| Hotline: 0983.970.780

Nhận sai, WWF lập tức đưa cá tra khỏi danh sách đỏ

Thứ Năm 16/12/2010 , 09:34 (GMT+7)

Trước những lý lẽ thuyết phục của phía Việt Nam, WWF đã đồng ý gỡ cá tra khỏi danh sách khuyến cáo người sử dụng châu Âu không nên dùng.

* Lập một danh sách riêng cho cá tra, basa của Việt Nam khuyến cáo châu Âu sử dụng

Ông Mark Powell hội ý với thành viên trong đoàn để đồng ý dỡ bỏ cá tra khỏi danh sách đỏ

Tại cuộc chất vấn hôm qua (15/12) giữa Tổng cục Thủy sản, Hiệp hội Chế biến và XK thủy sản (VASEP) và Hội Nghề cá Việt Nam với Quỹ Quốc tế bảo vệ thiên nhiên (WWF), trước những lý lẽ thuyết phục của phía Việt Nam, WWF đã đồng ý gỡ cá tra khỏi danh sách khuyến cáo người sử dụng châu Âu không nên dùng.

Mở đầu cuộc chất vấn, ông Mark Powell, người đứng đầu thủy sản toàn cầu thuộc WWF, đã kể một câu chuyện về cá hồi ở châu Âu. Theo ông Powell, tuổi thơ của ông này gắn liền với cá hồi và ông sống được, trưởng thành cũng nhờ đánh bắt loài cá này. “Trước đây cá hồi ở châu Âu rất nhiều, và nếu ai nói rằng đến một lúc nào đó nó trở nên quý hiếm thì sẽ bị chê cười và cho rằng đó là chuyện hoang đường. Tuy nhiên, thực tế thế nào thì đến nay tất cả các bạn và chúng tôi đều biết. Cá hồi đã cạn kiệt và có thể nói rằng, nếu cứ đánh bắt thế này thì nguy cơ tuyệt chủng rất cao”, ông Powell nói.

Tuy nhiên, đại diện Hội Nghề cá, ông Nguyễn Tử Cương, đã bác bỏ những lập luận mang tính “tình cảm” của người đứng đầu thủy sản toàn cầu WWF. Theo ông Cương, cá hồi khác hẳn với cá tra, cá hồi sống tự nhiên, còn cá tra là một loại thủy sản được nuôi đại trà ở Việt Nam. Vả lại, nếu so sánh hai loại cá này, thì phải so cùng một thời điểm. Như vậy, việc WWF quốc tế đưa cá tra của Việt Nam vào “danh sách đỏ” trong cẩm nang người tiêu dùng để khuyến cáo người dân không nên sử dụng cá tra là thiếu cơ sở khoa học.

Cụ thể, ông Cương đã chỉ ra rằng, việc WWF trích dẫn những nguồn tin từ một bài báo năm 2009 và một tài liệu của Hà Lan nói rằng cá tra của Việt Nam ảnh hưởng đến môi trường sinh thái là hoàn toàn sai lệch bản chất, không hiểu gì về thủy sản của Việt Nam. Ngoài ra, trong số 19 tiêu chí đánh giá, WWF cũng có đến 7 tiêu chí không có căn cứ và cơ sở khoa học.

“WWF cho rằng, cá tra của Việt Nam có thể xâm hại đến hệ thủy sản tự nhiên, nhưng điều này sai, bởi lẽ, cá tra vốn gốc từ tự nhiên, và được nông dân nuôi đại trà để trở thành hàng hóa. Vả lại, nguồn thức ăn của loài thủy sản này chủ yếu có xuất xứ từ thực vật, nên hầu như không ảnh hưởng đến môi trường. WWF quốc tế đã rất “quan liêu” khi “nện” cá tra vào danh sách đỏ. Việc này ảnh hưởng lớn đến uy tín của tổ chức và quyền lợi của người nuôi cá Việt Nam cũng như người tiêu dùng châu Âu”, ông Cương bức xúc.

