| Hotline: 0983.970.780

Nhà sinh thái cho người thu nhập thấp

Thứ Hai 15/08/2011 , 13:00 (GMT+7)

KTS Lê Vũ Cường đã phát triển ý tưởng nhà sinh thái cho người thu nhập thấp vùng ven đô.

Nhà ở là một trong những vấn đề bức bách nhất của TP. Hà Nội trong công cuộc xây dựng NTM. Ở các vùng ngoại ô, quá trình đô thị hóa và áp lực dân số đang từng ngày xuyên thủng vành đai xanh và phá vỡ cấu trúc làng quê truyền thống.

Nhằm giải quyết hài hòa vấn đề nhà ở và quỹ đất cho người nghèo, bảo tồn cấu trúc làng truyền thống, bảo tồn vành đai xanh theo hướng phát triển sinh thái, KTS Lê Vũ Cường, Khoa Kiến trúc (Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội) phát triển ý tưởng nhà sinh thái cho người thu nhập thấp vùng ven đô. 

Mô hình 3D nhà ở sinh thái dành cho người thu nhập thấp vùng ven Hà Nội của KTS Lê Vũ Cường

THÂN THIỆN MÔI TRƯỜNG

Là một chàng trai sinh ra và lớn lên ở thành phố, nhưng KTS Lê Vũ Cường luôn hướng những đề tài nghiên cứu của mình về các vùng nông thôn. Anh cho biết, tình cờ về nhà người bạn ở ngoại thành Hà Nội chơi và nhận thấy thực trạng nhiều gia đình ba bốn thế hệ ở trong một ngôi nhà chật chội. Thu nhập bình quân đầu người của người dân khu vực này rất thấp, việc mua cho con một mảnh đất khi ra ở riêng là gánh nặng quá sức. Trong khi đất ở quê tuy rộng nhưng chủ yếu lại là đất nông nghiệp, không được phép xây nhà. Vì vậy, các gia đình đều chọn cách cơi nới, xây lên hai ba tầng nhằm giải quyết nhu cầu chỗ ở khiến cấu trúc làng quê ngày càng trở nên nhếch nhác.

Trăn trở đó thúc đẩy KTS Lê Vũ Cường bắt tay vào nghiên cứu mô hình nhà ở sinh thái nhằm giải bài toán nhà ở cho bà con khu vực ngoại thành Hà Nội. Công trình của anh đã đạt giải khuyến khích tại cuộc thi Thiết kế Công trình xanh Châu Á - Thái Bình Dương năm 2010 và được các chuyên gia kiến trúc trong nước đánh giá cao ở khả năng áp dụng vào thực tế.

Đặc thù, dân cư các vùng ven Hà Nội nói riêng hay cả nước nói chung đều ở theo làng và cụm làng, xung quanh được bao bọc bởi các cánh đồng, là nơi người dân sản xuất nông nghiệp. Theo KTS Lê Vũ Cường, nếu được phép xây dựng nhà sinh thái tại ven các thửa ruộng trên cánh đồng của mỗi làng, có thể giải quyết được rất nhiều bài toán bền vững cho cộng đồng. Người dân có thể xây dựng nhà ở ngay trên ruộng lúa, ruộng màu của nhà mình mà không phải đầu tư thêm quỹ đất, giảm thiểu mở rộng đất đai và bảo tồn cấu trúc làng gốc truyền thống. Trong khi đó, ngôi nhà được thiết kế linh hoạt theo kiểu nhà sàn thân thiện với môi trường nên không làm ảnh hưởng đến việc sản xuất nông nghiệp, thậm chí ngôi nhà còn giúp việc cấy lúa trồng khoai trở nên thuận tiện hơn.

HỢP TÚI TIỀN

Theo bản thiết kế của KTS Lê Vũ Cường, công trình nhà ở sinh thái cho người thu nhập thấp được thiết kế có tính linh hoạt rất cao, có thể đáp ứng nhu cầu ở của một gia đình trong vòng 20 - 40 năm. Trong trường hợp hiện tại, nếu người dân không đủ điều kiện kinh tế để xây dựng toàn bộ công trình, gia chủ hoàn toàn có thể mở rộng thêm sau này mà không ảnh hưởng đến hình dáng tổng thể.  

