| Hotline: 0983.970.780

Nhà vườn vạ lây vì "thần dược" ủ trái cây

Thứ Sáu 08/07/2011 , 08:58 (GMT+7)

Tìm về thủ phủ trái cây ĐBSCL những ngày này, nhiều bà con bày tỏ lo ngại khi thương lái sau khi thu mua vườn trái, họ thường ngâm “thần dược” Ethephon để trái chín đều, chín nhanh, khiến sản phẩm của nhà vườn mất uy tín lây.

Tìm về thủ phủ trái cây ĐBSCL những ngày này, nhiều bà con bày tỏ lo ngại khi thương lái sau khi thu mua vườn trái, họ thường ngâm “thần dược” Ethephon để trái chín đều, chín nhanh, khiến sản phẩm của nhà vườn mất uy tín lây.

Thuốc dùng một đêm

Nghe được thông tin trên, PV NNVN đã tìm gặp bà Nguyễn Hồng Thư, Phó Chủ tịch UBND xã Ngũ Hiệp (huyện Cai Lậy, Tiền Giang), một trong những địa bàn có lượng trái cây lớn, bà Thư cho biết: Bản thân tôi thì chưa nhìn thấy, nhưng thời gian vừa qua, một số nông dân trên địa bàn xã đã phản ánh việc này, họ khẳng định thấy thương lái thường nhúng trái cây non mới thu hoạch vào hóa chất gì đó rồi mới cho lên xe chở đi”.

 Xã Ngũ Hiệp được coi là cù lao sầu riêng và nhiều loại trái cây đặc sản của tỉnh Tiền Giang. Hiện toàn xã có khoảng 700 ha đất trồng sầu riêng và 100% hộ dân đều trồng loại trái cây này với giống sầu riêng chủ yếu là chuồng bò hạt lép, Ri6, Mong thong...Đi vào  vườn trái, chúng tôi gặp bà Nguyễn Thị Hiền ở ấp Thủy Tây, xã Ngũ Hiệp. 

Trả lời câu hỏi có biết gì về việc tư thương dùng hóa chất tẩm trái cây hay không, bà Hiền chẳng giấu diếm kể, mới đây gia đình bà có bán một vườn sầu riêng rộng 4.000 m2 cho tư thương. Sau khi trả tiền sòng phẳng, ngay đêm hôm đó họ thu hoạch sạch bách toàn bộ khu vườn, trong đó có những trái non phải cả tháng nữa mới chín. Sáng hôm sau họ tập kết trái, cho lên xe chở đi.

Bà Hiền khẳng định bà đã thấy tư thương ngâm các trái non vào một loại dung dịch màu trắng pha sẵn. “Khi tôi hỏi thì họ nói đó là thuốc để trái cây non mau chín. Gia đình chỉ biết thở dài ngao ngán bởi thế có khác nào lừa bán trái cây non cho người tiêu dùng đâu!”. Bà Hiền cũng cho rằng, tình trạng tư thương dùng thuốc xử lý cho trái non vô hình chung đang đổ điều đổ tiếng cho nhà vườn, những người trồng trái cây chân chính nhưng lại phải gánh chịu điều tiếng xấu khi bị người tiêu dùng phát hiện ra.

Dựa theo mô tả của các nhà vườn, PV NNVN đã đi dò hỏi và biết loại hóa chất mà thương lái hay sử dụng đó là loại dung dịch màu trắng đục, pha loãng gọi là Ethephon. Muốn mua loại thuốc này không khó vì phần lớn các cửa hàng trên địa bàn các huyện Cai Lậy, Cái Bè của Tiền Giang, chạy dọc theo tuyến đường quốc lộ 1A đều có bán.

Nhập nhằng mục đích sử dụng

Lần về xã Tam Bình, nơi được coi là xã điểm trái cây của huyện Cai Lậy, Tiền Giang, chúng tôi gặp ông Nguyễn Tấn Nhũ – Phó Chủ tịch UBND xã Tam Bình thì được biết: “Tình trạng nông dân bán hết cả vườn rồi thương lái thu hoạch cả trái xanh lẫn trái chín, sau đó dùng hóa chất xử lý các trái non đã xảy ra trên địa bàn xã từ lâu, khoảng 5 năm nay. Chính quyền xã đã có nhiều hội thảo về vấn đề này, trong các hội thảo đó, các nhà chuyên môn đều khẳng định không nên lạm dụng hóa chất đó vì nó có ảnh tới hệ thần kinh con người nếu quá liều lượng cho phép".

