| Hotline: 0983.970.780

Nhập nhèm nguồn gốc giống ớt gây bệnh lạ!

Thứ Sáu 16/05/2014 , 07:32 (GMT+7)

Thực tế, 19 kg hạt giống ớt được trồng tại Tân Kỳ ghi trong hợp đồng giữa Cty Chu Hạnh và Cty Đức Việt lại ghi xuất xứ từ 2 quốc gia khác nhau.

Cuối năm 2013, huyện Tân Kỳ (Nghệ An) cho phép Cty CP Đầu tư VINTECHCO Đức Việt - Hà Nội thuê đất và liên kết trồng thử nghiệm một số mô hình sản xuất theo công nghệ Hàn Quốc, trong đó có trên 100 ha ớt. Điều đáng lo ngại là bệnh lạ đã xuất hiện trên 47 ha ớt, khiến dư luận lo lắng...

Bệnh lạ lan ra diện rộng

Có mặt tại nông trại của Công ty CP đầu tư VINTECHCO Đức Việt – địa chỉ 471, Đê La Thành, Q. Đống Đa, Hà Nội (tạm gọi là Công ty Đức Việt) triển khai tại địa bàn xã Nghĩa Dũng, huyện Tân Kỳ, Nghệ An khi cả cánh đồng ớt đã bắt đầu bói quả.

Ông Nguyễn Đức Thắng, phụ trách nông trại khăng khăng rằng: Đây là hai giống ớt nội (ớt chỉ thiên TN 600 và ớt chỉ địa TN 403) do Công ty Giống cây trồng Trang Nông sản xuất (!?).

"Ngày 9/4/2014, cán bộ kỹ thuật của nông trại phát hiện một số diện tích ớt phát triển không bình thường, qua kiểm tra thì thấy cây ớt bị sâu bọ chích hút nên phát triển chậm, vàng lá, còi cọc.

Chỉ một thời gian ngắn diện tích bị nhiễm bệnh đã lan rộng ra 5 ha. Ngay sau đó, trên diện tích bị bệnh bắt đầu xuất hiện một loại nấm rất lạ không tìm ra thuốc đặc trị" - ông Thắng xác nhận.

Trước tình hình trên, Cty đã chủ động sử dụng hoạt chất Setomyxyl để phun trừ kết hợp với việc dùng phân bón lá + NPK để tăng sức đề kháng và kích thích diện tích ớt bị bệnh sinh trưởng trở lại. Thế nhưng, cho đến nay bệnh vẫn chưa được khống chế và đang có chiều hướng ngày càng phức tạp.

Theo quan sát của PV tại 7ha ớt bị nhiễm bệnh nặng đều sinh trưởng kém, vàng vọt, năng suất chắc chắn sẽ thấp, còn trên 40 ha bị nhiễm nhẹ hiện phải chờ kết quả thu hoạch cuối vụ mới trả lời được.

Cty Đức Việt đã nhờ Phòng NN- PTNT, Trạm BVTV huyện Tân Kỳ và Công ty Giống Trang Nông lấy mẫu gửi đi xét nghiệm tại Hà Nội để xác định xem đó là loại bệnh gì và cách phòng trừ như thế nào nhưng đến thời điểm 10/5/2014 vẫn bặt vô âm tín. Hiện Cty Đức Việt đang nỗ lực dùng các loại thuốc Aliette 800WG và Cavil 50SC để dập dịch. Tuy nhiên, tình trạng dịch bệnh vẫn đang có diễn biến phức tạp.

Truy tìm nguồn gốc

Được biết, cuối năm 2013, Công ty Đức Việt được UBND huyện Tân Kỳ chấp thuận cho thuê đất tại các xã Nghĩa Dũng (50 ha), Nghĩa Bình (30 ha) trong thời hạn 3 năm... để trồng một số loại cây trồng theo công nghệ Hàn Quốc.

11-28-39_2-12
Giấy CN KDTV do doanh nghiệp cung cấp?

Ngoài ra, công ty còn cung cấp giống và ký hợp đồng bao tiêu toàn bộ sản phẩm với Công ty TNHH MTV Nông nghiệp Sông Con thêm 30 ha và cam kết bao tiêu toàn bộ sản phẩm.

Tại diện tích đất thuê ở xã Nghĩa Bình, theo hồ sơ xuất trình tại Chi cục BVTV Nghệ An, thì Công ty Đức Việt chỉ tiến hành trồng 2 giống ớt (chỉ thiên TN 600 và ớt chỉ địa TN 138). Cũng tại xã Nghĩa Bình, ngoài 2 giống ớt này, công ty còn trồng thêm 4 ha cây Ngưu Bàng (lấy củ) nhưng lại không đăng ký hồ sơ kiểm dịch.

Theo ông Nguyễn Đức Thắng, phụ trách nông trại, sau khi bị cơ quan chức năng phát hiện là cây Ngưu Bàng không nằm trong danh mục đăng ký, thì Công ty Đức Việt mới vội vã xuống Chi cục BVTV Nghệ An để trình hồ sơ thủ tục về giống cây này.

Theo quy định bắt buộc đối với giống cây nhập nội, khi đưa vào lãnh thổ Việt Nam để gieo trồng, đều phải hoàn tất các thủ tục hải quan, thủ tục KDTV và phải sử dụng đúng giống đã đăng ký ban đầu...

Tương tự, đối với giống ớt chỉ thiên TN 600 và ớt chỉ địa TN 138, khi tiến hành gieo trồng công ty cũng không trình hồ sơ thủ tục. Đến khi bị Chi cục BVTV Nghệ An “tuýt còi”, công ty này mới chịu đem hồ sơ thủ tục giấy tờ liên quan đến trình diện, nhưng vẫn không mang theo bao bì, nhãn mác để kiểm tra xem có đúng chủng loại được phép nhập nội hay không(!)

Được biết, tại Chi cục BVTV Nghệ An các loại bao bì, nhãn mác của số giống cây trồng trên đều không có lưu lại, còn tại nông trại của Công ty Đức Việt, không hiểu vì lý do gì, chúng cũng đã “biến” mất tăm từ đó đến nay.

Điều lạ lùng là chỉ cần xuất trình xong hồ sơ trên giấy tại Chi cục BVTV Nghệ An, là mọi việc lại “xuôi chèo, mát mái” nên họ cứ ung dung như không có việc gì xảy ra?

Theo giấy chứng nhận kiểm dịch do Chi cục Kiểm dịch vùng II cấp cho Công ty TNHH TM Trang Nông (2B Lê Quang Sung, phường 2, quận 6, TP Hồ Chí Minh) vào ngày 18/9/2013, thì lô hàng 30 kg hạt giống ớt được chuyển bằng đường hàng không từ Ấn Độ vào Việt Nam qua cảng hàng không Tân Sơn Nhất, sau đó phân phối lại cho Công ty CP Đầu tư VINTECHCO Đức Việt qua Cty TNHH Vật tư nông nghiệp Chu Hạnh.

Còn thực tế số 19 kg hạt giống ớt được trồng tại Tân Kỳ ghi trong hợp đồng giữa Cty Chu Hạnh và Cty Đức Việt lại ghi xuất xứ từ 2 quốc gia khác nhau. Trong đó ớt chỉ thiên TN 600 được sản xuất tại Nhật Bản (7 kg); giống ớt chỉ địa TN 138 có 11 kg nguồn gốc Ấn Độ(?!).

Một cán bộ chuyên ngành BVTV (xin không nêu tên) sau khi xem hồ sơ đã nhận xét: Giấy chứng nhận KDTV ghi như vậy là khá chung chung, không nói cụ thể là giống ớt cay gì, tên thương mại? Xuất xứ từ đâu?

Khi xuất trình hồ sơ, đơn vị NK lại cố tình không cung cấp các loại hồ sơ gốc như: Giấy phép KDTV NK, giấy đăng ký KDTV, kết quả kiểm tra, phân tích giám định trong phòng thí nghiệm... thì việc họ trà trộn lượng giống nhập lậu mà họ hiện có vào hàng NK đã qua KDTV là không thể kiểm soát được. Việc đơn vị NK và sản xuất có dùng đúng giống đã qua KDTV đã đăng ký hay không cũng khó biết?

Xem thêm
Sai phạm ở loạt dự án liên quan đại gia Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ

PHÚ THỌ Trong hàng loạt dự án liên quan ông Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ, có nhiều dự án Báo Nông nghiệp Việt Nam và cơ quan chức năng chỉ rõ sai phạm.

Kích điện giun đất có thể bị xử phạt tới 300 triệu đồng

Theo Luật sư Dương Lê Ước An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), kích điện giun đất có thể bị xử phạt tối đa 300 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Đường lớn làm chưa xong, tỉnh lộ đã nát bét

Xe trọng tải lớn chở vật liệu thi công tuyến đường thành phố Bắc Kạn đi hồ Ba Bể chạy rầm rập ngày đêm 'cày' nát đường tỉnh 257B.

Thái Nguyên: Câu chuyện bi thảm của một vận động viên

Đó là câu chuyện về số phận bi thảm của anh Nguyễn Hồng Quang xóm Phả Lý, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên khi không may bị phóng điện tại nương chè.