KTS Lê Vũ Cường trên bục nhận giải cuộc thi Thiết kế xanh Châu Á – Thái Bình Dương năm 2010 với công trình “nhà ở sinh thái cho người thu nhập thấp”

Có thể hình dung, ngôi nhà sinh thái tựa chiếc nhà dài của đồng bào dân tộc Tây Nguyên, nhưng hình thù của nó lại giống chiếc rọ đánh cá nên khả năng thích ứng với thiên tai khí hậu khá ưu việt. Vật liệu xây dựng nhà chủ yếu tre, tường ngăn được cấu tạo bởi hỗn hợp đất, rơm rạ qua xử lý hóa chất nên đảm bảo được độ bền và tính thẩm mỹ. Đây là những vật liệu rất phổ biến ở các địa phương có giá rẻ như cho, giúp giá thành của ngôi nhà chỉ bằng 1/3 so với nhà bê tông cốt thép. Năng lượng sử dụng trong công trình hoàn toàn là năng lượng sạch, có khả năng tái tạo như biogas và năng lượng mặt trời.

Trao đổi với chúng tôi về ý tưởng “nhà ở sinh thái cho người dân thu nhập thấp vùng ven Hà Nội”, tiến sĩ Phạm Sỹ Liêm - Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng VN đánh giá rất cao công trình nghiên cứu của KTS Lê Vũ Cường.

Theo TS. Liêm, hiện nay việc các địa phương đi chỉnh sửa lại các làng quê là việc làm sai lầm. Theo ông, thay vì đập đi xây lại chúng ta nên hình thành những khu làng mới thân thiện với môi trường như ngày xưa để từ đó bảo toàn được những ngôi làng gốc. Vừa giải quyết nhu cầu chỗ ở lại hình thành nên những tua du lịch cộng đồng bền vững.

Nhà ở sinh thái là một chu trình khép kín, các chất thải hữu cơ, chất thải sinh hoạt, chất thải nông nghiệp được sử dụng làm nguyên liệu cho hầm biogas, khí ga sử dụng cho nấu ăn. Chất thải cuối cùng sẽ được sử dụng làm phân bón cho ruộng vườn. Nhờ chu trình này môi trường được đảm bảo do hầu như không có chất thải. Là một phần của cánh đồng, nhà ở sinh thái giúp bảo tồn cấu trúc làng lân cận vì người dân sẽ không phải mở rộng hoặc cơi nới nhà cũ trong làng nhằm đảm bảo diện tích ở.

Công trình có thể dễ dàng mở rộng diện tích, thiết kế thụ động được áp dụng cho công trình nhằm đảm bảo khí hậu trong và ngoài nhà hoàn toàn thông gió tự nhiên. Hệ thống khung che được sử dụng làm nhà như giàn cây xanh đóng vai trò như lớp vỏ thứ hai giúp giảm thiểu bức xạ mặt trời. Vật liệu tre, rơm rạ và đất được sử dụng có hệ số cách nhiệt cao do đó giảm thiểu truyền nhiệt vào bên trong nhà. Cửa sổ và các khoảng mở được bố trí nhằm đảm bảo thông gió xuyên phòng. Phần khung rỗng hai bên hiên công trình được phủ tấm nhựa trong suốt nhằm tăng cường bức xạ sưởi ấm bên trong. Bề mặt vườn rau dưới công trình cũng giúp cải thiện điều kiện vi khí hậu xung quanh.

KTS Lê Vũ Cường tâm sự: “Nhà ở sinh thái được thiết kế để có thể tự nổi theo mực nước dâng trong trường hợp có lũ lụt và sử dụng nguồn năng lượng tái tạo độc lập. Do đó công trình cũng được sử dụng làm nơi tránh lũ lụt cho người dân khi gặp phải những sự cố trong lũ như mất điện, nước ngập nhà cửa trong làng. Đây là một mô hình nhà ở chi phí xây dựng rất thấp phù hợp với người thu nhập thấp sống tại khu vực ngoại thành, vùng ven của Hà Nội. Thậm chí, những khu làng như vậy có thể trở thành điểm đến của các tua du lịch cộng đồng tại nhà dân giống như thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam đã làm”.

Xem thêm
Thái Nguyên chấp thuận nhà đầu tư 2 dự án dân cư nông thôn

Thái Nguyên chấp thuận nhà đầu tư Dự án Khu dân cư nông thôn số 1 xã Ký Phú và Dự án Điểm dân cư nông thôn số 1 xã Bình Thuận (huyện Đại Từ).

Hưng Yên: Nhiều giải pháp đảm bảo vệ sinh môi trường nông thôn

Những giải pháp dưới đây vừa giúp giảm căn bản ô nhiễm môi trường, vừa tạo ra lượng lớn phân hữu cơ chất lượng tốt chăm bón cho cây trồng.

Trưng bày các sản phẩm OCOP tại Hội Báo toàn quốc

Quảng Bình mở một gian trưng bày, giới thiệu và bán các sản phẩm OCOP tại Hội Báo toàn quốc 2024.

Bình luận mới nhất