| Hotline: 0983.970.780

Nhà trọ tranh thủ "chặt chém"!

Thứ Tư 03/07/2013 , 09:56 (GMT+7)

Theo ghi nhận của NNVN, giá dịch vụ nhà trọ cho các em học sinh cũng như người nhà dự kỳ thi ĐH, CĐ đang tăng nhanh...

Hà Nội như chật chội, nóng bức hơn bởi sự có mặt của hàng ngàn phụ huynh đưa con em dự kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2013. Theo ghi nhận của NNVN, giá dịch vụ nhà ở cũng thế mà tăng nhanh...

Quận Cầu Giấy là nơi tập trung nhiều trường ĐH, CĐ nhất Hà Nội. Tại một số điểm thi xung quanh trường ĐH Quốc gia Hà Nội, ĐH Sư phạm, Học viện Báo chí và tuyên truyền..., sự hỗ trợ mà nhà trường dành cho các sĩ tử đi thi trong đợt này như ở trọ miễn phí, đi “xe ôm” giá rẻ chỉ đáp ứng một phần nhỏ nhu cầu. Vì vậy, các nhà nghỉ, phòng trọ tranh thủ tăng giá 2 - 3 lần ngày thường.


Các tình nguyện viên giúp đỡ các sĩ tử từ xa đến

Tại một khu nhà trọ nằm sát cạnh ĐH Quốc gia Hà Nội, có khoảng 12 phòng (trung bình mỗi phòng rộng khoảng 10 m2) đều chật cứng người ở. Nhiều phòng là thế nhưng tất cả chỉ có duy nhất một nhà vệ sinh, 1 nhà tắm. Bác Nguyễn Thanh An (Bắc Giang) đang đưa cô con gái lên thi, cho biết, giá thuê trọ ở đây là 150.000 đồng/người/ngày đêm, kèm theo việc bà chủ sẽ cho mượn một chiếc chiếu và một cái quạt điện. Tuy nhiên, ai cũng phải đặt cọc trước 300.000 đồng để giữ chỗ. “Giá này là mềm nhất khu này rồi đấy nên bố con tôi quyết định chọn ở đây vài ngày” - bác An nói.

Hôm nay 3/7, hơn nửa triệu thí sinh sẽ đến làm thủ tục dự thi ĐH, CĐ năm 2013. Theo kế hoạch, kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ hệ chính quy năm 2013 diễn ra trong 3 đợt. Đợt 1 ngày 4, 5/7 thi ĐH khối A, V; đợt 2 ngày 9, 10/7 thi ĐH các khối B, C, D và năng khiếu; đợt 3 ngày 15, 16/7 thi CĐ. Kỳ thi này, khối A chiếm 55,20% tổng số hồ sơ đăng ký dự thi, khối B 19,40%. Khối D 15,50%. Khối C chỉ chiếm 6,40% và các khối khác chiếm 3,50%.

Cách đấy không xa, cạnh đường Chùa Hà cũng nhan nhản khu trọ mới mọc. Tạt vào một nhà khách gần đó, tôi được một bà chủ ngoài 50 tuổi đon đả sau khi biết tôi có nhu cầu tìm phòng ở cho đứa em ở quê ra thi đại học: “Ở đây vẫn còn phòng đấy, đầy đủ tiện nghi, điều hòa, vệ sinh khép kín, tội gì phải đi ở mấy nhà trọ chật hẹp nóng bức, sức đâu mà thi cử nữa”. Vừa nói, bà vừa dẫn tôi đến một phòng rộng khoảng 30 m2 có máy lạnh, khá đầy đủ thiết bị và nhanh nhảu hét giá: “600.000 đồng/phòng/ngày, chưa tính tiền ăn uống”. Nghe hết cả hồn!

