| Hotline: 0983.970.780

Nhấp nhổm tái đàn hậu dịch

Thứ Năm 30/09/2010 , 08:26 (GMT+7)

Tình trạng thiếu và sốt giá thịt heo vào dịp lễ, Tết sắp tới hoàn toàn phụ thuộc vào công tác triển khai tái đàn trong tháng 10 này. Đáng mừng là hiện nhiều địa phương đã chủ động đưa ra các phương án tái đàn khác nhau để đảm bảo thị trường sắp tới không lên cơn sốt…

Nguồn heo giống được các địa phương quan tâm xây dựng phục vụ cho công tác tái đàn

Tình trạng thiếu và sốt giá thịt heo vào dịp lễ, Tết sắp tới hoàn toàn phụ thuộc vào công tác triển khai tái đàn trong tháng 10 này. Đáng mừng là hiện nhiều địa phương đã chủ động đưa ra các phương án tái đàn khác nhau để đảm bảo thị trường sắp tới không lên cơn sốt…

Tính đến ngày 29/9, cả nước vẫn còn có tới 31 tỉnh thành nằm trong bản đồ dịch tai xanh. Đây được coi là một biểu hiện hết sức bất thường vì cùng thời điểm này năm ngoái, số tỉnh có heo tai xanh chỉ còn đếm trên đầu ngón tay với tính chất và mức độ thiệt hại nhỏ hơn rất nhiều. Tuy nhiên, do đây là thời điểm rất quan trọng, quyết định đến việc cung cấp đủ hay thiếu nguồn thịt cho các dịp lễ, tết cuối năm nên nhiều địa phương đã chủ động xây dựng kế hoạch tái đàn khá bài bản.

Trao đổi với NNVN, ông Cao Văn Hóa – PGĐ Sở NN-PTNT tỉnh Tiền Giang cho biết, mặc dù là tỉnh bị thiệt hại nặng nề nhất tại phía Nam (14% bị dính tai xanh trên tổng đàn 545.000 con), nhưng khả năng vào giữa tháng 10 tới chúng tôi sẽ tuyên bố hết dịch trên toàn tỉnh và tiến hành tổng triển khai tái đàn heo cung ứng cho dịp lễ tết cuối năm. Để chuẩn bị, ngành thú y Tiền Giang sẽ có 2 đợt ra quân tổng lực tiêu độc sát trùng, đồng thời Sở NN-PTNT sẽ trình UBND tỉnh chính sách hỗ trợ tiền tái đàn cho người chăn nuôi.

 “Hiện các cơ sở sản xuất giống trên địa bàn tỉnh đang được chúng tôi "chăm sóc” rất kỹ để đảm bảo cung ứng nguồn giống khỏe và sạch bệnh. Theo tính toán, các trung tâm giống trên địa bàn tỉnh hoàn toàn cung cấp đủ con giống, thậm chí có dư cho việc tái đàn sắp tới” – ông Hóa nói.

Tương tự, ông Lê Tuấn Quốc – GĐ Sở NN-PTNT Bà Rịa – Vũng Tàu khẳng định: “Chúng tôi an tâm việc tái đàn bởi hiện Cty Phú An Sinh đang có trong tay đàn nái gần 1.000 con, dự kiến sẽ cung cấp cho người chăn nuôi trong tỉnh trên 10.000 con heo giống để tái đàn, đồng thời đảm bảo không để sốt giá giống”. Ngoài ra, đợt dịch này Bà Rịa – Vũng Tàu chủ yếu phải tiêu hủy heo thịt và heo sữa (10% trên tổng đàn 390.000 con), riêng heo nái bị ảnh hưởng ít nên các trung tâm giống và đàn heo giống trong dân có thể đảm bảo cung cấp đủ nguồn hàng cho người chăn nuôi toàn tỉnh.

Còn ông Liêu Trung Ngươn – PGĐ Sở NN-PTNT Long An thì cho rằng, việc tái đàn vẫn đang diễn ra tại một bộ phận chăn nuôi lớn ngay giữa “cơn bão” tai xanh đang hoành hành. “Về nguyên tắc, khi nào địa phương công bố hết dịch thì người dân mới được nhập con giống chăn nuôi trở lại. Tuy nhiên, các trang trại chăn nuôi lớn, khép kín, an toàn sinh học vẫn đang tái đàn bình thường vì 2 lý do: một là virus tai xanh không thể xâm nhập; hai là do họ có nguồn cung con giống tại chỗ rất ổn định và được địa phương khuyến khích tái đàn".

