| Hotline: 0983.970.780

Nhà tỷ phú bình dân của đế chế IKEA

Thứ Năm 02/02/2012 , 12:33 (GMT+7)

Nếu tình cờ bạn nhìn thấy một ông già mặc một chiếc áo khoác đã cũ sờn, đeo kính râm, đi một đôi giày mòn vẹt và lái chiếc xe Volvo có từ cách đây 15 năm thì có thể bạn đang được gặp Ingvar Kamprad - người sáng lập, ông chủ của đế chế Ikea với tổng giá trị tài sản ước tính 53 tỉ USD.

Tỷ phú Ingvar Kamprad
Nếu tình cờ bạn nhìn thấy một ông già mặc một chiếc áo khoác đã cũ sờn, đeo kính râm, đi một đôi giày mòn vẹt và lái chiếc xe Volvo có từ cách đây 15 năm thì có thể bạn đang được gặp Ingvar Kamprad - người sáng lập, ông chủ của đế chế Ikea với tổng giá trị tài sản ước tính 400 tỉ cuaron, tương đương với 53 tỉ USD.

>> Tiết kiệm như... tỷ phú

Xa hoa thì làm sao dạy được nhân viên

Ingvar Kamprad được coi là một nhà kinh doanh tài ba nhất của xứ sở Bắc Âu. Ông nổi tiếng và làm giàu nhờ kinh doanh đồ gỗ với thương hiệu IKEA lừng danh khắp toàn cầu.

Ở tuổi 81, người luôn có mặt trong danh sách những người giàu nhất thế giới thừa nhận ông hơi chặt chẽ “một chút” về tiền bạc. Ông thường đi công tác trên các khoang hạng hai của các chuyến bay, tự lái một chiếc Volvo đã mua từ cách đây 15 năm. Ông chỉ chọn các khách sạn ba sao, không bao giờ cao hơn, để nghỉ ngơi. Nếu khách sạn đó miễn phí ăn sáng thì càng tốt, ông sẽ ăn bữa sáng thật nhiều cho cả bữa trưa.

Hiện tại Ingvar Kamprad chọn sống ở một căn biệt thự ở Thụy Sĩ vì ngoài yếu tố khí hậu, môi trường tốt thì nơi này không đánh thuế thu nhập cá nhân quá cao như ở Thụy Điển.

Cũng vì lối sống giản dị mà đã xảy ra một "sự cố" xảy ra ở Đức đối với Ingvar Kamprad. Đội bảo vệ đã không cho ông vào nhận giải thưởng “Nhà doanh nghiệp nổi bật nhất trong năm” chỉ vì thấy ông đến không phải bằng xe riêng mà bằng xe buýt công cộng.

"Tôi thường chặt chẽ về tiền bạc, một tính cách điển hình rất Thụy Điển. Nếu tôi cứ chi tiêu hoang phí, xa hoa thì làm sao tôi có thể yêu cầu nhân viên của tôi dè xẻn, tằn tiện. Một người lãnh đạo phải làm gương trước tiên", Ingvar Kamprad.

Một lần khác, Ingvar Kamprad được mời đến cắt băng khánh thành một bức tượng của chính ông được xây dựng tại quê nhà. Thay vì cắt băng, ông đã gấp gọn lại và đưa cho thị trưởng, và nói với ông ta “anh có thể sử dụng dải băng này một lần nữa”. Ông thẳng thắn nói rằng cần kiệm là một đức tính tốt và không có gì phải xấu hổ.

Thiểu năng bẩm sinh

Từ lâu, Ingvar Kamprad đã là cái tên quen thuộc tại Thụy Điển. Ông nội của Kamprad cũng là một thương gia. Năm 1897, hãng kinh doanh của ông nội Kamprad bị rơi vào tình thế khó khăn. Do không đủ sức trang trải nợ nần, ông đã tự sát. May thay, dưới sự quản lý khéo léo và chặt chẽ hơn của bà nội, hãng đã được vực dậy, thoát hiểm. Chính bà nội là người đã truyền lại cho đứa cháu của mình bí quyết thành công trong kinh doanh là “phải có ý chí, lao động miệt mài và chi tiêu chặt chẽ”.

Thuở nhỏ, Ingvar là một học sinh cá biệt. Do bị thiểu năng bẩm sinh, ông học đọc rất vất vả và nhiều thầy cô khi đó đã phải chịu bó tay. Cố gắng lắm ông vẫn không vượt qua được bậc trung học. Bù lại, ngay từ lúc ngồi ghế nhà trường, Ingvar đã nổi danh là “một nhà phân phối”. Ông bỏ tiền mua sỉ bút viết, diêm và các loại văn phòng phẩm khác đem về bán lẻ cho các bạn, cần gì có ngay, cung cấp tận chỗ ngồi trong lớp.

Và tới tận khi bà nội của Ingvar qua đời, người ta mới hiểu rõ rằng bà đã cố gắng luyện nếp kinh doanh cho cháu mình như thế nào: Trong số các tài sản riêng bà để lại có hàng chục cây bút chì, cái chuốt bút chì, hàng trăm cục gôm và bao diêm cổ lỗ sĩ. Đó là những món hàng bà đã nhiều lần mua của cháu nội mình!

