| Hotline: 0983.970.780

Nhật Bản hỗ trợ

Thứ Sáu 01/06/2012 , 10:09 (GMT+7)

Nhật Bản hỗ trợ kinh phí cho nông dân nghèo các tỉnh Tiền Giang, Vĩnh Long, Trà Vinh, Sóc Trăng và Bến Tre phòng trừ bệnh vàng lá Greening trên cây có múi...

Để giúp nhà vườn ĐBSCL phòng trừ bệnh vàng lá Greening trên cây có múi, giai đoạn 2011-2015, Nhật Bản hỗ trợ kinh phí cho nông dân nghèo các tỉnh Tiền Giang, Vĩnh Long, Trà Vinh, Sóc Trăng và Bến Tre thực hiện dự án (DA): “Tăng cường hệ thống khuyến nông để áp dụng hệ thống canh tác và kỹ thuật trồng trọt hiệu quả hơn cho nông dân nghèo ở ĐBSCL”.

Bà Phan Thị Thu Sương, PGĐ Sở NN-PTNT, GĐ BQLDA cây có múi JICA Bến Tre cho biết: DA đã thực hiện được hơn 1 năm tại 3 hộ dân trồng cam sành ở hai xã Thạnh Ngãi và Tân Phú Tây, huyện Mỏ Cày Bắc (Bến Tre) trên diện tích 1,7 ha theo phương cách hỗ trợ cây giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật trong thời gian 5 năm.

Năm 2012, DA tiếp tục chọn thêm 10 hộ dân ở xã Thạnh Ngãi, Tân Phú Tây, Phú Mỹ và Hưng Khánh Trung A, huyện Mỏ Cày Bắc thực hiện mô hình trên diện tích 5,4 ha. Nông dân tham gia sẽ được hỗ trợ chi phí cải tạo đất và cách thiết kế vườn, cây giống sạch bệnh, cây trồng chắn gió và phân bón, thuốc BVTV. BQLDA cây có múi JICA Bến Tre đang nhân rộng mô hình ra 8 xã: Phú Mỹ, Tân Phú Tây, Phước Mỹ Trung, Thạnh Ngãi, Tân Thanh Tây, Hưng Khánh Trung A, Hòa Lộc và Thành An (Mỏ Cày Bắc, Bến Tre). Mô hình ưu tiên cho hộ nghèo trồng cam, có diện tích đất tối thiểu 0,25 ha, phải có ít nhất một lao động trực tiếp canh tác. Bước đầu Dự án cây có múi JICA đã đạt kết quả khá tốt.


Phòng trị bệnh tốt sẽ giúp vườn cây cho năng suất cao

Ông Võ Văn Rô, ở ấp Ông Trung, xã Thạnh Ngãi, là một trong 3 nông dân tham gia mô hình mẫu đầu tiên nói: DA đã hỗ trợ nhà vườn từ cách thiết kế vườn, cung ứng cây giống trong nhà lưới, giống cây sạch bệnh, bón phân lót trước khi trồng, bón phân bổ sung và bón thúc giúp cây sinh trưởng và phát triển nhanh, hỗ trợ kỹ thuật trồng ổi xen trong vườn cam để xua đuổi rầy chổng cánh. Hiện tại, vườn cam của ông Rô đã ngăn ngừa được bệnh vàng lá Greening nguy hiểm sau hơn 1 năm trồng, cây phát triển rất tốt.

Tỉnh Hậu Giang hiện có 27.742 ha cây ăn trái, trong đó có 12.700 ha cây có múi, tập trung chủ yếu ở huyện Châu Thành, Châu Thành A, Long Mỹ và TX Ngã Bảy. Trong đó có một số loại cây được coi là đặc sản như bưởi Năm Roi, quýt đường. Năm nay dịch hại trên cây có múi xuất hiện nhiều trên cây có múi ở Hậu Giang, đặc biệt là dịch sâu đục trái bưởi. Ông Võ Minh Phúc, Trưởng phòng Trồng trọt, Chi cục BVTV Hậu Giang cho biết, dịch sâu đục trái bưởi bắt đầu bùng phát mạnh từ sau Tết Nguyên đán, làm 1.291/1.722 ha bưởi của tỉnh bị thiệt hại, dẫn đến giảm năng suất trên 70%. Ngoài ra, sâu cũng tấn công một số loại cây có múi khác như cam sành, chanh.

Ông Trần Quang Hành, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Châu Thành (Hậu Giang) cho biết: Hầu hết các nhà vườn áp dụng đúng theo biện pháp khuyến cáo của ngành chuyên môn đều đã khống chế được dịch sâu đục trái bưởi. Tuy nhiên, lo ngại hiện nay là đối với những hộ trồng lẻ tẻ, họ ít quan tâm đến biện pháp phòng trừ nên đã tạo điều kiện cho sâu có môi trường sinh sống và lây lan sang các khu vườn khác.

