| Hotline: 0983.970.780

Nhạt như nghề… muối

Thứ Tư 01/12/2010 , 10:09 (GMT+7)

Là nơi duy nhất dạy nghề muối nhưng Trường Trung cấp Nghiệp vụ Quản lý Lương thực Thực phẩm vẫn vắng như chùa Bà Đanh.

Là nơi duy nhất trong nước dạy nghề muối cho diêm dân, "một mình một ngựa" không có bất cứ đối thủ cạnh tranh nào nhưng Trường Trung cấp Nghiệp vụ Quản lý Lương thực Thực phẩm (TCNVQLLTTP) của Bộ NN- PTNN có trụ sở tại Đồ Sơn (Hải Phòng) vẫn vắng như chùa Bà Đanh.

 Dẫn tôi ra thăm dây chuyền công nghệ chế biến muối hiện đại nằm phía cuối căn phòng thực hành, một giáo viên nữ chua xót cho hay, dây chuyền chế biến muối của nhà trường từ lâu lắm rồi chưa được sử dụng, họa hoằn lắm mới có đoàn diêm dân đến tham quan cho chạy biểu diễn một tí rồi lại “đắp chiếu” để đó. Dứt lời, người giáo viên chỉ tay về phía căn nhà 3 tầng và giới thiệu tôi gặp thầy Vũ Văn Phát, giáo viên dạy nghề muối của nhà trường.

Nhắc đến nghề muối, thầy Phát im lặng hồi lâu rồi tâm sự: "Nghề muối không khá khẩm hơn những ngành liên quan đến nông, lâm, ngư nghiệp... là mấy, thôi thì khó khăn giống nhau nên cũng chẳng kể khổ làm gì cho nẫu lòng". Năm nay đã gần bước sang tuổi lục tuần, cũng giống như ngôi trường mình công tác, thầy Vũ Văn Phát một thân một mình chạy khắp nơi dạy nghề cho diêm dân.

Về vấn đề này, Hiệu trưởng Trường TCNVQLLTTP Phạm Văn Nối cho hay, do lớp giáo viên về nghề muối hầu hết đã nghỉ hưu, một số đã qua đời nên nghề muối giờ thiếu người dạy trầm trọng. Nhưng khổ một nỗi ngành muối mấy năm nay không có học sinh, nhà trường không biết tuyển giáo viên ở đâu, mà nếu tuyển được các thầy cô biết làm gì khi học sinh không có? Chính vì vậy mà trong các chương trình đạo tạo, dạy nghề ngắn hạn cho diêm dân, nhà trường đành khỏa lấp bằng cách mời một số chuyên gia về nghề muối trợ giúp.

Cả cuộc đời gắn bó với nghề muối, đã đào tạo, dạy nghề cho hàng nghìn diêm dân song thầy Vũ Văn Phát cho rằng, việc đào tạo nghề cho diêm dân là vô cùng ý nghĩa và thiết thực, song bên cạnh việc dạy nghề Nhà nước cần phải có những chính sách hỗ trợ riêng cho đối tượng đặc biệt này thì mới mong giúp họ thoát được cái vòng luẩn quẩn đói nghèo.

Thầy kể một kỷ niệm khi dạy nghề cho diêm dân ở Thanh Hóa: Có một cụ già râu tóc bạc phơ đến nghe lỏm thầy giảng bài, trong giờ nghỉ giải lao cụ già ấy chống gậy mon men đến cạnh tôi mà tâm sự rằng, làm nghề muối từ thời còn Pháp thuộc nhưng đến giờ cụ mới biết vì sao muối của bà con làm ra lại đen và xấu như thế. Điều đó cho thấy nhu cầu được học của diêm dân ta là rất lớn nhưng nơi dạy bà con lại chỉ có một là điều quá buồn.

Có một hạn chế cố hữu không chỉ với diêm dân mà ngay cả ngư dân và nông dân đều gặp phải là sản xuất theo kinh nghiệm là chính. Bản thân diêm dân rất thiếu kiến thức chuyên môn, thiếu trình độ khoa học kỹ thuật nhưng họ vẫn hoàn toàn có thể sản xuất một cách bình thường, chỉ có điều chắc chắn hiệu quả không bao giờ cao. Nắm bắt được điểm yếu này, Trường TCNVQLLTTP khi dạy nghề cho bà con diêm dân luôn chú trọng truyền đạt cho họ kinh nghiệm sản xuất làm sao để giảm ngày công lao động, nhìn nắng như thế nào để phơi dày mỏng cho phù hợp, thời điểm nào thu hoạch là thích hợp và thu được nhiều muối nhất, mẹo để lấy được tối đa lượng muối có trong cát…

Thầy Phát chia sẻ: “Khi dạy nghề cho diêm dân, nông dân và cả ngư dân cũng vậy, trong quá trình giảng bài là các thầy, cô phải xắn tay vào làm mẫu thực hành ngay trước mắt cho bà con xem luôn, ngay sau đó yêu cầu họ làm thử đến khi nào thấy ổn thì mới thôi. Như vậy học viên tiếp thu rất nhanh và hiệu quả chứ để bà con mình ngồi ghi ghi chép chép có mà đến tết Tây cũng phỏng có ích gì”.

Từ khi đào tạo nghề cho diêm dân đến nay, thầy Phát đã đúc kết được một kinh nghiệm rất thực tế, với diêm dân khi ngồi nghe giảng có vẻ như họ đã thuộc bài như cháo chảy, ai cũng khăng khăng trả lời là hiểu lắm rồi nhưng khi áp dụng vào thực tế họ làm sai ngay. Phải thừa nhận là trình độ làm muối của diêm dân ta hiện thua kém nước ngoài nhưng nguyên nhân sâu xa khiến muối của bà con mình nhìn đã thấy chán là do sân phơi muối làm từ thời bao cấp nên nhiều khi muốn làm ra muối sạch, muối chất lượng cao cũng chịu.

Nếu bảo diêm dân tự bỏ tiền đầu tư cải tạo lại sân phơi muối chắc là khó hơn lên trời vì ăn họ còn không đủ thì lấy đâu ra một khoản tiền vài chục triệu đồng? Theo chúng tôi, song song với việc dạy nghề cho diêm dân Nhà nước nên có chính sách vay vốn ưu đãi để bà con cải tạo lại sân phơi muối cho hẳn hoi. Sân phơi được coi là yếu tố quan trọng nhất của nghề muối mà tất cả đều hết “date” như hiện nay có dạy nữa, dạy mãi diêm dân vẫn cứ nghèo mà thôi.

Xem thêm
Hơn 370ha tôm nuôi bị thiệt hại do nắng nóng

TRÀ VINH Theo Sở NN-PTNT tỉnh Trà Vinh, hiện toàn tỉnh đã có hơn 122ha nuôi tôm sú cùng hơn 249ha nuôi tôm thẻ chân trắng bị thiệt hại do ảnh hưởng nắng nóng gay gắt.

Điều động 1 kíp tàu tuần tra, phòng chống khai thác IUU

Từ ngày 22/4, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu điều động 1 kíp tàu tuần tra, kiểm soát kết hợp tuyên truyền phòng, chống khai thác IUU trên vùng biển do đơn vị quản lý.

Xuất khẩu thủy sản 2 tháng đầu năm tăng 22,3%

Theo ước tính của Tổng cục Thống kê, trong 2 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đạt 1,3 tỷ USD, tăng 22,3% so với cùng kỳ năm 2023.

Có máy tời kéo thuyền, ngư dân khỏe re

QUẢNG TRỊ Chiếc máy tời nhỏ gọn nổ xình xịch, kéo theo thuyền đánh cá lên bờ một cách nhẹ nhàng. Ngư dân vì thế giảm được sức người trong khai thác hải sản.