| Hotline: 0983.970.780

Nhắp chút rượu thơ Nguyễn Khuyến

Thứ Sáu 13/01/2012 , 11:08 (GMT+7)

Chuyện này chẳng mới mẻ gì, nhưng rảnh rỗi giở thơ cụ Nguyễn Khuyến ra, đặc biệt chú ý về rượu, thì tuy là thơ, nhưng thật ra chúng ta gặp một con người biết bao yêu quí.

Nhà thơ lớn Nguyễn Khuyến (1835 - 1909) tuy danh vọng, tài hoa là vậy, nhưng vẫn đậm đà bản sắc dân tộc, chân chất đến trải lòng, gần gũi xiết bao với chúng ta khi cụ uống rượu: “Trước sân say lại nằm khèo/ Những toan xỏ dép mà trèo non xanh” (Ngày Xuân).

Sức tuy yếu nhưng nghị lực và ước muốn thật ngút ngàn. Say là thế. Thế mới gọi là say: “Câu thơ được chửa thưa rằng được/ Chén rượu say rồi nói chửa say” (Tự thuật).

Khi ấy, đúng là say đứt đuôi đi rồi, nhưng nào có chịu say.

Rõ ràng thấy cụ hoặc ngồi uống rượu với cụ, đó là một diễm phúc mà chúng ta không thể nào có được, nhưng cái tinh thần “say” thì chúng ta có được. Cái ảo ảnh của cuộc đời, của vũ trụ hiện ra qua men rượu là kết tinh của trí tuệ, bàng bạc khói sương của Phật, Lão nơi cụ: “Khi buồn chén rượu say không biết/ Ngửa mặt lờ mờ ngọn núi xa” (Cáo quan về ở nhà).

Trí nhớ ắt tốt rồi, nhưng “trí quên” cũng không xấu. Bởi lẽ, quên để nhớ, nhớ để quên: “Tết đến người cho một chậu trà/ Đương say ta chẳng biết rằng hoa” (Tạ lại người cho hoa trà).

Rượu chỉ làm suy thoái cho những người bệnh tật tâm hồn, mang chết chóc cho những hạng phàm phu tục tử, nhưng đối với bậc đại trí, bậc quân tử, rượu chỉ là chất xúc tác gây hưng phấn cho tài năng và đức hạnh nở hoa.

Cho nên, say mà trí tuệ đạt được mức huyền vi như cụ Nguyễn Khuyến, quả là thế gian rất hiếm: “Chén chú, chén anh, chén tôi, chén bác/ Cuộc tỉnh say say tỉnh một vài câu/ Nên chăng? Đá cũng gật đầu” (Ông phỗng đá).

Hương ngát của trí tuệ, không những là sự thông hiểu, mà còn là khả năng tự phê phán chính mình, tự giễu cợt chính mình: “Rượu ngon đến bữa nghiêng bầu dốc/ Chữ “dại” đầu năm xổ túi ra” (Mừng con dựng được nhà).

Hoặc: “Bây giờ đến bực ăn dưng nhỉ/ Có rượu thời ông chống gậy ra” (Lên lão).

Lại nữa: “Năm nay tớ đã bảy mươi tư/ Rằng lão rằng quan tớ cũng ừ/ Lúc hứng uống thêm dăm chén rượu/ Khi buồn ngâm láo một vần thơ” (Đại lão).

Sự bình dị, giản đơn trong cuộc sống của cụ Tam Nguyên Yên Đổ chính là đỉnh cao của trí tuệ. Một nhân phẩm, một trí tuệ đạt đến sự bình dị và tinh thần vô phân biệt chan hoà trong đời sống, quả thật quí làm sao: “Cách giậu mời ông hàng xóm chén/ Chuyện tràn thóc lúa với tằm tơ” (Giải buồn).

Tuy vui là vậy, nhưng một nỗi buồn cứ len lỏi tâm hồn cụ Nguyễn Khuyến vì tri âm vắng bóng: “Đừng trách bên song say khướt mãi/ Không say thì tỉnh với ai mà” (Vẻ già).

Ấy thế cho nên: “Thế gian say đã được chưa?/ Không say đời cũng bằng thừa bỏ đi” (Thơ say).

Còn nhiều rượu, còn nhiều say, nhưng thôi, chúng ta thử nghe di chúc của cụ dặn con cháu: “Việc tống táng nhung nhăng qua quít/ Cúng cho thầy một ít rượu hoa/ Đề vào mấy chữ trong bia/ Rằng: “quan nhà Nguyễn cáo về đã lâu” (Di chúc).

Tóm lại, rượu trong thơ Nguyễn Khuyến là một thứ duyên dáng, là hơi thở, là sự sống, là cánh bướm diệu kỳ bay bổng và đậm đà bản sắc dân tộc.

Rượu trong thơ Nguyễn Khuyến đã hoá tâm hồn, nên nồng mãi với thời gian…

Xem thêm
Diễn viên Midu sẽ tổ chức đám cưới vào tháng 6

Diễn viên Midu vừa thông báo sẽ tổ chức đám cưới vào tháng 6/2024. Cô cũng đã gửi thiệp đến những người bạn thân thiết về sự kiện trọng đại này.

Real Madrid tiến sát ngôi vô địch sau trận siêu kinh điển

Dù bị Barcelona 2 lần dẫn trước nhưng Real Madrid vẫn lội ngược dòng thành công để thắng 3-2 và tiến sát ngôi vô địch La Liga.

U23 Việt Nam hứng khởi trước trận gặp U23 Uzbekistan

Các cầu thủ và ban huấn luyện U23 Việt Nam bày tỏ sự hứng khởi trước trận gặp U23 Uzbekistan tại lượt trận cuối bảng D vòng chung kết U23 châu Á 2024.

Cây phong lá đỏ 115 tuổi hút du khách ở Sa Pa

LÀO CAI Cây phong lá đỏ ở Sa Pa thu hút nườm nượp du khách đến chiêm ngưỡng, chụp ảnh.