Tại huyện Lai Vung, tỉnh Đồng Tháp được coi vùng chuyên canh quýt hồng lớn nhất ở ĐBSCL, với diện tích 1.500 ha, mỗi năm cho ra thị trường trên 40.000 tấn trái. Bà Lê Thị Thủy, Chi cục phó Chi cục BVTV Đồng Tháp cho biết, toàn tỉnh hiện có trên 25.000 ha trồng cây ăn trái, trong đó trồng cây có múi như bưởi, cam, quýt hồng và chanh chiếm khoảng 40%. Những năm gần đây tình hình dịch bệnh trên cây có múi xuất hiện rải rác, riêng trên cây quýt hồng, chủ yếu xuất hiện 2 bệnh thường gặp là thối rễ và bệnh loét trên thân và lá.

Để phòng trừ dịch hại hiệu quả trên cây có múi cần quản lý tốt các đối tượng sâu và bệnh hại như rầy chổng cánh, sâu vẽ bùa, bọ trĩ, rầy mềm (đối với giai đoạn từ khi ra hoa đến đậu trái). Áp dụng phương pháp tổng hợp IPM, nếu mật số côn trùng cao sử dụng dầu khoáng DS 98.8 EC, SK 99, Abatimec hoặc một số thuốc hóa học Selecron 50 ND, Regent 800 WG, Confidor 100 SC, Actara 25 WG để phòng trị. Trong giai đoạn này không nên phun thuốc quá 2 lần.

Giai đoạn từ khi đậu trái đến khi thu hoạch cần quản lý các đối tượng côn trùng và bệnh hại như nhóm nhện, rầy mềm, rệp sáp, bọ trĩ, bệnh ghẻ, bệnh loét. Áp dụng phương pháp tổng hợp IPM để phòng trị, nên sử dụng các loại thuốc có gốc sinh học, hạn chế phun thuốc hóa học nếu thật sự cần thiết có thể phun một số loại thuốc như Vertimec 1.8EC, Comite 73EC, Ortus 5 SC, Regent 5SC, Admire 50EC. Nên thường xuyên thay đổi các loại thuốc tránh các loại côn trùng kháng thuốc.

Th.s Nguyễn Duy Cường, Bộ môn BVTV, Viện Nghiên cứu cây ăn quả miền Nam:

Trên cây có múi thường xuất hiện các loại bệnh như: Bệnh vàng lá Greening (Huanglongbing), bệnh Tristeza trên cam quýt, bệnh loét trên lá do vi khuẩn (Xanthomonas Campestris pv. citri), bệnh chết rạp, bệnh vàng lá thối rễ, bệnh héo rũ Clitocybe tabescens, rệp sáp, bệnh xì mủ trên thân cây, bệnh ghẻ, bệnh chết cành do nấm Phomopsis citri, bệnh vết dầu loang, bệnh phấn trắng.

Các loại bệnh trên cây có múi thường xuất hiện quanh năm, tuy nhiên bệnh thường phát triển thành dịch vào đầu mùa nắng, tháng 11- 12 (DL) hằng năm. Cây chết hàng loạt vào tháng 1 đến tháng 4 (DL) và có thể tiếp tục kéo dài trong mùa mưa năm sau. Vì vậy,  cần quan tâm đến các biện pháp phòng trừ tổng hợp, để hạn chế sâu bệnh.

Quét vôi vào gốc cây vào cuối mùa nắng và đầu mùa mưa, mỗi năm nên bón vôi vào vùng đất xung quanh hệ thống rễ. Khi thấy hệ thống rễ bị bệnh, nên cắt bỏ rễ bệnh, quét hoặc tưới thuốc đặc trị vào vùng rễ, sau 15-20 ngày bón phân hữu cơ, tốt nhất là phân gà, cung cấp nấm đối kháng Trichoderma. Thu gom và đốt hết các xác bã thực vật có thể mang mầm bệnh nấm trên mặt đất. Trong vườn cây có nhiều cây bị bệnh, tránh tưới phun lên tán cây vì vô tình sẽ mang mầm bệnh lên phần tán cây. Nếu trong vườn có nhiễm tuyến trùng thì nên rải Regent 0,3G kết hợp với tưới thuốc Ridomyl Gold. Khi trồng mới nên lên mô cao, hệ thống thoát nước tốt, tránh ngập úng.

Xem thêm
Một con bò có thể tạo ra 2 tỷ điểm dữ liệu trong suốt cuộc đời

Theo các chuyên gia ngành chăn nuôi Mỹ, ứng dụng công nghệ gen đóng vai trò quan trọng trong nhân giống bò sữa, giúp tối đa hóa tiến bộ di truyền.

Truy tố những trường hợp để chó, mèo gây hậu quả nghiêm trọng

Đắk Lắk sẽ điều tra, truy tố, xử lý nghiêm những trường hợp không tuân thủ quy định trong việc nuôi, quản lý chó, mèo để xảy ra hậu quả nghiêm trọng.

Đốt rơm rạ là... đốt tiền

ĐỒNG THÁP Chưa khi nào nông dân thấy giá trị của rơm rạ như bây giờ, thu hoạch xong không đốt bỏ mà bán cho hợp tác xã, xử lý thành các sản phẩm đa dụng...

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm