| Hotline: 0983.970.780

Nhãn muộn Đại Thành

Thứ Sáu 21/09/2012 , 10:30 (GMT+7)

Đến xã Đại Thành (Quốc Oai, Hà Nội) thấy nhãn um tùm, hàng chục xe máy chở chất ngất nhãn.

Đến xã Đại Thành (Quốc Oai, Hà Nội) thấy nhãn um tùm, hàng chục xe máy chở chất ngất nhãn. Đó là xe của khách đến "ăn hàng". Ngừng tay hái quả, ông Nguyễn Văn Tuyên cho biết:

- Mấy năm trước, tôi phá toàn bộ cây tạp trong vườn nhà mình để trồng nhãn, đã được thu 2 năm rồi. Năm ngoái nhãn được mùa, hơn 3 sào cho 2 tấn quả, khách đến mua tại vườn với giá 18.000-20.000 đ/kg tùy loại, cũng thu được gần 40 triệu đồng. Năm nay mất mùa, sản lượng chỉ bằng 1/3 năm ngoái, nhưng giá lại cao hơn; lúc cao nhất là 40.000 đ/kg, còn thì 32.000-35.000 đ/kg, bình quân lại cũng được 35.000 đ/kg.

2 tấn quả trên hơn 3 sào đất, tính ra 1 ha nhãn cho từ 17-18 tấn quả, quy ra giá trị là trên 300 triệu đồng. Ông Tuyên bảo, nhãn Đại Thành là giống nhãn chín muộn, muộn hơn nhãn chính vụ khoảng 1 tháng. Tháng 9 đến giữa tháng 10 là cữ thu hoạch.

Về chất lượng, nhãn muộn hơn hẳn nhãn chính vụ. Để minh chứng cho lời mình, ông trẩy một chùm nhãn mời tôi nếm thử. Quả nhãn muộn cũng to như nhãn lồng Hưng Yên. Bóc một quả cho vào miệng, tôi thấy cùi dầy, hạt nhỏ, vị ngọt thanh, mùi thơm, chỉ có điều cùi nhãn muộn hơi khô hơn cùi nhãn chính vụ một chút. Thấy chúng tôi ngỏ ý muốn gặp một vài người có tay nghề trồng nhãn cao, ông Tuyên mách :

- Mấy năm nay, bà con ở đây đua nhau trồng nhãn muộn. Các vườn hầu như không còn loại cây nào khác ngoài nhãn muộn. Đây là giống cây rất dễ trồng, tuổi thọ cao. Tuy vậy, để trồng được những cây nhãn khoẻ mạnh, ra trái nhiều, thì cũng phải có “tay nghề”. Kỹ thuật trồng, chiết, ghép thì nhiều người biết, nhưng giỏi nhất chỉ có anh Thành người làng Đại Tảo. Nhà hắn ngay đầu làng, có tấm biển “Nhãn chín muộn Đại Thành” ấy.

Tiếp chúng tôi dưới gốc cây nhãn có tuổi đời trên 100 năm, tán xoè che tới nửa sào đất, được người làng gọi là cây “nhãn tổ”, Nguyễn Văn Thành kể, cây nhãn này đã sống cùng 4 thế hệ trong gia đình anh. Ngay từ lứa quả đầu tiên, bản thân nó đã chín muộn hơn những cây nhãn khác trong làng. Biết đây là cây nhãn quý, cụ nội anh hết sức chăm sóc và dặn con cháu giữ gìn, bảo vệ.


Anh Thành trên cành cây "nhãn tổ" của nhà mình

Chi phí thấp nhưng hiệu quả lại cao gấp cả chục lần trồng lúa. Thảo nào mà trên đồng ruộng của Đại Thành, nhất là ở những chân ruộng cao, lúa đang thu hẹp dần để nhường chỗ cho nhãn muộn. Và trong lúc ngồi nói chuyện với Thành, tôi thấy điện thoại của anh đổ chuông liên tục. Khách ở rất nhiều nơi gọi đến đặt mua cây giống.

Nhiều năm qua, đã có hàng ngàn cây nhãn được sinh ra bằng cách chiết cành từ cây “nhãn tổ” này. Xã Đại Thành có khoảng 100 ha nhãn muộn, mỗi năm thu trên dưới ngàn tấn quả. Bản thân Thành có 0,8 ha nhãn, trồng trên 0,6 ha đất thuê và 0,2 ha đất của nhà. Khu vườn của anh có 100 cây nhãn muộn trên 10 năm tuổi, cây nào cũng chĩu chịt quả. Anh bảo: "Đấy là năm nay mất mùa. Chứ nếu bác đến vào cữ này năm ngoái, thì nhìn còn thích mắt hơn nhiều".

Năm 2011 Thành thu được 15 tấn quả trên 0,8 ha nhãn, tổng giá trị gần 300 triệu đồng. Năm nay ước tính chỉ được 5 tấn, nhưng với giá cả này, thì cũng được ngót 200 triệu. Ngoài nhãn quả, anh còn bán nhãn giống. Bản thân Thành đã xây dựng được thương hiệu “Nhãn chín muộn Đại Thành” cho riêng mình và đã đứng ra thành lập “HTX nhãn lồng chín muộn Đại Thành” do anh làm chủ nhiệm. Tuy hiện tại HTX còn gặp rất nhiều khó khăn trong hoạt động, nhưng anh rất tin tưởng vào tương lai của nó. Hỏi về chi phí hàng năm cho vườn nhãn, anh cho biết:

- Chi phí cho mỗi sào nhãn rất thấp, chỉ thỉnh thoảng bón cho một lượt phân và nếu có sâu thì trừ sâu, khi nhãn chín, nếu thấy xuất hiện giống dơi ngựa (nhiều nơi gọi là dơi quạ, một loại dơi rất thích ăn nhãn) thì dùng lưới trùm lên cây để ngăn. Nói chung, chỉ bằng khoảng trên dưới 1/3 chi phí cho 1 sào lúa.

Xem thêm
Trại cầy vòi mốc lớn nhất miền Bắc thu hàng chục tỷ mỗi năm

Gần 20 năm gắn bó với cầy vòi mốc, anh Phạm Văn Hùng ở huyện Lục Nam, Bắc Giang đang thu được hàng chục tỷ đồng mỗi năm nhờ tâm huyết với loài vật này.

Hơn 200 đơn vị tham gia Triển lãm công nghệ, dịch vụ cho thú cưng

TP.HCM Triển lãm Quốc tế chuyên ngành công nghệ, sản phẩm, dịch vụ chăm sóc thú cưng tại Việt Nam - Petfair Vietnam và Livestock Vietnam 2024 được tổ chức tại SECC, quận 7, TP.HCM.

Hưng Yên làm sống lại các lớp học IPM

Thời gian qua, trong khi ở một số tỉnh việc quản lý dịch hại tổng hợp (IPM) bị lơ là thì Hưng Yên đã tìm cách vực dậy.

Tháo gỡ 2 điểm nghẽn chính

Ngành mía đường có những điểm nghẽn cần phải giải quyết để phát triển ổn định, bền vững, đó là chia sẻ của TS Cao Anh Đương, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Mía đường (SRI).

Bình luận mới nhất