| Hotline: 0983.970.780

Nhà tài trợ: Chúng tôi không góp tiền để chặt cây xanh Hà Nội

Chủ Nhật 22/03/2015 , 09:20 (GMT+7)

Đại diện VPBank, Vingroup và Bình Minh đều cho rằng họ chỉ góp tiền, góp sức ủng hộ thủ đô trồng cây mới, chứ không hề biết, không tham gia và không hưởng lợi gì từ việc chặt cây./ Lãnh đạo Hà Nội: 'Nhà tài trợ nôn nóng chặt cây'

Giải thích trước báo giới về việc chặt hàng loạt cây xanh khiến người dân bức xúc, Phó chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Quốc Hùng phát biểu "sự nôn nóng của các nhà tài trợ, thông tin thiếu minh bạch của đơn vị triển khai" là nguyên nhân dẫn đến sự không đồng tình này.

Trong một thông báo ngày 18/3, phía Hà Nội cho hay Tập đoàn Vingroup, Ngân hàng Thương mại cổ phần Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank), Công ty cổ phần Công nghệ Bình Minh, Công ty cổ phần Tư vấn Đầu tư Xây dựng Hà Thành, Công an Thành phố và một số tổ chức, cá nhân khác là những nhà tài trợ cho dự án thay thế cây xanh trên 17 tuyến phố.

Trao đổi với PV, hầu hết các nhà tài trợ được nêu tên ở trên cho hay việc tham gia vào dự án xã hội hóa cây xanh đều xuất phát từ sự kêu gọi của thành phố vì lợi ích cộng đồng.

Ông Lê Khắc Hiệp, Phó chủ tịch Tập đoàn Vingroup cho biết: “Theo chủ trương, các doanh nghiệp tham gia đề án này chỉ ở vai trò tài trợ kinh phí chứ không tham gia vào quá trình thực thi dự án. Chúng tôi cũng không có thông tin gì về việc thực thi lúc nào và như thế nào”.

Cuối năm ngoái, tập đoàn đã phê duyệt kinh phí hơn 840 triệu đồng ủng hộ chương trình và không có lợi ích cá nhân gì trong việc này, theo ông Hiệp. “Chúng tôi được thành phố đề nghị tài trợ cho việc cải tạo, nâng cấp hệ thống cây xanh ở Phố Huế và Hàng Bài. Vingroup hoàn toàn không có dự án nào tại hai tuyến phố này. Ngoài mục đích làm tốt hơn cho cộng đồng, chúng tôi không có lợi ích gì khác”, ông Hiệp thông tin

Còn ông Trần Tuấn Việt - Giám đốc Trung tâm Truyền thông và Tiếp thị Ngân hàng VPBank cũng trần tình, hiện VPBank đang đặt trụ sở ở Hà Nội và hàng năm cũng tham gia trồng cây ở một số địa phương theo các chương trình vì cộng đồng, do đó khi thành phố kêu gọi thì ngân hàng ủng hộ.

“Ngân hàng được kêu gọi tham gia trồng cây cho tuyến đường Nguyễn Chí Thanh cùng Công đoàn Sở Công an, song ngân hàng cũng không biết là ngày nào trồng và trồng cây gì", ông Việt nói.

Từng sinh sống ở tuyến đường này, ông Việt cho rằng Nguyễn Chí Thanh có một số cây lâu năm bị mục, nguy cơ gẫy đổ thì cần phải thay thế, nhưng khi thấy cả những hàng cây to lâu năm bị chặt thì cũng “không biết làm thế nào”.

“Thành phố kêu gọi thì doanh nghiệp tham gia ủng hộ, nhưng mình không thể can thiệp được họ thay thế cây nào và trồng bao giờ. Tôi xin nhấn mạnh là VPBank tài trợ trồng cây chứ không tài trợ chặt cây. Nếu bảo doanh nghiệp tài trợ chặt cây chắc chắn là chúng tôi không tham gia”, ông nói

Trước ý kiến cho rằng doanh nghiệp được hưởng lợi từ dự án, đại diện VPBank nhấn mạnh “hoàn toàn không có chuyện này”. “Đây là quỹ do Công đoàn đóng góp. Nếu không trồng ở Hà Nội thì chúng tôi cũng có các chương trình khác, không có mưu cầu gì cả”, vị này nhấn mạnh.

Liên quan đến phát biểu của lãnh đạo thành phố về việc chặt cây là do áp lực nhà tài trợ, ông Việt cho hay: "Tôi hy vọng đây chỉ là sự hiểu nhầm do lãnh đạo nói không rõ ý.

Việc các cán bộ, nhân viên VPBank cùng nhau đóng góp để trồng cây rồi bị dư luận đối xử như lâm tặc thực sự quá sức tưởng tượng của chúng tôi". Về số tiền chi cho dự án, ông cho biết hiện nay doanh nghiệp với thành phố mới chỉ cam kết "về tinh thần", khi thành phố báo cáo con số cụ thể thì mới chi ra.

Không tham gia đóng góp bằng tiền, bà Vương Thị Mai Hương, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Thương mại Công nghệ Bình Minh thông tin công ty đã tham gia chiến dịch xã hội hóa trồng cây xanh theo lời kêu gọi của chính quyền Thủ đô từ tháng 9/2014.

Đến nay, doanh nghiệp đã ủng hộ cho Hà Nội khoảng 150 cây xanh mà chủ yếu là sấu. Tuyến phố mà đơn vị này tham gia trồng cây nhiều nhất là dọc đường Xã Đàn mới.

