| Hotline: 0983.970.780

Nháo nhác vùng cà phê khi giá rớt

Thứ Sáu 04/10/2013 , 09:37 (GMT+7)

Hái sớm nhưng không dám bán, vừa làm vừa lo lắng tột cùng…, đang là nỗi niềm của người dân trồng cà phê ngay khi bước vào vụ thu hoạch 2013 – 2014 (bắt đầu từ 1/10).

Hái sớm nhưng không dám bán, vừa làm vừa lo lắng tột cùng…, đang là nỗi niềm của người dân trồng cà phê ngay khi bước vào vụ thu hoạch 2013 – 2014 (bắt đầu từ 1/10).

Từ TPHCM, chúng tôi đi một chặng đường dài hơn 200km để có mặt tại xứ sở cà phê huyện Di Linh, tỉnh Lâm Đồng. Thời tiết ở đây đang lạnh và có mưa nhiều. Gặp nông dân, nhiều người ngao ngán nói: "Mấy tuần nay, trời mưa suốt. Các anh nhìn những đồi cà phê xanh tốt phía xa cứ tưởng được mùa, nhưng không phải vậy đâu!".

Vào thị trấn Di Linh, hỏi bất kỳ nhà nào trồng cà phê thì họ đều biết rành rọt, ai cũng trồng, ai cũng có một vài sào, thậm chí một vài ha. Chị Nguyễn Thị Thu Sương (Khu 7, thị trấn Di Linh) có hơn 2 ha cà phê, năm ngoái mới thu hoạch được hơn 4 tấn, lãi vài chục triệu đồng.

Nhưng nói đến vụ năm nay thì chị Sương lại lắc đầu: “Chán lắm, mỗi năm năng suất mỗi thấp, cứ mưa miết, cà phê không bệnh thì cũng rụng hạt. Chưa kể, giá cả năm nay xuống quá thấp, có thu hoạch cũng chẳng dám bán”.

Những vụ mùa bội thu trước, gia đình chị Sương chỉ làm hơn 1 ha cũng đủ thu về 4 tấn cà phê. Dần dà, năng suất giảm đi, năm vừa rồi 2 ha cũng chỉ có 4 tấn, may mà giá cả lúc đó đạt trên dưới 45 triệu đồng/tấn nên có lãi.

Còn như năm nay, gia đình nào cũng lỗ, với giá cà phê tụt dốc thê thảm chỉ còn 34 – 35 triệu đồng/tấn thì chẳng hộ nào đủ trả tiền công chăm sóc, tiền tưới tiêu. “Có muốn lấy công cũng không được, chứ đừng nói chi đến huề vốn” – chị Sương buồn bã nói.

Chúng tôi tiếp tục dạo quanh một số rẫy cà phê bên trong thị trấn, có rất nhiều nông dân đang chăm sóc tỉa cây, ngắt lá, phá cỏ cho rẫy nhà mình hoặc làm thuê cho chủ rẫy. Cũng có rất nhiều cây cà phê nặng trĩu quả, lại cũng có một số cây trụi đơ, lác đác như vừa bị vặt sạch.


Nông dân lo lắng vì giá bán cà phê đang xuống dưới giá sản xuất

Một nông dân thấy khách, gọi với ra: “Chú đi mua cà phê hả, giá cả sao, lên 40 chưa, chứ 35 là chúng tôi không bán đâu!”. Khi biết tôi là PV, các bác mới trả lời thật: “Vì giá cà phê xuống thấp quá, ai cũng buồn và lo lắng. Nhưng dù có lỗ thì vẫn phải tiếp tục chăm bón, đâu có bỏ được. Nông dân khổ thế đấy”.

Đi ngược về phía Đại Lào, chúng tôi nghe nói khu này có một số gia đình làm ăn rất khá về cà phê. Anh Nguyễn Ngọc Long (xã Đại Lào, Lâm Đồng) chỉ có 1 ha, nhưng với kỹ thuật tốt, năm nào anh cũng thu hoạch từ 3 – 3,5 tấn/ha. Tuy nhiên, ngay cả anh Long cũng đang bất an về vấn đề giá cả.

“Nếu giá lên 39 - 40 triệu đồng/tấn thì gia đình còn có chút dư dả, có điều kiện đầu tư cho vụ mùa năm sau. Nhưng giá thời điểm hiện tại thấy lo quá, suốt ngày hóng nghe đài, báo xem đã lên chưa để còn tính”. Anh Long còn chia sẻ một mối lo khác: “Chúng tôi chỉ bán cho các đại lý đến thu mua, nên kiểu gì cũng bị họ ép giá xuống nữa, cứ đà này thì nhiều hộ sống dở chết dở”.

Đặc biệt, hộ anh Hoàng Sơn (xã Lộc Châu) còn khó khăn hơn khi cầm cố cả sổ đỏ để vay vốn ngân hàng đầu tư cho cây cà phê. Anh mới thu hoạch được vụ năm ngoái, chưa lãi được bao nhiêu, thì năm nay lại nhận cái tin sét đánh là giá cứ đang tụt ào ào.

Cả gia đình anh Sơn giờ mất ăn mất ngủ, trên dưới ai nấy đều thấp thỏm, mong ngóng, cha mẹ đi làm cứ phải dặn con “ở nhà mở đài để ý giá cà phê cho ba” để biết đường mà liệu.

Trao đổi với PV, ông Nguyễn Đức Dung - Chi Hội trưởng Hội Nông dân thôn 3 (xã Lộc Châu) nói: “Giá cà phê hiện nay đang xuống quá thấp, nhiều người chạy đến hỏi tôi xem có hỗ trợ gì cho họ không, hay vay vốn tái canh được chưa? Nghe họ hỏi không biết đâu mà trả lời hết. Giá vật tư nông nghiệp thì lên cao, chất lượng lại còn kém hơn so với mọi năm, sản lượng sụt giảm, bảo sao bà con không than chứ!”.

Ông Dung cũng cho biết, thôn 3 có 200 hộ thì hơn 100 hộ làm cà phê, nên vụ này cả thôn sẽ rơi vào cảnh điêu đứng.

Bà Đoàn Thị Thuận - Chủ tịch Hội Nông dân xã Đại Lào cũng khẳng định:

“Với giá cà phê hiện nay thì bà con nông dân đang rất hoang mang. Chúng tôi đã đến nhiều gia đình để động viên, xem xét hỗ trợ cho họ vay vốn tái canh như chủ trương của tỉnh đưa ra. Đồng thời, sẽ tiếp tục mở các lớp chuyển giao KHKT đến với bà con, hy vọng những vụ mùa tới năng suất cải thiện sẽ bù được giá bán thấp như những lúc này”.

Xem thêm
Nhiều mặt hàng nông sản ở ĐBSCL tăng giá

Giá bán nhiều nông sản đều tăng hơn so với cùng kỳ năm ngoái là nhờ thông qua sự liên kết với doanh nghiệp và các kênh tiêu thụ từ hệ thống siêu thị.

350 lao động Đồng Tháp sang Hàn Quốc làm nông nghiệp thời vụ

Đã có 350 người lao động Đồng Tháp trúng tuyển để xuất cảnh đi làm việc thời vụ tại Hàn Quốc trong tháng 3 và tháng 4/2024.

TH và câu chuyện xây dựng thương hiệu từ chữ 'thật'

Đối với Tập đoàn TH, chữ ‘thật’ được khẳng định bằng mô hình kinh tế xanh, tuần hoàn mà doanh nghiệp đang theo đuổi, áp dụng.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm