| Hotline: 0983.970.780

Nhạc sĩ Văn Ký bay bổng những giai điệu mùa thu

Thứ Bảy 12/11/2016 , 14:15 (GMT+7)

Nhạc sĩ Văn Ký, sinh năm 1928, tại xã Liên Minh, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định. Sớm tham gia cách mạng và được kết nạp đảng năm 18 tuổi. Có năng khiếu âm nhạc thiên bẩm, Văn Ký được cử đi học lớp âm nhạc ở Nghệ An và sau đó trở thành Trưởng đoàn Văn công Liên khu IV...

09-11-20_trng-32
Nhạc sĩ Văn Ký
 

Sự nghiệp sáng tác và hoạt động âm nhạc của Văn Ký bắt đầu từ đây.

Ngay từ những tác phẩm đầu tiên: “Trăng xưa”, khi chưa biết một nốt nhạc nào, nhạc sĩ Văn Ký đã hình thành một tư duy và mầu sắc âm thanh trữ tình rõ nét. Đó là cơ sở dần dần tạo nên một phong cách sáng tác lãng mạn cách mạng của nhạc sĩ Văn Ký.

Với những nhạc cảnh về đề tài cách mạng như “Dân công lên đường” và “Lúa thoái tô”, giải nhất năm 1954, tại Đại hội Văn công toàn quốc, nhạc sĩ Văn Ký nổi bật với những giai điệu bay bổng, rộn ràng vui tươi, chứ không bị khô khan đơn điệu. Một thời gian sau, nhạc sĩ Văn Ký làm mọi người ngạc nhiên với một ca khúc mới, về đề tài đấu tranh cách mạng. Đó là bài hát: “Bài ca hy vọng”.

Bài hát xuất phát từ ý tưởng nung nấu của nhạc sĩ trong giai đoạn đất nước rơi vào hoàn cảnh khó khăn. Cùng với đó, những tội ác chồng chất của luật 10/59 mà chính quyền Ngô Đình Diệm muốn triệt phá và ngăn chặn phong trào cách mạng chìm trong đêm đen.

Chúng lê máy chém đi khắp nơi, gây ra cảnh đầu rơi máu chảy, trấn áp lòng người. Vào thời điểm này không ít người bi quan trước vận mệnh và tương lai của đất nước, khi đang bị chia cắt hai miền. Nhưng ngược lại, vượt qua nỗi suy tư bế tắc, u ám của thời vận trước mắt, tâm hồn nhạc sĩ Văn Ký lại được sưởi ấm bởi niềm tin cho một tương lai.

Trái tim người nghệ sĩ luôn tràn ngập ánh sáng hy vọng cho thắng lợi của cách mạng, cho dù còn muôn vàn cam go. Những giai điệu và lời ca đầu tiên được cất lên trong tâm tưởng. Nhạc sĩ Văn Ký tự hát lên niềm hy vọng đang bừng sáng trong lòng mình như một sự trấn tĩnh tự thân. Viết cho riêng mình, với nỗi niềm tin yêu thầm kín, trước những hoang mang của thời cuộc.

Hình ảnh cánh chim và mùa xuân hiện lên, với những giai điệu ấm áp, ung dung tự tại. Niềm tin và hy vọng ngày một dâng cao trong từng lời ca với sự bất tuyệt ngời sáng: “Từng đôi chim bay đi tiếng ca rộn ràng. Cánh chim xao xuyến gió mùa xuân...Về tương lai, đàn chim ơi cùng ta cất cánh. Kìa ánh sáng chân trời mới đang bừng chiếu. Bốn phương, gió mưa, buồn thương, mùa đông và mây mù sẽ…tan”.

Đứng trước hoàn cảnh lịch sử khi đó mới thấy giá trị của bài hát thật to lớn. Đồng thời vào thời kỳ đó, bài hát ra đời càng chứng tỏ phong cách âm nhạc trữ tình của Văn Ký mới lạ, có sức thuyết phục, qua những đề tài về cách mạng. Lắng đọng sâu sắc nhưng vẫn lãng mạn và bay bổng. Bài hát đã được trao Giải Nhất của Hội Nhạc sĩ Việt Nam-1960.

Khánh Vân, người miền nam là ca sĩ đầu tiên hát ca khúc này trên làn sóng của Đài Phát thanh Tiếng nói Việt Nam. Lập tức bài hát gây xúc động lòng người và được hàng triệu người yêu thích. Có lần ca sĩ Khánh Vân được biểu diễn phục vụ Bác Hồ cùng các đồng chí lãnh đạo. Bác vui vẻ hỏi: “Hôm nay con sơn ca miền Nam có “tủ” gì mới đãi Bác nào?”.