 Tiết kiệm triệt để

Ngày nay, tập đoàn IKEA được coi là nhà sản xuất đồ gỗ lớn nhất trên thế giới. Và những cuốn cataloge giới thiệu sản phẩm của IKEA được xem nhiều thứ hai chỉ sau Kinh thánh mà thôi. Có người còn ước tính rằng có khoảng 10 phần trăm người Châu Âu ngày nay đã được tạo thành trên những cái giường do IKEA làm ra. Và để đạt được thành công như ngày nay chính là nhờ sự chi tiêu khôn ngoan và đạo đức kinh doanh nghiêm ngặt của “bố già Ingvar” – như cách gọi thân mật của nhân viên IKEA.

Công ty IKEA của Ingvar Kamprad khi mới thành lập chỉ là một cửa hàng kinh doanh tạp hóa. Đồ nội thất chỉ là một trong số các dòng sản phẩm của IKEA. Ý tưởng của ông là sử dụng các nhà máy gỗ địa phương để giảm chi phí. Đó là vào năm 1947. Đến năm 1951 nhận thấy doanh số bán hàng đồ nội thất quá thành công, ông quyết định bỏ tất cả các sản phẩm khác và chỉ chú trọng vào việc phát triển dòng sản phẩm chiến lược này.

Khi được hỏi về mô hình kinh doanh IKEA, Ingvar Kamprad đã có câu trả lời ngắn gọn mà thú vị: “Với một cái dạ dày trống rỗng thì người ta không còn đầu óc đâu để mua với bán”.

Giống như nhiều nhà bán lẻ lớn, Kamprad đã bị ám ảnh với chi phí kiểm soát, và thường dành phần lớn thời gian cho việc tìm kiếm những cách thức mới làm sao chi phí ít tốn kém nhất.

Ban đầu, để vận chuyển hàng hóa, ông tận dụng các xe chở sữa chạy khắp nơi trong các làng mạc ở Thụy Điển để gửi hàng. Nhờ thế mà hàng của IKEA đến được tận từng nhà người mua hàng ngày. Đồng thời chi phí vận chuyển thấp hơn so với qua bưu điện hoặc đường sắt. Dần dần với phương thức trên, Ingvar Kamprad đã cung cấp hàng cho cả một vùng rất rộng lớn của Thụy Điển.

Chặt chẽ là vậy, nhưng không bao giờ Ingvar Kamprad muốn giảm chất lượng hàng đồ gỗ của mình, dù khách hàng của ông đều là các đối tượng bình dân. Và ông đã nghĩ một cách để “giảm giá” sản phẩm của mình theo cách khác. Ingvar Kamprad tạo cơ hội cho các khách hàng của mình được xem tận mắt, được sờ tận tay các sản phẩm đồ gỗ. Khách hàng tự do lựa chọn và tự mình vận chuyển hàng về nhà. Qua đó IKEA đã tiết kiệm được chi phí vận chuyển, chi phí đi lại giới thiệu hàng cho khách.

Đặc biệt với mô hình kinh doanh này, Ingvar Kamprad đã giảm rất nhiều công sức và chi phí giải quyết các thắc mắc hay nhu cầu sửa chữa đổi hàng của khách. Hình thức kinh doanh này tỏ ra được đông đảo khách hàng hưởng ứng. Họ sẵn sàng bỏ công đi xem và chọn đồ gỗ cho mình để được hàng chất lượng tốt với giá cả hợp lí. Đây là một phát hiện rất có giá trị của Ingvar Kamprad dựa trên nhu cầu và tâm lý khách hàng đối với bất kì mô hình kinh doanh nào

Sau kết quả này, Ingvar Kamprad ngày càng tự tin hơn và ông đã xây dựng rất thành công một mô hình kinh doanh với những nguyên tắc rất riêng của IKEA. Một trong những nguyên tắc đó là tiết kiệm triệt để. Ingvar Kamprad yêu cầu nhân viên tiết kiệm từ sợi dây buộc đến thùng carton đóng hàng.

Một trong những nguyên tắc khác của IKEA là phải tạo ra cho khách hàng có cảm giác mỗi lần đi mua hàng tại IKEA là một chuyến đi chơi thú vị. Vì vậy, khung cảnh của các trung tâm thương mại IKEA luôn được bố trí như một hội chợ vui vẻ, luôn có những khu vui chơi riêng cho trẻ em và tổ chức cả các trò chơi vui nhộn. Một trong những đặc điểm và cũng là một lí do hấp dẫn khách hàng đến với IKEA là người ta luôn thấy tại các trung tâm bán đồ gỗ này luôn có các nhà hàng cà phê và quán ăn gia đình.

Xem thêm
Bình Thuận có Tân Bí thư Tỉnh ủy

Ông Nguyễn Hoài Anh được Bộ Chính trị chuẩn y chức danh Bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận nhiệm kỳ 2020 - 2025.

Một làng nghề cây cảnh ở Hà Nội thu hút 200.000 lượt khách du lịch

Năm 2022, điểm du lịch làng quê Hồng Vân, huyện Thường Tín được Hà Nội công nhận OCOP 4 sao. Từ đó đến nay, xã đã đón khoảng 200.000 lượt khách du lịch.

Kia ưu đãi giá mới, giảm đến 75 triệu đồng trong tháng 9

Từ 11/9/2023, Kia áp dụng giá mới với mức điều chỉnh tương đương 50% lệ phí trước bạ. Chương trình được áp dụng tùy theo dòng xe và phiên bản.

Hạ Long cải cách hành chính tốt nhất tỉnh Quảng Ninh

Thành phố Hạ Long đã xuất sắc dẫn đầu bảng xếp hạng 3 chỉ số PAR-Index, DDCI, DTI của tỉnh Quảng Ninh năm 2023.

Bình luận mới nhất