| Hotline: 0983.970.780

Nhân nuôi bọ đuôi kìm phòng trừ sâu hại mía

Thứ Hai 22/11/2010 , 09:56 (GMT+7)

Mô hình được thực hiện trên vùng nguyên liệu mía trọng điểm của NM đường Nghệ An Tate&Lyle đã đem lại thành công lớn.

BĐK sau khi phóng thích vào ruộng mía đã có tốc độ phát triển rất nhanh

Mía là giống cây công nghiệp có giá trị kinh tế cao. Trong những năm gần đây do nhu cầu cung cấp nguyên liệu cho các NM đường tăng cao nên diện tích trồng mía cũng luôn mở rộng.

Tuy nhiên mía cũng là giống cây trồng luôn bị nhiễm bệnh sâu đục thân và rệp các loại. Để phòng trừ, từ trước tới nay bà con nông dân vẫn luôn dùng thuốc BVTV và các loại thuốc hoá học khác phun trực tiếp vào ruộng mía. Điều này có hạn chế được sâu bệnh, nhưng chất lượng đường trong mía lại bị giảm, gây ô nhiễm.

Để tiêu diệt sâu bệnh trên cây mía mà không ảnh hưởng tới môi trường sinh thái và cũng không làm giảm độ đường trong cây mía, năm 2009 Trung tâm BVTV Vùng khu 4 đã được Cục BVTV và Văn phòng IPM/PAO hỗ trợ kinh phí để thực hiện mô hình: “Nhân nuôi, phóng thích và đánh giá khả năng khống chế sâu hại trên cây mía của bọ đuôi kìm’’. Mô hình được thực hiện trên vùng nguyên liệu mía trọng điểm của NM đường Nghệ An Tate&Lyle đã đem lại thành công lớn.

 Bước vào đầu vụ mía năm 2010 Cục BVTV và Văn phòng IPM/PAO tiếp tục hỗ trợ kinh phí cho Trung tâm BVTV Vùng khu 4 triển khai nhân rộng mô hình trên địa bàn xã Nghĩa Thắng, huyện Nghĩa Đàn. Quy mô của mô hình có 20 hộ nông dân tham gia trên diện tích 10 ha mía giống QĐ 93159. Khu ruộng mô hình được chia làm 3 phần. Trong đó khu ruộng 7 ha được thả bọ đuôi kìm (BĐK) và quản lý dịch hại theo IPM, khu ruộng FP diện tích 3 ha làm theo tập quán thâm canh của nông dân, có phun thuốc BVTV, và khu ruộng NS diện tích 0,1 ha làm theo tập quán canh tác của nông dân, không phun thuốc BVTV và có quây nilon xung quanh để hạn chế sự di chuyển xâm nhập của BĐK từ ngoài vào ruộng mía.

Quá trình thực hiện nhân nuôi BĐK được thực hiện theo từng bước: Trước hết phải có giá thể nuôi và hộp nhựa kích thước 10 x 15 x 15 cm, có nắp trên khoét lỗ rộng dán lưới li cỡ nhỏ để bỏ vào xô nhựa 10-15 lít. Bỏ vào trong xô các hỗn hợp trấu mục, đất, phân chuồng hoai, bẹ mía, tấm nhựa lát trần có rãnh và bìa carton để BĐK ẩn nấp, sinh sản. Trong mỗi hộp nuôi được thả vào 10-15 cặp BĐK hoặc 20-30 cặp BĐK trưởng thành/1 xô nhựa nuôi (BĐK được thu gom từ ruộng mía đã có sẵn).

Thức ăn của BĐK gồm cám mèo, mật ong trộn đường trắng. Thức ăn bổ sung có rệp mía, sâu đục thân mía và các loại rệp rau. Định kỳ 2-3 ngày thay một lần thức ăn. Trong xô nhựa nuôi luôn được phun nước sạch vào hỗn hợp để duy trì ẩm độ đạt 70-75%. Trên xô dùng vải thô che kín miệng để tạo độ thông thoáng và không cho BĐK thoát ra. Qua theo dõi kết quả nhân nuôi BĐK ở 20 hộ nông dân đều cho thấy tốc độ sinh sản của BĐK là rất lớn, mới đầu nuôi 2.000 con BĐK, nhưng sau 2 tháng đã lên tới 18.000 con.

Lưu ý một điều là khi thực hiện mô hình này thì sau mỗi vụ thu hoạch mía, bà con nông dân không được dùng lửa đốt lá mía, mà chỉ vệ sinh đồng ruộng bằng cách thu gom dọn sạch tàn dư cây trồng tập trung ở góc ruộng để làm nơi cư trú cho BĐK phát triển.
Quá trình thực hiện mô hình, Cục VBTV còn mở các đợt tập huấn kỹ thuật cho 10 cán bộ và 20 hộ nông dân ở xã Nghĩa Thắng nắm vững các bước nhân nuôi BĐK để sau 2-3 tháng là phóng thích vào các ruộng mía. Kết quả tại thời điểm hội thảo đầu bờ mới rồi được tổ chức tại xã Nghĩa Thắng, hàng trăm cán bộ và nông dân trong vùng trồng mía đã chứng kiến: Tại các ruộng mía có phóng thích BĐK đã hầu như không còn thấy sâu đục thân và các loại rệp hại mía.

 Theo báo cáo của Cục BVTV công bố tại hội thảo thì năng suất vườn mía mô hình đã cho thu hoạch được 80 tấn/ha, trong lúc đó ruộng FP (có phun thuốc BVTV) thu được 78 tấn/ha, còn tại ruộng NS chỉ thu được 77tấn/ha (tất cả các ruông mía đều có cùng chế độ chăm bón như nhau). Nghĩa là khi thực hiện mô hình nhân nuôi và phóng thích BĐK vào các ruộng mía thì năng suất và độ đường trong mía đã tăng lên rất đáng kể, do BĐK rất tạp ăn sâu đục thân và các loại rệp hại mía.

 Quan trọng hơn nữa là môi trường sinh thái đã được bảo vệ, các loại côn trùng có ích có điều kiện sinh sôi nẩy nở. Sức khoẻ con người được nâng lên và đảm bảo được khâu an toàn vệ sinh thực phẩm. Tính hiệu quả của mô hình nhân nuôi, phóng thích BĐK để phòng trừ sâu bệnh hại mía đã được xác lập, theo đó Cục BVTV cũng đã in ấn tài liệu khoa học để khuyến cáo tới tất cả bà con nông dân trồng mía trong cả nước cùng thực hiện.

Xem thêm
Hơn 300 đại lý tham gia Hội nghị khách hàng Japfa Việt Nam

Ngày 28/3, Hội nghị khách hàng khu vực miền Bắc của Công ty TNHH Japfa Comfeed Việt Nam (Japfa Việt Nam) được tổ chức tại Vĩnh Phúc với chủ đề 'Đồng kiến tạo giá trị'.

Đề xuất không xử phạt hành chính thuốc thú y chưa kịp công bố hợp quy

Bộ NN-PTNT đề xuất Chính phủ không xử phạt thuốc thú y đã được cấp chứng nhận lưu hành nhưng chưa thực hiện công bố hợp quy từ ngày 14/2/2024 đến ngày 31/5/2025.

Tháo gỡ 2 điểm nghẽn chính

Ngành mía đường có những điểm nghẽn cần phải giải quyết để phát triển ổn định, bền vững, đó là chia sẻ của TS Cao Anh Đương, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Mía đường (SRI).

Bình luận mới nhất