Ngoài những khu nhà trọ, nhà nghỉ “chuyên nghiệp” ra, nhiều nơi cũng tận dụng kỳ thi này để kiếm tiến. Nhà bác Lan (số 14, ngõ Hoàng Mai, quận Hoàng Mai), nhà chị Minh Ánh (ngõ chợ Khâm Thiên, Đống Đa) đều dành ra 6 phòng cho sĩ tử đến thuê. Thậm chí có nhiều chủ nhà còn “dồn” cả gia đình vào ở một chỗ để lấy phòng cho thuê, thậm chí tận dụng cả nhà kho, gác xép. Tại những phòng trọ này đều có giá trung bình từ 150.000 - 250.000 đồng/người/ngày. Khảo sát nhanh của phóng viên cũng thấy, dù tiền thuê không hề rẻ nhưng những phòng trọ này rất tồi tàn, nóng bức, thiếu tiện nghi. Và phần lớn các sĩ tử ở quê vẫn phải chấp nhận bởi gia đình không đủ điều kiện để trọ phòng đẹp, thoáng mát, giá từ 1 triệu đến 1,5 triệu đồng cho một thí sinh và hai người nhà trong thời gian 3 ngày diễn ra kỳ thi.

ĐỀ THI ĐÚNG CHƯƠNG TRÌNH HỌC

Trao đổi nhanh với NNVN ngày 2/7, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga cho biết, công tác chuẩn bị cho kỳ thi năm nay đã hoàn tất.

Theo chỉ đạo của Bộ GD-ĐT, đề thi tuyển sinh ĐH-CĐ năm 2013 phải đạt được các yêu cầu kiểm tra kiến thức cơ bản, khả năng vận dụng và kỹ năng thực hành của thí sinh trong phạm vi chương trình trung học hiện hành, chủ yếu là chương trình lớp 12, phù hợp với quy định về điều chỉnh nội dung học tập cấp trung học.

Đề thi tuyển sinh không quá khó, quá phức tạp, không ra ngoài chương trình và vượt chương trình trung học, không ra vào những phần giảm tải, cắt bỏ, không đánh đố thí sinh. Riêng đối với đề thi các môn xã hội, việc ra đề thi theo hướng mở trong những năm gần đây được xã hội hoan nghênh và năm nay cũng sẽ được bộ tiếp tục áp dụng.

Đề thi tuyển sinh ĐH-CĐ, đề thi sẽ có những phần dễ để thí sinh học lực trung bình có thể làm được, có những phần tương đối khó dành cho thí sinh khá và có những câu khó dành cho những thí sinh giỏi và xuất sắc. Đặc biệt, Bộ cũng tiếp tục cho phép thí sinh mang vào phòng thi những vật dụng như bút, mực, compa, thước kẻ, máy tính bỏ túi, thiết bị ghi âm, ghi hình không có chức năng phát âm, phát hình tại chỗ, không truyền được thông tin ra ngoài như không có loa, tai nghe, không có màn hình hiển thị thông tin, không có 3G, 4G, Wifi, Bluetooth.

Trong những ngày diễn ra kỳ thi, Bộ sẽ có các đoàn thanh tra lưu động có mặt tại bất kỳ điểm thi nào trên cả nước và không báo trước. Những trường để xảy ra sai sót trong quá trình tổ chức thi, chấm thi, xét tuyển... sẽ bị xử lý nghiêm theo quy chế tuyển sinh hiện hành. Lãnh đạo ngành giáo dục cũng khuyên:

Các em học sinh nên hệ thống lại kiến thức đã học ở bậc phổ thông, chủ yếu là chương trình lớp 12. Các em cần giữ gìn sức khỏe, nhất là các thí sinh từ các địa phương xa lên thành phố, điều kiện sinh hoạt thay đổi nhiều. Khi làm bài các em nên tìm những câu dễ làm trước, câu khó làm sau. Các câu dễ có thể phân bố rải rác trong đề thi vì vậy các em cần lướt qua đề thi để làm chúng trước. Tuy nhiên, muốn làm bài tốt các em cần bình tĩnh, tự tin và có quyết tâm.

 

Xem thêm
Chương trình hành động của Chính phủ chống khai thác IUU

Mục đích của Chương trình hành động là xác định chống khai thác IUU là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách, có ý nghĩa lâu dài đối với phát triển bền vững ngành thủy sản.

Đưa cán bộ khuyến nông sang Nhật Bản học tập và làm việc

HÀ NỘI Ngày 22/4, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam tiếp và làm việc với đoàn đại biểu quận Nikicho (tỉnh Hokkaido, Nhật Bản).

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Hai giám đốc sở chỉ đạo cứu lúa trên cánh đồng Mường Lò

Giám đốc hai Sở: NN-PTNT và Công thương tỉnh Yên Bái trực tiếp chỉ đạo chống hạn cho diện tích lúa tại cánh đồng Mường Lò (thị xã Nghĩa Lộ).