Khánh Vân đã hát “Bài ca hy vọng”. Sau khi nghe xong, Bác xúc động nói: “Cháu hãy hát bài này cho đồng bào miền Nam nghe nhé”. Có lần, vào tuyến lửa Vĩnh Linh công tác, nhạc sĩ Văn Ký còn nghe kể chuyện anh hùng Nguyễn Văn Trỗi cũng đã từng hát “Bài ca hy vọng” sau song sắt nhà tù của Mỹ ngụy để động viên tinh thần mọi người hãy tin tưởng ở chiến thắng cuối cùng của cuộc cách mạng giải phóng thống nhất đất nước.

Bài hát đã trở thành vũ khí tinh thần cho những người hoạt động cách mạng miền Nam, và được tuyên truyền rộng khắp. “Bài ca hy vọng” trở thành một hiện tượng và sự kiện đầy ấn tượng cho dòng âm nhạc cách mạng. Nhiều ca sĩ nổi tiếng các thế hệ đều biểu diễn bài hát này như Trung Kiên, Thanh Huyền, Lê Dung, Tân Nhân, Rơ chem pheng, Quang Lý, Lan Anh…

Từ đó “Bài ca hy vọng” trở thành một tác phẩm kinh điển hơn nửa thế kỷ qua. Cùng trong thập niên này nhạc sĩ Văn Ký được đi đào tạo ở nước ngoài và có nhiều bài hát khác cũng được nhiều người yêu thích như: “Cô giáo Tày cầm đàn lên đỉnh núi” (Giải thưởng Bộ Giáo dục-1967); “Nha Trang mùa thu lại về” (Giải A tỉnh Khánh Hòa-1970) và đáng chú ý ông còn có “Tổ khúc giao hưởng vũ kịch Kơ Nhí” nổi tiếng được giải thưởng và chọn biểu diễn tại Liên hoan Âm nhạc quốc tế, tổ chức ở Matxcơva năm 1984.

Nhạc sĩ đã trở thành người con của Hà Nội ngay từ khi được chuyển từ Đoàn Văn công Liên khu IV về làm thành viên sáng lập Hội Âm nhạc Việt Nam, năm 1957. Hà Nội cũng chính là nơi khởi đầu cho “Bài ca hy vọng” ra đời. Và đó cũng có thể nói đây chính là bài hát đậm chất Hà Nội của nhạc sĩ Văn Ký.

09-11-20_trng-33
 

Tuy không có chữ nào về Hà Nội, nhưng phong cách âm nhạc của Văn Ký mang sắc thái sang trọng, nho nhã của đất Hà Thành xưa, đầy ẩn dụ và sâu lắng. Về đề tài, thi ngay trong thời kỳ kháng chiến (Liên khu IV), nhạc sĩ cũng đã viết bài “Chiếm lại thủ đô”, thể hiện niềm khát khao của lòng người muốn giành lại Hà Nội khỏi tay giặc Pháp. Sau khi về Hà Nội, nhạc sĩ lại càng có nhiều cảm xúc về cố đô Thăng Long ngàn năm, và đã cho ra đời một loạt bài hát về thủ đô.

Có thể kể ra những ca khúc hay như: “Tiếng hát sông Hồng”, năm 1973; “Kỷ niệm thu” và “Bâng khuâng chiều hạ”, năm 1986; hoặc “Sông Hồng có nhớ” và “Hà Nội nhớ”, năm 1998; hoặc còn “Hà Nội bình minh”, năm 1992; cùng với “Chiều Thăng Long”, năm 2012; gần đây nhạc sĩ còn viết “Sóng Tây hồ”, năm 2014…Ấy là chưa kể hai tác phẩm nổi tiếng trước đó là: “Hà Nội mùa xuân”, năm 1979 và “Trời Hà Nội xanh”, viết năm 1982. Riêng ca khúc “Trời Hà Nội xanh” được Giải Nhì (không có giải nhất) trong cuộc vận động sáng tác âm nhạc “Hồ Gươm Xanh” do Thành phố Hà Nội tổ chức, năm 1983.

Đặc biệt bài “Trời Hà Nội xanh”, sau khi được ca sĩ Ái Vân trình bày trên truyền hình đã có sức lan tỏa sâu rộng và được hàng triệu người yêu thích. Hàng chục ca sĩ sau đó thường lấy bài hát là tiết mục chính của mình trong các chương trình ca nhạc về Hà Nội.

Đây là một bài hát có tính khái quát cao về một Hà Nội được gói trọn với những hình ảnh tiêu biểu về truyền thống lịch sử vẻ vang của thủ đô ngàn năm yêu dấu: “Ta chưa quên, ta chưa quên một mùa Thu. Hà Nội vùng lên, Hồng Hà cuộn sóng. Ta chưa quên những ngày đêm mịt mù bão lửa. Đêm pháo hoa em lại gặp anh. Trời “Điện Biên-Hà Nội” chiến thắng…”.

Cùng với “Trời Hà Nội xanh”, trước đó ca khúc “Hà Nội mùa xuân” của Văn Ký cũng được ca sĩ Thanh Lan nổi tiếng ở Sài Gòn một thời ra biểu diễn ở Nhà hát lớn Hà Nội năm 1980. Đó chính là một bản tình ca bày tỏ tâm sự của cô gái xứ dừa miền Nam đối với một người con trai thủ đô, với những giai điệu đậm chất dân ca ngọt ngào.

