| Hotline: 0983.970.780

Nhập ngay 150.000 tấn đường!

Thứ Sáu 16/07/2010 , 10:40 (GMT+7)

Ông Đoàn Xuân Hòa, Phó Cục trưởng Cục chế biến Thương mại Nông lâm Thủy sản và nghề muối cho rằng, quota NK 150.000 tấn đường hiện nay là cần kíp.

* Sắp xảy ra cơn sốt đường mới?

Ông Đoàn Xuân Hòa, Phó Cục trưởng Cục chế biến Thương mại Nông lâm Thủy sản và nghề muối

Bộ NN-PTNT vừa có văn bản hối thúc Bộ Công thương kiến nghị Chính phủ cho phép NK ngay 150.000 tấn đường. Giá đường thế giới đang tăng cao, vì sao vẫn quyết nhập đường lúc này? Ông Đoàn Xuân Hòa, Phó Cục trưởng Cục chế biến Thương mại Nông lâm Thủy sản và nghề muối cho rằng, quota NK 150.000 tấn đường hiện nay là cần kíp.

Tại sao lại đi nhập đường lúc đắt đỏ thế này thưa ông?

Quyết định nhập đường thời điểm này là hết sức cần thiết, nếu không sẽ muộn mất. Như các anh biết vừa qua giá đường thế giới bỗng vọt lên khá cao sau khi đã tụt xuống rất thấp vào hồi tháng 2- 3/2010. Nếu lần giở lại cuối năm ngoái giá đường nhảy lên hơn 900USD/tấn, cả thế giới nháo nhác lo thiếu đường thì đến cuối quý 1 vừa qua giá đường chỉ còn trên dưới 400USD/tấn, tức là tụt một nửa. Ấy thế mà mấy ngày gần đây giá đường lại tiệm cận 800USD/tấn rồi.

Lý do là thiếu hụt nguồn cung, lượng đường bỗng khan hiếm. Sản lượng đường niên vụ vừa rồi trên thế giới hao hụt gần 5 triệu tấn nên không chỉ VN mà ở các nước ăn nhiều đường như Thái Lan, Trung Quốc, Mỹ…cũng tìm cách NK thêm đường vào dự trữ. Tất cả khiến giá đường cứ leo dần lên, có thể sẽ vượt 800USD.

Nhưng nghe bảo số lượng đường tồn trong nước năm nay cao hơn năm trước?

 Đúng là lượng tồn trong nước cao hơn năm trước thật, nhưng về bản chất thì phải hiểu cho chính xác. Báo cáo cập nhật của Bộ NN-PTNT và Bộ Công thương cho thấy đến ngày 6/7 lượng đường tồn kho tại các Cty, NM khoảng 205.400 tấn, tồn NK (tức là quota cấp cho các DN nhưng có thể chưa nhập hoặc mới nhập một ít) vào khoảng 56.000 tấn.

Mới nhìn qua số liệu có thể thấy số lượng đường tồn khá lớn. Bởi so với năm ngoái thì số đường tồn năm nay cao hơn khoảng 55.000 tấn. Tuy nhiên, hầu hết số lượng đường tồn đều đã có kế hoạch tiêu thụ cả rồi. Các DN lớn của ngành đường thường hợp đồng bán định kỳ cho các đại gia về sữa, bánh kẹo và nước giải khát (Vinamilk, Pepsi, Kinh Đô, Coca Cola…). Vì thế, xem ra thì lượng đường tồn lớn nhưng đều đã có chủ nên đến thời điểm hiện tại đã không còn đường để bán, đường nằm trong kho nhưng vẫn xem như đường của người khác.

Theo ông liệu có chuyện DN đường lại găm hàng chờ giá lên?

Có người cho đây là nguyên nhân khiến giá đường tăng chóng mặt mấy ngày qua. Nhưng theo tôi không đúng hoặc chỉ đúng một phần. Nghĩa là sao? Chuyện DN bán ra nhỏ giọt để chờ giá lên có thể chứ găm hàng thì hãn hữu. Vì sao? NM đường trong nước thì phải bán đường ra để còn có tiền trang trải cho dân trồng mía, trả ngân hàng. DNNK đường thì phải bán lo thu vốn. Nhất là vừa qua giá đường xuống quá thấp ai dại gì ôm đường chờ...chết. Có thể một vài đại gia mạnh (phía Bắc có 1-2 NM, phía Nam 2-3 DN), họ dư tiền thì giữ đường lại được nhưng theo tôi lượng không nhiều.

 Xem ra cán cân cung cầu thời điểm hiện tại đang chênh lệch?