Bà Hương cho hay việc tham gia này là hoàn toàn tự nguyện và với tinh thần ủng hộ thành phố chứ không đi kèm quyền lợi gì như việc tận thu với những cây cũ. "Chúng tôi không hề tham gia chặt cây mà chỉ đem cây tới trồng tại những vị trí đã được thành phố chấp thuận", bà Hương nói.

Theo đại diện doanh nghiệp, do một trong những ngành nghề hoạt động chính của doanh nghiệp là bán, chăm sóc cây, nên việc tham gia theo chủ trương xã hội hóa của thành phố có nhiều thuận lợi hơn các doanh nghiệp khác.

"Doanh nghiệp có sẵn cây trong 6 vườn ươm của mình chứ không phải đi mua. Do vậy, nếu thành phố tạm ngưng dự án này thì Bình Minh cũng không có tổn thất gì như những công ty phải ký hợp đồng mua cây để ủng hộ cho thành phố. Khi nào Hà Nội triển khai tiếp mà doanh nghiệp thấy phù hợp với điều kiện của công ty thì chúng tôi sẵn sàng tham gia với mục đích để thành phố xanh, sạch, đẹp", bà Hương nói.

Trong khi đó, Vingroup tin rằng sau khi rà soát lại, thành phố sẽ có những quyết định hợp tình, hợp lý. Trong trường hợp Hà Nội dừng đề án này thì khoản kinh phí đã tài trợ sẽ chuyển sang cho các dự án vì cộng đồng khác của thành phố.

Còn với VPBank, sau những lùm xùm vừa qua, ngân hàng dự kiến trong tuần tới sẽ có buổi làm việc lại với phía thành phố để dự án trồng, thay thế cây được thực hiện tốt hơn, đúng mong muốn của doanh nghiệp khi được kêu gọi tham gia. “Rõ ràng là làm thiện nguyện lại mang tiếng thì rất mệt mỏi”, ông Việt than thở.

Để triển khai quy hoạch cây xanh trên địa bàn, từ năm 2014, thành phố Hà Nội đã chỉ đạo Sở Xây dựng, Công ty TNHH MTV Công viên cây xanh tổng kiểm tra rà soát hiện trạng hệ thống cây xanh trên các tuyến đường phố, lập đề án huy động các nguồn lực để bảo tồn, cải tạo, từng bước thay thế cây xanh phù hợp với quy hoạch.

Qua rà soát, thành phố có khoảng 6.700 cây (tỷ lệ gần 6%) già cỗi, sâu mục, cong nghiêng ảnh hưởng giao thông, cây chết và gần chết, nhiều cây không thuộc chủng loại cây xanh đô thị. Những cây này cần được từng bước thay thế bằng các loài cây phù hợp với quy hoạch phát triển hệ thống cây xanh đô thị đã được duyệt.

Trên cơ sở đó, Sở Xây dựng đề xuất thành phố cho thay thế 6.700 cây, thời gian thực hiện trong 3 năm (2015 - 2017), dự tính kinh phí khoảng 60 tỷ đồng. Năm 2015, thành phố chưa bố trí kinh phí cho việc cải tạo nên có chủ trương kêu gọi các tổ chức, cá nhân tham gia ủng hộ.

Tuy nhiên, trong quá trình triển khai, kế hoạch này vấp phải làn sóng phản đối của người dân thủ đô bởi sự chặt hạ diễn ra hàng loạt, với cả những cây to vẫn đang sinh trưởng tốt. Người dân đã dán khẩu hiệu "đừng chặt tôi" lên thân cây, lập trang web "6.700 người vì 6.700 cây xanh, hiện đã thu hút hơn 47.400 "like".

Trước tình trạng này, ngày 20/3, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Thế Thảo đã yêu cầu Sở Xây dựng, UBND các quận, các đơn vị dừng việc thay thế hàng loạt cây xanh trên đường phố hiện nay và phê bình các đơn vị triển khai đề án chặt hạ, di chuyển, thay thế cây xanh vì thông tin, tuyên truyền chưa đáp ứng được yêu cầu.

VnExpress

Xem thêm
Hà Lan sẵn sàng giúp Việt Nam đạt mục tiêu về xuất khẩu nông sản

Trưa 19/3, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan họp song phương với đoàn công tác Hà Lan do Bộ trưởng Chính sách Tự nhiên và Nitơ Christianne van der Wal dẫn đầu.

Đồng Tháp đặt mục tiêu thành tỉnh kiểu mẫu nông nghiệp sinh thái

Mục tiêu là biến Đồng Tháp trở thành địa phương dẫn đầu cả nước trong lĩnh vực nông nghiệp và trở thành trung tâm nông nghiệp, du lịch sinh thái của vùng ĐBSCL.

Kia ưu đãi giá mới, giảm đến 75 triệu đồng trong tháng 9

Từ 11/9/2023, Kia áp dụng giá mới với mức điều chỉnh tương đương 50% lệ phí trước bạ. Chương trình được áp dụng tùy theo dòng xe và phiên bản.

Rủ nhau đi hái lộc rừng

Quảng Bình Cứ vào tháng Ba hàng năm, nhiều người dân sống ở các xã Quảng Kim, Quảng Châu, Quảng Hợp (Quảng Trạch, Quảng Bình) rủ nhau lên rừng hái dâu và có nguồn thu đáng kể.