| Hotline: 0983.970.780

'Nhật ký trong tù' (2016) rất nhiều chữ sai nguyên tác

Thứ Ba 21/11/2017 , 08:02 (GMT+7)

Trong văn bản số 258 (ngày 30/10/2017) yêu cầu thu hồi ấn phẩm “Nhật ký trong tù” của Chủ tịch Hồ Chí Minh đứng tên liên kết xuất bản với Nhà sách Minh Thắng (2016) Giám đốc NXB Văn học nêu nguyên nhân “có một số lỗi sai sót ở phần chữ Hán nguyên tác”. 

Thực tế cuốn sách rất nhiều lỗi sai về nguyên tác chữ Hán.
 

Sai nguyên tác cả trăm chữ hán

Đối chiếu với ấn phẩm do Viện Văn học - NXB Giáo dục thực hiện, chúng tôi thấy rằng, lỗi sai là do chính NXB Văn học trong quá trình biên tập, chế bản sách. Dưới đây, chúng tôi xin dẫn một số ví dụ từ cuốn “Nhật ký trong tù”, NXB Văn học - Nhà sách Minh Thắng (2016).

16-47-27_nktt_1
“Nhật ký trong tù” (2016) rất nhiều chữ sai nguyên tác

Trang 50, bài “Nạn hữu xuy địch” (Người bạn tù thổi sáo), chữ “Thanh: 聲” có nghĩa là âm thanh (Thanh chuyển thê lương điệu chuyển sầu: Âm thanh trở nên thê lương, nhịp điệu trở nên sầu muộn) đã sai thành chữ “Thính: 聽” có nghĩa là nghe. Đồng thời chữ “Hà: 河” (Thiên lý quan hà vô hạn cảm: Cảm thương vô hạn về non sông xa cách nghìn trùng) đã sai thành chữ “Hòa: 和 , có lẽ do “hà” và “hòa” đồng âm trong tiếng Hán phổ thông hiện đại.

16-47-27_nktt2

Trang 63, bài “Phân thủy” (Chia nước) cả hai chữ “Vật: 勿” có nghĩa là đừng, chớ, (vật phanh trà: đừng đun trà; vật tẩy diện: thôi rửa mặt) đã sai thành chữ “Vô: 無” có nghĩa là không.

16-47-27_nktt3

Trang 71, bài “Đổ phạm” (Tù đánh bạc) chữ “Hào: 餚” có nghĩa là thức ăn, (“Ngạnh” phạm hào soạn thiên thiên hữu: Bọn tù “cứng” ngày nào cũng ăn uống rất thịnh soạn) đã sai thành chữ “Sức: 餙” (dùng thông với chữ Sức trong trang sức), có thể do tự dạng gần giống nhau, nhưng đã có hẳn phiên âm dịch nghĩa bên dưới, lẽ nào người đánh máy không nhìn?

Trang 77, bài “Song thập nhật giải vãng Thiên Bảo” (Tết Song Thập bị giải đi Thiên Bảo), chữ “Ý: 意” (Nghịch phong hữu ý trở phi bằng: Ngọn gió ngược cố ý cản đôi cánh chim bằng) đã sai thành chữ “Nghịch: 逆” có nghĩa là làm phản. Hai chữ này mặt chữ rất khác nhau vậy mà không hiểu sao lại viết sai như vậy được.

Trang 89, bài “Nạn hữu chi thê thám giam” (Vợ người bạn tù đến nhà lao thăm chồng), chữ “Chỉ: 只” (Chỉ lại nhãn truyền ngôn: Chuyển lời nhờ khóe mắt) viết sai thành chữ “Bất”; chữ “Ngôn: 言” có nghĩa là lời nói (Vị ngôn lệ dĩ mãn: Chưa nói mà nước mắt tràn), đã viết sai thành chữ “Nhãn: 眼: đôi mắt. Có thể do cả 2 chữ này phiên âm (không dấu) tiếng phổ thông đều là “yan”, nên trong lúc chọn chữ người gõ đã chọn nhầm.

Trang 243, bài “Chính trị bộ cấm bế thất” (Nhà giam của Cục Chính trị) cả hai chữ “Thân: 伸” có nghĩa là duỗi chân đều viết thiếu bộ nhân đứng (Yếu thân thân cước dã bất khả: Muốn duỗi chân một tí cũng không được).

Trang 251, bài “Vãn cảnh” (Cảnh chiều hôm), viết sai chữ “Lưỡng: 兩” (hai) thành chữ “Nhi: 而” một hư từ có ý nghĩa là mà (Hoa khai hoa tạ lưỡng vô tình: Hoa nở hoa tàn đều vô tình). Có lẽ do tự dạng giống nhau.