Ông Nhũ khẳng định: "Tuy nhiên, từ đó đến nay, việc sử dụng hóa chất trên vẫn còn và chính quyền không thể nào quản lý xuể vì diện tích trái cây trên địa bàn xã lớn, gần 1.000 ha sầu riêng cùng 400 ha sapochê trải rộng khắp xã”.

Trao đổi với PV về hóa chất này, ông Nguyễn Văn Sinh, Chi Cục trưởng Chi cục BVTV Tiền Giang cho hay: “Chất Ethephon được Bộ NN-PTNT cho đăng ký và lưu hành trên thị trường. Tuy nhiên công dụng của nó là kích thích cây cao su ra mủ và dùng làm phân bón kích thích cây ra lá nhanh hơn. Vậy nhưng, thấy được tính năng của nó, các thương lái cũng như nhà sản xuất lại dùng chúng vào việc làm chín trái cây”.

Ông Sinh cho biết thêm, nếu dùng chất này kích thích trái cây như sầu riêng, mít, sapôchê… cũng có thể được nhưng chỉ nên dùng với trái cây già hoặc sắp chín. Còn các thương lái, chủ vựa dùng thuốc kích thích này với các trái xanh, trái non thì rõ ràng chất lượng không đảm bảo. Thêm nữa, trước đây từng có nghiên cứu của sinh viên đại học Cần Thơ chỉ ra rằng, chất Ethephon có thể dùng để biến đổi vỏ trái cây, cụ thể là quýt từ màu xanh thành màu vàng, đỏ tươi. Hiểu nôm na, nếu dùng chất này thì các trái cây non cũng có màu sắc và vẻ bề ngoài y hệt trái chín cây tự nhiên khác!

 Được biết, hóa chất này không có trong danh mục phụ gia thực phẩm được phép sử dụng theo Quyết định 867/BYT ngày 4/4/1998 của Bộ Y tế. Điều đáng nói, mặc dù được thương lái sử dụng khá phổ biến trong việc thúc sản phẩm cây trái chín nhanh, tuy nhiên đến nay vẫn chưa có một tài liệu nào công bố về mức độ an toàn cũng như tác hại của chúng với sức khỏe người tiêu dùng.

Ông Nguyễn Minh Châu – Viện trưởng Viện Nghiên cứu Cây ăn quả miền Nam:

Chất này cũng được nhiều nước trên thế giới cho phép sử dụng, đặc biệt là mặt hàng chuối, xoài và Việt Nam cũng cho phép sử dụng trên một số trái cây. Tuy nhiên, Ethephon không nên sử dụng trên trái sầu riêng vì đặc điểm của loại trái này không thể chín ngon khi hái xanh rồi dùng Ethephon tác động vào như chuối và xoài. Tất nhiên, nếu người ta quá lạm dụng Ethephon cũng không tốt vì bản chất chín, tươi tự nhiên của trái chắc chắn sẽ ngon, an toàn hơn là trái xanh có sử dụng Ethephon.

Xem thêm
Hơn 300 đại lý tham gia Hội nghị khách hàng Japfa Việt Nam

Ngày 28/3, Hội nghị khách hàng khu vực miền Bắc của Công ty TNHH Japfa Comfeed Việt Nam (Japfa Việt Nam) được tổ chức tại Vĩnh Phúc với chủ đề 'Đồng kiến tạo giá trị'.

Giải pháp phòng bệnh dại của thành phố lớn nhất nước

TP.HCM Tập trung tiêm phòng vacxin đại trà cho chó, mèo và tiêm phòng bổ sung thường xuyên theo lứa tuổi, đến nay, TP.HCM là vùng an toàn dịch bệnh động vật đối với bệnh dại.

Tháo gỡ 2 điểm nghẽn chính

Ngành mía đường có những điểm nghẽn cần phải giải quyết để phát triển ổn định, bền vững, đó là chia sẻ của TS Cao Anh Đương, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Mía đường (SRI).

Bình luận mới nhất