Nhận định này hoàn toàn đúng với thực tế tìm hiểu của NNVN. Cụ thể, ông Nguyễn Hữu Chí – Chủ nhiệm HTX chăn nuôi heo an toàn Tiên Phong (huyện Củ Chi - TPHCM) cho biết, HTX đang có trong tay tới 4.000 con heo nái, đảm bảo cung cấp hàng chục nghìn con giống đạt tiêu chuẩn để HTX tái đàn tại chỗ nhằm cung ứng nguồn thịt cho dịp lễ, tết sắp tới. Ngoài ra, toàn HTX đang duy trì một lượng heo thịt khổng lồ lên đến 40.000 con để cung cấp đều đặn cho thị trường từ nay đến cuối năm.

“Hiện giá con giống 20 ngày tuổi vào khoảng trên 1 triệu đồng/con, mức giá này không có biến động so với cùng thời điểm này năm ngoái và khả năng cũng khó có thể xảy ra sốt giá giống trong tháng 10 tới” – ông Chí nói. Tương tự, tại Cty TNHH Chăn nuôi Kim Long (Bình Dương) cũng đang có trong tay tới 14.000 con heo các loại, trong đó lượng heo nái chiếm số lượng khá lớn hàng ngày vẫn cung cấp nguồn heo giống tại chỗ cho các trại chăn nuôi của Cty.

Cùng với các phương án tái đàn được các địa phương thực hiện, theo ông Lê Tuấn Quốc, nhiều DN thực phẩm hàng đầu như Phú An Sinh đã tiến hành mua tạm trữ 10.000 con heo sạch bệnh tại Bà Rịa – Vũng Tàu; đồng thời Cty Vissan, Coo-op Mart, Satra và Tổng Cty Nông nghiệp Sài Gòn mua tạm trữ 20.000 con heo sạch bệnh tại TPHCM sẽ góp phần đảm bảo cung ứng nguồn hàng nếu tình trạng thiếu thịt và sốt giá xảy ra.

Trong khi đó, tại các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ thì tình hình khác biệt hơn. Đơn cử như tại khu vực phường Thạnh Xuân (quận 12, TPHCM) nơi phát hiện virus tai xanh lưu hành đầu tiên tại TPHCM (cuối tháng 7/2010), đến nay mấy chục hộ dân có heo bị tiêu hủy vẫn chưa nuôi trở lại.

Nông dân Lê Đăng Hưu (tổ 48, KP4, phường Thạnh Xuân) cho biết, sau khi 45 con heo nái, thịt và sữa của gia đình bị tiêu hủy vì bệnh tai xanh trong đợt dịch này, đến nay ông vẫn chưa tái đàn vì chưa được ngành thú y cho phép.

Theo ông Nguyễn Ngọc Tiến - Phó Chủ tịch Hội Nông dân phường Thạnh Xuân, hiện nguồn heo giống bị chế tài “nội bất xuất, ngoại bất nhập” nên chỉ có một số ít hộ có đàn heo nái trụ được thì tiếp tục tái đàn tại chỗ. Tuy nhiên, ông Tiến khẳng định, ngành thú y đang tiến hành tổng tiêu độc khử trùng chuồng trại và đợi thêm một thời gian nữa tình hình ổn định (khoảng giữa tháng 10) sẽ tiến hành cho dân nuôi trở lại để đảm bảo nguồn cung thịt cho thị trường dịp Tết.

Ông Hoàng Kim Giao – Cục trưởng Cục Chăn nuôi: PHẢI KIỂM CHẶT CON GIỐNG

Trao đổi với NNVN, ông Hoàng Kim Giao cho biết, Cục Chăn nuôi vừa có Công văn yêu cầu các Sở NN-PTNT và các Trung tâm giống chăn nuôi phải có kế hoạch chuẩn bị đủ cơ số heo giống để sẵn sàng cung ứng cho công tác tái đàn sắp tới.

