| Hotline: 0983.970.780

Nhà phao bè... đè lũ lớn

Thứ Tư 19/10/2011 , 12:09 (GMT+7)

Mùa mưa lũ năm nay, ngoài tăng cường thuyền bè, bà con xã vùng cao Tân Hóa (Minh Hóa, Quảng Bình) còn chuẩn bị thêm nhà phao bè để “đè” lũ.

Mô hình nhà phao bè chống lũ ở Tân Hóa (Quảng Bình)

“Chỉ đầu tháng 10 năm nay, đã có 2 cơn lũ lớn xảy ra ở xã vùng cao Tân Hóa. Hầu hết các ngôi nhà đều bị lũ nhấn sâu từ 3-7m. Tuy nhiên, Tân Hóa đã không để xảy ra thiệt hại lớn là do chúng tôi đã có sáng tạo trong việc đối phó lũ”- ông Cao Văn Lục, Chủ tịch UBND xã Tân Hóa (Minh Hóa, Quảng Bình) cho biết.

Quy hoạch khu tránh lũ

Rút kinh nghiệm từ đỉnh lũ tháng 10/2010, Tân Hóa thiệt hại nặng về tài sản, UBND xã tìm được khu vực cao ráo, bằng phẳng rộng khoảng 2ha tại hung Cà Lôi, sẵn sàng cho việc di dời dân tránh lũ. Ngoài địa điểm này, các thôn cũng tìm thêm ở các điểm ở Nhọt, Mộng Ông, Cây Ngá... để san ủi mặt bằng, đúc trồng các cột xi măng cố định. Khi cần thiết chỉ cần căng bạt là có được nhà tránh lũ. Tại các điểm chọn làm nơi di dời cũng được “quy hoạch” thêm khu vệ sinh phù hợp cho sinh hoạt đông người.

Được xem là "rốn lũ" của huyện Minh Hoá, người dân Tân Hoá xem lũ lụt như chuyện thường ngày bởi vì bao đời nay họ đã quá quen với mưa bão. Họ làm nhà đều có rầm tra ở trên mái để cất trữ lương thực, tài sản. Mỗi khi nước lớn, cả gia đình lên sinh sống ở rầm tra. Vào sáng 17/10, khi cơn lũ thứ hai vẫn ngập chân mái ngói, cả nhà anh Cao Văn Bông (thôn Yên Hợp) quây quần trên rầm tra chuẩn bị cho bữa trưa. Anh Bông cho hay: “Nếu nước ngập quá rầm tra thì chúng tôi chuyển xuống nhà phao bè và có thể lên vùng chân núi để tránh”.

Phần lớn các hộ gia đình đều có thuyền, hệ thống chuồng trại cho gia súc quy hoạch ở những khu vực cao ráo nên tránh lũ rất tốt. Vấn đề còn lại là thức ăn cho đàn trâu bò. “Chúng tôi đã vận động bà con trồng được gần 10 ha cỏ trên vùng lèn đá cao. Trường hợp lũ lớn thì vẫn bảo đảm cỏ tươi cho đàn trâu bò trong vòng từ 7-10 ngày”, Chủ tịch Lục cho biết.

Làm nhà phao bè

Mùa mưa lũ năm nay, ngoài tăng cường thuyền bè, bà con ở vùng lũ còn chuẩn bị thêm nhà phao bè để “đè” lũ. Anh Thái Xuân Lực (thôn 3 Cổ Liêm) cho biết: “Bà con mua chừng bốn hoặc chục cái thùng phuy nhựa loại 50 lít, sau đó buộc lại dùng gỗ néo chắc. Trên đó dựng lều che mái bằng tấm bạt kín hình chữ A. Nhà phao này có thể đảm bảo việc sinh hoạt tạm thời cho gia đình và bảo quản được những tài sản như tivi, xe máy. Mỗi nhà phao chi phí khoảng 2- 25 triệu đồng. Cũng khá tốn kém so với thu nhập người dân. Nhưng hết lũ thì có thể dùng vào việc khác và dùng tiếp vào mùa lũ sau”.

Người dân từ thôn 1 đến thôn 4, khu vực ngập nặng nhất trong xã sau hai trận lũ kinh hoàng năm 2010 đã nảy ra sáng kiến làm nhà bè. Hiện đã có khoảng 300 hộ dân làm được nhà bè với diện tích sử dụng trung bình từ 10m2 trở lên, đủ cho cả gia đình trong những ngày lũ. Trong trường hợp nước lên khỏi tra, người dân sẽ chuyển sang trú ẩn ở nhà bè rồi dùng dây thừng néo lại. Nước lên, nhà lên theo, nước xuống, nhà theo xuống.

Hiện tại nhà phao bè của gia đình anh Lực là khá “hoành tráng” với tổng mức đầu tư 25 triệu đồng. Anh Lực bộc bạch: "Vì gia đình bán tạp hoá, nên phải đóng cho đàng hoàng để tích trữ hàng lên đó, sẵn sàng phục vụ cho bà con trong những lúc xảy ra lũ lụt".

Tại Tân Hóa còn có 5 gia đình sáng kiến làm nhà ở theo kiểu nhà phao bè. Anh Trương Văn Được cho hay: “Nhà làm bằng gỗ, phía dưới sàn gắn 15 cái thùng phuy, bốn góc đều có dây néo và chèn trụ đỡ cho phao. Mùa hè, gia đình sinh hoạt bình thường. Vào mùa mưa lũ khi nào nước dâng lên thì nhà cũng nổi trên mặt nước nên cả nhà cảm thấy rất an tâm. Hôm vừa rồi khi làm xong thì lũ đến. Ngoài nhà tui, còn có cho thêm 2 nhà hàng xóm ở nhờ tránh lũ”.

Theo nhiều bà con ở Tân Hóa, sở dĩ mô hình nhà phao bè áp dụng phát huy được hiệu quả vì đặc điểm địa hình của vùng quê này là lũ úng. Tân Hóa lọt thỏm vào giữa thung lũng núi đá vôi. Khi mưa lớn đổ về gây lũ lớn nhưng mức độ nước xiết cũng vừa phải. Chính vì vậy, nhà phao bè chỉ cần buộc chắc chắn là có hệ số an toàn cao. “Những địa phương có đặc điểm như Tân Hoá có thể áp dụng mô hình này để tránh thiệt hại”- ông Lục, Chủ tịch xã chia sẻ.

Xem thêm
Đảng ủy Bộ NN-PTNT bế giảng lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng năm 2024

Ngày 27/3, tại Trường Cán bộ quản lý NN-PTNT, Đảng ủy Bộ NN-PTNT đã tổ chức Bế giảng lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng năm 2024.

Nhãn, vải ra hoa ít, ong nuôi ‘đói’ mật, nông dân thất thu

Vụ mật ong xuân năm nay chỉ có 40% số hộ nuôi ong mật nội rừng ở Kinh Môn (Hải Dương) thu được mật, sản lượng giảm so với vụ xuân trước.

Kia ưu đãi giá mới, giảm đến 75 triệu đồng trong tháng 9

Từ 11/9/2023, Kia áp dụng giá mới với mức điều chỉnh tương đương 50% lệ phí trước bạ. Chương trình được áp dụng tùy theo dòng xe và phiên bản.

Lão nông U70 với tham vọng đưa bưởi Diễn xuất ngoại

Bằng tình yêu nông nghiệp cùng óc sáng tạo trong sản xuất, ông Lê Hữu Diện đã trở thành người tiên phong làm nông nghiệp hữu cơ tại huyện Chương Mỹ, thành phố Hà Nội.

Bình luận mới nhất