàng. Thế nhưng cuộc sống của đôi vợ chồng son chỉ đi được một đoạn đường ngắn hạnh phúc, ông Thư chưa bao giờ nghĩ rằng, ở phía trước cuộc đời mình là những chuỗi ngày dài đau thương.

Một năm sau ngày cưới, người con trai đầu lòng của ông bà là Nguyễn Đình Tứ (sinh năm 1982) sinh ra trong niềm vui khôn xiết của bố mẹ. Thế nhưng, hạnh phúc chẳng tày gang, sau một trận sốt cao, chân tay Tứ cứ dần dần teo lại, còn tâm trí thì cứ ngơ ngơ, không nhận biết được điều gì, mắt đờ dại.

Thương con, không cam chịu nỗi đau này, vợ chồng ông Thư cố gắng chạy chữa cho con, cho dù tốn kém bao nhiêu cũng được. Vậy nên ông bà bán gần hết vật dụng trong nhà, rồi thóc lúa, đưa con đi chạy chữa khắp nơi, nhưng chỉ nhận được những cái lắc đầu của bác sĩ. Nhìn con ngày càng “không giống người" mà hai vợ chồng ông như đứt từng khúc ruột.

Lần mang thai thứ hai, một lần nữa hai vợ chồng khấp khởi mừng thầm, hy vọng cuộc sống luôn có luật “bù trừ”. Bé gái sinh ra lành lặn, bụ bẫm, đến khi đầy tháng, hai vợ chồng đặt tên con là Nguyễn thị Ngân (sinh năm 1984). Nhưng có ai ngờ đâu, khi được hơn một tuổi thì Ngân cũng bắt đầu có những biểu hiện giống như anh trai.

Gia đình ông Thư gần như rơi vào tuyệt vọng khi phải chứng kiến cảnh hai con bị khiếm khuyết về thể chất và trí tuệ. Trong nỗi đau khổ tột cùng, ông bà vẫn không nguôi ước mơ có được đứa con lành lặn như bao cặp vợ chồng khác. Vì vậy, “quá tam ba bận”, mong muốn có một đứa con lành lặn lại thôi thúc ông bà sinh Nguyễn Thị Hân (sinh năm 1986).

Lại một lần nữa, số phận nghiệt ngã vẫn bám lấy gia đình này, trái tim người cha, trái tim người mẹ lại quặn thắt khi Hân lớn lên cũng lại ngơ ngơ như anh chị của mình. Lần này, ông bà đã đưa Hân ra Hà Nội hơn 5 tháng trời để các bác sĩ chữa trị nhưng tình hình cũng không được cải thiện. Càng lớn lên, 3 đứa con của ông bà cứ ngây ngây ra nhìn rồi cười hềnh hệch, ú ớ không nói được câu gì, chân tay teo tóp...

Bà Nga – vợ ông Thư nghẹn ngào kể: “Nuôi một đứa con khuyết tật đã vất vả gấp 5, 10 lần những đứa trẻ bình thường. Đằng này lại còn cả 3 đứa đều như thế. Chúng hay đau ốm, bệnh tật dẫn đến đủ thứ khác kéo theo.

Nhiều đêm trái gió trở trời là cả 3 đứa đều lên cơn co giật rồi la hét inh nhà. Có lần vì quá túng quẫn và bất lực, tôi đã nghĩ đến cái chết. Nhưng nghĩ lại thấy thương các con, chúng đâu có tội tình gì. Vậy nên, tôi lại quyết tâm phải sống để còn lo cho chúng”.

Do phải bươn chải, vắt kiệt sức lực nên hiện nay ông Thư bị bệnh viêm khớp mãn tính, đi lại khó khăn không làm được việc nặng nhọc. Mọi việc trong nhà đều đổ dồn lên đôi vai gầy guộc héo úa của bà Nga.

Về phần bà Nga cũng đang mắc chứng bệnh sỏi mật, thoái hóa đốt sống cổ nhiều năm nên cơ thể xanh xao cũng chẳng làm được gì nhiều. Hiện nay, 3 đứa con của ông Thư mỗi người nhận được 250.000 đ/tháng, nhưng số tiền nhỏ bé đó cũng không đủ thuốc men cho chúng mỗi khi trái gió trở trời chứ nói gì đến chi phí sinh hoạt.

Trao đổi với chúng tôi về hoàn cảnh của gia đình ông Thư, ông Hoàng Văn Thắng – trưởng thôn Đức Thụ cho biết: “Gia đình ông Nguyễn Đình Thư thuộc diện hộ đặc biệt khó khăn trong thôn. Nhà chỉ có mấy sào ruộng, chẳng có nghề phụ gì mà phải nuôi 3 đứa con tật nguyền bẩm sinh, bản thân ông bà Thư – Nga cũng mắc bệnh mãn tính do lao động quá sức nên gia cảnh càng thêm bần cùng. Qua đây, đại diện cho thôn Đức Thụ rất mong muốn các nhà hảo tâm quan tâm san sẻ, giúp đỡ cho gia đình ông Thư vượt qua hoàn cảnh éo le khốn quẫn”.

Mọi sư giúp đỡ xin gửi về địa chỉ trên hoặc gửi về văn phòng Báo NNVN tại ĐBSCL, số 49 Lý Tự Trọng, TP.Cần Thơ, ĐT: 07103.8345431, chúng tôi sẽ chuyển giúp quý vị.

Xem thêm
Sai phạm ở loạt dự án liên quan đại gia Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ

PHÚ THỌ Trong hàng loạt dự án liên quan ông Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ, có nhiều dự án Báo Nông nghiệp Việt Nam và cơ quan chức năng chỉ rõ sai phạm.

Kích điện giun đất có thể bị xử phạt tới 300 triệu đồng

Theo Luật sư Dương Lê Ước An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), kích điện giun đất có thể bị xử phạt tối đa 300 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Đường lớn làm chưa xong, tỉnh lộ đã nát bét

Xe trọng tải lớn chở vật liệu thi công tuyến đường thành phố Bắc Kạn đi hồ Ba Bể chạy rầm rập ngày đêm 'cày' nát đường tỉnh 257B.

Bình luận mới nhất