Cụ thể, Sở NN-PTNT các tỉnh phải đẩy mạnh chỉ đạo các Trung tâm tiến hành chọn lọc, nhân giống và dưỡng nuôi đảm bảo đạt lượng heo khỏe với tỷ lệ cao nhất.

Ông có cho rằng nguy cơ dịch bệnh tai xanh còn có thể quay lại ngay thời điểm người chăn nuôi tái đàn hay không?

Muốn dịch không tái phát, ngay bây giờ chúng ta phải kiểm soát tốt vấn đề lưu thông con giống. Hiện nhu cầu về giống heo để tái đàn là rất lớn, lượng giống lưu thông trên thị trường cũng sẽ nhiều hơn bình thường. Vì thế chúng ta phải kiểm soát thật tốt việc lưu thông, nơi bán và nơi mua đều phải rõ ràng nhằm hạn chế việc trà trộn giống kém chất lượng, trôi nổi vào đàn giống khỏe, sạch bệnh khiến dịch lại có cơ hội lây lan. Ngoài ra, tôi cũng đang lo lắng là nguồn heo từ vùng dịch phía Nam đang “chạy” ngược ra Bắc để tiêu thụ vì giá heo ngoài Bắc cao hơn tới 4 đến 5 giá (4 – 5 triệu đồng/tấn).

Ông có lời khuyên gì cho người chăn nuôi trước khi tái đàn?

Người dân muối tái đàn thì phải tuân thủ các bước tiêu độc, khử trùng rất cẩn thận, tuyệt đối không được nóng vội. Đặc biệt là phải mua con giống có nguồn gốc rõ ràng, khỏe mạnh, sạch bệnh, thường xuyên liên hệ với cán bộ thú y để được hướng dẫn quy trình chăn nuôi an toàn, tiêm phòng cho heo đầy đủ. Ngoài ra, đây cũng là thời điểm bắt đầu bước vào mùa cúm gia cầm nên người chăn nuôi cũng phải có ý thức phòng chống cao độ. Nếu dịch heo tai xanh chưa qua mà giờ lại xuất hiện thêm dịch cúm gia cầm thì quả là rất căng thẳng, thiệt hại sẽ rất lớn.

Nhưng việc dịch đi rồi trở lại nằm ngoài "tầm kiểm soát" của nông dân?

Từ lâu tôi vẫn nói rằng, vấn đề thôn xóm, bản làng trong việc phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm là rất quan trọng. Vai trò của các vị trưởng thôn, trưởng xóm và của chính từng người dân là rất lớn. Chính họ là những người mới biết được trong thôn ấy, xóm ấy có con heo, con bò hay con gia cầm của nhà nào bị bệnh; ai mua, ai bán thế nào họ đều biết hết. Vì thế, chúng ta phải khuyến khích vai trò của từng người dân, của cả cộng đồng, thậm chí có thể đưa cả vào hương ước của làng, xã để mọi người dân đều phải có ý thức phòng chống dịch bệnh.

Xin cảm ơn ông! 

Bùi Nguyễn

Xem thêm
Trại cầy vòi mốc lớn nhất miền Bắc thu hàng chục tỷ mỗi năm

Gần 20 năm gắn bó với cầy vòi mốc, anh Phạm Văn Hùng ở huyện Lục Nam, Bắc Giang đang thu được hàng chục tỷ đồng mỗi năm nhờ tâm huyết với loài vật này.

Hơn 200 đơn vị tham gia Triển lãm công nghệ, dịch vụ cho thú cưng

TP.HCM Triển lãm Quốc tế chuyên ngành công nghệ, sản phẩm, dịch vụ chăm sóc thú cưng tại Việt Nam - Petfair Vietnam và Livestock Vietnam 2024 được tổ chức tại SECC, quận 7, TP.HCM.

Hồi sinh giống lúa đặc sản nếp cái hoa vàng Kinh Môn

Hải Dương Giống lúa nếp cái hoa vàng Kinh Môn sau phục tráng cho năng suất và giá trị kinh tế cao hơn so với nếp cái hoa vàng thông thường.

Tháo gỡ 2 điểm nghẽn chính

Ngành mía đường có những điểm nghẽn cần phải giải quyết để phát triển ổn định, bền vững, đó là chia sẻ của TS Cao Anh Đương, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Mía đường (SRI).

Bình luận mới nhất