Đồng quan điểm với ông Cương, ông Nguyễn Hữu Dũng, PCT VASEP cho rằng, có tới 7 câu hỏi thiếu cơ sở thực tiễn trong 19 câu mà WWF đưa ra để liệt cá tra của Việt Nam vào danh sách đỏ đã đủ cơ sở khẳng định WWF quá sai lầm. Theo ông Dũng, phương pháp tiến hành thu thập thông tin và thông báo kết quả của WWF đánh giá không đảm bảo yêu cầu “công khai”. Tiêu chí gia nhập các tổ chức quốc tế đều quy định nguyên tắc “công khai”, “minh bạch”, nhưng WWF không hề thông báo cho WWF Việt Nam và Bộ NN-PTNT Việt Nam về tiêu chí đánh giá, không thông báo thời gian vào Việt Nam đánh giá.

Trong khuôn khổ thời gian tại Việt Nam, ông Mark Powell cùng đoàn WWF quốc tế sẽ đi thăm các vùng nuôi cá tra của Việt Nam để được “mục sở thị” việc nuôi cá tra không như những thông tin sai lệch mà WWF đã có trước đó. Dự kiến hôm nay (16/12), WWF sẽ có buổi thảo luận cụ thể với đại diện phía Việt Nam để tìm tiếng nói chung trong việc đưa cá tra trở thành một sản phẩm phát triển bền vững trên thị trường thế giới.
Với tinh thần cầu thị, ông Mark Powell chính thức thừa nhận sai sót và nhận trách nhiệm về mình vì là người đưa ra thông tin thiếu chính xác. Tuy nhiên ông Mark Poell vẫn cho rằng “để đưa cá tra của Việt Nam ra khỏi danh sách đỏ thì cần một khung thời gian”. Tuy nhiên, ý kiến này ngay lập tức bị Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản Phạm Anh Tuấn bác bỏ. Ông Tuấn thẳng thắn: “Việc WWF đưa cá tra Việt Nam vào danh sách đỏ đã gây thiệt hại rất lớn đến đời sống của người nuôi cá tra và gây bức xúc trong dư luận. Vì vậy, WWF phải lập tức đưa cá tra ra khỏi danh sách này không cần khung thời gian và bất luận vì lý do gì”.

Trước những chứng cứ, lập luận xác đáng từ phía Việt Nam, ông Mark Powell buộc phải chấp nhận điều đó và hứa sẽ đưa cá tra của Việt Nam vào mục “đang trên đường hướng tới sự phát triển bền vững”. Ông này cũng hứa thêm rằng, sẽ giúp đỡ về mặt tài chính, cụ thể là kêu gọi tài trợ, để Việt Nam hoàn thiện các bước đưa cá tra đạt chứng chỉ cho danh mục những sản phẩm “phát triển bền vững”. “Ngay khi trở về, chúng tôi sẽ lập tức dỡ bỏ cá tra khỏi danh sách đỏ, đưa loại thủy sản này vào một danh sách riêng, cùng với cá basa của Việt Nam, để khuyến cáo người tiêu dùng châu Âu nên sử dụng”, ông Powell khẳng định.

Hoan nghênh thiện ý của ông Powell, ông Tuấn cho biết, việc đưa cá tra vào danh mục phát triển bền vững trong tương lai của WWF là trùng với quan điểm của Việt Nam. Hiện Việt Nam đã và đang thực hiện điều đó. Như vậy Việt Nam và WWF hoàn toàn có thể hợp tác với nhau cùng xây dựng thương hiệu cá tra Việt Nam hướng tới sự phát triển bền vững.

Xem thêm
Công đoàn NN-PTNT Việt Nam phát động Tháng Công nhân và an toàn lao động

Sáng 24/4, tại Công đoàn NN-PTNT Việt Nam tổ chức phát động 'Tháng hành động về an toàn vệ sinh lao động và Tháng Công nhân năm 2024'.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Ngày hội lớn nhất trong năm của người Sán Chỉ tỉnh Quảng Ninh

Hội Soóng cọ là ngày hội lớn nhất trong năm của người Sán Chỉ (tỉnh Quảng Ninh), thu hút đông đảo người dân và du khách tham gia hưởng ứng.