Thậm chí, trang 293, bài “Kết luận” vừa viết sai chữ “Chỉ: 止” (Ngục trung nhật ký tòng kim chỉ: Nhật ký trong tù đến đây dừng lại) thành chữ “Thượng: 上”; vừa mất cả chữ “Hoàn: 完” (Hết), kết thúc tập thơ “Nhật ký trong tù”.

16-47-27_nktt4

Những ví dụ trên đây, lướt qua đã cho thấy lỗi sai nguyên tác chữ Hán ở bản in “Nhật ký trong tù” (2016) của NXB Văn học - Nhà sách Minh Thắng là rất nhiều, chứ không phải chỉ “có một số lỗi sai sót” như ông Giám đốc Nguyễn Anh Vũ nêu trong văn bản.
 

Mập mờ thương hiệu

Vì cả hai ấn bản “Nhật ký trong tù” của NXB Văn học đều cũng đề “Bản dịch trọn vẹn - Viện Văn học dịch, chỉnh lý, bổ sung”, nhưng không có cước chú nêu rõ xem sử dụng theo bản in năm nào. Đây có thể nói là một cách làm sách mập mờ theo kiểu mượn thương hiệu Viện Văn học để làm tin với bạn đọc. Chúng tôi đem đối chiếu với bản in “Suy nghĩ mới về Nhật ký trong tù” - “Nhật ký trong tù (bản dịch trọn vẹn)” của Viện Văn học - NXB Giáo dục thì thấy chữ nguyên tác trong bản in của Viện Văn học đúng, chứ không sai như hai ấn phẩm của NXB Văn học nêu trên .

Tác phẩm của Chủ tịch Hồ Chí Minh là di sản văn hóa quý báu của dân tộc, trong đó “Nhật ký trong tù” là một trong 5 bảo vật quốc gia (Đường Kách mệnh; Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến; Lời kêu gọi đồng bào và chiến sĩ cả nước và Bản di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh) mà xuất bản tùy tiện như NXB Văn học là khó có thể chấp nhận được, cần kiểm tra lại và có hình thức giải quyết thích hợp.

Từng có một chuyên khảo chon vẹn

Bản dịch “Nhật ký trong tù” là tác phẩm được Viện Văn học công bố lần đầu tiên tới công chúng năm 1960 với nét bút tài hoa của nhà túc nho Phạm Phú Tiết. Năm 1983, khi tái bản, các bài bổ sung lại được nhà túc nho Nguyễn Văn Bách thể hiện. Lần tái bản năm 1997, một số bài thơ chữ Hán còn lại và những chỗ cần hiệu đính lại được nhà thư pháp Lê Xuân Hòa viết giúp. Đồng thời, Viện Văn học còn dựa vào những ký chú của PGS Hoàng Tranh (Trung Quốc) để mỗi lần tái bản được bổ sung, sửa chữa trọn vẹn hơn trước.

Năm 1990, kỷ niệm 100 năm sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, hai chuyên khảo đặc biệt của Viện Văn học do GS Nguyễn Huệ Chi chủ biên ra mắt bạn đọc với tên gọi “Suy nghĩ mới về Nhật ký trong tù” và “Nhật ký trong tù (bản dịch trọn vẹn)”. Hai chuyên khảo sau đó được NXB Giáo dục và Bảo tàng Hồ Chí Minh hỗ trợ để khi tái bản đã gộp chung vào làm một cuốn sách.

 

Xem thêm
Nhịp sống giới trẻ phản ánh trong bộ phim ‘Bóng của thị thành’

Nhịp sống giới trẻ thời công nghệ số có những màu sắc bất ngờ, thể hiện qua bộ phim ‘Bóng của thị thành’ phát sóng trên HTV7, Đài truyền hình TP.HCM.

Rượt đuổi mãn nhãn, Man United đả bại Liverpool tại Cúp FA

Trận Tứ kết Cúp FA giữa Man United vs Liverpool đã diễn ra với kịch bản không ngờ khi hai đội rượt đuổi nghẹt thở trong suốt 120 phút của trận đấu. 

120 vận động viên tham gia giải dù lượn trên cao nguyên đại ngàn

Giải dù lượn tại huyện Sa Thầy (tỉnh Kon Tum) sẽ quy tụ 120 vận động viên, trong đó có 41 vận động viên người nước ngoài tham gia tranh tài.

Cây phong lá đỏ 115 tuổi hút du khách ở Sa Pa

LÀO CAI Cây phong lá đỏ ở Sa Pa thu hút nườm nượp du khách đến chiêm ngưỡng, chụp ảnh.