 Quá chênh lệch là đằng khác. Tết trung thu và sau đó là Tết Nguyên đán cũng đang đến gần nên nhu cầu đường là rất lớn. Điều đó đương nhiên khiến cung cầu của ngành đường chênh lệch rồi. Tính bình quân, chúng ta tiêu thụ mỗi tháng từ 80-100 ngàn tấn đường, vào những dịp cao điểm có khi còn hơn, vậy mà số lượng đường tồn gần như đã có chủ hết cả. Điều đó cũng lý giải vì sao giá đường bán lẻ ngoài thị trường đã lên đến 20 ngàn/kg nhưng các đại lý vẫn không có mà bán.

Mặt khác, lượng đường tiêu thụ, SX công nghiệp trong nước trung bình mỗi năm khoảng 1,3-1,4 triệu tấn. Nhưng năm nay, kế hoạch SX 1 triệu tấn cũng rất khó hoàn thành bởi đợt hạn hán vừa rồi khiến mía ở miền Trung gần như cháy hết. Chính vì thế một diện tích lớn phải bỏ trồng lại và đẩy thời gian vào vụ mới muộn hơn vụ trước. Diễn biến của thị trường đường vào thời điểm cuối năm chắc chắn vẫn còn rất nóng.

 Có nhiều ý kiến cho rằng, giá đường “nhảy múa”, lỗi một phần do các DN. Quan điểm của ông thế nào?

Các DN, NM đường hiện có quá nhiều vấn đề. Trong nhiều cuộc họp của ngành mía đường, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Diệp Kỉnh Tần đã có cho rằng các NM đường kiểu nào cũng kêu được. Khi giá thấp thì than vãn thua lỗ, khó khăn, nhưng trong năm 2009, trung bình mỗi NM đường thu lãi khoảng chừng 50 tỉ đồng. Tối biết có NM đường ở Bắc Trung bộ trúng đậm mấy trăm tỷ.

Tại ĐBSCL các NM ép mía tranh mua tranh bán, đẩy giá thu mua mía lên trên 1,3 triệu đồng/tấn mía. Trong khi, tại các tỉnh phía Bắc các DN mua mía của nông dân với mức giá chỉ có 580.000 đồng/tấn, mà giá đường bán ra thì giống nhau. Lãi chưa? Theo quy định của Bộ NN-PTNT, DN phải mua mía của nông dân bằng 60% giá đường xuất kho. Như vậy, các DN này đang “ăn lận” của người trồng mía phía Bắc hơn 300.000 đồng/tấn mía. Điều đó đã cho thấy các NM đường làm ăn như thế nào rồi. Trong quá trình giá đường “nhảy múa” thể nào cũng có sự đầu cơ của một số NM. Tuy hiện tại số lượng đường tồn ở các NM này không nhiều nhưng chỉ cần bán nhỏ giọt thì họ cũng lãi to.

 Kế hoạch phân bổ 150 ngàn tấn đường nhập bổ sung ra sao, thưa ông?

 Trong số 150 ngàn tấn sẽ nhập, thì 100 ngàn tấn sẽ được phân bổ ngay cho các đơn vị, 50 ngàn tấn dự phòng. Trong 100 ngàn tấn đó thì 75 ngàn tấn nhập đường thành phẩm. 25 ngàn tấn cho Cty CP Đường Biên Hòa nhập về tinh luyện lại.

 Xin cảm ơn ông!

Xem thêm
Tôm Việt Nam xuất khẩu sang Hoa Kỳ sẽ gánh thêm thuế chống trợ cấp

Tôm Việt Nam, Ấn Độ, Ecuador xuất khẩu sang Hoa Kỳ có thể bị buộc trả thuế chống trợ cấp sơ bộ với mức dao động từ dưới 2% đến tối đa 196%.

350 lao động Đồng Tháp sang Hàn Quốc làm nông nghiệp thời vụ

Đã có 350 người lao động Đồng Tháp trúng tuyển để xuất cảnh đi làm việc thời vụ tại Hàn Quốc trong tháng 3 và tháng 4/2024.

Tháp cao tầng là biểu tượng của các thành phố lớn trên thế giới

Cùng chiêm ngưỡng những tòa cao ốc đã và đang góp phần quảng bá hình ảnh của các thành phố và quốc gia lớn trên thế giới.

Chuyên gia: 'Thế giới có gì, Vinhomes Royal Island có đó, thậm chí còn có nhiều hơn'

Đảo Vũ Yên (Hải Phòng) đang là 'tâm chấn' của thị trường BĐS kể từ sau khi Vinhomes Royal Island chính thức ra mắt.

Bình luận mới nhất