Sau này ca khúc còn được nhiều ca sĩ trình diễn khá thành công như Lan Anh, Ngọc Ánh, Bích Vượng…Với số lượng hơn mười ca khúc viết về Hà Nội chưa phải là nhiều, những nhạc sĩ Văn Ký cũng được coi là một trong những người đạt thành công nhất và có tác phẩm sống mãi với thời gian.

Đồng thời “Trời Hà Nội xanh” còn gắn kết với một hình ảnh của một thành phố ngàn năm văn hiến, bởi 20 năm sau khi bài hát ra đời, Hà Nội đã được UNESCO công nhận Thành phố vì hòa bình (1999). Một thành phố hòa bình với màu xanh vĩnh cửu. Và, hai năm sau, bài hát “Trời Hà Nội xanh” là một trong số tác phẩm của nhạc sĩ Văn Ký được trao Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật, năm 2001.

Nhạc sĩ Văn Ký đã từng nói, Hà Nội là quê hương thứ hai của mình, nên những bài hát về Hà Nội luôn luôn là tâm lòng chân thành của người con thuộc về xứ sở hòa bình. Bất cứ giai điệu nào, trong kho tàng âm nhạc của Văn Ký cũng đều chất chứa phẩm chất của người “Tràng An” xưa, tài hoa và thanh lịch.

09-11-20_trng-34
 

Tính đến nay, ngoài những tác phẩm nhạc khí và vũ kịch, nhạc sĩ Văn Ký đã sáng tác hơn 400 ca khúc với các đề tài khác nhau, nhưng đều gắn liền với những thời khắc lịch sử và phát triển của cách mạng. Là một trong những người sáng lập ra Hội Nhạc sĩ Việt Nam, ông có nhiều đóng góp có giá trị trong nền âm nhạc cách mạng trong suốt 60 năm qua.

Nhạc sĩ Văn Ký lao động không mệt mỏi và đã để lại hàng trăm tác phẩm có giá trị. Những bài hát của nhạc sĩ Văn Ký luôn có tính khái quát cao và có giá trị lâu dài, vượt thời gian. Phong cách âm nhạc của Văn Ký luôn luôn thể hiện chất lãng mạn trong sáng. Tính tư tưởng được hòa đồng giữa cái chung và cái riêng, tạo được sức phổ cập mang tính cộng đồng sâu sắc. Đó là những giá trị nghệ thuật cao đem lại hiệu quả thẩm mỹ đặc sắc.

Chính bởi thế nhiều tác phẩm của Văn Ký vẫn còn được hàng triệu người yêu thích cho đến ngày nay. Mới đây, thêm một bài hát về thủ đô (Hà Nội Mùa xuân) cùng với bốn bài khác của ông đã được đề cử xét Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học Nghệ thuật năm 2016.

Đặc biệt trong đó có các bài: “Tiến lên thanh niên thế hệ Hồ Chí Minh”, “Hồ Chí Minh-Thành phố mặt trời” và “Bay lên Việt Nam”, đều mang tầm khái quát cao với hình tượng âm nhạc sâu sắc. Đó là những lời ca sống mãi trong lòng người: “Bay bay lên tới những tầm cao Thăng Long xưa tung cánh ngàn năm. Trong tim ta trong sáng tình yêu bầu trời. Bay bay lên tới những vì sao, khi ta đi theo tiếng gọi thiêng. Hôm nay đây đất nước bình yên và ta hướng tới tương lai” (Bay lên Việt Nam).

(Kiến thức gia đình số 44)

Xem thêm
Thái Hòa: 'Tôi thích diễn nhân vật độc ác'

Thảm đỏ ra mắt bộ phim 'Cái giá của hạnh phúc' quy tụ dàn khách mời đình đám của showbiz Việt và nhận được sự quan tâm lớn từ khán giả, truyền thông.

Atalanta tái đấu Liverpool: Chờ một phép màu từ The Kop

Trận tứ kết lượt về giữa Atalanta vs Liverpool trong khuôn khổ Europa League 2023/2024 sẽ diễn ra vào lúc 2h00 ngày 19/4/2024 trên sân vận động Atleti Azzurri d'Italia. 

HLV Hoàng Anh Tuấn: 'U23 Việt Nam gặp vấn đề về tâm lý'

HLV Hoàng Anh Tuấn chia sẻ trong phòng họp báo sau trận, ông chỉ hài lòng về mặt kết quả, còn tinh thần toàn đội căng cứng nên đá không đúng ý đồ.

Cây phong lá đỏ 115 tuổi hút du khách ở Sa Pa

LÀO CAI Cây phong lá đỏ ở Sa Pa thu hút nườm nượp du khách đến chiêm ngưỡng, chụp ảnh.